Sống với nỗi đau của người ngôn sứ.
Trích sách Tập sống vượt lên nỗi sợ, Forgotten among the Lilies,
Learning to Love Beyond Our Fears, Ronald Rolheiser
Tôi có một buổi trao đổi khá lâu với một cô bạn ủng hộ nữ quyền. Minh bạch và không sợ khi bày tỏ sự tức giận, cô cởi mở nói về nỗi đau của mình. Cô thấy thất vọng về sự thiếu bình đẳng trong Giáo Hội, thất vọng vì không bao giờ có thể chịu chức. Nước mắt tuôn dài, cô nói cô muốn bỏ Giáo Hội nơi cô đã lớn lên, nhưng có một cái gì đó đã ngăn cô lại.
Hôm sau, khá tình cờ, tôi có một buổi nói chuyện riêng về hôn nhân và, cô gái sắp lập gia đình cũng khóc và nói về nỗi đau tương tự. Cô cũng có ý muốn bỏ Giáo Hội.
Lúc kể câu chuyện của mình, cả hai đều nói những gì thật sự khiến họ muốn bỏ Giáo Hội là nỗi đau khi họ đi rước lễ. Cả hai đều đau đớn, tức giận, cay đắng và để nước mắt tuôn trào.
Xét bề ngoài thì sẽ cho rằng họ đau là vì bí tích Thánh Thể do một người đàn ông cử hành. Tuy nhiên, tôi cho đó chỉ là lời giải thích thứ yếu. Nỗi đau của họ chạm đến một cái gì đó sâu đậm hơn, có khả năng gởi tín hiệu cho toàn thể Giáo Hội. Bất chấp sự kiện có thể bị lẫn lộn với những nỗi đau khác, họ đang trải nghiệm nỗi đau của ngôn sứ.
Kinh thánh nói, các ngôn sứ chết gần bàn thờ và cung thánh. Nếu đúng như vậy thì, có nên quá ngạc nhiên khi tín hữu trải nghiệm nỗi đau sâu đậm nhất của họ khi tham dự thánh lễ? Cũng giả sử nếu Giáo Hội đã nhìn và lắng nghe những ai cảm nhận bị chết nơi bàn tiệc Thánh Thể, những người phải chết đi một phần nào đó để đứng nơi cung thánh, vì Giáo Hội và sự lành mạnh của Giáo Hội chúng ta phải mở rộng vòng tay để ôm lấy họ và nỗi đau này. Và tốt hơn chúng ta nên nói với họ, thật là quan trọng khi họ không bỏ chúng ta.
Cả hai phụ nữ này đều xác quyết nỗi đau của họ khi họ dự bàn tiệc Thánh Thể, đó là dấu chỉ chọ họ biết tốt nhất họ nên rời bỏ Giáo Hội.
Tuy nhiên nỗi đau của họ có tính cách ngôn sứ. Nó cho thấy có một cái gì đó thiếu sót, nhưng thiếu sót với toàn bộ cơ thể, chứ không phải với một bộ phận.
Nỗi đau của họ cũng cho thấy bàn tiệc Thánh Thể là hiệu năng. Qua tính chất của nó, bàn tiệc Thánh Thể là nơi chốn của thống khổ cũng như của dâng mừng. Thánh Thể có ý nghĩa mở lòng chúng ta, bóc trần chúng ta, nghiền nát và chuyển hóa chúng ta thành một cộng đoàn của tình yêu.
Vì chúng ta đến với bí tích Thánh Thể mà không hiệp nhất, nên mỗi người chúng ta bị kẹt trong tính ái kỷ và ích kỷ của mình, chúng ta cần được bóc trần trước khi hiệp nhất, khi đó tinh thần cộng đoàn mới có chỗ đứng. Điều này không khi nào xảy ra mà không có đau đớn và thống khổ.
Tuy nhiên không nhất thiết người cảm thấy thống khổ nhất là người cần được bóc trần hay thay đổi nhất. Nỗi đau của họ chỉ ra rằng có một cái gì đó sai sót trong cơ thể.
Khi nghe ai đó cảm thấy đau đớn nơi bàn tiệc Thánh Thể, tôi cảm thấy phấn khởi trong đức tin, dù có buồn về mặt cảm xúc. Nó nói lên người đó chân thành, cắm rễ sâu trong cộng đoàn Thánh Thể, và Thánh Thể vẫn đang hoạt động.
Và những người này, những người đang đau đớn, họ cần được ôm lấy và lắng nghe. Những người cảm thấy đè nặng, bị khai trừ và chết (dù ở dưới dạng thức nào) nơi cung thánh thì thường thường, họ là những tiếng nói của ngôn sứ dù chính họ không nói ra. Nỗi đau của họ là nỗi đau không lời.
Karl Barth nói rằng, trong sự nhập thể Thiên Chúa xuống thế, đi từ “chiều cao đến chiều sâu, từ vinh quang đến thất bại, từ giàu có đến khó nghèo, từ niềm vui chiến thắng đến nỗi khổ đau, từ sự sống đến cái chết.” Thiên Chúa mạc khải nơi những ai đau khổ, và điều này không đâu đúng hơn ở bàn tiệc Thánh Thể.
Đau đớn đã là ngôn từ. Như thần khí Thiên Chúa, nỗi đau diễn tả những gì sâu đậm mà lời không diễn tả được. Đau đớn, chấp nhận không chút cay chua và kiên trì với nó, là việc làm của ngôn sứ. Đó là tiếng nói của Chúa trong một Giáo Hội và thế giới bị chai cứng. Nó khởi đi từ lương tri và nó nói tiếng nói của lương tri.
Nơi bàn tiệc Thánh Thể, giữa các điều khác, cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Ki-tô được tái hiện. Rõ ràng những ai đang đau khổ nhất và đang chết đi là phần nào hình ảnh của Đức Ki-tô.
Đó là lý do vì sao thật là quan trọng cho những ai cảm nhận như hai phụ nữ trên, những ai đau đớn và khóc nơi bàn tiệc Thánh Thể, ở lại với Giáo Hội và ở lại với Thánh Thể. Không có những giọt nước mắt ngôn sứ, chúng ta càng ngày càng hờ hững.
Và các ngôn sứ chết gần bàn thờ và cung thánh. Nhưng tiếng thì thầm của họ là một ngôn từ, là một tiếng nói, không thể dập tắt.