Bản tin Phanxicô.vnTin tức

Câu chuyện của Mẹ Antonia, nữ tu từng hai lần ly hôn.

Aleteia | Larry Peterson

antoniabrenner

Có thể nào một phụ nữ Công giáo kết hôn rồi ly dị hai lần, sinh tám mặt con với hai người đàn ông khác nhau, trở thành nữ tu và cuối cùng là thành lập một dòng tu hay không?

Câu trả lời là Có!

Thật vậy, chính người phụ nữ này, trong Ngày của Mẹ 1990, đã một mình bước lên những bậc cấp để tặng quà cho Đức Gioan Phaolô II trong thánh lễ nhân chuyến tông du Mexico, và đổi lại, bà được ngài chúc lành. Sau đó, với bàn tay Chúa, mọi sự đều có thể.

Người phụ nữ này là Mẹ Antonia Brenner, thường được mọi người biết đến như “Thiên thần Nhà tù” của nhà tù La Mesa. Mẹ Antonia chết cách đây ba năm, ngày 17-10-2013. Tôi tin lịch sử sẽ cho thấy đây là một trong những người phụ nữ vĩ đại nhất thế giới Công giáo ở nửa sau thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI.

Mary Clark sinh tại Beverly Hills, ngày 01-12-1926. Bố của cô là Joe Clarke, một thương gia thành đạt và các chị em cô lớn lên với những buổi tiệc hào nhoáng của thế giới điện ảnh. Hàng xóm của họ là những ngôi sao Hollywood như William Powell, Hedy Lamarr và John Barrymore.

Joe Clarke có một tình yêu sâu sắc dành cho mọi người. Dù cuộc sống gia đình giàu sang đến mức nào, ông vẫn nhất quyết dạy con cái mình luôn biết giúp đỡ những người kém may mắn hơn. Khao khát giúp đỡ người khác lớn lên trong Mary và sẽ đến hồi bừng nở, Tuy nhiên, trước khi bừng nở, Mary đã đi con đường vòng của cuộc sống.

Cô kết hôn lúc 18 tuổi, và có ba mặt con, đứa con đầu mất không lâu sau khi sinh ra. Nhưng rồi hai người ly dị. Khi ly hôn là Mary thấy mình xa rời với nền giáo dục Công giáo của mình. Cô lại kết hôn lần nữa, theo nghi thức dân sự ở Las Vegas, với ông Carl Brener. Cô và Carl có thêm năm mặt con, nhưng cuối cùng cuộc hôn nhân này cũng kết thúc bằng việc ly dị.

Dù thế, Thiên Chúa “vẽ đường thẳng bằng những đường con” và có vẻ Thần Khí đã dõi theo Mary Clarke suốt cuộc đời bà. Ngài tiếp thêm ơn sức cho con gái mình.

Mary ngày càng dấn thân vào các việc nhân đạo. Năm 1965, bà gặp cha Henry Vetter. Cha đưa bà theo trong những chuyến phân phát thực phẩm, thuốc men và áo quần cho các tù nhân ở Nhà tù La Mesa ở Tijuana. Cảnh ngộ của các tù nhân ở La Mesa, nhà tù được xem là tồi tệ nhất Mexico, đã tác động sâu sắc đến bà, và càng ngày tình cảm thông và yêu thương người lân cận của bà càng tập trung vào những con người này. Họ trở nên chuyên trách, việc mục vụ, và mục đích sống của bà.

Mary dành 10 năm đi đi về về Nhà tù La Mesa, đem những nhu yếu phẩm đến cho các tù nhân, nhưng có lẽ còn hơn thế, là bà đem tình yêu và lòng thương xót đến với họ. Các tù nhân, cả nam và nữ, ngày càng ngóng đợi ngày bà viếng thăm. Họ gọi bà là “La Mama.” Giám đốc nhà tù còn sắp xếp cho bà một chỗ để nghỉ lại.

Mary lấy tên mới là Antonia (lấy theo linh sư của bà là cha Anthony Bowers) và trở thành Mẹ Antonia. Bà tự may một bộ áo dòng, mặc vào và đến gặp Giám mục Leo Maher của San Diego. Bà quỳ gối và kể cho ngài nghe câu chuyện đời mình. Giám mục Leo biết rõ về bà, và chúc lành cho bà, phê chuẩn việc mục vụ của bà, mà bây giờ đã trở thành một nữ tu.

Xơ Antonia lập một dòng mới, là Các Nữ tử Giờ thứ Mười một, một dòng nữ cho các phụ nữ từ 45 tuổi trở lên muốn phục vụ những người ít may mắn hơn. Ngoài Giám mục Leo Maher, xơ còn được Giám mục Juan Jesus Posadas của Tijuana chúc lành. Xơ đã được hai giám mục ở hai nước khác nhau phê chuẩn cho việc mục vụ của mình.

Sau khi con cái đã lớn, Mary cho đi hết tài sản của mình, rời nhà mình ở Ventura mà thẳng tiến đến Nhà tù La Mesa. Giám đốc cho phép xơ sống luôn ở đó. Nhà mới của xơ là một gian phòng 3mx3m trong khu nữ của nhà tù. Xơ sống như mọi phạm nhân khác, ngủ trong những buồng giam bằng bê tông, chỉ có thức ăn nhà tù và nước lã. Đồ đạc trong phòng xơ chỉ có một cây thánh giá trên tường, một quyển Kinh thánh, một từ điển tiếng Tây Ban Nha và một chiếc giường nhà tù cứng ngắc. Buổi sáng, xơ xếp hàng điểm danh với các tù nhân. Và nơi đây là nhà của xơ Antonia trong suốt 32 năm tiếp theo.

“La Mama” còn được mọi người gọi là “Thiên thần Nhà tù.” Xơ tự nhiên đi lại giữ những kẻ bán ma túy, trộm cướp, giết người, hiếp dâm, và đủ loại tội phạm khác, mà sờ má họ và dâng lời cầu nguyện. Trong nhà tù đó, có những dạng người hung bạo và tuyệt vọng nhất. Nhưng xơ vui vẻ đi dạo với họ, an ủi họ, lau nước mắt và ở bên họ trong giờ hấp hối. Xơ còn một tay ngăn chặn một vụ bạo loạn trong nhà tù.

Mẹ Antonia thật sự thấy gương mặt Chúa Kitô trong mỗi tù nhân mà mẹ gặp, và đã cho họ thấy lòng thương xót và tình yêu thương. Có lý do nào khác để những tội phạm ngoan cố, những người chưa từng yêu hay từng được yêu, gọi một người phụ nữ bé xíu là “Mẹ” chứ?

Tôi tin là rồi một ngày Mẹ Antonia sẽ được phong thánh. Mẹ là mẫu gương cho mỗi người chúng ta, là hình mẫu của “yêu người lân cận” dù cho họ là ai đi nữa. Cuộc sống của mẹ đã cho chúng ta thấy dù chúng ta là ai, như thế nào, đã từng làm gì, thì Thiên Chúa vẫn luôn luôn kêu gọi chúng ta.

Mẹ Antonia, xin cầu cho chúng con, nhất là trong Năm Lòng thương xót này.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch

Bài liên quan

Back to top button