Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Vẫn Còn Đó Niềm Tin | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
THỨ TƯ LỄ TRO
(Mt.6,1-6,16-18)
****

 VẪN CÒN ĐÓ NIỀM TIN

  

Một hôm, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

“Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: Chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

“Rồi khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh”.
____________

SUY NIỆM

VẪN CÒN ĐÓ NIỀM TIN 

“Hãy nhớ mình là bụi tro…”

Ở Strasbourg, miền Alasce, phía Đông Nam nước Pháp, cách Paris 447 km, có nhà thờ lớn, cũng gọi là Nhà thờ Đức Bà Strasbourg (Notre-Dame de Strasbourg), cũng vang danh không kém gì Nhà thờ Đức Bà Paris ở nhiều khía cạnh khác. UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới.

Đặc biệt nơi đây có cái đồng hồ rất lớn và rất cổ nhưng cấu trúc của nó thật tinh vi và dù kỹ thuật ngày nay đã tiến xa, chiếc đồng hồ ấy vẫn luôn thu hút du khách và những ai chiêm ngắm nó luôn thán phục và không tiếc lời ca tụng.

Trong quyển “Chết – Mầu nhiệm Vượt Qua”, của nhiều tác giả, có đoạn:

Mỗi ngày có 5 lần chiếc đồng hồ ấy báo giờ, và báo giờ với những động tác vô cùng đặc biệt.

Vào 6 giờ sáng, cửa sổ tháp nhà thờ mở ra, hình một thiếu nhi vác vồ ra gõ 6 tiếng.
Tới 9 giờ, một thanh niên ra gõ 9 tiếng.
Tới 12 giờ, một trung niên ra gõ 12 tiếng.
Tới 3 giờ chiều, một cụ già lọm khọm ra gõ 3 tiếng.
Rồi, 6 giờ tối, hình tượng Tử Thần vác lưỡi hái ra gõ 3 tiếng.
Và, cửa đóng lại cho tới 6 giờ sáng hôm sau.

Ai cũng biết rằng người sáng chế chiếc đồng hồ độc đáo đó có ý nhắc nhở mọi người một chân lý vĩnh cửu: Đời người thật ngắn ngủi, như một giấc chiêm bao, như một cơn gió thoảng, như bóng ngựa vút qua cửa sổ.

“Kiếp phù sinh tháng ngày vắn vỏi,
Tươi thắm như cỏ nội hoa đồng
Một cơn gió thoảng là xong
Chốn xưa mình ở cũng không biết mình”.

(Chết – Mầu nhiệm Vượt Qua”, nhiều tác giả)

Cuộc đời hiếm khi ta có những phút tĩnh lặng để nhớmình là thân phận cát bụi. “Hiếm khi” –  không hẳn vì ta không có thời gian, mà nhiều khi ta xem cái chết là lẽ thường tình, hơi sức đâu mà suy nghĩ đến, chẳng ích gì và cũng chẳng thú vị gì để ngẫm suy về chuyện đó. Lời nhắc nhớ về cái chết có mấy ai thích nghe !

Thế là, dần dần, nhìn cái chết như không, chẳng cảm nhận gì. Nghe tiếng chuông tiễn đưa một linh hồn, có khi ta đọc vài kinh cho có lệ, ta không nhớ hay không muốn nhớ rồi cũng có ngày tiếng chuông buồn đưa tiễn hồn ta.

“Hãy nhớ mình là bụi tro, và sẽ trở về tro bụi”. Nghe sao buồn quá, nhớ để làm gì nhỉ ?

Một người ngoại đạo biết chút ít về sinh hoạt Công Giáo đã có ý kiến: – “Đạo Công Giáo khi vui thì vui quá sức, mà khi buồn thì cũng buồn quá trời !”.“Ý anh nói vậy Là sao ?”.“Thí dụ: Lễ Noel thì vui quá sức. Có lễ nào lớn bằng lễ Noel đâu. Nhưng Lễ Tro, Mùa Chay thì quá thể buồn ! Có gì buồn bằng gợi nhớ mình chỉ là cát bụi không ?”

