Tục “đập nát xương chân” bó thành “gót sen” thời xưa
Ở Trung Quốc thời phong kiến, tục lệ bó chân là cách “biến hóa” đôi chân thành hình “gót sen” – chuẩn mực vẻ đẹp thời bấy giờ.
Lịch sử loài người từng chứng kiến những cách làm đẹp hết sức “rùng mình”. Trong số đó, phải kể đến tục bó chân của phụ nữ Trung Quốc thời phong kiến.
Tại sao phụ nữ Trung Quốc ngày xưa phải bó chân?
Có truyền thuyết cho rằng vào thời kì Nam Đường (937 – 975), một cung phi đã biểu diễn một bài múa với bàn chân được quấn trong lụa. Dáng điệu uyển chuyển cùng bàn chân nhỏ nhắn của người con gái này đã làm say lòng hoàng đế và khiến các cung phi khác cũng bắt chước theo. Từ tầng lớp quý tộc, tục bó chân lan rộng ra toàn xã hội Trung Quốc.
Trong suốt hàng nghìn năm, người Trung Quốc cho rằng bàn chân nhỏ mang một vẻ đẹp quyến rũ. Họ gọi những bàn chân này bằng những cái tên mĩ miều như “gót sen” hay “gót huệ”. Những người phụ nữ bị bó chân thường đi lại không vững vàng, khiến họ giống như những cành sen đong đưa trong gió.
Một phụ nữ quý tộc Trung Quốc với đôi chân bị bó.
Hình ảnh một phụ nữ bị bó chân.
Hình ảnh đôi chân “dị dạng” thường thấy của những phụ nữ Trung Quốc thời xưa.
Phụ nữ Trung Quốc từng tin rằng, bó chân mang lại sức khỏe và tăng cường khả năng sinh sản, cũng như khiến họ trở nên quyến rũ hơn.
Một bé gái bị bó chân.
Bên cạnh đó, bó chân còn được coi là biểu hiện của sự cao quý. Người con gái không có bàn chân bó thường bị khinh thường. Con gái quý tộc không bó chân chỉ có cơ hội lấy chồng ở đẳng cấp kém hơn, còn con gái những nhà nghèo thì dễ bị bán làm nô lệ. Vào thế kỉ 19, ước tính có tới 50% phụ nữ Trung Quốc bó chân và tỉ lệ bó chân ở phụ nữ quý tộc là 100%.
Quy trình bó chân
Quá trình bó chân đau đớn đến mức có người đã nói rằng: “Người con gái bó chân phải khóc hàng xô nước mắt”.
Bàn chân phụ nữ bình thường và bàn chân bị bó (Ảnh chụp tại Quảng Đông, Trung Quốc).
Việc bó chân được bắt đầu từ khi các bé gái 2 đến 5 tuổi – khoảng thời gian xương bàn chân chưa phát triển hoàn thiện.
Đầu tiên, chân của các bé gái được ngâm trong nước ấm pha thảo dược và máu động vật. Sau đó, những người bó chân sẽ xoa bóp nhẹ nhàng đôi bàn chân rồi dùng lực mạnh để bẻ quặp các ngón chân xuống, ép vào lòng bàn chân. Xương vòm bàn chân bị bẻ gẫy rồi cả bàn chân được quấn lại thật chặt trong băng vải.
So sánh cấu trúc xương của bàn chân thường và bàn chân bị bó.
Quá trình bó chân diễn ra trong vòng 2 năm. Nhiều lần băng vải được tháo ra để người ta đánh thật mạnh vào lòng bàn chân của các bé gái, làm vỡ nát các xương. Khi vải được quấn lại, người con gái còn bị buộc phải đi lại trên nền nhà để bàn chân biến dạng hơn nữa.
Hình chụp X-quang của bàn chân bị bó.
Thông thường, các gia đình ngày xưa không cho người mẹ tham gia vào việc bó chân con gái vì sợ người mẹ thương con sẽ quấn băng lỏng ra một chút. Sau 2 năm, bàn chân sẽ giữ nguyên hình dạng trong suốt cuộc đời sau đó. Những biến chứng thường gặp là bàn chân bị sưng, chảy mủ và thậm chí còn bị hoại tử do nhiễm trùng.
Bàn chân bó khi không quấn băng…
… và lúc đã quấn băng.
Đến thời kì nhà Tống, phụ nữ Trung Quốc dần bị tước bỏ nhiều quyền lợi, chẳng hạn như quyền sở hữu tài sản. Họ cũng được giáo dục ít hơn trước. Trong bối cảnh sự thống trị của nam giới với phụ nữ ngày một tăng, tục bó chân là cách thức hiệu quả để trói chặt người phụ nữ với gia đình. Do không thể tự đi lại một mình, phụ nữ buộc phải phục tùng nhà chồng tuyệt đối.
Ở các gia đình nông dân, việc bó chân thường diễn ra muộn hơn và bó cũng lỏng hơn vì người phụ nữ còn phải làm việc trên đồng ruộng. Việc bó chân đối với phụ nữ quý tộc thì đau đớn hơn rất nhiều. Họ hầu như không thể đi bộ nếu không có người dìu bên cạnh.
Đôi giày nhỏ xíu của những phụ nữ bị bó chân.
Năm 1911, chính phủ mới của Trung Quốc tuyên bố xóa bỏ tục bó chân. Hủ tục đau đớn này đã chính thức chấm dứt song tại những vùng thôn quê ở Trung Quốc, người ta vẫn có thể bắt gặp những cụ bà với bàn chân bó nhỏ xíu.
Theo Trithuctre