Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Sức Mạnh Của Niềm Tin | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 13 THƯỜNG NIÊN B
(Mc.5-21-43)
****
SỨC MẠNH CỦA NIỀM TIN

21 Khi ấy, Đức Giê-su xuống thuyền, lại trở sang bờ bên kia. Một đám rất đông tụ lại quanh Người. Lúc đó, Người đang ở trên bờ Biển Hồ. 22 Có một ông trưởng hội đường tên là Gia-ia đi tới. Vừa thấy Đức Giê-su, ông ta sụp xuống dưới chân Người, 23 và khẩn khoản nài xin: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống.” 24 Người liền ra đi với ông. Một đám rất đông đi theo và chen lấn Người.

25 Có một bà kia bị băng huyết đã mười hai năm, 26 bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều đến tán gia bại sản, mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác. 27 Được nghe đồn về Đức Giê-su, bà lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người, và sờ vào áo của Người. 28 Vì bà tự nhủ: “Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu.” 29 Tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. 30 Ngay lúc đó, Đức Giê-su thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra, Người liền quay lại giữa đám đông mà hỏi: “Ai đã sờ vào áo tôi? ” 31 Các môn đệ thưa: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: “Ai đã sờ vào tôi?” 32 Đức Giê-su ngó quanh để nhìn người phụ nữ đã làm điều đó. 33 Bà này sợ phát run lên, vì biết cái gì đã xảy đến cho mình. Bà đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người. 34 Người nói với bà ta: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.”

35 Đức Giê-su còn đang nói, thì có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo: “Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?” 36 Nhưng Đức Giê-su nghe được câu nói đó, liền bảo ông trưởng hội đường: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi.” 37 Rồi Người không cho ai đi theo mình, trừ ông Phê-rô, ông Gia-cô-bê và em ông này là ông Gio-an. 38 Các ngài đến nhà ông trưởng hội đường. Đức Giê-su thấy người ta khóc lóc, kêu la ầm ĩ. 39 Người bước vào nhà và bảo họ: “Sao lại náo động và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” 40 Họ chế nhạo Người. Nhưng Người bắt họ ra ngoài hết, rồi dẫn cha mẹ đứa trẻ và những kẻ cùng đi với Người, vào nơi nó đang nằm. 41 Người cầm lấy tay nó và nói: “Ta-li-tha kum”, nghĩa là: “Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi! ” 42 Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi. Và lập tức, người ta kinh ngạc sững sờ. 43 Đức Giê-su nghiêm cấm họ không được để một ai biết việc ấy, và bảo họ cho con bé ăn.
_________________ 

SUY NIỆM
    
SỨC MẠNH  NIỀM TIN

I. Khát vọng được sống

Có một câu chuyện nhỏ mang tên “Ngọn lửa hy vọng” nội dung như sau:

Mỗi ngày, bất kể giờ giấc, cô bé đều đến gõ cửa hàng tạp hóa để mua vài cây đèn cầy. Thời gian kéo dài một tháng, rồi hai tháng, cô bé vẫn đều đặn đến mua như vậy.

Thấy lạ, người bán hàng mới hỏi:

–  Cháu thích ánh sáng đèn cầy lắm phải không ?

Cô bé nhẹ nhàng đáp:

– Cháu rất thích ánh sáng lung linh của nó, vì nó có thể giúp mẹ cháu sống mãi với cháu.

Người bán hàng ngạc nhiên không hiểu, cô bé liền giải thích:

– Mẹ cháu bị ung thư nặng lắm ! Bố cháu bảo. nếu cháu có thể làm cho ngọn đèn cầy không tắt thì mẹ sẽ ở mãi bên cháu. Do đó cháu dành dụm tiền mua đèn  cầy để thắp sáng trong nhà.

Khát vọng lớn lao nhất của con người là được sống. sống dài lâu. Nỗi đau đớn nhất của con người là cái chết, là sự chia ly, vĩnh biệt.

