Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Chăm sóc tâm hồn | NVT

         SUY NIỆM TIN MỪNG      
CHÚA NHẬT III MÙA CHAY C
(Lc.13,1-9)
****

CHĂM SÓC TÂM HỒN

1 Lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hòa lẫn với máu tế vật họ đang dâng. 2 Đức Giê-su đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao?  3 Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. 4 Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao? 5 Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”

6 Rồi Đức Giê-su kể dụ ngôn này: “Người  kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, 7 nên bảo người làm vườn: “Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất? 8 Nhưng người làm vườn đáp: “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. 9 May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.”
____________

SUY NIỆM

CHĂM SÓC TÂM HỒN

Từ sự chăm sóc Cây trái...

Trong những bài giáo huấn của Chúa Giê-su, Ngài thường dùng dụ ngôn để giảng dạy cho người nghe dễ hiểu. Trong những dụ ngôn, Chúa Giê-su thường nhiều lần đề cập đến cây cỏ, hoa trái…

Trọng tâm của Chúa Giê-su luôn nhắm tới là để con người hiểu rằng Tình Yêu của Thiên Chúa an bài trên vạn vật. Thiên Chúa tạo dựng mọi thứ đều tốt đẹp, chỉ vì “tội lỗi nhập vào thế gian”, làm mất đi sự bình an, sự hài hòa… nói một cách ngắn gọn, không còn cuộc sống an lành đích thực khi xa lìa Thiên Chúa.

“Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng, chúng không làm lụng, không kéo sợi ; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết : ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy” (Mt 6, 28-29).

Nên muốn tìm lại sự an lành, không gì khác, là kết hợp với Thiên Chúa, là sống tin tưởng và phó thác vào Tình Yêu của Ngài.

Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy”(Ga.15,1-8)).

Như cành lìa cây – câu nói ấy cho ta một hình ảnh cụ thể, rất thực tế. Cành dù xum xuê hoa trái thế mấy, tự nó, không thể sinh ra và nuôi sống hoa trái được. Chúng phải liền với thân cây, liền với cội nguồn của chúng.

Thế nên, khi người ta không còn sống đúng với bản chất đích thực của mình, khi người ta quên đi những gì góp phần làm nên nhân cách cao đẹp của mình, để lớn lên nên người sống đúng với nhân vị, ta gọi đó là “mất gốc”. Thí dụ, một người không còn nhớ chút gì đến quê hương, dân tộc, người đó là người “mất gốc”. Một người không còn nghĩ chút gì đến tình thầy trò, nghĩa bạn bè trường lớp ngày xưa, đó là người “mất gốc”…

Trường hợp cây vả trong Tin Mừng hôm nay, khiến ta có thể liên tưởng đến một câu nói trong dân gian : “Của không trồng, lòng không tiếc”. Người làm vườn yêu thích và chăm sóc từng cây, cũng tương tự như người chăn nuôi chăm sóc và bảo vệ từng con chiên, nên việc chặt bỏ đi một cây nào đó lòng họ rất tiếc xót. Nhưng, rõ ràng, nếu cây vả là cây mà mục đích của nó là sinh hoa trái mà nó không thể cho kết quả như vậy, thì chẳng ai có thể chấp nhận được. Người làm vườn có thể chờ đợi một thời gian, nhưng rõ ràng là không thể mãi mãi bảo vệ nó.

“Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó, may ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.” (Lc.13,8-9).

“vun xới chung quanh, và bón phân cho nó”, là câu nói tóm tắt việc làm chăm sóc cây vả để cho nó có thể đơm hoa kết trái. Thực tế, nói lên một sự chờ đợi đầy kiên nhẫn vì lòng yêu thương.

Đến sự chăm sóc tâm hồn.

