Văn minh cái đòn gánh
Trong thơ thì có: “Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non” (Ca dao), trong nhạc thì có “Gánh, gánh, gánh… Gánh lúa về…” (Gánh Lúa – Phạm Duy và Lê Yên). Về địa lý, người ta ví đồng bằng sông Nhị và đồng bằng sông Cửu Long như hai thúng gạo, miền Trung là cái đòn gánh. Phạm Duy viết: “Gạo Nam, gạo Bắc, đòn miền Trung, gánh đừng để rơi.”
Vì đòn gánh làm bằng tre, rất uyển chuyển làm cho người gánh bớt đau vai và thấy nhẹ, nên người Tây dịch chữ đòn gánh là fléau, lấy từ nghĩa của động từ flechir là bẻ cong, còng, làm xiêu, làm dịu, oằn, giảm bớt, hạ xuống. Sở dĩ người Tây phải dịch là vì xứ họ cũng như Tây phương, Mỹ, Nga không có đòn gánh.
Như mọi người biết, cây tre rất đa dụng. Trước hết, tre làm hàng rào, bảo vệ từng nhà, từng làng. Giặc cướp, quân xâm lăng khó vượt qua được những lũy tre làng để tiến vào làng nên nhiều nhà sử học cho rằng, cây tre, lũy tre đã góp phần vào việc giúp người Việt Nam giữ vững nền độc lập. Đó là nói về chiều sâu, chiều xa. Gần gủi và cụ thể thì tre giúp người Việt Nam làm nhà như cột kèo, phên vách, cửa nẽo, kết tranh; làm dụng cụ như thúng, mũng, trẹt, nong… và đòn gánh, đòn xóc.
Người không chuyên thì chỉ gánh được một vai, thường là vai phải. Có người gánh được cả hai vai, nhất là những người phải gánh đường xa. Lúa gánh từ đồng về nhà có khi cũng xa lắm. Gạo gánh từ nhà ra chợ bán cũng xa lắm. Nhứt là mấy bà gánh cá như tôi nói ở trên thì lại quá xa. Vì vậy, khi gánh một vai bên nầy lâu quá, mỏi thì người ta đổi qua vai kia. Trên đường dài, người gánh phải đổi vai nhiều lần như vậy.
Trong cuốn Brother Enemy của Nayan Chanda, ông ta khen người Việt Nam sáng trí, đã đổi vai cho cầu Long Biên khi cầu nầy bị máy bay Mỹ bắn hỏng một bên vài. Có nghĩa là xe hơi từ Hải Phòng lên, khi qua cây cầu nầy, thay vì chạy bên phải thì xe hơi lái qua bên trái. Phía phải yếu không chịu sức nặng của xe được.
Người ta phải tập mới gánh được. Mấy cô gái quê, 15, 17 tuổi là phải tập gánh. Không biết gánh, công việc đồng áng tất phải trở ngại. Ban đầu, người ta gánh vài ba chục ký. Sau đó, khi gánh quen, bớt đau vai thì trọng lượng gánh được tăng lên. Đàn ông lực lưỡng, nếu quen, có thể gánh tới 150 Kg.
Những gia đình ở gần sông, phần đông các cô các bà đều biết gánh nước. Tắm giặt có thể ở sông, nhưng phải gánh nước về nhà để nấu ăn. Ngày xưa, người ta gánh nước trong cái thùng gỗ, thùng tre trét nhựa đường cho khỏi chảy. Sau nầy, khi có dầu hôi thì người ta thường dùng thùng dầu hôi để gánh nước. Thùng dầu hôi hiệu Con Gà (Có hình con gà bên hông) hay Con Sò (Có hình con sò bên hông) dung tích 20 lít, nặng 20Kg. Hai thùng hai đầu là 40Kg. Gánh 40 Kg đi lên dốc bờ sông, nhiều khi đường trơn trợt, cũng là một khổ nạn.
Tuy nhiên, nước sông khi trong khi đục, khi dơ khi sạch, nhứt là khi có nước lũ thì nước đục ngầu, không nấu ăn được. Để có nước nấu ăn, ở thôn quê, người ta thường đào giếng. Làng có những cái giếng chung, xây bằng gạch hay đá. Giếng rộng và sâu, đủ nước cho nhiều gia đình. Giếng thường đào bên cạnh gốc đa để có bóng mát cho mấy bà mấy cô ngồi giặt giũ hay chuyện trò. Giếng làng là nơi tập trung cho mấy cô thông minh; thông minh nên “nhiều chuyện”. Đi gánh nước cũng là dịp mấy cô gặp nhau để “nhiều chuyện”, chuyện nầy chuyện kia, chuyện mấy cô mấy cậu, chuyện ông nọ bà kia. Có khi mấy bà mẹ bực con mình gọi mỉa là “chuyện ông huyện to d…”
Người gánh nước giếng phải mang theo cái gàu; gàu mo hay gàu sắt, gàu tre. Trong “Xóm giếng Ngày Xưa” Tô Hoài tả cảnh kéo nước “Cái gáo mo kêu lạt sạt bên thành giếng, tiếng những người con gái kéo nước khúc khích giỡn nhau”. Đó là cảnh thanh bình của đất nước. Hơn nửa thế kỷ nay, mất dần đi vì chiến tranh.