Đúng vậy, “Có gì buồn bằng gợi nhớ mình chỉ là cát bụi !”. Ta cũng từng nghe câu chuyện có cùng ý tưởng này mang tên “Chiếc vòng kỳ diệu” như sau:

Một ngày nọ, vua Salomon cho gọi Benaiah, một cận thần thông minh, và đưa ra lời thách đố:  “Benaiah này, ta muốn ông mang về cho ta một chiếc vòng để đeo trong ngày lễ Sukkot và ta cho ông sáu tháng để tìm thấy chiếc vòng đó.”

Benaiah trả lời: “Nếu có một thứ gì đó tồn tại trên đời này, thưa đức vua, tôi sẽ tìm thấy nó và mang về cho ngài, nhưng chắc là chiếc vòng ấy chắc phải có gì đặc biệt?”

Nhà vua đáp: “Nó có những sức mạnh diệu kỳ. Nếu kẻ nào đang vui nhìn vào nó, sẽ thấy buồn, và nếu ai đang buồn, nhìn vào nó sẽ thấy vui”.

Vua Salomon chắc mẩm trong lòng, không đời nào có một chiếc vòng như thế tồn tại trên thế gian này, và ông muốn cho người cận thần thông minh, không bao giờ chịu thua cuộc trong các lần thách đố của vua Salomon, lần này sẽ phải nếm bẽ bàng.

Mùa Xuân trôi qua, mùa Hạ đến, nhưng Benaiah vẫn chưa có một ý tưởng nào để tìm ra một chiếc vòng như thế.

Vào đêm trước ngày lễ Sukkot, ông quyết định lang thang đến một trong những nơi nghèo nhất của Jerusalem. Ông đi ngang qua một người bán hàng rong đang bày những món hàng trên một tấm bạt tồi tàn. Benaiah dừng chân lại hỏi: “Có bao giờ ông nghe nói về một chiếc vòng kỳ diệu làm cho người hạnh phúc đeo nó quên đi niềm vui sướng và người đau khổ đeo nó quên đi nỗi buồn không?”.Người bán hàng lấy từ tấm bạt lên một chiếc vòng giản dị có khắc một dòng chữ. Khi Benaiah đọc dòng chữ trên chiếc vòng đó, khuôn mặt ông rạng rỡ một nụ cười.

Đêm đó toàn thành phố hân hoan, tưng bừng đón mừng lễ hội Sukkot.

“Nào, ông bạn của ta, “vua Salomon nói, “Ông đã tìm thấy điều ta yêu cầu chưa?”. Tất cả những cận thần đều cười lớn và cả chính vua Salomon cũng cười.

Trước sự ngạc nhiên của mọi người, Benaiah đưa chiếc vòng ra và nói: “Nó đây thưa đức vua”. Khi vua Salomon đọc dòng chữ, nụ cười biến mất trên khuôn mặt vua. Trên chiếc vòng đó khắc dòng chữ: “Điều đó rồi cũng qua đi”.

Vào chính giây phút ấy, vua Salomon nhận ra rằng tất thảy những sự khôn ngoan, vương giả và quyền uy của ông đều là phù du, bởi vì một ngày nào đó, ông cũng chỉ là cát bụi.

“Hãy Sám Hối…

Người Ki-tô hữu có Lễ Tro nhưng không dừng lại ở mắm tro tàn. Vì “tro bụi” chỉ là lời nhắc nhở chứ không phải là phần kết luận. “Hỡi người, hãy nhớ mình là tro bụi, một mai sẽ trở về  bụi tro!” (St. 3,13). Lời nhắc nhở chỉ là bước mở đầu của một cuộc hành trình dài lâu tiến về bến bờ vĩnh cửu. 

Người Ki-tô hữu nhớ thân phận mình là bụi tro, phải trở về bụi tro vì tội lỗi của mình. Tội lỗi là nguyên nhân của đau khổ và sự chết, là nguyên nhân của niềm đau thân phận, nhưng con người sẽ “vượt qua” cái chết, tro bụi kiếp người lại một lần nữa tìm lại được sự sống, và là sự sống vĩnh hằng, nếu con người biết ăn năn sám hối.

“Do một người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian, và do tội lỗi mà có sự chết, và thế là sự chết đã truyền tới mọi người, vì lẽ rằng mọi người đã phạm tội”. (Rm.5,12-19).

