Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Sống lại một niềm tin | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH A
(Lc.23,19-35)
****

SỐNG LẠI MỘT NIỀM TIN

13 Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số. 14 Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. 15 Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ. 16 Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. 17 Người hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy? ” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.

18 Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.” 19 Đức Giê-su hỏi: “Chuyện gì vậy? ” Họ thưa: “Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. 20 Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. 21 Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. 22 Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, 23 không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. 24 Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy.”

25 Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! 26 Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? 27 Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.

28 Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa. 29 Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. 30 Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. 31 Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. 32 Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao? ”

33 Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. 34 Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn.” 35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.
___________

SUY NIỆM

SỐNG LẠI MỘT NIỀM TIN

“Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc.23,32).

1. Sụp đổ một niềm tin

Sau biến cố Chúa Giê-su chịu đóng tin, niềm tin các môn đệ gần như hoàn toàn sụp đổ. Mộng vàng ôm ấp bao nhiêu năm, bỗng chốc tan theo mây khói…

Tất cả mộng vàng son được thêu dệt theo ý muốn phàm nhân, và con đường theo Thầy Giê-su cũng mang theo bao hoài bão địa vị công danh trong khát vọng của con người.

Chúa Giê-su – Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. (Lc.23,19)lảm sao Ngài có thể chết và chết một cách dễ dàng và khó hiểu đến như vậy.

Ngay cả Juda Ít-ca-ri-ốt, kẻ mà ngọn lửa tình yêu trong trái tim có lẽ đã hoàn toàn tắt lịm khi tiền bạc đã làm mờ tối lý trí, cũng đã ngỡ ngàng và sững sốt khi Thầy Giê-su chấp nhận cái chết lạ lùng đến như thế. Trong thâm sâu lòng của Juda không biết ông nghĩ gì, nhưng sự chọn lựa cái chết của ông trước bản án của Thầy Giê-su rõ ràng nói lên rằng ông vẫn tin Thầy sẽ không dễ dàng gì bị kẻ thù loại trừ như thế. 

Bấy giờ, Giuđa, kẻ nộp Người, thấy Người bị kết án thì hối hận. Hắn đem ba mươi đồng bạc trả lại cho các thượng tế và kỳ mục mà nói: “Tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến Người phải chết oan”. Nhưng họ đáp: “Can gì đến chúng tôi. Mặc kệ anh!” Giuđa ném số bạc vào Ðền Thờ rồi lui ra và đi thắt cổ.(Lc.27,3).

Đối với Juda, thế là hết. Niềm tin hoàn toàn đã chết theo cái chết của ông ta, không còn cơ hội nào đối với Juda.

Đối với các môn đệ, niềm tin cũng đã sụp đổ.

Chỉ “ba ngày” thôi – “những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi” (Lc.23,21)chúng ta thấy bóng đen sợ hãi bao trùm lên các môn đệ, và viễn ảnh về cảnh “ai về nhà nấy” đang bắt đầu diễn ra, mà câu chuyện “trên đường E-mau” là một thí dụ điển hình.

Đối với các môn đệ, niềm tin đã chết trong lòng, trong cuộc sống còn đó kéo dài lê thê những ngày tuyệt vọng.

2. Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng

Trong cuộc sống, có lúc nào đó, ta đứng trước vực thẳm của sự tuyệt vọng. Sự hãi hùng khóa chặt mọi cánh cửa của niềm hy vọng.

Ta như người chới với giữa dòng và không còn một thứ gì để bám víu.

Chợt như có một phép lạ nào đó đến với ta, “lòng ta bừng cháy lên niềm tin yêu cuộc sống”.

Có một bản nhạc mang cái tựa rất phù hợp với vấn đề chúng ta suy ngẫm hôm nay: “Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng”. Xin trích một số đoạn trong bản nhạc đó:

Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng
Một vòng tay vừa mới mở ra
Cứu anh em những đời mạt vận
Đường mơ đi càng bước càng xa.

Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng
Hai mươi năm tưởng đá vàng phai
Có em tôi nuốt từng giọt lệ
Ngậm oan khiên đợi mãi một ngày.

……………….. 

Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng
Lời cầu kinh vừa có người nghe
Trái tim ơi, đất trời lồng lộng
Chờ đêm đêm biển hát tình ca.

Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng
Bao sinh linh nhận phép giải oan
Xiết tay nhau cúi đầu gạt lệ
Tạ ơn trên người vẫn thương người.

(Trầm Tử Thiêng.)

3. Sống lại một niềm tin

Đường về Em-mau không xa, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số, nhưng chắc rất xa đối với 2 môn đệ đang lữ hành từng bước đi nặng trĩu “giữa giờ tuyệt vọng”. Câu chuyện Giê-su bị đóng đinh là chuyện quá lớn lao rúng động cả kinh thành ai cũng biết. Thiên hạ bàn tán chừng nào thì nỗi đau trong lòng các ông càng dữ dội.

Đi tới đâu cũng nghe người ta nói về chuyện Giê-su bị đóng đinh. Thế mà có một người lữ khách tình cờ là bạn đường dường như không hay biết gì về việc này.

Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.” (Lc.23,18).

Nhưng, thật bất ngờ, người lữ khách “tỉnh bơ” trước việc ông Giê-su bị đóng đinh lại là người biết “rất rành” về ý nghĩa câu chuyện ấy.

Người đó lại là người “mang tin vui giữa giờ tuyệt vọng”. Người thật sự làm sống lại “Tin Mừng” đã lịm tắt trong lòng các ông. Người làm sống lại một niềm tin đang hấp hối trong lòng các ông.

“Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao? ” (Lc.23,32).

Người lữ khách đó chính là Đức Giê-su Ki-tô Phục Sinh.

Chỉ có Đức Ki-tô phục sinh mới có thể làm “sống lại một niềm tin” trong lòng các môn đệ.

Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. 31 Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. (Lc.23,30).  

“Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng”, họ không thể giữ “tin vui” ấy cho riêng mình. Một “niềm vui” chỉ giữ cho riêng mình thì không còn là niềm vui nữa, ai cũng muốn chia vui và được chia vui. “Tin Mừng” ấy phải được loan báo cho mọi người, vì Tin Mừng này là Tin Mừng cho cả nhân loại.

“Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem” (Lc.23,33).

Lạy Chúa,

Xin cho con sống lại
Niềm tin yêu trong lòng
Và ngợi ca mãi mãi
Tình Chúa quá mênh mông…

Amen.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

Bài liên quan

Back to top button