Con người luôn muốn giữ mãi sự sống. Nhưng con người không thể làm được điều đó.

Suy cho cùng, tất cả mọi việc làm của con người đều nhắm tới sự sống. Ngay cả những phương tiện chiến tranh đem đến chết chóc cũng là gì giành lấy sự sống và quyền sống.

Cay đắng thay, trong khi con người cố đi tìm và tranh giành sự sống thì con người đi đến chỗ chết, vì con người không nhận ra được Đấng trao ban sự sống, và không đi đúng con đường dẫn tới sự sống. 

Sự sống không ai có thể cho ta được ngoại trừ Đấng đã tạo ra nó.

Thiên Chúa là Đấng tạo ra sự sống. Là chính sự sống. Là nguồn sống cho mọi loài, cho con người.

“Ngọn lửa hy vọng” mà cuộc đời hứa hẹn, rồi sớm muộn gì cũng tắt, vì cuộc đời không thể cho đạt được trọn vẹn niềm mơ ước.

Chỉ có Thiên Chúa, Đấng là nguồn vui, là nguồn hạnh phúc, là A và Ω, mới có thể đong đầy mọi khác vọng chính đáng của con người, trong đó, nền tảng là “sự sống”, nguồn của mọi mơ ước. Không có sự sống là không có gì cả.

Thế  nên, con người phải nhận biết Thiên Chúa và Tin Tưởng vào Ngài.

Trong nghi thức ban bí tích Rửa Tội cho tân tòng, phần nghi thức tiếp nhận, có ghi rõ:

Chủ lễ: Anh (chị…) xin gì cùng Hội Thánh Chúa ?

Thỉnh nhân: Thưa con xin Đức Tin.

Chủ lễ: Đức Tin sinh lợi ích gì cho anh (chị…) ?

Thỉnh nhân: Thưa Đức Tin đem lại cho con sự sống đời đời.

Chủ lễ: Sự sống đời đời là anh (chị…) nhận biết Thiên Chúa thật và Đấng Người sai đến là Đức Giê-su Ki-tô. Vì chưng, Đức Ki-tô đã sống lại từ cõi chết, đã được Thiên Chúa đặt làm nguồn mạch sự sống và Chúa tể mọi loài hữu hình và vô hình. (…)

“Sự sống đời đời ở tại tin nhận Chúa Cha là Thiên Chúa thật và Đức Giê-su Ki-tô là Đấng Chúa Cha sai đến. Không ai đã lên trời, ngoại trừ Đấng bởi trời mà xuống, tức là Con Người. Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi ban Con Một mình cho thế gian để những ai tin Ngài sẽ không hư mất mà được sống đời đời. Ai tin Ngài sẽ không bị luận phạt, ai không tin đã bị luận phạt rồi vì họ không tin vào danh Con Một Thiên Chúa”(Ga 3, 13-18).

II. Sức mạnh của Niềm Tin

+ 2. Làm được những việc lớn lao

Sức mạnh của niềm tin có thể làm được tất cả ư ?  Vâng !

“Nếu anh em có lòng tin bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: “Hãy bật rễ lên, xuống biển kia mà mọc”, nó cũng sẽ vâng lời anh em” (Mt 17, 20). “Hoặc bảo núi này rằng: Rời khỏi đây, qua bên kia đi! nó cũng sẽ qua” (Lc 17, 6)

Tôi có thể làm được mọi sự nhờ Đấng ban sức mạnh cho tôi (Pl 4,13).

Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được (Ga 15,5).

+ 2. Vượt qua bão táp phong ba

Đủ sức vượt qua những thử thách cuộc đời trong sự che chở và bảo vệ của Thiên Chúa.

“Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao? ” Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi! ” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ. Rồi Người bảo các ông: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?”. Các ông hoảng sợ và nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?” (Mc.4,35-41).

