“Người ơi khi cố quên là khi lòng nhớ thêm” | Chuyện phiếm Đạo/Đời
Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 21 thường niên năm A
“Người ơi khi cố quên là khi lòng nhớ thêm”
Dòng đời là chuỗi tiếc nhớ
Mơ vui là lúc ngàn đắng cay … xé tâm hồn.”
(Anh Bằng – Sầu Lẻ Bóng)
(Mt 5: 6)
Có một điều thật khó nói, nhưng bản thân bần đạo vẫn muốn bộc-lộ ra ngoài, là: khi nghe lại ca-từ ở trên, bần đạo bầy tôi lại cứ thấy lòng mình mềm nhũn như con chi chi. Chí ít, là khi nghe thêm những câu hát tiếp, rất hiu hắt, như sau:
“Tàn đêm tôi khóc khi trời mưa buồn hắt hiu,
Lòng mình thầm nhớ dĩ vang.
Đau thương từ lúc vừa bước chân.
Vào đường yêu,
Đêm ấy mưa rơi nhiều.
Giọt mưa tan tác mưa mùa ngâu.
Tiễn chân người đi,
Buồn che đôi mắt thấm ướt khi biệt ly.
Nghe tim mình giá buốt.
Hồi còi xé nát không gian,
Xót thương vô vàn.
Nhìn theo bóng tàu dần khuất trong màn êm.
Mùa thu thương nhớ bao lần đi về có đô.
Mà người còn vắng bóng mãi.
Hay duyên nồng thắm ngày ấy nay … đã phai rồi.
(Anh Bằng – bđd)
Chính vì gặp phải những tình-huống như thế, bần đạo bầy tôi đây bèn tìm cách tự giải-quyết sự tình, cho đời mình lên hương. Và, một khám phá khá mới đó là: học viết và lách cho nhiều, rồi thôi.
Nói nào ngay, viết bài và in ấn sách báo, lại là thách-thức, rất không nhỏ. Không thể nhỏ, là bởi: khi viết bài và cậy đăng trên báo –dù báo giấy hay báo điện-tử– thì người viết mọn hèn là bầy tôi đây cứ phải giông dài nhiều sự kiện, rất thấm thía.
Mới rồi đây, nhân lúc nhàn rỗi, bần đạo lục tìm chồng báo cũ bèn bắt gặp một bài viết khá ngắn đăng trên tờ báo đạo mang tên The Majellan số tháng 10-12/2016 bèn định bụng ngày nào đó sẽ chuyển ngữ sang tiếng Việt để bà con người đọc thưởng lãm.
Thật ra thì, bài viết này chẳng có gì là độc đáo, chỉ mỗi nhắc nhở người đọc đừng quên những “sự thật” tối thiểu ở trong đời, là “Hãy cố giữ im lặng” để hồn mình lắng đọng mà thưởng thức những gì đang trôi nhanh, như thời gian, hạnh-phúc, rất êm đềm. Thế rồi, bần đạo chợt nhớ đến lời thơ trong nhạc bản ở trên những hát rằng:
Từ lâu tôi biết câu thời gian là thuốc tiên,
Đời việc gì đến sẽ đến.
Những ai bạc bẽo mình vẫn không … đành lòng quên.”
(Anh Bằng – bđd)
Vậy, hôm nay, trước khi đi sâu vào các đề-tài trầm lắc, sâu-sắc, xin chuyển tải đến bạn bè, thân-hữu ở đây những tâm tình về một “lặng thinh là tình…rất thuận”, bằng những giòng chữ như sau:
“Có rất nhiều phương-cách để ta nguyện cầu. Một trong số đó, là: để thì giờ ra mà niệm-suy. Những ai từng suy và niệm đều bảo rằng: điều ấy giúp họ trầm tĩnh hơn; giúp họ cải-thiện thêm nghị-lực và giúp họ cả đến việc tiếp xúc Chúa.
Suy-niệm là chuyện khá dễ-dàng. Không cần phải là chuyên-viên hay chuyên-gia gì, mới làm được. Chỉ cần mỗi một việc là tìm nơi im-ắng và bỏ ra chừng 15, 20 phút trống để thực-hiện thôi. Một khi ta đã đắm chìm vào tình-huống ấy rồi, thì: suy và niệm sẽ là những gì mình muốn mỗi ngày không chỉ là cung-cách nguyện-cầu mà thôi nhưng còn là đường lối thư-giãn, nữa.
Xem thế thì, chỉ cần thực-hiện một vài động-tác ngắn như sau:
1.Tìm nơi vắng lặng, có thể là chiếc giường ngủ nhỏ, khép kín cửa để cách biệt hẳn bên ngoài, càng nhiều càng tốt. Lặng ngồi trên ghế hoặc ngồi bệt dưới sàn, bất cứ nơi nào mình thấy thoải mái, là được. Buông lỏng cơ bắp. Trở về với hiện tại.
