CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN C
DÂNG CHÚA GIÊSU TRONG ĐỀN THÁNH (Lễ nến).
CHÚA LÀ ÁNH SÁNG
Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môsê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Lề luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là người thánh thuộc về Chúa”. Và cũng để dâng lễ vật cho Chúa, như có nói trong Luật Chúa, là một đôi chim gáy, hay một cặp bồ câu con.
Và đây ở Giêrusalem, có một người tên là Simêon, là người công chính, kính sợ Thiên Chúa, và đang đợi chờ niềm ủi an của Israel. Thánh Thần cũng ở trong ông. Ông đã được Thánh Thần trả lời rằng: Ông sẽ không chết, trước khi thấy Ðấng Kitô của Chúa. Ðược Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ ngay lúc cha mẹ trẻ Giêsu đưa Người đến để thi hành cho Người những tục lệ của Lề luật. Ông bồng Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:
“Lạy Chúa, giờ đây, Chúa để cho tôi tớ Chúa ra đi bình an theo như lời Chúa đã phán: vì chính mắt con đã nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là Ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa”.
Cha mẹ Người đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà và nói với Maria mẹ Người rằng: “Ðây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ!”
Lúc ấy, cũng có bà tiên tri Anna, con ông Phanuel, thuộc chi họ Asê, đã cao niên. Mãn thời trinh nữ, bà đã sống với chồng được bảy năm, rồi thủ tiết cho đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời khỏi đền thờ, đêm ngày ăn chay cầu nguyện phụng sự Chúa. Chính giờ ấy, bà cũng đến, bà liền chúc tụng Chúa, và nói về trẻ Giêsu cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel.
Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo Luật Chúa, thì trở lại xứ Galilêa, về thành mình là Nadarét. Và con trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người. (Lc 2, 22-40).
______________________
SUY NIỆM
CHÚA LÀ ÁNH SÁNG
+ 1. Đôi dòng lịch sử Lễ Nến
Lễ “Dâng Chúa Giê-su trong Đền Thánh” có từ lâu đời, theo dòng thời gian và nơi chốn, nó đã được đổi thay nhiều tên gọi khác nhau vì ý nghĩa phong phú của nó.
Thí dụ :
Bên Hội Thánh Đông phương, lễ này gọi là Lễ gặp gỡ Đấng Cứu Thế: Đức Giêsu, Vị Cứu Thế vào Đền Thờ và gặp hai vị đại diện Cựu Ước: ông Si-ê-n và bà An-a. Tục lệ này trở thành lễ mừng kính trong Hội Thánh bên Giêrusalem từ đầu thế kỷ IV: 40 ngày sau khi Đức Mẹ sinh Đức Giêsu.
Bên Hội Thánh Tây phương, sau thế kỷ X, lễ này là lễ kính Đức Mẹ. Cũng như các phụ nữ khác, sau khi sinh con, Đức Maria mang lễ vật vào Đền Thờ, để được thanh tẩy như Luật định.
Từ năm 1960, lễ này được đổi thành lễ kính Chúa: Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thờ, 40 ngày sau lễ Giáng Sinh. Vì thế, Giáo hội chúng ta mừng lễ này vào ngày 02-02. (…)
Tóm lại, với ngày lễ này, Giáo hội mừng hai ý nghĩa căn bản: thứ nhất là cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa với Dân Người, thứ hai là Đức Giêsu chính là ánh sáng soi đường cho muôn dân tộc. Mừng ngày lễ này, chúng ta được mời gọi trở nên con người của sự gặp gỡ, con người phản chiếu ánh sáng Chúa Kitô giữa trần gian.
Khi sát nhập vào Phụng vụ Rôma, Đức Giáo Hoàng Sergiô I (678-701) lại thêm vào nghi thức rước nến. Vì thế, từ đây, lễ này được gọi là Lễ Nến. Vì trước Thánh lễ có nghi thức làm phép nến và kiệu nến vào nhà thờ như cuộc đón rước Chúa Giêsu là Ánh Sáng của muôn dân. Những cây nến được làm phép và thắp sáng trong ngày lễ này, tượng trưng cho ánh sáng và vinh quang của Chúa Giêsu. Từ cuộc canh tân Phụng vụ năm 1960, thánh lễ này cũng qui hướng về Chúa Giêsu, hơn là Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong Đền thờ.
