Sức Mạnh Từ Bên Trong | Mai Nhật Thi | Nghệ Thuật Sống
SỨC MẠNH TỪ BÊN TRONG
Trong Điển Cố Trung Hoa có kể một câu chuyện :
Khi xưa, ở Quý Châu không có con lừa. Có một người chăm chỉ đã mua từ bên ngoài về một con lừa, dùng thuyền để chở tới Quý Châu. Vì Quý Châu là vùng nhiều đồi núi, trong chốc lát, người này vẫn chưa nghĩ ra con lừa này có thể trèo lên cao như thế nào, cho nên mới chăn nó dưới chân núi. Ở vùng núi này, hổ báo chưa từng nhìn thấy lừa. Có một ngày, nó phát hiện thấy con lừa, cảm thấy con lừa này rất lớn, còn cho là nó là thần, cũng chẳng biết nó có tài năng gì, cho nên không dám tiến đến gần.
Thế rồi con hổ nấp ở phía xa, lén quan sát nhất cử nhất động của con lừa. Sau một thời gian, con hổ yên tâm bước vài bước tới gần con lừa, nghĩ kỹ xem rốt cuộc con vật kỳ lạ này là con gì.
Hổ đi ra khỏi rừng sâu, từng bước từng bước lại gần chỗ con lừa, nhưng không để con lừa phát hiện, bỗng nhiên con lừa lớn tiếng kêu lên, âm thanh của tiếng kêu vọng vào trong vách núi. Tiếng kêu của con lừa khiến hổ khiếp sợ đến mức chạy đi thật xa vì cho rằng lừa muốn ăn thịt mình.
Vài ngày trôi qua, con hổ vẫn muốn biết về con lừa, bèn từ từ từng bước tiến tới gần con lừa, quan sát đi quan sát lại, cũng chẳng thấy con lừa này động tĩnh gì khác lạ, cũng không phát hiện ra con lừa này có khả năng đặc biệt gì, dường như nó chỉ biết kêu mấy tiếng.
Sau này, hàng ngày, con hổ đã quen với tiếng kêu của lừa, cảm thấy lừa chẳng có gì đặc biệt, xuất chúng, dần dần cũng dám lại gần. Thế rồi, hổ ngày một tiến tới gần lừa, nó còn đi qua đi lại trước mặt con lừa, mà cuối cùng vẫn bình an vô sự. Dần dần, hổ lại càng tiến sát hơn về phía con lừa, thậm chí còn đá vào thân con lừa, cố ý mạo phạm đến nó. Có lần, hổ thử dùng móng vuốt của mình cào con lừa, con lừa cuối cùng cũng bị chọc đến tức giận, nó liền dùng chân đá cho hổ một phát. Hổ chẳng thấy đau đớn gì, càng sung sướng nghĩ rằng:”Té ra con vật kỳ lạ này chẳng giống như ta nghĩ, chỉ có chút bản lĩnh thế này thôi ư ! Chẳng đáng sợ chút nào !”
Thế rồi, hổ bèn gầm lớn một tiếng, giương đôi móng vuốt phía trước, bổ nhào lên, nhe đôi nanh lớn, ngoạm vào cổ con lừa, ăn một bữa no nê. Sau khi ăn no, con hổ mới lau sạch miệng, ngúng nguẩy bước đi.
______________
Chút Suy Tư
+ 1. Con Lừa
Thực lực con lừa, bản lĩnh con lừa thì chỉ có thế. Ở đây, con lừa cũng không biết về con hổ, chứ nếu nó biết thì nó đã cao bay xa chạy rồi. Vì nó không biết thực lực của con hổ, nó chỉ thấy con hổ dáng vẻ bề ngoài cũng chỉ thấp thấp, nho nhỏ, chả có gì đáng sợ, nên nó rất thản nhiên khi hổ xuất hiện.
+ 2. Con Hổ
Con hổ không biết con lừa. Thái độ của nó thật là thận trọng đến mức buồn cười, nhưng cũng có lý đó chứ ! không vội vã gì đối với đối tượng xa lạ còn bí hiểm mà hổ muốn tìm hiểu trước khi có thể biến thành con mồi hấp dẫn.
+ 3. Sức mạnh từ bên trong
Ai cũng biết con lừa thường được chuyện ngụ ngôn ám chỉ về những bộ óc thiếu sáng suốt nếu không muốn nói là ngu ngốc hay đần độn.
Sức mạnh không chỉ ở thể xác cường tráng mà ở trí khôn thông minh. Chúng ta nhớ lại câu chuyện ngụ ngôn về “Trí khôn tao đây” mà thế hệ học trò ngày xưa đã được biết tới ngay từ thời tiểu học.
Một con cọp từ trong rừng đi ra, thấy một anh nông dân cùng một con trâu đang cày dưới ruộng. Trâu cặm cụi đi từng bước, lâu lâu lại bị quất một roi vào mông. Cọp lấy làm ngạc nhiên lắm. Ðến trưa, mở cày, Cọp liền đi lại gần Trâu hỏi:
– Này, trông anh khỏe thế, sao anh lại để cho người đánh đập khổ sở như vậy?
