Con Đường Tôi Luyện | Mai Nhật Thi | Nghệ Thuật Sống
CON ĐƯỜNG TÔI LUYỆN
Câu chuyện Cậu Bé Mồ Côi :
Ngày xửa ngày có bảy anh em nhà nọ. Tất cả họ đều khỏe mạnh và đẹp trai ngoại trừ cậu em út. Cậu yếu ớt và xấu xí.Các anh trai cười nhạo cậu. Rồi cha mẹ họ qua đời. Sáu người anh bắt em út của họ làm đủ mọi việc nặng nhọc và dơ bẩn. Cuộc sống của cậu rất khổ sở. Vì vậy cậu nghĩ : “Mình sẽ đi tìm thần Zanahari. Mình sẽ nhờ ông ấy giúp mình.”
Một sáng nọ cậu bé mồ côi thức dậy sớm. Cậu ra khỏi nhà. Trên đường đi, cậu gặp một ông lão. “Cháu đi đâu thế ?”. Ông lão hỏi.
“Cháu muốn gặp thần Zanahari,” cậu bé mồ côi trả lời. “Ông có thể cho cháu biết làm cách nào tìm ông ấy không ạ ?”
“Được”, ông lão nói. “Hãy băng qua ngọn núi này. Bên kia núi có một cánh đồng mía. Nó thuộc về Zanahari. Đừng sờ vào mía. Cứ đi tiếp cháu sẽ nhìn thấy những con cừu của Zanahari. Chớ chọc phá chúng. Tiếp đó cháu sẽ thấy những cây cam của Zanahari. Những quả cam này to và đẹp, nhưng đùng hái quả nào. Rồi cháu sẽ thấy một ngọn núi khác. Hãy leo qua núi và cháu sẽ thấy những con bò của Zanahari. Chớ có ném đá chúng. Sau đó cháu sẽ thấy một cái ao đẹp, trong vắt. Đừng uống nước trong ao, nó thuộc về Zanahari. Cuối cùng cháu sẽ đến nhà Zanahari. Vợ ông ấy sẽ ra mở cửa. Hãy lễ phép với bà ấy. Bà ấy sẽ cho cháu một ít nước. Chớ có chạm vào cái bình khi cháu uống nhé.”
Cậu bé mồ côi cám ơn ông lão. Ông mĩm cười và bỏ đi.
Cậu bé leo lên núi và nhìn thấy một cánh đồng mía tươi tốt. Cậu không sờ vào nó. Cậu tiếp tục đi và nhìn thấy một vài con cừu béo tốt. Cậu không chọc phà chúng. Rồi cậu nhìn thấy vài cây cam. Cậu đói và khát. Cậu muốn ăn một quả cam, nhưng cậu đã không làm thế. cậu băng qua một ngọn núi khác và nhìn thấy một vài con bò. Cậu không chọc phá chúng. Cậu đi đến một cái ai xinh đẹp. cậu rất khát, nhưng cậu đã không uống.
Cuối cùng cậu bé mồ côi đi đến ngôi nhà của Zanahari. Vợ của vị thần ra mở cửa. Cậu bé lễ phép hỏi xin nước. Bà mang ra một cái bình. Cậu bé không chạm vào bình. Cậu há miệng và bà rót vào miệng cậu.
Zanahari đi vào phòng và hỏi : “Ngươi ước muốn điều gì ?”
“Cháu muốn khỏe mạnh và đẹp trai.”
“Trên đường đến đây, ngươi có thấy cánh đồng mía của ta không ?”
“Dạ, cháu có nhìn thấy, nhưng cháu đã không sờ vào mía.”
“Ngươi có nhìn thấy những con cừu của ta không ?”
“Dạ, cháu có nhìn thấy, nhưng cháu đã không chọc phá chúng.”
“Còn những quả cam của ta thì sao ?”
“Cháu có nhìn thấy chúng, nhưng cháu đã không hái quả nào.”
“Ngươi có nhìn thấy những con bò của ta không ?”
“Dạ, cháu có nhìn thầy, nhưng cháu đã không ném đá vào chúng”
“Còn cái ao của ta thì sao ?”
“Ao thật trong, nhưng cháu đã không uống nước trong ao.”
Zanahari hỏi vợ :”Lúc bà đưa nước cho hắn, hắn có chạm vào cái bình không ?”
“Không, cậu ấy không chạm vào,” bà ta trả lời. “Cậu ấy rất lễ phép.”
Zanahari đặt tay lên đầu cậu trẻ mồ côi. Ngài làm cho cậu khỏe mạnh và đẹp trai. Cậu bé mồ côi sung sướng cảm ơn Zanahari và đi về nhà. Các anh trai cậu rất ngạc nhiên.
“Chuyện gì xảy ra với mày thế ? Mày đi đâu thế ? họ hỏi.