- Giờ đây, hãy chọn chữ gì đó có tính-chất đạo hoặc một thành-ngữ có nghĩa đích-thực với riêng mình. Có thể là tên cực trọng “Giêsu”, hoặc chỉ một lời thốt lên như: “Giêsu, Lạy Chúa tôi!”, cũng được.
- Và, vừa nhẹ nhàng hít đầy lồng ngực vừa kêu lên “Giêsu” làm như thể đang đầm mình vào bể nước nóng. Khi thở ra, lại cũng từ từ nói lời “Lạy Chúa tôi” như câu thở dài thườn thượt.
- Hít chậm vào phổi cách tự nhiên. Hít bằng mũi, rồi ngưng một lúc chừng vài giây, rồi thở ra bằng miệng, lại ngưng vài giây.
- Đừng lo, nếu thấy mình chia trí. Chuyện ấy, thật bình thường, vẫn xảy ra với nhiều người. Cứ việc buông bỏ mọi đãng trí/lo ra, dù nó là thứ gì cũng mặc, và rồi bắt đầu làm lại như thế, thêm nữa…” (X. Quiet please, Tập san Tam Cá Nguyệt The Majellan số tháng 10-12/2016, tr. 4-5 “Soul Space”)
Trích-dẫn ở trên là để nhấn mạnh rằng: thực-chất của việc nguyện-cầu nằm ở động-thái giữ thinh-lặng cả trong lẫn ngoài tâm can con người mình. Một ví-dụ điển-hình nhất từ “lời dạy” của Đức Giêsu khi Ngài nói về việc cầu-nguyện, thì câu đầu tiên bảo rằng:
“Còn ngươi,
khi cầu nguyện thì
hãy vào buồng, khoá cửa lại mà cầu nguyện
với Cha ngươi,
có mặt cả nơi kín ẩn:
và Cha ngươi,
Đấng thấu suốt cả nơi kín ẩn
sẽ hoàn trả lại cho ngươi.”
(Mt 5: 6)
“Vào buồng, khoá cửa lại mà cầu nguyện”, tức: làm thinh như tình-huống hoà nhập với Đấng mình nguyện và cầu. “Vào buồng, khoá cửa lại mà cầu nguyện”, tức có nghĩa: không nhìn thấy ai, không còn muốn nói chuyện với ai, ngoài Đấng mình đang tiếp chuyện trong “lặng thinh như tình đã đạt”.
“Vào buồng, khoá cửa là mà cầu-nguyện”, còn là và vẫn là trạng-thái sống hoà mình với Đấng mà mình tiếp cận, hệt như truyền-thống kéo dài từ Do-thái-giáo trước khi lên tiếng tụng-ca cách long trọng để ca ngơi Thiên Chúa.
“Vào buồng, khoá cửa là mà cầu-nguyện” lại sẽ là và luôn là quan-điểm của cộng-đoàn Kitô-hữu thời tiên-khởi vốn biết mình được vinh-hạnh làm “con Thiên-Chúa”, Đấng được tôn-vinh cách long trọng, dù không bằng lời nói hoặc hành-động, mà chỉ mỗi lặng thinh, thôi. Đó chính là mục-tiêu của người theo Đạo Chúa, vẫn thực-thi.
Trong tâm tình tìm kiếm một động-thái thích hợp với chuyện nguyện-cầu trong thinh lặng ở ngoài đời, có lẽ điều hay nhất là đề nghị bạn/đề-nghị tôi, ta đi vào vùng trời truyện kể có những giòng kể lể ngắn gọn như sau:
“Tý và Tèo, là đôi bạn thân lâu nay không gặp. Tý hỏi thăm Tèo:
-Này Tèo, gia đình cậu độ này sao rồi? Vẫn ổn chứ?
Tèo đáp:
-Ừ, vẫn ổn. Chắc phải 3 tháng rồi tớ cứ giữ “im-lặng-là-vàng” chẳng nói với vợ đến một câu!
Tý ngạc nhiên nói:
-Ối giời! Như vậy mà gọi là “vẫn ổn” sao? Có chuyện gì mà vợ chồng cậu “chiến-tranh-lạnh” dữ thế?
Tèo nhún vai bảo:
-Cũng chẳng là “chiến-tranh-lạnh” hay nóng gì đâu. Chả là, vợ tớ không muốn ai chen ngang khi cô ta đang nói chuyện, mà thôi!” (Truyện kể ê-hề ở trên mạng)
Truyện kể như thế, có lẽ chỉ để phiếm sương sương/nhè nhẹ, chứ chẳng minh-hoạ được vấn-đề “lặng-thinh là tình đã đạt”, như vẫn bàn. Dù, tình ấy có là: tình Chúa hay tình người, hoặc tình-tứ với tình-tự gì cho cam.
