Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

NHỮNG NGƯỜI CHIẾN THẮNG | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ  
(Mt.5,1-11)
***

           NHỮNG NGƯỜI CHIẾN THẮNG  

Khi ấy, thấy đám đông, Ðức Giêsu lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người mở miệng dạy họ rằng:

“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.
Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Hứa làm gia nghiệp.
Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.
Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn Thấy Thiên Chúa.
Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.
Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại,và vu khống đủ điều xấu xa.
Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao

(Mát-thêu 5:1-11)

______________

SUY NIỆM    

NHỮNG NGƯỜI CHIẾN THẮNG

Đời là một cuộc chiến đấu…

Đời là một cuộc chiến đấu, chiến đấu với những thế lực bên ngoài và chiến đấu với bản thân.

Cuộc chiến đấu có nhiều mục đích. Cuộc chiến đấu để sinh tồn, vì miếng cơm manh áo. Cuộc chiến đấu vì danh vọng, quyền lực, giàu sang, thành đạt, hưởng thụ. Cuộc chiến đấu trong đời thường, trong chính trường, trong thương trường… Cuộc chiến đấu với bệnh hoạn, khiếm khuyết, hoàn cảnh…

Cuộc chiến đấu nào cũng phải hành động, làm việc, thương tích, gian khổ… Có thành công và thất bại, có vui tươi và buồn chán, có nụ cười và nước mắt, có đồng hành và có cô đơn…

Vì đời là một cuộc chiến đấu, nên sống là làm việc, không có nghỉ ngơi theo đúng nghĩa của nó.

Một chiếc xe, một con tàu vào kho… nó thật sự nghỉ ngơi, nhưng con người “nghỉ ngơi” không “dừng bước” như theo cách như vậy. Thân xác có thể nằm yên, nhưng tâm trí vẫn động. Con người không sống một mình, nên  vẫn còn đó sự liên đới. Còn đó sự liên đới, là còn đó bổn phận và trách nhiệm, còn đó bổn phận và trách nhiệm, dù cách thể hiện thế nào, ít nhiều cũng vẫn phải suy nghĩ lo toan.

Người xưa có câu chuyện sau đây:

Thầy Tử Cống hỏi Không Tử:

Tử này mệt về học, khốn về đạo, bây giờ muốn nghỉ thờ vua có nên không?

Đức Khổng Tử nói:

Phận làm tôi thờ vua, sớm tối kính cẩn, mà cho trọn được chức trách cũng là việc khó, nghỉ thế nào được!

Vậy xin nghỉ để thờ song thân?

Lòng con hiếu thờ cha mẹ thật là vô cùng, lại có thể lấy sự hiếu thảo của mình cảm hóa được lòng người cũng là việc khó, nghỉ thế nào được!

Vậy xin nghỉ để vui chơi với vợ con?

Đạo làm chồng phải làm gương cho vợ, lại để cho anh em và thiên hạ trông vào mà bắt chước cũng là việc khó, nghỉ thế nào được!

Vậy xin nghỉ để chơi với bầu bạn?

Nghĩa bầu bạn phải giúp đỡ nhau, hết lòng hết sức với nhau, cũng là việc khó, nghỉ thế nào được!

Vậy xin nghỉ để làm ruộng?

Công việc nhà nông phải cày, cấy, gặt hái hai sương một nắng, chân lắm tay bùn, cũng là việc khó, nghỉ thế nào được!

Như thế thì tử này không lúc nào được nghỉ ư?

Có chứ. Lúc nào ngắm thấy cái huyệt đào nhẵn nhụi, trông thấy cái mồ đắp chắc chắn, ngó thấy người đi đưa cách biệt hẳn mình, ấy lúc bấy giờ mới là lúc được nghỉ đó.

Thầy Tử Cống nói.

Như thế cái chết chẳng là cái hay à! Người quân tử đến bây giờ mới được nghỉ; kẻ tiểu nhân bây giờ mới chịu thôi, cái chết thật là hay vậy!

(Gia Ngữ – Cổ Học Tinh Hoa).

Cuộc chiến đấu vì Niềm Tin

Người đời thường nói: “Chiến đấu với bản thân là khó nhất”.

Có câu chuyện sau đây về việc huấn luyện những em bé để chúng trưởng thành đáng ta suy nghĩ.

