Lời ChúaLời nguyện giáo dân

Một số ý tưởng nhiếp ảnh tĩnh vật độc đáo với chủ đề rau củ quả

Trước khi nhiếp ảnh được ra đời, các họa sĩ vẫn thường sử dụng cọ và bút để lưu giữ lại những khoảnh khắc, cảnh vật lên trên các khung tranh. Rau củ quả là chủ đề tĩnh vật được lựa chọn phổ biến bởi các họa sĩ ngày ấy. Thậm chí cho đến nay, tại các trường mỹ thuật, vẽ tĩnh vật hoa quả vẫn là chủ đề lý tưởng cho những người mới bắt đầu. Để có thể vẽ tĩnh vật tốt, bạn sẽ cần phải học cách thể hiện hình khối, màu sắc của vật thể, cũng như độ bóng, độ mờ của sự vật qua các cường độ ánh sáng khác nhau. Đối với các nhiếp ảnh gia, những bài tập kể trên cũng hoàn toàn cần thiết để tiếp cận nhiếp ảnh nói chung và nhiếp ảnh tĩnh vật nói riêng. So với một họa sĩ, một nhiếp ảnh gia đã có lợi thế hơn rất nhiều trong việc tái hiện lại tĩnh vật khi không cần tới màu và bút để thể hiện hình ảnh. Tuy nhiên, các bài học về ánh sáng, sắp xếp bối cảnh và các kỹ thuật vẫn là những yếu tố căn bản trong nhiếp ảnh.

Nếu như bạn đang dành phần lớn thời gian ngồi ở nhà, đây sẽ là cơ hội tốt để tận dụng những đồ vật trong căn bếp của mình cho việc học một phương pháp nhiếp ảnh mới – chậm rãi, từ tốn và thư thái hơn. Một bộ ảnh mang chủ đề tĩnh vật rau quả có thể sẽ là cách lý tưởng để bạn có thể tận dụng thời gian rảnh rỗi của mình.

Lựa chọn vật thể 

Không phải tự nhiên mà rau và quả lại là vật thể tĩnh vật được nhiều người lựa chọn, một số lý do có thể kể đến như sau. Trước hết, rau quả sở hữu cho mình nhiều hình khối đa dạng và thú vị, bên cạnh đó, màu sắc và kết cấu của chúng cũng hết sức phong phú. Hơn nữa, bạn sẽ không mất nhiều thời gian để lựa chọn vật thể phù hợp, bởi bạn có thể mua chúng rất dễ dàng, lựa chọn những “mẫu ảnh” tươi ngon nhất có thể để tạo ra một bức ảnh thực phẩm tuyệt đẹp và bắt mắt. Các chuyên gia trong nhiếp ảnh ẩm thực sẽ biết cách tận dụng chuyên môn của họ trong việc lựa chọn vật thể phù hợp, sau đó sử dụng các kỹ năng “trang điểm” để biến những mẫu ảnh của mình trở nên hoàn hảo nhất có thể.

Nếu trong đầu bạn đã có sẵn ý tưởng và lựa chọn vật thể của riêng mình, hãy nhanh chóng ra khỏi nhà và tìm mua chúng để thực hiện kế hoạch của mình. Mặt khác, nếu bạn không muốn ra khỏi nhà, hãy tận dụng những gì sẵn có trong tủ lạnh của mình.

Thể loại và cách thức

Vào khoảng đầu cho tới giữa những năm 1600, tại Hà Lan nổi lên một trường phái những họa sĩ có tên gọi Dutch Masters (Những bậc thầy người Hà Lan). Đây là một phong cách mỹ thuật với hình ảnh chân thực, tạo điểm nhấn với những nguồn sáng mạnh, chiếu trực tiếp vào vật thể trong bóng tối. Hai yếu tố tương phản kết hợp với nhau đã tạo nên một dấu ấn vô cùng độc đáo cho những bức họa của những họa sĩ thời kì này, tiêu biểu có thể kể đến họa sĩ tĩnh vật nổi tiếng Willem Kalf – một trong những nghệ sĩ sáng giá thuộc thời kì hoàng kim của Hà Lan. Dưới đây là một trong những bức ảnh của ông, có tên gọi “Still Life with Lemon Peel”. Thử thách đối với một nhiếp ảnh gia chính là làm cách nào để có thể tái hiện lại hình ảnh trong những bức họa như vậy?

Một trong những kỹ thuật được sử dụng phổ biến để tái hiện lại các bức tranh của trường phái Dutch Master là sử dụng light painting (vẽ tranh bằng ánh sáng).

Một trong những lợi thế của nhiếp ảnh tĩnh vật đó là việc bạn không phải quá quan tâm tới tốc độ cửa trập của máy. Đồng thời, đặt thời gian phơi sáng lâu cho bức ảnh cũng hoàn toàn ổn đối với kỹ thuật này. Bạn nên cố định máy ảnh lên một chiếc tripod để tránh bị rung máy. Sau đó, bật chế độ mirror lock-up trong máy DSLR để ảnh không bị rung, đồng thời hãy sử dụng thêm một thiết bị chụp hình từ xa hoặc hẹn giờ bấm máy. Chuyển máy ảnh sang chế độ Full-manual, sau đó chỉnh độ ISO xuống mức thấp nhất để giảm thiểu độ nhiễu. Về độ mở, bạn có thể tùy chỉnh sao cho phù hợp để đạt được độ sâu mà bạn mong muốn trong bức ảnh của mình, tương tự với tốc độ cửa trập, hãy thiết lập dựa trên thời gian chụp phơi sáng mà bạn cảm thấy phù hợp.