Trâu trả lời khẽ vào tai Cọp:
– Người tuy nhỏ, nhưng người có trí khôn, anh ạ!
Cọp không hiểu, tò mò hỏi:
– Trí khôn là cái gì? Nó như thế nào?
Trâu không biết giải thích ra sao, đành trả lời qua quýt:
– Trí khôn là trí khôn, chứ còn là cái gì nữa? Muốn biết rõ thì hỏi người ấy!
Cọp thong thả bước lại chỗ anh nông dân và hỏi:
– Trí khôn của anh đâu, cho tôi xem một tí có được không?
Anh nông dân suy nghĩ một lát rồi nói:
– Trí khôn tôi để ở nhà. Ðể tôi về lấy cho anh xem. Anh có cần, tôi sẽ cho anh một ít.
Cọp nghe nói, mừng lắm.
Anh nông dân toan đi, lại làm như sực nhớ ra điều gì bèn nói:
– Nhưng mà tôi đi khỏi, lỡ anh ăn mất trâu của tôi thì sao?
Cọp đang băn khoăn chưa biết trả lời thế nào thì anh nông dân đã nói tiếp:
– Hay là anh chịu khó để tôi buộc tạm vào gốc cây này cho tôi được yên tâm.
Cọp ưng thuận, anh nông dân bèn lấy dây thừng trói cọp thật chặt vào một gốc cây. Xong anh lấy rơm chất chung quanh Cọp, châm lửa đốt và quát:
– Trí khôn của ta đây! Trí khôn của ta đây!
Trâu thấy vậy thích quá, bò lăn ra mà cười, không may hàm trên va vào đá, răng gãy không còn chiếc nào.
Mãi sau dây thừng cháy đứt, Cọp mới vùng dậy ba chân bốn cẳng chạy thẳng vào rừng không dám ngoái nhìn lại.
Từ đó, cọp sinh ra con nào trên mình cũng có những vằn đen dài, vốn là dấu tích những vết cháy, còn trâu thì chẳng con nào có răng ở hàm trên cả.
Cọp cũng có nhiều loại cọp, Cọp giấy, cọp ảo, cọp hình nộm…
Người cũng vậy…
Vua chèo còn chẳng ra gì,
Quan chèo vai nhọ khác chi thằng hề”.
(Lời vợ anh phường chèo – Nguyễn Khuyến)
Ghế tréo lọng xanh ngồi bảnh chọe,
Nghĩ rằng đồ thật hoá đồ chơi!”.
(Tiến sĩ giấy – Nguyễn Khuyến).
Nhìn xa hơn…
Từ cá nhân một con người, một tập thể, một dân tộc… đều phải biết thế nào là Sức Mạnh Từ Bên Trong. Biết mình và biết người. Tri kỷ, tri bỉ.
Thí dụ rõ nhất là chuyện một nước lớn muốn xâm lăng một nước nhỏ. Ý đồ xâm lăng có khi không trắng trợn là xóa tên nước đó trên bản đồ… mà cứ gặm nhắm từ từ, rồi đặt ách nô lệ thời đại, sự lệ thuộc và quỳ lạy của một dân tộc nhược tiểu. Trên đất liền thì nay lấn ranh chỗ này, mai lấn ranh chỗ kia… Ngoài biển cả thì nay đớp đảo này, mai đớp đảo nọ…
Cứ xà quần xà quần ở kế bên hông nước nhỏ, miếng mồi chưa ăn trọn được, cho đến khi chắc chắc rằng nước nhỏ kia chỉ là thứ con lừa ngây ngô cô độc… và chỉ cần có thế, bấy giờ nước lớn sẽ nuốt chửng nước nhỏ !
Xem ra con hổ này hiểu chuyện “binh pháp” quá, hay mấy nước nuôi mộng bành trướng đã học “binh pháp” nơi loài hổ báo này ?
“Có lần, hổ thử dùng móng vuốt của mình cào con lừa, con lừa cuối cùng cũng bị chọc đến tức giận, nó liền dùng chân đá cho hổ một phát. Hổ chẳng thấy đau đớn gì, càng sung sướng nghĩ rằng:”Té ra con vật kỳ lạ này chẳng giống như ta nghĩ, chỉ có chút bản lĩnh thế này thôi ư ! Chẳng đáng sợ chút nào !”
Thế rồi, hổ bèn gầm lớn một tiếng, giương đôi móng vuốt phía trước, bổ nhào lên, nhe đôi nanh lớn, ngoạm vào cổ con lừa, ăn một bữa no nê.” (trích truyện)
Thôi, tới đây, tạm dừng câu chuyện, với chút băn khoăn, mời bạn đọc suy nghĩ và bổ túc thêm : “Đâu là Lừa, đâu là Hổ ?”
MAI NHẬT THI