Jer. Nguyễn Văn NộiSuy niệm

Tỉnh thức và sẳn sàng để đón Chúa | Jer. Nguyễn Văn Nội

CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM A (27.11.2016)
[Is 2,1-5; Rm 13, 11-14; Mt 24, 37-44]

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ

Ngày bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ vừa qua giúp chúng ta hiểu hơn ý nghĩa và tầm quan  trọng của sự chờ đợi và niềm hy vọng. Kết quả thật bất ngờ đối với mọi người ở trong và ngoài nước Mỹ. Hôm nay chúng ta nói với nhau về một sự chờ đợi và một niềm hy vọng khác mà Mùa Vọng đem lại cho các tín đồ Kitô giáo.

Năm Phụng Vụ (A) bắt đầu với Chúa Nhật I Mùa Vọng. Vọng trong ngôn ngữ Việt có 2 nghĩa: ngóng đợi và hy vọng’; nhưng theo nguyên ngữ la-tinh thì Adventus có nghĩa là “việc xẩy đến”, tức sự việc Thiên Chúa đã đến trần gian và đã đi vào lịch sử của nhân loại. Thật vậy Thiên Chúa đã đến trong lịch sử nhân loại qua giao ước với các Tổ Phụ và dân riêng là Ít-ra-en và nhất là Thiên Chúa đã đến nơi Đức Giê-su Na-da-rét là Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người, sinh ra ở Bê-lem. Chính Đấng Thiên Chúa ấy sẽ đến một cách long trọng trong Ngày Quang Lâm, để thực thi công lý một cách triệt để và trọn vẹn tức thưởng phạt công minh. Nhưng Đấng Thiên Chúa ấy cũng thường đến với mỗi người/cộng đoàn chúng ta trong/qua các biến cố cuộc sống cá nhân và cộng đoàn của chúng ta.

Đế gặp được Chúa và đón rước Người vào nhà là tâm hồn và cuộc sống của mình, chúng ta phải tỉnh thức và sẵn sàng. Đó cũng là lời kêu gọi của Chúa Kitô trong Bài Phúc âm hôm nay.

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 1 (Is 2,1-5):
Hòa bình vĩnh cửu

2 Trong tương lai, núi Nhà Đức Chúa đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao, vươn mình trên hết mọi ngọn đồi. Dân dân lũ lượt đưa nhau tới, 3 nước nước dập dìu kéo nhau đi.

“Đến đây, ta cùng lên núi Đức Chúa, lên Nhà Thiên Chúa của Gia-cóp, để Người dạy ta biết lối của Người, và để ta bước theo đường Người chỉ vẽ. Vì từ Xi-on, thánh luật ban xuống, từ Giê-ru-sa-lem, lời Đức Chúa phán truyền. 4 Người sẽ đứng làm trọng tài giữa các quốc gia và phân xử cho muôn dân tộc. Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến. 5 Hãy đến đây, nhà Gia-cóp hỡi, ta cùng đi, nhờ ánh sáng Đức Chúa soi đường!

2.2 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 2 (Rm 13,11-14):
Mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô

11 Phải như thế, vì anh em biết chúng ta đang sống trong thời nào. Đã đến lúc anh em phải thức dậy, vì hiện nay ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã gần hơn trước kia, khi chúng ta mới tin đạo. 12 Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. 13 Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. 14 Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng.

2.3 Lắng nghe Lời Chúa trong bài Tin Mừng (Mt 24,37-44):
Phải canh thức và sẵn sàng

013

37 “Quả thế, thời ông Nô-ê thế nào, thì ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. 38 Vì trong những ngày trước nạn hồng thủy, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu. 39 Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết thảy. Ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy.

42 “Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. 44 Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.

III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

3.1 Chân Dung của Thiên Chúa hay Thiên Chúa là Ai?

– Là Đấng ngự trên (núi) cao và dạy con người biết đường lối của ngay thật. Người cũng làm trọng tài giữa các quốc gia và phân xử cho muôn dân muôn nước. Nghe Lời Chúa, các dân tộc sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái, sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến.

– Là Chúa Giê-su Ki-tô với danh hiệu là Con Người – nghĩa là người và đồng thời là nhân vật huyền bí đã được Đấng Lão Thành (Thiên Chúa) giao quyền thống trị, vinh quang và vương vị, trong thị kiến của tiên tri Đa-ni-en (7,13-14). Người đã đến trần gian và trong lịch sử loài người, sẽ đến trong ngày Quang Lâm, nhưng vẫn hằng đến trong cõi tâm linh của mỗi con người, vì Người vừa là Thiên Chúa vừa là Đấng Phục Sinh.