Cuối cùng, bạn chỉ cần lắp đặt các thiết bị chiếu sáng và bắt đầu chụp thôi!

Một trong những nhiếp ảnh gia mà tôi rất ngưỡng mộ trên Instagram là Carlo Denino. Anh ấy có thể sử dụng kỹ thuật light paiting một cách cực kỹ điêu luyện để vẽ nên những bức ảnh đầy tinh tế với vật thể chỉ là những sự vật thường thấy hàng ngày như một chùm quả, rau củ hay một số vật dụng khác. Các bạn có thể tham khảo qua những bức hình của nhiếp ảnh gia này để học hỏi thêm về phong cách nhiếp ảnh của anh ấy. Song dưới góc độ trải nghiệm cá nhân, tôi có thể khẳng định rằng để tạo ra những bức ảnh tuyệt đẹp như vậy sẽ khó hơn bạn tưởng tượng rất nhiều.

Light painting

Kỹ thuật light painting chỉ là một trong số nhiều cách để bạn có thể thực hiện chụp hình tĩnh vật với hoa quả hay rau củ. Sử dụng ánh sáng tự nhiên thường sẽ mang lại hiệu quả cao mà lại không cần sử dụng tới nhiều thiết bị.

Các vật thể trong bức tranh của thời kỳ hoàng kim Hà Lan thường chỉ được chiếu sáng bằng một nguồn duy nhất tới từ một phía. Để thể hiện điều này trong bức ảnh của mình, hãy tìm một vị trí cạnh cửa sổ và đặt vật thể tại đó sao cho có thể trở nên giống với những bức tranh nhất có thể. Nếu như bạn cần giảm độ bóng của bức ảnh, hãy sử dụng một tấm hắt sáng hoặc đơn giản chỉ cần một tấm bìa trắng cũng có thể chấp nhận được.

Các nguồn sáng không phổ biến

Mặc dù ít khi được sử dụng trong nhiếp ảnh, song những nguồn sáng như đèn LED vẫn có thể góp phần tạo nên những bức ảnh đẹp. Dù không có được cường độ sáng tương xứng với các thiết bị chiếu sáng chuyên dụng cho nhiếp ảnh, đồng thời nhiệt độ màu sắc tới từ những nguồn sáng này cũng không được ổn định, song chúng lại có lợi thế về giá cả, sự nhỏ gọn, tiện lợi và là một vật dụng phổ biến, có thể dễ dàng tìm mua tại bất cứ đâu. Hãy tăng thời gian phơi sáng khi chụp ảnh với những nguồn sáng này để khắc phục cường độ sáng yếu của chúng. Đồng thời, việc xác định mức cân bằng trắng hợp lý sẽ trở nên đơn giản hơn nếu bạn chụp ảnh ở chế độ chụp thô (raw mode).

Đèn flash

Đây cũng là một lựa chọn nguồn ánh sáng khác mà bạn có thể sử dụng để chụp ảnh tĩnh vật. Do tính chất của bức ảnh, bạn sẽ không muốn chiếu sáng trực tiếp vào phía trước vật thể, do đó đèn flash pop-up hay đèn flash cố định trên máy ảnh sẽ không phải là biện pháp hữu hiệu. Nếu có thể, hãy tháo rời đèn flash của bạn và sử dụng từ xa bằng thiết bị điều khiển, hoặc bạn cũng có thể sử dụng dây nối đèn flash để thực hiện điều này. Nếu không còn lựa chọn nào khác, hãy thử khuếch tán ánh sáng từ đèn lên trần nhà hoặc sang hai bên để chuyển hướng hoặc làm giảm đi cường độ ánh sáng.

Mẹo khi sử dụng các nguồn sáng phổ biến

Nếu như bạn đã sở hữu sẵn những thiết bị chiếu sáng chuyên dụng cho nhiếp ảnh, hãy thử sử dụng chúng trong nhiếp ảnh tĩnh vật với hoa quả để thử tìm tòi khám phá ra những kỹ thuật mới mà bạn có thể sử dụng với ánh sáng. Hãy thỏa sức khám phá với trí tưởng tượng và óc sáng tạo để tạo ra những bức ảnh mới lạ thông qua những dụng cụ nhiếp ảnh như ống snoot; tấm hắt sáng; tản sáng; gobo; gel màu… hoặc bất cứ thứ gì mà bạn nghĩ tới.

Việc tự thử nghiệm và khám phá mà không bị ràng buộc bởi áp lực công việc và thời gian sẽ giúp cho bạn có được những trải nghiệm mới lạ, hoặc cũng có thể tìm ra được một kỹ thuật chụp hình mới cho riêng mình. Nếu như bạn thất bại hàng chục lần nhưng có thể tìm ra một phương pháp chụp hình mới thì đó được coi là một thành công lớn.

1 2Trang sau

Bài liên quan

Back to top button