Ký ức: Lưu lại để lưu thành | Anh Mười
KÝ ỨC: LƯU LẠI ĐỂ LƯU THÀNH
Báo điện tử Vietnam.net.vn 13.06.2015, trong mục giáo dục có đăng bài:“Sự nổi loạn tư duy: 5 lý do đừng cố gắng học quá giỏi kiểu Việt Nam”. Và kèm theo một Footnote để nhắc độc giả“đã gọi là sự ‘nổi loạn của tư duy’ nên xin mời bạn phản đối thoải mái dưới comment nếu muốn”.
Khi đọc bài viết này, tôi không comment theo kiểu nổi loạn của bài viết nổi loạn. Nhưng tôi xin được chia sẻ sự đồng cảm của mình về lý do thứ năm trong năm lý do của bài viết “Năm lý do bạn đừng cố gắng học quá giỏi kiểu Việt Nam”của bạn Hoàng Huy, bởi vì nó gợi nhớ đến tuổi học trò của tôi. Đó là: “Để học giỏi ở Việt Nam, cuộc sống của bạn rất dễ bị mẻ, bị nứt, bị lệch và rất có thể bị vỡ nữa. Bạn còn quá trẻ và non nớt, vì thế nên bạn cần đi học để trưởng thành lên theo năm tháng, nhưng bố mẹ và thầy cô luôn cần bạn phải là số 1, không được là số 2, nhất định phải là số 1, và họ thi nhau chất lên lưng bạn những áp lực nặng nề mà chính bạn cũng không thể biết được đâu là tới hạn. Đến khi bạn kém giao tiếp, ứng xử lúng túng, không biểu đạt ngay cả những gì mình muốn nói, không tự tin giữa đám đông chỉ vì ngoài giờ học bạn không còn người bạn thân nào hơn Facebook, Zalo, máy tính và điện thoại, không có thời gian để quan sát cuộc sống tươi đẹp xung quanh. Coi chừng! Rất có thể, đấy là cách những tờ giấy khen Học sinh giỏi âm thầm đánh cắp tuổi thơ của bạn.”
Tôi chú ý nhiều đến câu cuối: “Rất có thể, đấy là cách những tờ giấy khen học sinh giỏi âm thầm đánh cắp tuổi thơ bạn”.Tôi tự cười thầm và tự nghĩ ngược lại về tuổi thơ của mình:“Rất có thể, vì tuổi thơ của tôi quá đẹp đến nỗi nó đã làm cho tôi không được một tờ giấy khen học sinh giỏi nào”. Và đây là sự thật, bởi vì tuổi thơ của tôi có sự cân bằng trong logic “và”, chứ không bị nghiêng về logic “hoặc”. Nghĩa là sự cân bằng giữa “chơi và học” chớ không có chuyện “học hoặc chơi”, cách này người bình dân thường hay nói vui là: “Học không chơi đánh rơi tuổi trẻ, chơi không học bán rẻ tương lai”. Nhờ đó mà tuổi thơ không bị đánh cắp, hay bị vu cho là bất hạnh..
Cũng chính vì không bị vu là bất hạnh mà đến khi đã trưởng thành, tôi vẫn còn nhớ hai chữ “Lớp tao”: Lớp tao “Quậy như giặc; Là nơi tập trung những đứa trốn trại; Nhây lầy hết chỗ nói; Lúc nào cũng bị nhắc về mất trật tự; Buôn chuyện xuyên quốc gia, đi đâu cũng phải có Team; Ăn quà vặt vô đối; Luôn đùm bọc nhau trong giờ kiểm tra; Là nơi của những đứa mê trai, những thằng mê gái; Một đứa nói chuyện là cả đám um xùm lên; Chuyên lấy một đứa ra làm chủ đề bàn tán; Hay chửi nhau, cãi nhau thậm chí đánh lẫn nhau nhưng vẫn luôn yêu thương nhau”(Sưu tầm). Cũng như hay nghĩ về “Tuổi thơ tao”:
Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ
Ai bảo chăn trâu là khổ
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao
Những ngày trốn học đuổi bướm ở cầu ao
Mẹ bắt được…. Chưa đánh roi nào đã khóc
Có cô bé nhà bên
Nhìn tôi cười khúc khích
Mắt đen tròn thương thương quá đi thôi. (Giang Nam)
Một tuổi thơ được lưu lại (save), một tuổi học trò được lưu thành (save as). Với so sánh khập khiểng như thế để cho thấy cách giáo dục ngày nay thường chỉ chú trọng vào việc học những kiến thức sách vở, để rồi các bạn trẻ không còn có thời gian để học những kỹ năng khác (kỹ năng save ký ức tuổi thơ, kỹ năng save as kỷ niệm tuổi học trò). Tuổi thơ của các bạn trẻ đã dần dần bị đánh rơi bởi cách dạy “Học, học nữa, học mãi” (Lê-nin) theo kiểu lệch pha, mà nguyên nhân chính là những cuộc chạy đua không điểm dừng trong chính tâm thức của những ông bố bà mẹ, họ quên đi một điều quan trọng đó là các em không thể nào chạy được như mình, hoặc nhận cái mà các em chưa thể đón nhận được, nếu muốn nhận được thì phải cố gắng gồng mình. Với những cuộc chạy đua cũng như đón nhận một cách lệch pha như thế,thì một điều chắc chắn là tuổi thơ không chỉ được dán thêm hai chữ“bất hạnh”, mà ngay cả cuộc đời cũng cần hai chữ này làm tính từ kèm theo để đạt được ý nghĩa tràn đầy:“cuộc đời bất hạnh”.
Kết quả cuối cùng thay vì nhớ đến cụm từ hết sức hồn nhiên “lớp của tao” hay “tuổi thơ của tao” với biết bao kỷ niệm đẹp được lưu lại,cũng như khi muốn lưu thành, để làm nên cuộc đời đẹp, thì rất có thể các em cũng lưu lại, nhưng sẽ lưu lại cụm từ “lớp nào”, “lớp của ai”; hay “tuổi thơ nào”, “tuổi thơ của ai” khi nó muốn lưu thành. Vì nơi đó tuổi thơ của các em chỉ biết cố gắng vùng vẫy để thoát ra cho bằng được, chứ không phải để sống và cảm nghiệm cái đẹp của tuổi thơ, cái đẹp của tuổi học trò.
Cuối cùng, xin mượn lại lời kết bài viết: “Năm lý do đừng cố gắng học giỏi theo kiểu Việt Nam” của bạn Hoàng Huy để chúng ta cùng suy nghĩ về cách để giúp các bạn trẻ có khả năng lưu lại để lưu thành một ký ức tuổi thơ, một ký ức tuổi học trò thật đẹp nhé: “Nếu con bạn là cây Tùng thì xin đừng trồng trong chậu, chăng đủ thứ đồ trang trí lên và gọi nó là cây Thông Noel”.
ANH MƯỜI