Minh hoạ sự lặng thinh, như một định-nghĩa của nguyện cầu, có lẽ phải tìm đến truyện kể nào đó dài giòng hơn chút nữa, mới được. Đại-loại một thứ truyện kể về chốn dân-gian im ắng nhiều luận cứ.
Thời gian gần đây, đài truyền-hình SBS Úc Châu có phim dài nhiều tập bảo rằng: bằng việc “nhìn vào mắt nhau” tự khắc sẽ giải quyết được nhiều khúc mắc xảy ra giữa đôi lứa. Khúc mắc lớn lao nhất như chuyện gia-đình gãy đổ cũng làm được.
Ngày hôm nay, phối hợp với truyện kể ở trên, đề-nghị bạn, đề-nghị tôi, ta lại sẽ thực-thi Lời Chúa khi Ngài bảo: “Hãy vào buồng, khoá cửa là mà cầu-nguyện” bằng động-thái rất nhẹ là: nhìn vào mắt Chúa ở cõi mịt mù, trống không, rất đen đặc.
Bởi, Thiên-Chúa không mang theo mình hình-ảnh một “Ông già râu bạc phếch” hoặc tượng trưng bằng “Chim Bồ Câu Trắng những bay lượn” hoặc một “Trang thanh-niên vạm-vỡ” với cơ-bắp đang gánh vác thanh gỗ hình chữ thập, được vẽ đầy trên tường/trần đền đài/nhà thờ ở đâu đó, rất trần-tục. Ngài là “quãng không” đen đặc, mịt mù ta chỉ thấy được Ngài bằng cặp mắt thân tâm/linh-hồn, mà thôi.
Để minh-hoạ một cách xác thực hơn, chuyện dài về tình-huống “lặng-thinh là tình đã đạt”, tưởng cũng nên kể thêm một truyện kể khác không dài cũng không quá ngắn như sau:
“Một đôi trai gái đang cãi nhau trong một tiệm cà-phê và không muốn nhường nhịn nhau. Chàng thanh niên bỏ đi trong giận dữ, trong khi cô gái vẫn ở lại một mình, khóc lóc.
Cô bực dọc quấy ly trà lạnh. Cô dùng muỗng sắt chà mạnh vào miếng chanh có nhiều vỏ. Miếng chanh có vỏ bị chà vào thành ly quá mạnh, nên tiết nước đắng vào trong trà của cô.
Cô gái nói với người bán mang cho cô một ly trà với chanh nhưng không có vỏ. Người bán nhìn cô gái nhưng không nói gì cả. Anh ta lấy ly trà chanh nghiền nát và thay một ly trà chanh có vỏ.
Cô gái nóng giận nói với người bán: “Tôi nói với anh là bỏ vỏ đi, không hiểu tôi nói gì sao?
Người bán hàng với cặp mắt sáng, nhìn cô gái thật bình tĩnh và nói: “Đừng nóng giận. Sau một lát, vỏ chanh sẽ bị nước ngấm hết mà. Tất cả vị đắng đã tan trong trà và sẽ làm nước trà trong lại và rất ngọt. Có phải cô muốn như thế không? Đừng nóng giận. Chờ chừng 3 phút thì múi chanh sẽ tan vào trong ly trà. Nếu không, cô sẽ làm ly trà thành ly trà đắng.”
Cô gái chưng hửng và cảm động. Cô ta nhìn thẳng vào đôi mắt người bán hành và hỏi: “Vậy thì, cần bao lâu để lấy hết mùi vị từ lát chanh?”
Người bán hàng mỉm cười nói: “Mười hai tiếng. Lát chanh sẽ hoàn toàn phát hết mùi vị của nó. Sau mười hai tiếng, cô sẽ có một ly trà chanh tuyệt diệu, nếu cô có thể đợi trong mười hai tiếng.”.
Người bán hàng ngừng một chút rồi nói tiếp: “Không phải chỉ có trà, nhưng cũng là cách để trừ hết những muộn phiền trong đời sống. Nếu cô kiên-nhẫn và chịu-đựng trong 12 tiếng, cô sẽ thấy nhiều việc không đến nỗi tồi tệ như cô nghĩ đâu.”
Cô gái hỏi: “Có phải bạn cho tôi ám hiệu không?”
Người bán hàngt mỉm cười: “Tôi đang chỉ cho cô cách làm một ly trà chanh. Đó cũng là cách sống một cuộc đời đẹp đẽ.”