“Các anh biết đấy, em thật bất hạnh. Em đi gặp thần Zanahari. Ông ấy đã biến đổi em.”
Sáu người anh này nghĩ : “Chúng ta cũng sẽ đi gặp ông ấy. Rồi Zanahari sẽ làm cho chúng ta khỏe mạnh và đẹp trai hơn.”
Những người này đi ra ngoài đường. Ở đó họ gặp một ông lão. Ông ta chỉ dẫn cho họ giống như đã chỉ dẫn cho cậu em út của họ. Nhưng sáu người anh em này không chịu tuân theo những lời chỉ dẫn. “Không ai nhìn thấy chúng ta,” họ nói.
Cuối cùng họ đi đến nhà Zanahari. Vị thần hỏi : “Các ngươi muốn gì ?”
“Chúng tôi muốn khỏe mạnh và đẹp trai hơn.”
“Trên đường đến đây các ngươi có thấy cánh đồng mía của ta không ?”
“Có, chúng tôi có thấy, và chúng tôi đã bứng vài cây mía.”
“Các ngươi có thấy những con cừu của ta không ?”
“Có thấy. Chúng tôi đói, vì thế chúng tôi ăn một con.”
“Các ngươi có thấy những quả cam của ta không ?”
“Có, chúng tôi đã ăn vài quả.”
“Các ngươi không ném đá vào những con bò của ta đấy chứ ?”
“Có, chúng tôi có ném.”
Rồi Zanahari hỏi vợ : “Họ cư xử có tốt không ?”
“Không, họ thô lỗ,” bà nói. “Họ còn cầm lấy bình nước nữa.”
Zanahari giận dữ :“Các ngươi thô lỗ và không tuân theo những chỉ dẫn. Các ngươi cư xử như một con vật. Ta sẽ biến các ngươi thành những con vật.”
Ông biến họ thành một con thằn lằn, một con rắn, một con ếch, một con cóc, một con dơi và một con tắc kè hoa. Tất cả bọn chúng bỏ chạy vào núi.
Người em út có được tất cả những thứ thuộc về gia đình. Cậu sống hạnh phúc mãi về sau.
(The Little Orphan. Turkish. Tales From Many Lands).
______________
Chút Suy Tư
“Được khỏe – đẹp” là coi như Hạnh Phúc. “Khỏe” : Người xưa có câu “Mens sana in corpore sano “một tâm trí sáng suốt trong một cơ thể cường tráng”. “Đẹp” : dễ gây thiện cảm người khác, dễ giao du, dễ thuyết phục người khác. Nhất là những nghề cần xuất hiện trước công chúng, như nghệ sĩ, diễn viên, ca sĩ, nói chung là những người của công chúng…
Phân tích thoáng qua Câu chuyện Cậu Bé Mồ Côi, có vài điểm chúng ta cùng ghi nhận.
Có thể coi như có hai nhóm cùng đi tìm “Khỏe – Đẹp”, một là Đứa Em Út (Đứa Bé Mồ Côi) và hai là Sáu Anh Em còn lại trong gia đình có 7 anh em mồ côi cha mẹ. Nhưng hai nhóm đi tìm “Khỏe – Đẹp” có nhiều điểm rất khác nhau :
1. Nguyên nhân đi tìm con đường hạnh phúc:
Đứa em út vì buồn tủi, thiếu tình thương. . “Sáu người anh bắt em út của họ làm đủ mọi việc nặng nhọc và dơ bẩn. Cuộc sống của cậu rất khổ sở.” (trích truyện)
Mấy người anh vì ganh tỵ với sự “khỏe – đẹp” mà em mình vừa có. Sáu người anh này nghĩ : “Chúng ta cũng sẽ đi gặp ông ấy. Rồi Zanahari sẽ làm cho chúng ta khỏe mạnh và đẹp trai hơn.”(trích truyện)
2. Trên đường đi tìm hạnh phúc
Tư cách của đứa em út rất có nhân bản, có nhân tâm. Cậu luôn nghe theo lời hướng dẫn của ông lão tốt bụng, biết kềm chế bản năng, chống trả những cơn cám dỗ, không ăn uống bừa bãi, không đụng tới những gì không phải là của mình, biết tôn trọng người khác.
Đứa bé biết kiểm soát sự suy nghĩ, lời ăn tiếng nói của mình, hành vi của mình bằng nội tâm của mình, bằng “thiện căn ở tại lòng ta”, bằng sự phán xét trong sâu thẳm lòng mình. Vì thế, dù chỉ có một mình, “không ai thấy”, đứa bé vẫn tuân theo lời hướng dẫn trong cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc theo nguyện ước của mình. Đứa bé không suy nghĩ và hành động vì tác động từ bên ngoài, mà từ bên trong, từ tiếng nói lương tâm. Rồi cậu nhìn thấy vài cây cam. Cậu đói và khát. Cậu muốn ăn một quả cam, nhưng cậu đã không làm thế. cậu băng qua một ngọn núi khác và nhìn thấy một vài con bò. Cậu không chọc phá chúng. Cậu đi đến một cái ao xinh đẹp. cậu rất khát, nhưng cậu đã không uống. (trích truyện).