Để là một con người tốt, con người ấy phải có một tâm hồn tốt. Nói đến con người tốt, là nói đến tâm hồn tốt. Con người tốt, không phải do ngoại hình đẹp, mà do tâm hồn tốt. Những nền giáo dục chân chính luôn nhắm tới việc thăng tiến tâm hồn con người. Nên những dạng sách “học làm người”, những dạng văn hóa đề cao giá trị nhân bản con người, bao giờ cũng đề cao “tấm lòng cao thượng”, “tấm lòng vàng”, “tấm lòng nhân ái”…Một nền giáo dục mà con người mất dần đạo đức, mất dần nhân tính, mất dần tình người, thì tạo nên một xã hội đạo đức suy đồi, một xã hội lắm chuyện bất nhân, tràn đầy tội ác. Ta cứ nhìn vào thực trạng xã hội ngày nay, từ học đường đến ngoài phố chợ… để suy nghĩ thêm.

Để chăm sóc tâm hồn, con người phải nhận biết giá trị đích thật của mình. Có câu : “Nhân linh ư vạn vật”. “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Con người phải biết quý giá trị “nhân vị” của chính mình. Như ai đó đã nói: “Con người thấp hơn thiên thần một chút, chứ không phải cao hơn con khỉ một chút”.

Người Ki-tô hữu tin rằng con người là con cái Thiên Chúa. Đó là điều cao cả nhất, là niềm tự hào lớn nhất, là hạnh phúc tột đỉnh. “Lạy Cha chúng con ở trên trời”.

Và, đánh mất địa vị làm con Chúa là điều tệ hại nhất của kiếp nhân sinh. Và đó cũng là mục đích cuối cùng của Satan.

Do đó, chăm sóc tâm hồn, đối với Ki-tô hữu là không để xa lìa Thiên Chúa, không để tách rời khỏi Đức Ki-tô, con Thiên Chúa, Đấng Cứu Thế.

Nhưng biết bao điều có thể làm cho ta xa lìa Thiên Chúa, nếu chúng ta không có một Đức Tin mạnh mẽ.

Thưa anh em, ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? (Rm 8,35.37-39).

Và cũng biết bao lần ta xa rời Chúa, vì ta thật sự yếu đuối…

“Điều tôi muốn thì tôi lại không làm, điều tôi không muốn thì tôi lại làm” (Rm 7,19).

Nên, ta phải ăn năn sám hối. Ta không ngừng chăm sóc tâm hồn ta bằng cách siêng năng sám hối. Loại bỏ những gì nguy hiểm cho Đức Tin chúng ta, và bồi dưỡng tâm hồn ta bằng lương thực hằng sống Lời Chúa và Thánh Thể.

Tâm hồn chúng ta đẹp vì đời sống tâm linh ta tốt lành. Đời sống tâm linh ta tốt lành vì Đức Tin của ta vững vàng.

Chúng ta biết rằng đó không phải là điều dễ dàng, nhưng sự chăm sóc tâm hồn chúng ta là cuộc hành trình Đức Tin đầy thử thách và cũng đầy ân sủng Thiên Chúa.

Trông sự cố gắng vươn lên, ta tin Ngài cúi xuống nâng đỡ chúng ta.

Lạy Chúa,

Đã từng có nhiều đau khổ làm con chùn bước,
Đã từng có những niềm vui làm con lạc lối đi.

Đã từng có những ô nhục làm con thấy mình bị bỏ rơi,
Đã từng có những vinh quang làm con thấy mình quá lớn.

Đã từng có những yếu đuối làm con mất lòng trông cậy,
Đã từng có những việc thiện làm con tưởng mình quá ngay lành.

Đã từng có những lúc con chỉ nghĩ đến riêng mình không nhớ đến ai,
Đã từng có những lúc tưởng chừng không còn ai nhớ đến mình.

Lạy Chúa, xin cho con tìm lại phút bình an,
Khi con dại khờ đánh mất.

Cho con được trở về với Chúa,
trong nước mắt ăn năn.

Hạnh phúc ở cõi vĩnh hằng…
Xin Ngài đỡ nâng thân cát bụi. Amen.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

 

Bài liên quan

Check Also
Close
Back to top button