Trước 1945, Thực Dân Pháp “cai trị và bóc lột dân ta rất tàn tệ” nhưng thành phố nào cũng có nhà máy nước cho dân chúng dùng. Nhà nào giàu có thì bắt ống vô tận nhà, còn không thì có “phông-ten” (fontaine) công cộng, tức là chỗ lấy nước chung, cứ mang thùng ra đó xách nước sạch, lọc kỹ đem về nhà dùng. Các ngã ba, ngã tư đầu xóm thường có “phông ten”. Các cô gái đi ở đợ cho nhà chủ, thường đem đòn gánh và thùng ra quây nước ở đây (Gọi là quây vì phong ten có tay quay cho nước chảy ra). Người ta thường gọi các cô ở đợ ra gánh nước ở phông ten là “Ma-ri phông ten”. Mấy cô nầy, có khi cũng lắm chuyện, chuyện nhà chủ, chuyện ông bà chủ, chuyện thầy cô và cũng lắm khi giành bồ của nhau, và cũng lập phe lấy đòn gánh đánh nhau sứt đầu chảy máu, phú lít (police) phải can thiệp.
Dĩ nhiên, cái đòn gánh cũng đi vào chiến tranh. Một người cháu thua tôi khoảng 5 tuổi, – nhà thơ Quốc Lân -, kể lại rằng anh khó quên cảnh chạy giặc năm 1945. Năm ấy, gia đình anh từ Huế chạy về làng quê, cách Huế khoảng 20Km. Bà dì của anh, còn trẻ, để anh ngồi trong một cái thúng, đầu gióng bên kia là nồi niêu song chão và áo quần. Anh ta được ngồi thúng suốt trên quảng đường 20Km như vậy cũng mỏi lắm. Chuyện nầy cũng làm tôi nhớ chuyện bà chị tôi. Năm 1947, chị khoảng 15 tuổi, bị bệnh, cũng được ông anh tôi gánh chạy tản cư như vậy.
Bạn đọc có biết cái đòn gánh tạo ra cái áo nối vai hay không?
Người Huế, nói chung là người miền Trung, không như người Nam, mỗi khi ra đường đều mặc áo dài. Mặc áo dài mà đòn gánh đằn vai thì chỗ đòn gánh đặt lên vai áo mau sờn, mau rách. Chỗ vai áo thì đã sờn mà cái áo còn tốt nên người ta cắt miếng vải nối vai. Cái áo trở thành áo nối vai, có khi đồng màu, có khi không. Tôi từng thấy những cái áo dài đen hay nâu nối vai vải trắng. Cái áo nối vai chứng tỏ cho người ta thấy nỗi khó khăn, gian khổ, vất vả của người đàn bà Việt Nam. Nói tới “Áo Dài Việt Nam” mà quên cái áo nối vai là một thiếu sót lớn!
Cách đây ít lâu, đọc cuốn “Hiền Lương Chí Lược” của một ông chú họ, nói về quê nội tôi, tôi thấy ông chú dùng chữ “Đòn gánh đằn vai” để mô tả sự đảm đang của người đàn bà quê nội tôi. Nó cũng có nghĩa như buôn tảo bán tần vậy. Hễ buôn bán thì “đòn gánh đằn vai.” Mấy tiếng ấy, lâu ngày đã quên, nay có người nhắc lại, tôi thấy xúc động lắm. Quả thật, người đàn bà Việt Nam gian khổ, vất vả biết bao nhiêu.
Trong vài trường hợp, cái đòn gánh trở thành vũ khí của người nông dân. Đọc truyện Giông Tố của Vũ Trọng Phụng, ở đoạn Nghị Hách hiếp Thị Mịch, mấy bà mấy cô dựng đòn gánh chuẩn bị chống cự, nhưng khi xe hơi Nghị Hách trờ tới thì ai nầy đều… giang ra.
Nếu sau nầy có bầu cử tự do thực sự, ứng cử viên được tự do phát biểu, cử tri tự do muốn nghe hay không thì tùy. Nhưng với những ứng cử viên quen giọng láo lếu, phỉnh gạt đồng bào, nói láo như Vẹm thì coi chừng cử tri sẽ nổi sùng cầm đòn gánh đánh cho. Như thế mới ngoạn mục!
Người ta nói cây tre là biểu tuợng văn hóa nông thôn Việt Nam. Do đó, tôi mới đặt đề bài là “Văn hóa cái đòn gánh” vì đòn gánh từ cây tre mà ra.
Đó là nói về mặt tốt, tích cực. Nó không có mặt tiêu cực hay sao?
Có chứ!
Khi “văn hóa cái đòn gánh” trở thành tiêu cực thì cái đòn gánh thành đòn xóc, như tôi có mô tả cái đòn xóc ở trên. Đòn xóc nhọn hai đầu nên nó xóc đầu nào cũng được. Những người nói bên nầy cũng được, nói bên kia cũng xuôi thì người ta chê là kẻ “Đòn xóc nhọn hai đầu!”
Tuệ Chương – Hoàng Long Hải
1/2008
Nguồn: http://phusaonline.free.fr/