Cô gái nhìn ngắm ly trà chanh và suy nghĩ: . Sau đó, cô gái về nhà và cố pha một ly trà chanh. Cô ta lặng thinh ngắm những lát chanh trong ly trà và kiên-nhẫn chờ kết-quả. Cô ta thấy những lát chanh thở và lớn dần trong ly nước trong vắt. Cô ta cảm động, vì cô ta có thể cảm-nhận được tâm-hồn của lát chanh đang lớn dần và toả ra. Hơn nữa, cô ta kiên-nhẫn chờ trong 12 tiếng đồng hồ. Cô ta nếm ly trà chanh và nhận thấy nó ngon nhất trên thế giới.
Cô gái chợt hiểu lý-do tại sao trà chanh nếm rất ngon khi chanh hoàn toàn tan trong ly trà.
Tiếng chuông cửa chợt reo lên. Cô gái mở cửa và thấy chàng thanh niên có mặt tại đó. Anh ta ôm một bó hoa hồng rất đẹp trên tay. Anh ta thành khẩn “Em tha lỗi cho anh nhé.”
Cô gái mỉm cười và anh ta và kéo anh ta vào nhà. Cô ta mời anh ta ly trà chanh và nói: “Chúng ta nên cam-kết. Sau này, sau này mặc dầu chúng ta nóng giận chừng nào, chúng ta không nên mất bình tĩnh. Chúng ta cần phải bình tĩnh và nghĩ đến ly chanh trà.”
“Tại sao chúng ta phải nghĩ đến ly chanh trà?” Chàng thanh-niên hơi khó hiểu.
Cô gái trả lời: “Vì chúng ta cần phải chờ trong 12 tiếng đồng hồ.”
Từ đó, cô gái ứng-dụng triết-lý này trong đời sống. Cô ta có được hạnh-phúc và vui vẻ như chưa từng có trước đây. Cô ta nếm những ly trà chanh tuyệt vời và một đời sống tuyệt diệu. Cô ta nhớ đến người bán hang nói: “Nếu cô cố vắt chanh và trong trà chừng 3 phút, cô sẽ thấy trà đắng và nước không trong.”
Đời sống cũng như trà. Bạn phải chờ đợi kiên-nhẫn và cẩn-thận nếm nó. Nó sẽ đem lại những giây phút thần-tiên.
Tuy nhiên, đừng chờ thêm nữa. Nếu không , vị của trà chanh sẽ nhạt đi, vì nó đã làm quá lâu rồi. Vì thế, trong đời sống bạn không nên chờ hay bắt người khác chờ quá lâu. Nếu không, đời sống bạn cũng phai nhạt và nhàm chán.”(Dịch từ www.xincheng.net/xs/articles/gb/2008/3/15/42774.htm)
Xem thế thì, trà chanh/cuộc đời cũng sẽ ngọt ngào hoặc đắng chua, cũng tuỳ người và tuỳ và tình-huống người đời xử-trí với đắng, cay, mặn ngọt trong cuộc đời. Chí ít, là: cảm nhận được sự trống vắng, đen kịt của mọi thứ.
Thế đó, là ý-nghĩa của bài viết trong Tin Mừng và cuộc sống rất hôm nay. Trong tâm tình hiên ngang chấp-nhận mọi tình-huống đen kịt một cuộc đời với tất cả sự kiên-nhẫn và cẩn-thận, đề -nghị bạn/đề-nghị tôi lại sẽ hát nhạc bản ở trên, làm đoạn kết:
“Người ơi khi cố quên là khi lòng nhớ thêm”
Dòng đời là chuỗi tiếc nhớ
Mơ vui là lúc ngàn đắng cay … xé tâm hồn.”
Tàn đêm tôi khóc khi trời mưa buồn hắt hiu,
Lòng mình thầm nhớ dĩ vang.
Đau thương từ lúc vừa bước chân.
Vào đường yêu,
Đêm ấy mưa rơi nhiều.
Giọt mưa tan tác mưa mùa ngâu.
Tiễn chân người đi,
Buồn che đôi mắt thấm ướt khi biệt ly.
Nghe tim mình giá buốt.
Hồi còi xé nát không gian,
Xót thương vô vàn.
Nhìn theo bóng tàu dần khuất trong màn êm.
Mùa thu thương nhớ bao lần đi về có đô.
Mà người còn vắng bóng mãi.
Hay duyên nồng thắm ngày ấy nay … đã phai rồi.
(Anh Bằng – bđd)
Trần Ngọc Mười Hai
Cũng từng thấy nhiều vị đắng
Không chỉ trong ly trà chanh
Mà cả cuộc đời.