Mỗi năm hơn 300.000 người đã bị nơi này ‘thôi miên’
Mỗi năm hơn 300.000 người đã bị nơi này ‘thôi miên’
Người Pháp có lẽ còn đi xa hơn nữa khi đã tạo ra cả một công trường xây dựng lâu đài Guedelon theo phong cách và phương pháp thời Trung Cổ, tái hiện một ngôi làng đương thời. Ý tưởng tuyệt vời này đã thu hút 300.000 khách tham quan mỗi năm.
Hầu hết các nước châu Âu đều tự hào với các lâu đài cổ của mình: vừa là di sản, niềm tự hào vừa là nguồn thu đáng kể cho du lịch của nước mình. Người Pháp có lẽ còn đi xa hơn nữa khi đã tạo ra cả một công trường xây dựng lâu đài theo phong cách và phương pháp thời Trung Cổ, tái hiện một ngôi làng đương thời.
Ý tưởng tuyệt vời này đã thu hút 300.000 khách tham quan mỗi năm (tương đương 6 triệu euros doanh số cho nhà đầu tư, tạo công ăn việc làm cho 70 người), đặc biệt là học sinh, sinh viên tới thực tập. Nơi đây cũng thu hút cả các tình nguyện viên đến góp công xây dựng công trường độc đáo này. Đây là công trường độc nhất nước Pháp và vô nhị trên thế giới!
Năm 1995, một nhóm các nhà khảo cổ, dưới sự đặt hàng của chủ lâu đài (vùng Bourgogne), đã phát hiện ra dưới lâu đài này là nền móng của một tòa lâu đài Trung cổ hoàn toàn bị chôn vùi. Ông Michel Guyot – chủ lâu đài Saint-Fargeau và nhóm cộng sự đã nảy ra sáng kiến táo bạo và phiêu lưu là xây một lâu đài “mới” đúng kiểu Trung Cổ. Họ bắt đầu đi tìm kiếm địa hình gần sông, gần rừng, gần đá thuận tiện cho việc tìm kiếm nguyên vật liệu. Và một mảnh đất thuộc tỉnh Yonne đã được chọn làm lãnh địa xây dựng. Và cái tên Guédelon cũng được đặt ra từ đó.
Năm 1997 tiến hành lễ khởi công, năm 1998 bắt đầu mở cửa cho khách tham quan. Từ phong cách, chất liệu cho đến phương pháp xây dựng đều là của thời Trung cổ. Công trình này mang nhiều giá trị của những người khởi xướng bao gồm chủ yếu doanh nhân và nhà nghiên cứu. Với khẩu hiệu “Xây để hiểu”, họ muốn đem lại những giá trị khoa học (đặc biệt là khảo cổ học thể nghiệm), sử học, sư phạm, du lịch và nhân văn cho khách tham quan.
Những ý nghĩa này đã gặp được sự cộng hưởng của du khách và công chúng. Và cứ thế từng dòng người lũ lượt kéo đến công trường này hàng năm, từ gần 20 năm nay. Tiền thu được từ phí tham quan được tái đầu tư vào xây dựng lâu đài: một lâu đài thế kỷ 13 được xây dựng bằng tiền của thế kỷ 20 – 21. Họ đến không chỉ để du lịch, học tập mà còn để theo dõi tiến triển của công việc xây dựng. Nhiều người thậm chí còn mua vé năm để quay lại nhiều lần.
Tại công trường xây dựng này, mọi thứ đều được tự sản xuất. Ở đây có lò rèn để làm các chi tiết và công cụ bằng kim loại,
…có xưởng bện thừng, xưởng đan giỏ mây để vận chuyển vật liệu xây dựng, mỏ đá, ngựa thồ… Cả một ngôi làng thời trung cổ được tái hiện.
Người thợ đá làm việc hệt như thời Trung Cổ, công trình đã kéo dài 20 năm chưa kết thúc
Dụng cụ vận chuyển vật liệu xây dựng theo kiểu xưa
Một ngôi làng Trung Cổ được tái hiện
Một người thợ nhuộm đang giới thiệu những chiếc khăn len được nhuộm theo kiểu xưa
Công trường còn là nơi lưu giữ những nghề cổ xưa như chăm sóc ngựa
Lò bánh mì kiểu cổ và người thợ đang giải thích cho khách tham quan kỹ thuật làm bánh xưa
Lâu đài tìm cách tương tác với khách tham quan bằng nhiều buổi hướng dẫn kỹ thuật cổ xưa như hướng dẫn cách làm tiền xu trong xưởng sản xuất tiền
Các lớp dạy đục đá cũng rất “đắt hàng”
Truyền thông là một trong những điểm đáng chú ý của lâu đài – công ty này khi trang web của họ có tới 4 thứ tiếng. Họ cũng có những người hướng dẫn viên chuyên nghiệp làm việc tại đây và nhân viên – nghệ nhân cũng được tuyển chọn kỹ lưỡng. Tất cả đều nắm vững kỹ thuật, lịch sử và có khả năng giao tiếp tốt. Các lớp dạy nghề hoặc hướng dẫn kỹ thuật cổ xưa thường xuyên được tổ chức để tăng tương tác cũng như duy trì mối quan hệ thường xuyên với khách tham quan. Họ cũng có thể đăng kí nhận bản tin thường kì của lâu đài để có những thông tin mới nhất.
Lâu đài thu hút nhiều người giàu đến nghỉ ngơi và các em nhỏ đến khám phá thiên nhiên
Đồng tiền lưu niệm (giá 2 euros)
Giống như mọi địa điểm du lịch tại Pháp, nhà bán đồ lưu niệm luôn là một trong những nơi tấp nập nhất và ít ai vào đó mà trở ra tay không. Những đồng tiền lưu niệm (giá 2 euros) thường là một trong những mặt hàng bán chạy nhất, bên cạnh sách báo về thời trung cổ, bút chì, sổ, quần áo….
Sắp 20 năm trôi qua mà sự hứng thú của công chúng vẫn không hề suy giảm. Các kỹ thuật cổ xưa được gìn giữ, học sinh sinh viên có một “quyển sách sống” để đọc, trong đó các bài học lịch sử sẽ không còn khô cứng, du lịch quốc gia có thêm một địa điểm du lịch mang lại những nguồn thu không hề nhỏ. Văn hoá có thể đóng góp vào sự phát triển kinh tế như vậy đó.
Theo vietnamnet