8 lợi ích của việc ăn bông cải trắng.
Bông cải trắng hay còn gọi là súp lơ trắng là một loại rau họ cải, có giá trị dinh dưỡng rất cao.
Các loại rau họ cải bao gồm: bông cải trắng, bông cải xanh, cải thảo, bắp cải,… đều chứa rất nhiều vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa và chất phytochemical.
Dưới đây là 8 lợi ích của việc ăn bông cải trắng:
- Chống ung thư
Bông cải trắng có chứa chất sulforaphane đã được chứng minh là có thể tiêu diệt tế bào gốc ung thư và làm chậm sự phát triển của các khối u. Một số nhà nghiên cứu tin rằng kết hợp bông cải trắng với chất curcumin có thể giúp ngăn ngừa và điều trị ung thư tuyến tiền liệt.
Một nghiên cứu thực nghiệm được công bố trên tạp chí Carcinogenesis cho thấy sulforaphane không chỉ làm giảm tỷ lệ khối u gây ra bởi hóa học ở động vật có vú mà còn ức chế, tiêu diệt tế bào ung thư vú ở người được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm.
Theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, các hợp chất khác trong bông cải trắng cũng cho thấy tác dụng chống ung thư – “Chất indole và isothiocyanates có trong súp lơ được phát hiện có thể ức chế sự phát sinh và phát triển của các bệnh ung thư ở nhiều cơ quan ở chuột, bao gồm: ung thư bàng quang, ung thư vú, ung thư ruột kết, ung thư gan, ung thư phổi và ung thư dạ dày.”
Thông thường rau có thể bị phá hủy thành tế bào khi nấu chín và giải phóng chất chống oxy hóa, nhưng đối với hầu hết mọi người thì rau họ cải tốt nhất là nên ăn sống. Leslie Beck, một chuyên gia dinh dưỡng người Canada và là tác giả của quyển “Bách khoa toàn thư về dinh dưỡng trọn bộ A – Z” (hướng dẫn bảo vệ sức khỏe một cách tự nhiên, cho biết: “Enzyme trong rau họ cải có thể chuyển glucosinolates thành isothiocyanate trong quá trình nhai hoặc cắt nhỏ, nhưng enzyme này dễ dàng bị phá hủy trong quá trình làm nóng. Điều này có nghĩa là làm nóng rau họ cải sẽ làm giảm khả năng chống ung thư của chúng, nhưng nếu bạn chắc chắn muốn nấu, thì nên hấp (hoặc phương pháp nấu với thời gian làm nóng ngắn) sẽ giữ lại nhiều chất dinh dưỡng hơn so với luộc và nấu trong lò vi sóng.”
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng một số người không thể tiêu hóa được đường trong bông cải trắng, từ đó tạo ra quá nhiều khí và gây đầy hơi, những loại đường này sẽ dễ tiêu hóa hơn sau khi nấu chín. Ngoài ra, những người mắc bệnh tuyến giáp cũng nên tránh ăn rau họ cải sống, vì chúng có chứa chất ức chế tuyến giáp, có thể làm nặng thêm bệnh tuyến giáp và chất này có thể bị phá hủy sau khi nấu chín. Bên cạnh đó cũng cần lưu ý rằng những người bị bệnh nặng cũng không thích hợp ăn rau họ cải sống.
- Tốt cho sức khỏe tim mạch
Các nhà khoa học tin rằng sulforaphane trong bông cải trắng và các loại rau họ cải khác có thể tăng cường chức năng tế bào và biểu hiện gen bằng cách cải thiện quá trình methyl hóa DNA, đặc biệt là trong các tế bào nội mạc động mạch dễ bị tổn thương, vì vậy có thể được cải thiện đáng kể vấn đề huyết áp và chức năng thận.
- Kháng viêm
Nhìn chung, cơ thể con người duy trì một mức độ phản ứng viêm nhất định, điều này tốt cho sức khỏe của bạn, nhưng đôi khi quá mạnh sẽ gây hại cho cơ thể. Nếu hệ thống miễn dịch của bạn có phản ứng viêm tự phát mà không có lý do thì sẽ không phù hợp với cơ thể và có thể gây ung thư hoặc các bệnh khác tùy thuộc vào cơ quan của phản ứng viêm.