3.2 Sứ Điệp hay Giáo Huấn của Chúa (Chúa dậy gì hay Chúa muốn chúng ta làm gì?):

Qua ba bài Sách Thánh hôm nay, sứ điệp hay giáo huấn của Lời Chúa là:

– “Hãy lên núi Đức Chúa, vào Nhà Thiên Chúa của Gia-cóp, để Người dạy ta biết đường lối của Người, và để ta bước theo Người” (Ngôn sứ I-sai-a).

– “Hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng” (Thánh Phao-lô).

– “Hãy canh thức… Hãy sẵn sàng chờ đón giờ phút Con Người đến” (Chúa Giê-su).

IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

4.1 Sống với Thiên Chúa là có tâm tình thờ phượng, tin tưởng và phó thác, với

– Đấng ngự trên (núi) cao và dạy con người biết đường lối của ngay thật. Người cũng làm trọng tài giữa các quốc gia và phân xử cho muôn dân muôn nước. Nghe Lời Chúa, các dân tộc sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái, sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến.

– Chúa Giê-su Ki-tô với danh hiệu là Con Người – nghĩa là người và đồng thời là nhân vật huyền bí đã được Đấng Lão Thành (Thiên Chúa) giao quyền thống trị, vinh quang và vương vị, trong thị kiến của tiên tri Đa-ni-en (7,13-14). Người đã đến trong lịch sử, sẽ đến trong ngày Quang Lâm, nhưng vẫn hằng đến trong cõi tâm linh của mỗi con người, vì Người vừa là Thiên Chúa vừa là Đấng Phục Sinh.

4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa 

Câu hỏi được nêu lên là làm sao chúng ta thực thi được sứ điệp của Lời Chúa hôm nay? Từ kinh nghiệm cá nhân và cộng đoàn, chúng ta nghiệm ra rằng chúng ta thật rất khó mà sống kết hiệp mật thiết với Chúa Ki-tô, với Thiên Chúa, và càng khó hơn việc chúng ta mỗi ngày mỗi nên giống Chúa Ki-tô hơn. Gợi ý của các bài Thánh Kinh hôm nay là chúng ta phải lánh xa cảnh chè chén say sưa, chơi bời dâm đãng, cãi cọ ghen tương, chiều theo tính xác thịt, thỏa mãn các dục vọng (mặt tiêu cực) và chiến đầu bằng vũ khí của sự sáng, sống tỉnh thức, sẵn sàng và chờ đón Chúa như bề tôi chờ đón ông chủ, như cô dâu chờ đón chàng rể (mặt tích cực). Nhưng dường như những việc ấy mới chỉ là khởi điểm chứ thật ra chưa đủ. Vậy phải làm gì hơn nữa?

Tôi xin phép được chia sẻ một kinh nghiệm: Phong Trào Cursillo có một phương cách rất hữu hiệu trong việc giúp các thành viên nên giống Thầy Giê-su Chí Thánh: mỗi ngày/tuần/tháng anh chị em Cursillo kiểm điểm đời sống của mình nhờ/qua phương châm: “mộ đạo, hiều đạo và hành đạo”, được cụ thể hóa bằng 3 câu hỏi:

(1o) Hôm nay/tuần này/tháng này tôi đã làm những gì để tăng thêm lòng mộ/sùng Đạo [Thiên Chúa/Chúa Giê-su/Hội Thánh]? – Câu trả lời có thể là: Hôm nay/tuần này/tháng này, tôi đã tham dự các Thánh Lễ, lần chuỗi Mân Côi, đi Đàng Thánh Giá, chầu Thánh Thể, đọc, suy niệm Lời Chúa và cầu nguyện, đọc sách thiêng liêng, hy sinh, hãm mình v.v….. để lòng mộ/sùng Đạo của tôi được tăng triền.

(2o) Hôm nay/tuần này/tháng này tôi đã làm những gì để tôi có thêm sự hiểu biết về Đạo [Thiên Chúa/Chúa Giê-su/Hội Thánh]? – Câu trả lời có thể là: Hôm nay/tuần này/tháng này, tôi đã tham dự các buổi học hỏi Thánh Kinh, đã đọc, suy niệm Lời Chúa và cầu nguyện mỗi ngày, đã đọc sách thiêng liêng, sách thần học, đã nghe thuyết trình, dự tọa đàm  v.v….. để tôi hiểu biết hơn về Đạo.

