Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Bữa Tiệc Cuộc Đời | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN C 16
(Lc.14,1.7-14)

BỮA TIỆC CUỘC ĐỜI

000001aatiec

1 Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người.

7 Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này: 8 “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, 9 và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: “Xin ông nhường chỗ cho vị này. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. 10 Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: “Xin mời ông bạn lên trên cho. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. 11Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

12 Rồi Đức Giê-su nói với kẻ đã mời Người rằng: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. 13 Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. 14 Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.”

_____________

SUY NIỆM

BỮA TIỆC CUỘC ĐỜI

Chỗ ngồi trong bữa tiệc

Người ta dễ trở nên kiêu căng khi tự thấy mình quá lớn, quá quan trọng. Người có địa vị cao thường mắc căn bệnh ấy. Cuộc sống tất nhiên nó có nấc thang giá trị cùa nó. Chỗ ngồi  có vị trí trên nấc thang giá trị ấy. Việc định chỗ ngồi nơi tiệc tùng, lễ hội… có thứ tự trên dưới là chuyện bình thường. Ở đây chúng ta đề cập đến thái độ của những người “tự cho mình là lớn”, là nhân vật quan trọng. Nói theo cách nói ngày nay là nhân vật VIP. (Very Important Person).

Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhấtngồi. (Lc.14,7).

Thái độ “cứ chọn cỗ nhất mà ngồi” đó là sự chọn lựa từ niềm hãnh diện tự cao, tự tôn về địa vị, về “chiếc ghế” của đương sự. Ý nghĩa của thái độ “cứ chọn cỗ nhất mà ngồi” chắc chắc nó không chỉ dừng lại ở đó – chuyện ăn uống,  vì sự kiêu căng thì dẫn đến muôn thứ quyết định khó lường. Chính vì thế, ngay sau đó Chúa Giêsu cho một lời giáo huấn ở phạm vi rộng hơn và lớn lao hơn“Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” (Lc.14,11).

Tính kiêu căng dẫn con người đến chỗ ích kỷ, chỉ biết có mình, tôn thờ mình và khó đến với người khác.

Nguyên tổ con người Adam và Eva đã “bị hạ xuống” khi muốn “tôn mình lên” qua lời cam kết của ma quỷ: Không chết chóc gì đâu, ông bà sẽ nên như những vị thần” (St 3,5).

Đời như một bữa tiệc, ai cũng muốn được “có ăn, ăn no, ăn ngon”, được “ấm no, hạnh phúc”. Lịch sử của nhân loại cho thấy biết bao mất mát đau thương từ mầm móng kiêu căng của con người. Hận thù, chia rẽ, tranh giành, cấu xé, chiến tranh… Kiêu căng bóp chết tình yêu và sự bình an. Vì thế, kiêu căng khó có  thể chia sẻ ấm no và đùm bọc đồng loại được. “khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù”. (Lc.14,13).

Bữa tiệc cuộc đời

Ai cũng muốn tỏ ra địa vị mình cao, chứng minh mình là người lớn; Ai cũng muốn “ăn trên ngồi trốc”, thì “bữa  tiệc cuộc đời” không thể tránh khỏi sự bất ổn, bất hòa, tranh chấp. Một bữa tiệc thiếu tình yêu thì có còn là bữa tiệc đúng nghĩa không? Tình yêu thể hiện ở sự khiêm nhượng. Sự khiêm nhượng là yếu tố cốt lõi của sự phục vụ, và phục vụ là tiếng nói của tình yêu.

Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mt.20,26-28).

Vì thế, con người không thể sống nếu thiếu tình yêu, và tình yêu không thể tồn tại nếu thiếu khiêm nhượng.

Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” (Mt 11, 29b).

Đức Giê su đã dạy con người bài học khiêm nhượng  bằng chính cuộc đời Ngài. Bài học vĩ đại, quyết liệt và cảm động.

“Đức Giê su Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa
Mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ
trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế.

Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập giá.
(Pl.2,6-11).

Ai cũng biết cuộc đời có “làm” mới có “ăn”. Ăn để sống chứ không phải sống để ăn. Khi người ta “sống để ăn” thì người ta khoanh giá trị cuộc đời này ở chỗ “sống để hưởng thụ trần gian”. Đó cũng là nguyên nhân người ta loại bỏ dần những giá trị truyền thống cao quý để tìm thỏa mãn những thú vui trước mắt, những giá trị tạm bợ phù phiếm.

Từ đó, người ta tranh giành nhau địa vị – “chỗ ngồi” ở bữa tiệc cuộc đời. Bởi vì “chỗ ngồi” nói lên “giá trị” của người dự tiệc, thứ giá trị được nhìn thấy ở cái vỏ bề ngoài.

Ôi, “cái ghế bữa tiệc cuộc đời” lắm khi quá lớn. Vì cái danh giá ấy, người ta có thể thanh toán nhau, loại trừ nhau, bắn hạ nhau ngay ở bàn tiệc…

Miếng ăn và cái gọi là danh dự của chiếc ghế, làm cho người ta không còn sống vì  đồng nghiệp, đồng minh, đồng môn, đồng chí, đồng loại… mà chỉ vì đồng tiền thôi, chỉ vì “miếng ăn” thôi.

“Đừng ngồi vào cỗ nhất (Lc.14,8).

Lời giáo huấn của Chúa Giêsu thật vượt thời gian, tựa như Ngài đang quan sát thực khách trong “bữa tiệc cuộc đời hôm nay”…

“Đừng ngồi vào cỗ nhất” (Lc.11,8).

Thật không khó khi chúng ta nhìn vào bức tranh xã hội hôm nay, bức tranh “bữa tiệc cuộc đời” hôm nay, để thấy tham vọng, lợi lộc, hưởng thụ, sự nguy hiễm cùng với sự phù phiếm của nó.

Lạy Chúa,

Xin cho con nhận ra,
bằng đôi mắt tâm hồn,
chỗ ngồi của con
trong “bữa tiệc cuộc đởi”.

Góc ngồi nào nơi bữa tiệc
cho đời con vui nhất
trong  tâm tình chân thật
ý nghĩa của đời con.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

_____________

Bạn đọc có thể xem thêm bài suy niệm cũ năm 2013 tại Địa Chỉ:
http://thegioiriengtu.com/dung-chan/333-tiec

 

Bài liên quan

Check Also
Close
Back to top button