Đọc báo dùm bạnLướt web

Hơn 60 đôi giày bên dòng Danube và câu chuyện ám ảnh phía sau

Họ ra đi chẳng còn lại gì, chỉ còn những đôi giày nằm cô quạnh bên bờ sông…

Nếu bạn từng đến thành phố Budapest của Hungary, sẽ là một thiếu sót nếu không ghé qua con sông thơ mộng đã đi vào thơ ca Danube. Đi bộ dọc bờ sông, bạn sẽ bắt gặp nhiều công trình lịch sử, soi mình bên dòng nước xanh. Khi con đường ven sông hợp với phố Szechenyi ở một ngã rẽ, hiện ra trước mặt bạn là một công trình tưởng niệm Holocaust nổi tiếng: Những chiếc giày bên dòng sông Danube. Đó là những đôi giày được làm bằng sắt, đã rỉ sét được gắn chặt xuống bờ sông.

Những đôi giày bằng sắt là chứng nhân hùng hồn nhất về một quá khứ đau thương của thành phố Budapest trong Thế chiến thứ II. Người ta tới đây mà vẫn cảm thấy chút buồn phảng phất gợi lên từ thảm kịch xảy đến với người Do Thái vào mùa đông nằm 1944-1945. Câu chuyện đau lòng đó vẫn còn khắc sâu trong lòng người dân thành phố Budapest: rất đông người Do Thái đã bị cột lại với nhau, bắn trên bờ sông trước khi thi thể trôi theo dòng nước lạnh lẽo.

Hơn 60 đôi giày bên dòng Danube và câu chuyện ám ảnh phía sau - Ảnh 1.

Những đôi giày bên dòng sông Danube.

Nhưng đó không phải là một nhóm người duy nhất khi đã có hàng nghìn người thiệt mạng quanh dòng sông Danube. Những kẻ ra tay hạ sát cho rằng, ném thi thể xuống dòng sông là cách tiện lợi nhất khi dòng sông sẽ mang theo thi thể nạn nhân đi xa. Thông thường, những nạn nhân bị bắn sẽ được yêu cầu cởi giày ra.

Vào những năm tháng chiến tranh, giày là một mặt hàng quý hiếm. Những người Do Thái cũng hiểu được điều ấy nên họ sẽ bán giày của mình ở chợ đen hoặc luôn giữ bên mình. Bên dòng sông Danube, không phân biệt trẻ hay già, tất cả họ sẽ bị bắn trước khi đẩy xuống sông. Tàn ác hơn, có những nhóm vài người bị buộc vào nhau nhưng chỉ một người bị bắn. Khi người bị bắn ngã xuống sông sẽ kéo theo người còn lại, thoi thóp trong dòng nước rồi cũng ra đi mãi mãi. Thời bấy giờ, người ta gọi sông Danube là “nghĩa địa Do Thái”.

Hơn 60 đôi giày bên dòng Danube và câu chuyện ám ảnh phía sau - Ảnh 2.

Một công trình tưởng nhớ người Do Thái mà không ai có thể quên.

Hơn 60 đôi giày bên dòng Danube và câu chuyện ám ảnh phía sau - Ảnh 3.

Có 60 đôi giày được trưng bày tại đây.

Khu tưởng niệm với những đôi giầy bên sông Danube được lên ý tưởng bởi đạo diễn Can Togay. Ông đã cùng nhà điêu khắc Gyula Pauer dựng lên chúng từ năm 2005. Cùng với những đôi giày là tấm biển thông tin ghi bằng 3 thứ tiếng: Anh, Hungary và tiếng Hebrew.

“Để tưởng nhớ các nạn nhân bị bắn bên dòng sông Danube vào những năm 1944-45. Khởi công ngày 16/4/2005”.

Có tổng cộng 60 đôi giày được dựng lên bên bờ sông Danube. Không chỉ có những khách du lịch và người dân địa phương, đây còn là nơi rất đông người thân của các nạn nhân từng thiệt mạng bên dòng Danube đến đặt vòng hoa và tưởng nhớ những người đã khuất.

Hơn 60 đôi giày bên dòng Danube và câu chuyện ám ảnh phía sau - Ảnh 4.

Những đôi giày hoen rỉ theo thời gian.

Hơn 60 đôi giày bên dòng Danube và câu chuyện ám ảnh phía sau - Ảnh 5.

Đây chính là một chứng nhân lịch sử mà không ai có thể quên được.

 

Bài liên quan

Back to top button