(3o) Hôm nay/tuần này/tháng này tôi đã làm những gì để truyền bá Đạo [Thiên Chúa/Chúa Giê-su/Hội Thánh?] cho những người xung quanh? – Câu trả lời có thể là: Hôm nay/tuần này/tháng này, tôi đã dành thời gian đi thăm người già cô đơn trong khu xóm, thăm bệnh nhân trong bệnh viện, cúng tiền hoặc tham gia chuyến cứu trợ đồng bào bị bão lũ Miền Trung, dậy Giáo Lý cho dự tòng, viết/gửi bài diễn giải hay suy niệm Phúc Âm cho một số người hay trang nhà (web), nói về Chúa và Hội Thánh cho những người tôi gặp, đã hy sinh, hãm mình cầu nguyện cho Công cuộc Loan Báo Tin Mừng v.v.….. để truyền bá Đạo Chúa.

Xin các bạn hãy thực hành phương châm hay cách xét mình này của Phong Trào Cursillo. Trả lời 3 câu hỏi trên một cách trung thực, các bạn sẽ thấy mình thay đổi.

V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH

[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý:  Ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]

5.1 «Đến đây, ta cùng lên núi Đức Chúa, lên Nhà Thiên Chúa của Gia-cóp, để Người dạy ta biết lối của Người, và để ta bước theo đường Người chỉ vẽ.» Cùng với Đức Mẹ và các Thánh, chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho mọi người được ơn Chúa soi sáng để họ nhận biết đường ngay lối thẳng mà bước đi trong cuộc sống trần gian này.

Xướng: Chúng ta hãy cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

5.2 «Anh em hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng.»  Cùng với Đức Mẹ và các Thánh, chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế, Tu Sĩ Nam Nữ và Giáo Dân để mọi thành phần Dân Chúa biết mặc lấy Chúa Ki-tô là thấm nhuần tinh thần Phúc Âm và sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Xướng: Chúng ta hãy cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

5.3 «Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến!» Cùng với Đức Mẹ và các Thánh, chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta, để mọi người già trẻ lớn bé đều sống tỉnh thức và sẵn sàng chờ đợi ngày Chúa đến.

Xướng: Chúng ta hãy cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

5.4 «Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.» Cùng với Đức Mẹ và các Thánh, chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho những người đang sống trong đau khổ, mất mát, thiếu thốn và tuyệt vọng, nhất là cho các nạn nhân của bão lụt ở Phi-líp-pin và Việt Nam để họ nhận được sự giúp đỡ và an ủi.

Xướng: Chúng ta hãy cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.
Sài-gòn ngày 16 tháng 11 năm 2016

A PRAYER OF THANKSGIVING | KINH TẠ ƠN

[Nguyên bản tiếng Anh]

We are gathered here as Your Family, Oh Lord.
As a family of faith and love,
We give You thanks.
As Your guests at the table of life,
We are grateful that You have set a place for us.
As Your children,
We strike to follow You in all we do.
As servant to Your will,
We acknowledge the gift of Your understanding and mercy.
As Your stewards,
We are filled with wonder in the presence of  Your mighty deeds
And accept our responsabilities in Your service.
As Your heirs,
We are humbled by the bounty You have given us,
For each beat of our heart and each breath that we draw,
is ours only through Your grace.
And, as Your family, we shout Your name
And give You all glory and honor, praise and thanks. Amen.

KINH TẠ ƠN

Lạy Chúa, chúng tôi tụ họp nơi đây với tư cách là Gia Đình của Chúa.
Với tư cách là Gia Đình của Lòng Tin và Tình Yêu,
Chúng con tạ ơn Chúa.
Với tư cách là khách được mời đến dự Bàn Tiệc Sự Sống,
Chúng con biết ơn Chúa vì Chúa đã dành chỗ cho chúng con.
Với tư cách là con cái của Chúa,
Chúng con quyết tâm theo Chúa trong mọi việc chúng con làm.
Với tư cách là tôi tớ phục vụ Thánh Ý Chúa,
Chúng con được ơn nhận ra Chúa là Đấng cảm thông và xót thương.
Với tư cách là người quản lý của Chúa,
Chúng con kinh ngạc trước các kỳ công của Chúa,
Và chấp nhận trách nhiệm của chúng con là phụng sự Chúa.
Với tư cách là người thừa kế của Chúa,
Chúng con cảm thấy mình bất xứng với muôn vàn hồng ân mà Chúa đã ban cho chúng con.
Mỗi nhịp tim và mỗi hơi thở chỉ là của chúng con nhờ hồng ân của Chúa.
Và với tư cách là Gia Đình của Chúa, chúng con tung hô Danh Chúa,
Và chúng con dâng lên Chúa mọi vinh quang và danh dự, mọi lời chúc tụng và tạ ơn. Amen.

[Bản dịch tiếng Việt của Gr. Nguyễn Văn Nội]

Bài liên quan

Back to top button