An lành hồn xác

“Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình ankhỏi hẳn bệnh.” (Mc 5,21-43)

+ 3. Cuộc sống no đầy

Các ông bàn tán với nhau về chuyện các ông không có bánh. Biết thế, Người nói với các ông: “Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh? Anh em chưa hiểu chưa thấu sao? Lòng anh em ngu muội thế! Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư? Anh em không nhớ sao: khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu thúng đầy mẩu bánh?” Các ông đáp: “Thưa được mười hai.” “Và khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu giỏ đầy mẩu bánh?” Các ông nói: “Thưa được bảy.” Người bảo các ông: “Vậy mà anh em vẫn còn chưa hiểu sao ?” Mc 8, 14-21

+ 3. Sự sống đời đời

“Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin như thế không?” Cô Mát-ta đáp: “Thưa Thầy có. Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian” (Ga 11, 25-26).

Người cầm lấy tay nó và nói: “Ta-li-tha kum”, nghĩa là: “Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi! Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi. Và lập tức, người ta kinh ngạc sững sờ. (Mc. 5,21-43).

+ 4. Xác thịt lại yếu đuối

“Sức mạnh của Đức Tin”, ta biết vậy rồi, nhưng xác thịt lại thường yếu đuối, nó đi ngược lại những gì ta hiểu biết.

“Simon, con ngủ ư? Con không thể thức được dù chỉ một giờ sao? Hãy tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi sa cám dỗ. Tinh thần thì mau mắn,nhưng xác thịt lại yếu đuối” (Mc 14, 37b – 38).

Chính xác thịt đã kéo con người đến lối sống “tục hóa”. Và với lối sống ấy, con người xa dần Thiên Chúa, Đức Tin suy yếu đi và có nguy cơ đánh mất.

Đức Giáo Hoàng Bê-ne-đic-tô đã nói:

“Sự Tục Hóa này không chỉ là một sự đe dọa bên ngoài đối với các tín hữu, nhưng nó đã biểu hiện từ lâu ngay trong lòng Giáo Hội. Nó làm biến chất Đức Tin Ki-tô Giáo từ bên trong và sâu xa, và, vì thế, cũng làm biến chất phong cách sống và cách hành xử thường ngày của các tín hữu.

Họ sống trong thế gian và rất thường khi bị in dấu, thậm chí là nền văn hóa hình ảnh áp đặt những kiểu mẫu và những thôi thúc mâu thuẫn trong việc phủ nhận thực tiễn Thiên Chúa: không còn cần đến Thiên Chúa, không còn cần suy nghĩ đến Ngườiquay về lại với Người.

Hơn nữa, não trạng theo chủ nghĩa khoái lạcnão trạng hưởng thụ đang lấn lướt, tạo điều kiện thuận lợi, không chỉ nơi giáo dân, mà cả nơi các mục tử, cho một sự chệch hướng tiến tới sự nông cạn, hời hợt, và chủ nghĩa vị kỷ làm hại đến đời sống Giáo Hội. (Bê-nê-đic-tô XVI – Diễn văn trong phiên họp khoáng đại Hội Đồng Giáo Hoàng đặc trách Văn Hóa, ngày 08.03.2008).

Ước ao của xác thịt chính là Sự Chết, trong khi mong ước của Tinh Thần, đó là Sự SốngBình An (Rm,8,6).

Lạy Chúa,

Chúa biết con yếu đuối…
Xin cho con ánh mắt nhân từ
Như Ngài đã trao cho Phê-rô
Khi ông chối Chúa

Xin bảo vệ con
Như đã bảo vệ người phụ nữ ngoại tình
Thoát khỏi hành hình
Khi bao bàn tay chực sẵn chờ ném đá

Xin đón nhận con muôn lần sám hối
Như đón nhận giọt lệ ăn năn
Của người phụ nữ khóc dưới chân Ngài
Và lau chân Ngài bằng suối tóc.

Xin cho con được sống bên Ngài
Dù Niềm Tin phai úa…
Trong Vương Quốc Vĩnh Hằng
Của Thiên Chúa Tình Yêu. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng

Bài liên quan

Check Also
Close
Back to top button