(nguồn : Internet)
+ 2. Chúa là Ánh Sáng.
a)- Ánh Sáng cho Thế gian.
Chúa là ánh sáng từ nguyên thủy. Ánh sáng đó soi rọi cuộc đời cho cuộc đời thoát vòng tăm tối. “Lời chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Thánh vịnh 119: 105).
Chúa Ki-tô là Ánh Sáng đến trần gian, từ nguyên thủy và hiện diện giữa nhân loại, đồng hành với nhân loại, cho nhân loại sự sống, bình an, và địa vị cao cả là được làm con cái Chúa.
Thánh Gio-an đã mở đầu sách Tin Mừng của Ngài bằng những lời thật trang trọng :
(1) Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời.
Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa,
và Ngôi Lời là Thiên Chúa.
(2) Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa.
(3) Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành,
và không có Người,
thì chẳng có gì được tạo thành.
(4) Ðiều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống,
và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.
(5) Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối,
và bóng tối đã không diệt được ánh sáng. (Ga.1,1-5)
Ngôi Lời không đến như một thần linh huyền bí thoát ẩn thoát hiện, mà Ngôi Lời đến rất gần gũi con người với thân phận làm người bằng xương bằng thịt chia sẻ kiếp người khóc cười trọn vẹn.
(9) Ngôi Lời là ánh sáng thật,
ánh sáng đến thế gian
và chiếu soi mọi người.(Ga.1,9)
(14) Ngôi Lời đã trở nên người phàm
và cư ngụ giữa chúng ta.
Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người,
vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người,
là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.(Ga.1,14).
b)- Thành Tâm muốn được Nhận ra Ánh Sáng
Khi cha mẹ của Chúa Giêsu đưa Hài Nhi vào Đền Thánh để chu toàn những qui định của Lề Luật, thì cụ già Si-mê-ôn, “được Thần Khí dẫn dắt”, tận mắt gặp được Hài nhi Giê-su và đã ẵm Hài Nhi trong tay. Ông nhận ra được Ánh Sáng Chúa Ki-tô.
“Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài” (Lc 2,29-32)
+ 3. Từ Ánh Sáng Nhập Thể đến Ánh Sáng Phục Sinh.
Trước khi kiệu nến Phục Sinh, Chủ Tế cầu nguyện: “Xin Đức Ki-tô, Đấng Phục Sinh vinh hiển chiếu giãi ánh sáng của Người để phá tan bóng tối đang bao phủ lòng trí chúng ta.”
Và khi kiệu Nến Phục Sinh, Chủ tế tung hô :”Ánh sáng Đức Ki-tô”, mọi người đáp : “Tạ ơn Chúa”.
Trong đoạn cuối của bài Công Bố Tin Mừng, có đoạn :
Ước chi ngọn lửa còn cháy mãi lúc xuất hiện Sao Mai.
Một vì sao không bao giờ lặn là Đức Ki-tô, con yêu quý của Cha,
Đấng từ cõi chết sống la6i,
Đem ánh sáng thanh bình soi chiếu vạn dân.
Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
+.4. Thế Giới Tối Tăm
Không cần dẫn chứng gì nhiều, ai trong chúng ta cũng thấy thế giới ngày nay thật tối tăm : Hận thù, chiến tranh, trụy lạc, tục hóa… Chúng ta nhớ lại Lời Chúa trong đoạn mở đầu Tin Mừng theo Thánh Gioan :
10) Người ở giữa thế gian,
và thế gian đã nhờ Người mà có,
nhưng lại không nhận biết Người.
(11) Người đã đến nhà mình,
nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. (Ga.1,10-11)
Thế giới tan nát vì có nhiều người, nhiều thế lực từ chối Ánh Sáng. Theo cách nói Khổng Tử “Không ai mù bằng người không muốn thấy !”.
Vẫn còn đó trong thế giới hôm nay, biết bao con người không còn ánh sáng trong lòng !
Tôi đến thế gian này là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù» (Ga,9,39).
40 Những người Pha-ri-sêu đang ở đó với Đức Giê-su nghe vậy, liền lên tiếng: “Thế ra cả chúng tôi cũng đui mù hay sao?”41 Đức Giê-su bảo họ: “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: “Chúng tôi thấy”, nên tội các ông vẫn còn!”
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG