“Thiên đường là đây” | Chuyện phiếm Đạo/Đời
Chuyện Phiếm Đọc trong tuần thứ 18 thường niên năm A 06/8/2017
“Thiên đường là đây
là ngày được thấy thế gian bình yên”
Thiên đường là đây
loài người chẳng biết dối gian hờn ghen.”
(Lê Xuân Trường – Thiên Đường là đây)
(Rôma 8: 29-30)
Bằng những giòng chữ ở đầu bài như thế, bần đạo bầy tôi đây phải thú thật là: mình không hề biết nghệ sĩ viết nhạc họ/tên Lê Xuân Trường là ai? Con trai hay con gái? Đang sống ở trời Tây hay Phương Đông? Nhất nhất một điều là, bần đạo đều chẳng rõ…
Thế nhưng, có một điều tuy nhỏ, nhưng bần đạo lại biết rõ, đó là ý/lời nhạc bản này là những tâm tình cũng rất thật. Thật, như ca-từ lẳng lặng đi vào lòng người, rồi lại tiếp tục hát như sau:
Sáng trong màn đêm ngàn sao lấp lánh giữa khung trời êm,
Giấc mơ thần tiên là niềm hạnh phúc thiên đường lãng quên.
Những chua xót của bao ngày qua,
Đã tan biến vào chân trời xa.
Hãy cho hết tình yêu đêm nay, người hỡi!
Sống vui hồn nhiên dù bao sóng gió phá tan bình yên.
Lỡ cho ngày mai dù là muôn kiếp muôn đời cách xa.
Vẫn yêu mãi tình không đổi thay.
Vẫn thương nhớ dù xa tầm tay,
Thế mới biết đời không cần chi ngoài hạnh phúc.
Thiên đường là đây là ngày được thấy thế gian bình yên.
Thiên đường là đây loài người chẳng biết dối gian hờn ghen.”
(Lê Xuân Trường – bđd)
Quả có thế! Nghệ sĩ ngoài đời lại nói những điều nghe rất đúng: “Thiên đường là đây!” “Loài người chẳng biết dối gian, hờn ghen…”
Quả thật như vậy. Đấng bậc nhà Đạo bao giờ cũng giảng và nói, nhiều điều rất không sai. Đức ngài nói, cả vào khi ông vừa đáp trả câu hỏi của người đi Đạo, những điều ở bên dưới:
“Thưa Cha. Mới đây, con có dịp đọc thư thánh Phaolô gửi tín-hữu Rôma có nói đến vấn-đề tiền-định. Đọc xong, con lại có thắc mắc muốn cứ hỏi rằng: Phải chăng Thiên-Chúa thực-sự định-đoạt thân-phận con người? Định và đoạt, ở chỗ: khi thì Ngài cho phép linh-hồn này được đạt chốn thiên-đường; lúc thì Ngài lại tống kẻ khác vào nơi lửa bỏng, rất hoả hào. Làm thế, sao ta lại cứ bảo: con người hoàn-toàn có tự-do định-đoạt thân phận mình, được cơ chứ? Con nay thấy lẫn-lộn, không biết đâu là sự thật đúng/sai. Nay chạy đến nhờ cha giúp đỡ”
Bàn chuyện thiên-đường/địa-ngục bằng các lý và lẽ đạo-hạnh, Đức thày giòng họ John Flader của tờ The Catholic Weekly Sydney đã có lời chỉ-giáo, như sau:
“Đoạn viết ở Tân Ước mà anh/chị nhắc đến, có những lời lẽ như sau:
“Vì những ai Người đã biết từ trước,
thì Người đã tiền định cho họ
nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài,
để Con của Ngài làm trưởng tử
giữa một đàn em đông đúc.
(Rôma 8: 29)
Thành thử ra, thánh Phaolô quả có nói hai chữ “tiền định”. Nhưng, vấn đề là hỏi rằng: điều đó tác-động thế nào lên con người có tự do, đây? Phải chăng, nhiều vị được Thiên Chúa định sẵn cho mình đạt chốn Thiên đường ngay từ trước, nên họ sẽ đi thẳng vào chốn ấy, mà chẳng cần biết là họ có vướng mắc biết bao nhiêu là lỗi/tội vào thời trước; và cả vào khi họ chẳng biết sám-hối vào lúc chết, nữa thì sao?
Và, có chăng người nào khác cứ nghĩ rằng: Thiên Chúa đã định trước là họ sẽ phải lưu lạc chốn địa-ngục/hoả-hào để rồi chẳng làm sao cứu vãn linh hồn họ nữa đây? Nếu diễn-tả sự việc như thế, thì nội ý-nghĩ về sự việc tiền-định thôi, cũng đủ khiến mọi người hãi sợ rồi.
Nói thế, khác nào chế-riễu tính tự-do của con người, lại cũng coi thường công-lênh của mỗi người, khi họ và ta đều hành-xử đúng phép tắc lẫn luật-lệ, và về hình phạt nặng/nhẹ do lỗi/tội ta phạm phải. Hiểu như thế, cũng tựa hồ nhạo báng lòng nhân-từ và sự công-minh của Thiên Chúa, nữa.
Nói cho ngay, đó không là hiểu/biết đúng-đắn, thì sao lại bảo là: Chúa định-đoạt trước sự việc liên quan đến thân phận con người. Quả thật, Tự điển Bách-khoa Công giáo đã từng viết: Duyên tiền-định, theo nghĩa rộng, là những nghị-định Chúa ban, vốn thấy trước tương-lai một cách không thể sai-sót, nên Ngài đạ đặt-định và ra lệnh từ cõi miên-trường, tất cả mọi sự-kiện xảy đến với thời-gian, đặc-biệt cho những gì diễn-tiến cách trực-tiếp từ, hoặc ít ra chịu ảnh-hưởng từ ý-chí tự-do của con người.
Nói cách khác, thì kế-hoạch của Thiên-Chúa về duyên tiền-định lại có liên quan đến các hành-xử đầy tự-do của con người, là những việc Ngài thấy trước từ cõi đời đời.
Muốn hiểu được sự việc tiền-định qui về tự-do của con người, ta cần định-vị nói trong 4 lập-luận hoặc giả-định nền-tảng. Trước hết, là: Chúa muốn hết mọi người đều được cứu rỗi, cả các Kitô-hữu cũng như những người ngoài Đạo. Thánh Phaolô, trong thư đầu gửi đồ đệ ông là Timôthê từng nói rõ: “Ngài là Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.” (1Ti 2: 4)
Thánh Phêrô, trong một tình-huống tương-tự, lại cũng viết: “Chúa không chậm trễ thực hiện lời hứa, như có kẻ cho là Người chậm trễ. Kỳ thực, Người kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải.” (2P 3: 9) Thành thử ra, Chúa không định-đoạt trước bất cứ ai phải chịu cảnh địa-ngục mãi mãi suốt cõi đời.
Lập-luận thứ hai, là: Chúa phú ban cho mỗi người và mọi người đủ mọi ân-huệ để họ được cứu rỗi. Lập-luận này theo sau những điều nói ở trên. Lại nữa, lập-luận này từng dẫn đưa thánh Âu-gus-ti-nô quả quyết rằng: “Mọi người chúng ta không được phép tuyệt-vọng dù có lỗi phạm ghê-gớm đến thế nào đi nữa, bao lâu con người còn sống trên thế-gian.” (X. Lời xưng thú 1 câu 19, 7)
Lập-luận thứ ba, là: mọi hành-vi của ta và các công-lao xuất từ đó, đều là hoa trái của ân-huệ Chúa ban đặt-định trước cho ta, suốt nhiều thời. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo có viết: “Công-lao của con người trước mặt Chúa trong cuộc sống người tín-hữu nảy sinh từ sự-kiện cho thấy Chúa đã chọn lựa cách tự do để kết-hợp họ vào với công-việc tạo ban ân-sủng của Ngài. Hành-vi đầy tính nhân-hậu của người cha, đều là sáng-kiến ban đầu của, và kéo theo sau đó là hành-động tự-do của con người ngang qua sự cộng-tác của họ. Có như thế, công-lao có từ công-việc tốt lành được áp-đặt cho họ vào ân-sủng của Chúa ngay từ đầu và sau đó, cho các kẻ tin.” (X. GLHTCG đoạn 2008)
Lập-luận cuối, là: Thiên-Chúa ban cho ta ân-huệ thấy trước rằng ta sẽ sống tương-hợp với nó. Sách Giáo lý lại cũng nói rằng: Khi Thiên Chúa thiết-lập kế-hoạch ‘định trước’ cách vĩnh-viễn, Ngài bao gộp trong đó sự đáp trả cho ân huệ của mỗi người một cách tự-do.” (X. GLHTCG đoạn 600). Nói như thế, sách Giáo Lý có ý bảo rằng: Thiên Chúa phú ban cho ta mọi ân-huệ của Ngài cả khi Ngài biết rằng ta sẽ sử-dụng chúng để làm điều thiên khả dĩ có được sự sống vĩnh cửu.”
Vấn-đề tiền-định vừa đề-cập, dù ta chiếu-cố đủ cả bốn lập-luận ở trên, vẫn còn nhiều bí-nhiệm hơn nữa. Nhưng cuối cùng thì, Chúa vẫn có tự-do ban tặng cho ta ân-huệ và tình-yêu cao cả của Ngài trên những ai Ngài chọn-lựa. Và, Ngài cũng phú ban cho mọi người đầy đủ ân-sủng của Ngài để ta được cứu rỗi.” (X. Lm John Flader, Does God predestine anyone to suffer forever in hell? No, The Catholic Weekly 02/7/2017, tr. 28)
Minh-định theo chiều-hướng của nhà Đạo như thế rồi, nay mời bạn và mời tôi, ta cứ hát lên những ca-từ rất “thiên đường” như ở dưới:
“Thiên đường là đây là cuộc tình mãi thiết tha ngàn thu
Là lời nồng ấm trái tim thủy chung muôn kiếp
Thiên đường là đây là ngày chẳng biết nỗi đau buồn chi
Thiên đường là đây là nụ cười mãi thắm trên bờ môi
Thiên đường là đây từ ngày được thấy chúng ta gần nhau.
Bao đắm say, thiên đường là đây…”
(Lê Xuân Trường – bđd)
Nói về thiên-đường theo ngôn ngữ ngoài đời, là còn nói bằng truyện kể, mới hấp-dẫn. Bởi, truyện kể đều là những chuyện cà-kê-dê-ngỗng đi sát với quần chúng, khiến họ nhớ dai, nhớ dài, nhớ mãi, rất khó quên.
Ở ngoài đời, lại cũng thấy nhiều người/nhiều vị đề-cập đến thiên-đường/hoả-ngục ở đây đó, theo cung cách khác hẳn. Trong số các vị này, lại đã thấy tay viết trẻ có bút danh là Hải Triều Ý Tâm với những tình-tự gọi là: “Thiên-đường trong quả bóng bay, Gió trần gian thổi vuột tay ngẩng nhìn”, như sau:
“Tôi đặt chân lên đất Ấn để thăm xứ Rajasthan kiều diễm như người đẹp ngủ trong rừng vào những ngày đầu đông rực nắng năm 2010, khi nhân loại đang chuẩn bị đón mừng Tết dương lịch trong bầu không khí hân hoan, háo hức đợi chờ. Cùng đi với tôi là gia đình người cô, em ruột mẹ tôi gồm cô chú và con gái. Trong suốt cuộc hành trình dài đăng đẳng đó, cả 4 người chúng tôi không thật sự nghĩ là mình sẽ thực hiện được nổi chuyến đi đầy gian lao thử thách này ngay từ lúc khăn gói lên đường.
Đã gần 1 tháng xa quê, xa nhà, xa bà con, xa bè bạn thân thương, v.v…Con đường dài hun hút của những tháng ngày lang thang, phiêu bạt qua nhiều vùng trời mơ ước, nhiều học hỏi, lắm đam mê, lắm khám phá. Nhưng lắm khi cũng buồn dâng tê tái, vì những mâu thuẫn thật khó hiểu trong xã hội Ấn, cùng mức chênh lệch giàu nghèo ở đây thật quá xa. Nơi mà mọi người chúng ta cần nên đến trong đời, để cảm nhận được khoảng cách giữa thiên đường hạ giới và địa ngục trần gian, nó mong manh như một sợi tóc. Thoắt ẩn, thoắt hiện, tất cả dường như chỉ lướt qua trong nháy mắt.
Nói đến cõi thiên đường và chín tầng hỏa ngục làm tôi sực nhớ đến một câu chuyện dụ ngôn ngụ ý cao thâm mà tôi đã từng đọc ở đâu đó, đến bây giờ vẫn mãi chưa quên. Truyện kể về một cụ già hơn trăm tuổi được một nhà báo phỏng vấn hỏi bí quyết sống trường thọ,lạc quan yêu đời của cụ. ‘Có gì đâu’, cụ cười, ‘sáng nào tôi cũng hỏi mình hôm nay nên ở thiên đàng hay ở địa ngục, vậy thôi. Lưỡng lự một chút rồi tôi chọn thiên đàng’. Nó đơn giản như một cái công tắc, chỉ cần bật qua bật lại là đã vụt biến mất. Và tôi lại không khỏi nhớ đến trò chơi rồng rắn mà lũ trẻ con trong xóm tôi vẫn thường nghêu ngao hát khi còn ấu thơ:
“Thiên đàng địa ngục hai bên,
Ai khôn thì nhờ, ai dại thì xa.
Đêm nằm nhớ Chúa nhớ Cha,
Đọc kinh cầu nguyện kẻo xa linh hồn.
Linh hồn giữ đạo cho tròn,
Đến khi gần thác được lên thiên đàng.”
Ấn tượng ngày đầu của tôi về một Ấn Độ diệu kỳ luôn là thế. Mà đã đến rồi thì sẽ không bao giờ quên được. Ở miền đất thánh thiêng này, quê hương của Đức Phật, người dân nơi đây có thể bỏ hết tất cả, không quan tâm tới của cải vật chất vì tín ngưỡng, thì cũng có không ít những con người sống lây lất bên lề xã hội. Họ không thể khổ hơn nữa, để mà quan tâm tới vật chất.
Từ ánh mắt cam phận của 2 ông cháu gầy còm trong nhóm biểu diễn múa lửa, nhảy vòng khi họ được gọi đến diễn cho chúng tôi xem trong một buổi tối tại khách sạn. Dáng điệu họ thật khốn khổ, ánh mắt họ thật nhẫn nhục, và chỉ lâu lâu mới len lén liếc nhìn lên những thực khách béo tốt đang ngồi xem trên kia. Không phải là bị ám ảnh, nhưng sao tôi vẫn nhớ đến ánh mắt u hoài đó.
Rồi còn những đoàn tàu xe lửa lúc nào cũng đông đặc kẻ đứng người ngồi, đu bám trên nóc, trên thành, bên cửa toa xe. Tiếp nữa là ấn tượng về những con quạ to lớn thật đáng ghét suốt ngày cứ quang quác, quàng quạc ầm ĩ từ sáng sớm cho đến tối mịt, dù nơi tôi ở là một khách sạn 5 sao hạng sang ở thành phố Agra.
Theo thời gian, tôi lớn khôn thêm chút đỉnh, và học hỏi được nhiều qua cuộc sống với những va chạm trong đời thường, qua những lần vấp ngã, những lúc thất bại, qua những chuyến đi du lịch bụi, để đi sâu vào thượng tầng văn hóa Ấn Độ. Để biết rằng nếu như bạn muốn tìm một nơi có những hình ảnh hoàn toàn trái ngược nhau, thì sẽ không có nơi nào hơn xứ Ấn Độ.
Bên cạnh những căn nhà ổ chuột bẩn thỉu, đói nghèo là các lâu đài tráng lệ của những tay tỷ phú giàu sang nhất thế giới. Bên cạnh những mảnh đời hẩm hiu chỉ biết lo kiếm miếng cơm manh áo cho ngày mai, là những công trình to lớn, vĩ đại đến nghẹn thở. Nếu đến Ấn Độ để thăm thánh tích Phật giáo, bạn sẽ rất thỏa mãn và còn muốn quay lại đây thêm nhiều lần. Nhưng nếu chỉ đến để hưởng thụ cuộc sống không thôi, thì bạn sẽ phải khóc thét lên, và chạy khỏi Ấn Độ ngay từ khi bước chân xuống phi trường.
Thế nhưng, nếu biết kiên nhẫn chấp nhận vượt qua cảnh đói nghèo, bẩn thỉu, hôi hám, bạn sẽ ngất ngây trước cái đẹp vô song của rặng Tuyết Sơn (Himalayas) hùng vĩ, và của các thắng cảnh thần tiên khác trên đất nước này. Đó là lý do tại sao mà tôi vẫn ao ước được quay lại thăm xứ Ấn thêm một lần nữa trong quãng đời còn lại của mình, nếu điều kiện cho phép.
Thật vậy, Ấn Độ hiện đang là một thiên đường chứa đầy tiềm năng phát triển du lịch. Mặc dù đường xá kém mở mang, điều kiện vệ sinh hạn chế, nhưng nhờ sở hữu một nền văn minh lâu đời, một nền văn hóa thâm hậu và những công trình kiến trúc xuất sắc mà Ấn Độ bao giờ cũng thu hút hàng triệu khách du lịch đến thăm xứ sở mỗi năm. Miễn là họ biết chấp nhận cái thực tế phũ phàng: đây là một thế giới hoàn toàn khác lạ với xã hội Âu Mỹ mà họ đang sống, vì tự nó đã là một thế giới rực rỡ muôn màu.
Ngay như tại Thủ đô Tân Delhi kia, nơi được xem là Paris của Ấn Độ, có vô số những con người sống trong cảnh lầm than bên những túp lều bạt rách tươm, không có chút vệ sinh hay tiện nghi tối thiểu. Có người còn cho rằng muốn biết tầng đầu địa ngục hình dáng thế nào dưỡi cõi trần thì xin hãy dừng chân ghé thăm Thủ đô Delhi hay bất kỳ thành phố nào đó trên đất Ấn Độ nghèo khổ này.
Thế mà phần lớn khách du lịch đến đây lại quay mặt dửng dưng, dường như không muốn biết đến cảnh địa ngục trần gian đó. Họ xếp hàng nối đuôi nhau đi tham quan những lăng tẩm cổ kính, những cung điện huy hoàng, những thành quách vĩ đại của vua chúa xây trên xương máu người dân trong các thế kỷ trước.
Ấn Độ của quá khứ không hề thiếu các vua chúa bạo phát bạo tàn ấy. Đó là xứ sở của các tiểu vương cai trị nhiều khi không quá ‘vài vạn nóc nhà’, như cách đếm dân ngày xưa hay nói. Vua chúa Ấn Độ cũng không hề dè sẻn trong các công trình xây dựng. Họ cần lâu đài cho mùa hè lẫn mùa đông, cho chính hậu cũng như thứ phi, cho hoàng tử và công chúa.
Dân Ấn Độ thì đông và sẵn sàng è cổ ra chịu đựng, cát đá thì nhiều và dễ khai thác, nhất là loại đá cẩm thạch trắng muốt, trong suốt như pha lê lừng danh thế giới. Nghệ nhân Ấn Độ rất khéo tay, thông minh, giàu tưởng tượng và sẵn sàng quên mình cho các vị thần linh của Ấn giáo. Vì những lẽ đó mà các công trình xây dựng to lớn của Ấn Độ ở đâu cũng có, ở đâu cũng là những kỳ quan, thu hút rất đông du khách, mùa hè cũng như mùa đông. (X. Hải Triều Ý Tâm, Ấn Độ – thiên-đường và địa ngục?! nxb Hồng Đức 2017)
Hôm nay, bần đạo bầy tôi đây, xin đề nghị một truyện kể tuy không “dễ nể” cho lắm, nhưng cũng gọi là để minh-hoạ cho vấn đề mình nêu ra. Vậy, xin mời bạn/mời tôi, ta hãy cứ vểnh tai ra mà nghe kể những câu truyện như sau:
“Có nông dân nọ đang vội vàng trên đường cùng con ngựa và con chó của mình. Thình lình sét đánh giết chết tất cả họ. Như nhiều linh hồn mới chết khác, họ chẳng biết mình đã chết và cứ tiếp tục đi.
Họ tiếp tục đi dưới mặt trời thiêu đốt. Họ ướt đẫm mồ hôi và khát không chịu nổi. Họ sau đó nhìn thấy một cánh cổng đẹp đẽ dẫn đến một quảng trường chiếu sáng rực rỡ. Có một dòng suối trong vắt ở giữa quảng trường đó. Ông vội vã chạy đến và chào người giữ cửa: “Nơi đẹp đẽ này là nơi nào vậy?”
– Thiên đàng. Người gác cổng nói một cách thân thiện. Thật là tốt quá. Chúng tôi đều đang rất khát nước. Chúng tôi có thể đi vào trong và uống một chút nước không?
– Ông có thể vào, nhưng con ngựa và con chó của ông thì không được. Chúng tôi không cho phép động vật vào trong.
– Ồ, thế thì quên chuyện đó đi vậy”.
Người nông dân không đành bỏ lại con ngựa và con chó. Họ vì thế tiếp tục đi tìm nước uống. Sau khi đi khá lâu, ông tìm thấy một nơi có nguồn nước. Cũng lại có một người đang canh giữ cánh cổng.
– Xin chào, tôi và con ngựa, con chó của tôi có thể uống nước ở đây được không?
– Cứ việc”, người gác cổng nói.
Sau khi họ uống thỏa thích, người nông dân nói cảm ơn người gác cổng và hỏi anh ta:
– Nơi này là nơi nào thế?
– Thiên đàng. Người nông dân bối rối:
– Lẽ nào lại thế! Chúng tôi vừa đi ngang qua một cánh cổng đẹp đẽ và người gác cổng ở đó bảo rằng nơi ấy là thiên đường mà.
– Đó là địa ngục, người gác cổng trả lời.
– Chúa ơi, anh nên ngăn cấm họ làm người khác lầm lẫn như thế. Người ta sẽ bị lừa.
– Không chắc nữa, người gác cổng nói. Chúng tôi nên cảm ơn sự giúp đỡ của họ, bởi họ sẽ giữ những kẻ bỏ rơi bạn bè ở lại đó.
Kể thế xong, nay thiết nghĩ cũng nên mời bạn và mời tôi, ta trích-dẫn tiếp lời đấng thánh-hiền từng khẳng-định rằng:
“Những ai Thiên Chúa đã tiền định,
thì Ngài cũng kêu gọi;
những ai Ngài đã kêu gọi,
thì Ngài cũng làm cho nên công chính;
những ai Ngài đã làm cho nên công chính,
thì Ngài cũng cho hưởng phúc vinh quang.”
(Rôma 8: 30)
Cùng với đấng bậc hiển-thánh, khẳng-định về một sự thật để đời rồi, nay tưởng cũng nên hiên ngang hướng về phía trước mà hát những lời ca rất sáng mà kết thúc câu chuyện thiên-đường/địa ngục, rất nên duyên:
“Thiên đường là đây là cuộc tình mãi thiết tha ngàn thu
Là lời nồng ấm trái tim thủy chung muôn kiếp
Thiên đường là đây là ngày chẳng biết nỗi đau buồn chi
Thiên đường là đây là nụ cười mãi thắm trên bờ môi
Thiên đường là đây từ ngày được thấy chúng ta gần nhau.
Bao đắm say, thiên đường là đây…”
(Lê Xuân Trường – bđd)
Trần Ngọc Mười Hai
Nay nhất quyết hiểu như thế
và làm thế,
mãi về sau.