Khi con người biết nhận ra mình chỉ là bụi tro, thì mới nhận ra được mình chẳng là gì cả, tất cả đều là ân huệ của Chúa, là hồng ân của Chúa, con người không bao giờ tồn tại nếu không nương tựa vào Chúa, kết hiệp mật thiết với Chúa.

Sự kiêu căng đáng sợ nhất chính là con người tưởng rằng mình có thể tự tồn tại mà không cần đến Thiên Chúa. Trong khi, không có ai, không quyền lực nào ở thế gian này có thể ban cho con người hạnh phúc tròn đầy và cuộc sống vĩnh hằng như khát vọng của mỗi người, ngoại trừ Thiên Chúa, Đấng luôn luôn yêu thương nhân loại, và yêu thương đến cùng.

Nhưng sự sa ngã của Ađam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người. Ơn Thiên Chúa ban cũng khác với hậu quả do một người phạm tội đã gây ra. Quả thế, vì một người duy nhất phạm tội, con người đã bị xét xử để phải mang án, còn sau nhiều lần sa ngã, thì lại được Thiên Chúa ban ơn cho trở nên công chính.(Rm.5,12-19).

… và tin vào Phúc Âm”

Không ai muốn vẽ một bức tranh có giá trị lại vẽ từ một cái nền đầy dấu vết dơ bẩn. Ai cũng hiểu phải tẩy xóa tất cả để bắt đầu từ một cái nền trắng sạch không dấu vết.

Tâm hồn ta sao cho như  trang giấy trắng để Thiên Chúa vẽ lên đó bức tranh tuyệt đẹp cho cuộc đời ta theo ý của Ngài. Đó là sự cố gắng của ta và việc làm của Chúa.

Sám hối là bước đầu phải có để trở về với Chúa, để đón nhận Đức Tin.

Từ luôn nhớ – luôn ý thức – mình là cát bụi, đến đón nhận tình yêu của Chúa là cuộc hành trình trong hy vọng. Có giọt nước  mắt của đau khổ, của sinh ly tử biệt, nhưng cũng có niềm vui được yêu thương, có niềm hy vọng được đoàn viên, hạnh phúc.

“Đây là Thiên Chúa ở với loài người, và chính Thiên Chúa sẽ ở với họ. Người sẽ lau khô mọi giọt lệ ở mắt họ. Sự chết chóc sẽ không còn nữa, cũng không còn than khóc, không còn kêu la, không còn đau khổ: bởi vì các việc cũ đã qua đi”.(Kh.21,1-5).

Ta tuyệt đối tin vào Tình Yêu Thiên Chúa,  “Chúa trung thành trong mọi lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm.” (Tv.144,13cd). Đức Giê-su Ki-tô, con Thiên Chúa, Đấng cứu chuộc ta thoát kiếp bụi tro và đưa ta về địa vị làm con Thiên Chúa, để được hưởng cuộc sống trường sinh trong Vương Quốc Tình Yêu của Ngài.

Vì thế, có thể nghe đâu đây vọng về tiếng thở than hay tiếng kinh buồn từ thân phận bụi tro của kiếp người ngắn ngủi, nhưng trong sâu xa lòng ta, vẫn còn đó niềm tin.

“Hãy sám hối và tin vào Phúc Âm”, là bước lên từ cõi chết đến cõi trường sinh như lời Chúa đã hứa.

Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. (Ga.3,16).

Lạy Chúa,

Xin tha nợ chúng con,
Như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con,
Xin chớ để chúng con sa chước  cám dỗ,
Nhưng cứu chúng con khỏi mọi sự dữ…

Lạy Chúa, con xin dâng lời kinh sám hối,
Từ kiếp đời tội lỗi,
Con không xứng đáng với tình Chúa yêu thương
Nhưng, xin đỡ nâng con trên mọi nẻo đường
Trong cuộc đời phù vân ảo ảnh

Kiếp bụi tro làm sao nên thánh
Nếu không có tình ngài cứu giúp đỡ nâng?
Đời con một kiếp phàm nhân
Tháng ngày mong đợi Hồng Ân của Ngài.

Amen.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

Bài liên quan

Back to top button