Trong nhiều bộ lạc Da đỏ Mỹ Châu hay có nghi thức huấn luyện và thu nhận thiếu niên vào hàng ngũ trai tráng trong làng như sau: khi mặt trời sắp lặn, người bố sẽ dắt đức con của mình vào sâu trong một cánh rừng. Đứa bé được trao cho một cây lao với lời nhắn nhủ: “Con sẽ ở một mình trong rừng đêm nay”. Sau đó người bố rút lui.

Màn đêm buông xuống rất nhanh. Không gian chập chờn với bao tiếng gầm rú rùng rợn. Người ta dễ có cảm tưởng đang bị thú dữ rình chờ tấn công. Thỉnh thoảng, vài tiếng vỗ cánh của chim ăn đêm cũng có thể làm cho người yếu vía giật mình. Thời gian chậm chạp trôi qua. Mỗi giây phút là cả một khoảng dài vô định.

Nhưng cuối cùng, màn đêm cũng rút đi. Bầu trời từ từ hừng sáng. Nỗi sợ hãi trong đứa bé cũng phai mờ theo. Từ trong một lùm cây, một bóng người xuất hiện: cha của đứa bé. Đứa bé nhận ra và vui mừng chạy đến ôm chầm lấy bố, reo lên: “Bố đã trở lại”. Người cha hãnh diện khi thấy con mình trải qua đêm đen như một người trưởng thành. Đứa bé không hề biết rằng suốt đêm qua cha nó không ngừng trông chừng nó.

Cái người đời thường thiếu là ý chí chứ không phải là sức mạnh.(Victor Hugo).

Người Ki-tô hữu vẫn thường nguyện cầu “Chúa vẫn biết chúng con cần đến Chúa”, vì chúng ta biết mình yếu đuối. Nhưng, cuộc chiến đấu của chúng ta không “đơn độc”, chúng ta tin rằng Chúa hằng “trông chừng” chúng ta.

Chúng ta nuôi dưỡng ý chí nhờ sức mạnh của Ơn Chúa trao ban. “Khi chiến đấu Chúa ban sức mạnh”, cuộc đời đời ta tiến bước trong ân sủng Chúa, khi lòng ta quyết không rời xa Tình Yêu của Chúa.

Tôi đã chiến đấu trong cuộc chiến chính nghĩa; đã chạy đến cùng đường; kiên vững trong lòng tin. Giờ đây, triều thiên công chính được dành sẵn cho tôi, và Thiên Chúa, Đấng phán xét chí công, sẽ hoàn lại cho tôi trong ngày ấy, không chỉ cho tôi mà thôi, nhưng còn cho hết mọi người đã đầy lòng mến yêu trông đợi Ngài xuất hiện” (2 Tim 4:6-8).

Những người chiến thắng

Các Thánh là những người chiến thắng. Nói theo cách nói của Thánh Phao-lô: “đã chiến đấu trong cuộc chiến chính nghĩa; đã chạy đến cùng đường, kiên vững lòng tin…” và “Triều thiên công chính đã trao cho các ngài trong Vương Quốc Tình Yêu Thiên Chúa”.

Các Thánh không “bỗng dưng” nên Thánh. Các ngài đã chiến đấu cam go, “trải qua cơn thử thách lớn lao”, Hạnh phúc nào không đến từ khổ đau, vinh quang nào không đến từ thập giá?

Nếu cuộc đời là một cuộc chiến đấu không ngừng nghỉ, mặc dù mục đích của nó chỉ dừng lại ở giá trị của trần gian, thì “cuộc chiến chính nghĩa” vì Đức Tin càng dữ dội, vì mục đích của nó là giá trị vĩnh hằng, là cuộc sống đời đời. Mục đích ấy gói trọn trong chữ “Phúc” của Chúa Ki-tô, chữ “Phúc” ấy tẩy sạch lòng người trắng tinh để con người về “cõi phúc” đích thực theo Thánh Ý Tình Thương của Thiên Chúa.

 “Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh.4,14).

Mừng lễ Các Thánh Nam Nữ, mừng Giáo Hội Khải Hoàn, ta được thêm sức chiến đấu để hy vọng ngày mai… “triều thiên công chính được dành sẵn cho ta” – như niềm tin vững chắc của thánh Phao-lô.

Lạy Chúa,

Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi (Lc 18, 9-14)

Amen.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG
_______________
Bạn có thể xem bài suy niệm khác ở địa chỉ:
http://thegioiriengtu.com/dung-chan/738-le-cac-thanh-nam-nu-su-song-doi-doi

 

 

Bài liên quan

Back to top button