Súp lơ trắng rất giàu chất dinh dưỡng chống viêm, bao gồm: indole-3-carbinol, có thể kiểm soát phản ứng viêm ở cấp độ gen.
Súp lơ rất giàu chất chống viêm, có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe khi ăn thường xuyên. (Ảnh: Adobe Stock)
- Giàu vitamin và khoáng chất
Hầu hết mọi người bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng và thậm chí là rối loạn các chức năng trong cơ thể. Ăn súp lơ thường là một cách đơn giản để có được các chất dinh dưỡng cần thiết này. Ví dụ như súp lơ chứa 77% vitamin C cần thiết cho một ngày và cũng rất giàu vitamin K, protein, thiamine, riboflavin, niacin, magiê, phốt pho, chất xơ, vitamin B6, axit folic, axit pantothenic, kali và mangan.
- Tăng cường sức khỏe não bộ
Bông cải trắng rất giàu choline và vitamin B, có vai trò quan trọng trong sự phát triển não bộ. Các thí nghiệm đã chỉ ra rằng phụ nữ tiêu thụ choline khi mang thai có thể tăng cường chức năng não bộ của thai nhi, do đó suy ra rằng súp lơ có thể tăng cường chức năng nhận thức của con người, cải thiện khả năng học tập và trí nhớ, thậm chí có thể ngăn ngừa suy giảm trí nhớ liên quan đến tuổi tác và tự mất ký ức thời thơ ấu vì một số tổn thương não do độc tố.
- Tăng cường khả năng giải độc của cơ thể
Súp lơ trắng giúp tăng cường khả năng giải độc của cơ thể, không chỉ chứa các chất chống oxy hóa liên quan đến giải độc giai đoạn 1, mà còn chứa các chất dinh dưỡng có chứa lưu huỳnh rất quan trọng trong việc giải độc giai đoạn 2, đồng thời súp lơ cũng chứa glucosinolates kích hoạt các enzyme giải độc.
- Hỗ trợ hệ tiêu hóa
Bông cải trắng là một nguồn chất xơ quan trọng góp phần hỗ trợ sức khỏe hệ tiêu hóa, sulforaphane có trong súp lơ cũng có thể bảo vệ niêm mạc dạ dày bằng cách ức chế sự phát triển quá mức của helicobacter pylori.
- Giàu chất chống oxy hóa và phytonutrients
Ăn súp lơ sẽ nạp vào cơ thể các chất chống oxy hóa và phytonutrients, bên cạnh đó súp lơ rất giàu vitamin C, β-carotene, kaempferol, quercetin, rutin và axit cinnamic. Chất chống oxy hóa bảo vệ các tế bào của cơ thể khỏi sự tấn công của các loại oxy hoạt tính.
Chỉ cần hấp thụ các chất dinh dưỡng quan trọng này, cơ thể có thể chống lại sự lão hóa do các chất ô nhiễm và sự căng thẳng hàng ngày gây ra, bởi vì chúng có thể giúp làm sạch các gốc tự do trong cơ thể.
Nếu bông cải trắng không phải là loại rau yêu thích của bạn, thì cũng có thể ăn các loại rau khác trong họ rau cải để có được những lợi ích tương tự như bông cải xanh, củ cải (củ cải turnip, củ cải ngựa, củ cải trắng), rau mầm, bắp cải, cải thìa, cải thảo, cải lông, cải ngựa, cải xoăn (cải kale, su hào, cải rổ, cải củ Thụy Điển), rau cải xanh, wasabi, cải xoong… Những loại rau này đều nên ăn càng nhiều càng tốt và không có hại cho sức khỏe.
Ví dụ, một chén cải xoăn chứa 10.000 IU vitamin A; bắp cải rất giàu vitamin K1 và vitamin B, các chất dinh dưỡng có trong những loại rau củ này đã được chứng minh là giúp điều trị loét dạ dày và hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn.
Theo Mercola.com và Wisemindhealthybody.com)
Minh Ngọc.