Lễ phép và bình tĩnh trước hoàn cảnh mới cần phải thích nghi. Zanahari hỏi vợ :”Lúc bà đưa nước cho hắn, hắn có chạm vào cái bình không ?”- “Không, cậu ấy không chạm vào,” bà ta trả lời. “Cậu ấy rất lễ phép.” (trích truyện). Chúng ta cũng biết, theo tục lệ Á Đông, ta đến nhà, chủ nhà chưa mời nước, ta không được tự lại lấy bình nước uống. Tương tự như thế, khi chủ nhà pha trà, chủ nhà chưa lấy bình trà rót ra chung trà mời khách, ta không có quyền tự ý lấy bình trà rồi tự rót cho mình. Nghĩa là ta không nên “chạm vào bình trà khi chủ nhà chưa mời và tự tay rót nước cho ta”. Đó là “quyền phục vụ” của chủ nhà ta phải tôn trọng.
Ngược lại, tư cách của những người anh hoàn toàn khác. Sống theo bản năng như thú vật. Đói thì ăn, khác thì uống, không cần biết gì là của ai. Chẳng quan tâm gì đến người khác. “Các ngươi có thấy những con cừu của ta không ?” – “Có thấy. Chúng tôi đói, vì thế chúng tôi ăn một con.” (trích truyện).
Những người này thiếu đời sống nội tâm, nên suy nghĩ và hành động nông cạn. Họ kiểm soát suy nghĩ và hành động của họ từ những tác động bên ngoài, không được hướng dẫn từ bên trong – từ cái tâm chân thiện – thì làm sao có hành vi chân thật và tốt đẹp được. Nhưng sáu người anh em này không chịu tuân theo những lời chỉ dẫn. “Không ai nhìn thấy chúng ta,” họ nói. (trích truyện).
Vội ăn vội nói. Ăn nói hồ đồ, vô lễ vô nghĩa. Chẳng cần biết kẻ trên người dưới. Rồi Zanahari hỏi vợ : “Họ cư xử có tốt không ?” – “Không, họ thô lỗ,” bà nói. “Họ còn cầm lấy bình nước nữa.”. (trích truyện)
3. Cái kết khác nhau
Đối với đứa bé mồ côi : Tư cách có nhân phẩm thì là người. Xứng đáng là người. “Zanahari đặt tay lên đầu cậu trẻ mồ côi. Ngài làm cho cậu khỏe mạnh và đẹp trai. Cậu bé mồ côi sung sướng cảm ơn.” (trích truyện) Chúng ta cũng biết cử chỉ “đặt tay lên đầu” là chúc phúc.
Đối với những người anh của đứa bé này : Tư cách thiếu nhân phẩm thì xem như không phải là người, ít nhất là trong câu chuyện hôm nay. Zanahari giận dữ :”Các ngươi thô lỗ và không tuân theo những chỉ dẫn. Các ngươi cư xử như một con vật. Ta sẽ biến các ngươi thành những con vật.” (trích truyện).
4. Bức tranh xã hội hôm nay.
Ai cũng phải nhìn nhận xã hội hôm nay rất tiến bộ văn mình, và thật sự ai cũng phải đau lòng nhìn nhận xã hội hôm nay có quá nhiều thứ vô đạo đức và vô nhân tâm.
Đặc biệt gần đây, ta nghe rất rất đông những người được gọi là người của công chúng Nói và Làm trong tầm hoạt động được cho là nghệ thuật của họ… Họ là một bộ phận ảnh hưởng lớn đối với công chúng, nhưng xót xa thay, ảnh hưởng của họ thời gian qua là thứ ảnh hưởng vị kỷ và tanh ói mùi vị kim tiền. Càng ngày, càng lộ ra những con người và sự việc giả tạo, phi nhân bản.
Dễ hiểu thôi, vì có bao việc động trời đổ bể ra từ sự suy nghĩ đã bị hóa thạch trong môi trường sống tôn thờ vật chất và tiền của. Không ai nhìn thấy chúng ta. (trích truyện)
Ai cũng có một con đường đi tìm hạnh phúc – “Khỏe – Đẹp”- theo kiểu quan niệm thực tế thông thường.
Dù có thể khác nhau, nhưng chắc chắn nó luôn có điểm giống nhau, là phải “tôi luyện bản thân” để có được thứ hạnh phúc chân chính đúng với phẩm giá con người.
Hạnh phúc ấy cho bản thân và cho đồng loại.
MAI NHẬT THI