Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Nguồn Tình Yêu | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
LỄ CHÚA BA NGÔI B

(Mt.28,16-20)
***
NGUỒN TÌNH YÊU

16 Khi ấy mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. 17 Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. 18 Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. 19 Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, 20 dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”

____________

SUY NIỆM

NGUỒN TÌNH YÊU

“Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an” (1Cor.13,11).

Tất cả mọi hành động của Thiên Chúa đều vì yêu thương con người, muốn con người được sống và sống hạnh phúc trong vinh quang và tình yêu của Ngài.

1. Thiên Chúa trao ban sự sống cho con người.

Phàm làm người, ai cũng quý mạng sống. Được sinh ra làm người, ai cũng nhớ ơn người đã tạo nên mảnh hình hài của ta và đưa ta vào đời. Suy nghĩ ấy đã tạo nên một thứ quan niệm tâm linh đưa Đấng Bậc Sinh Thành lên hàng thần thánh. Nhiều người đã bày tỏ thái độ cung kính đối với Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ qua việc tôn thờ trong Đạo Hiếu, Đạo Ông Bà. “Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ hơn là đi tu”.

Đối với Ki- Tô Hữu, Tâm tình hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ là một bổn phận hàng đầu sau việc Tôn thờ Thiên Chúa. Trong 10 Điều Răn Đức Chúa Trời, 3 điều răn đầu tiên dành cho Thiên Chúa, ngay sau đó, điều thứ tư, dành cho Cha mẹ: “ Thứ nhất: Thờ phượng một Đức Trời và kính mến người trên hết mọi sự. Thứ hai: Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ. Thứ ba: Giữ ngày Chúa Nhật. Thứ bốn: Thảo kính cha mẹ”.

Không như nhiều người lầm tưởng: “Đạo Công Giáo không quý trọng đạo hiếu đối với cha mẹ”. Ngược lại, Đạo Công Giáo luôn tôn kính cha mẹ đúng với vị trí cao trọng của các ngài”. Người Công Giáo dành rất nhiều thời gian và thời điểm quan trọng để tôn kính ông bà cha mẹ. Như Mùng Hai Tết, Trọn tháng 11 dành cho việc kính nhớ những người nằm xuống, Thánh Lễ Cầu hồn, cầu lễ…

Nhưng, Thiên Chúa mới chính là Đấng trao ban sự sống thật sự qua việc hôn nhân của con người. Nếu con người biết quý trọng ơn sâu nghĩa nặng của Đấng Sinh Thành, càng cảm nghiệm sâu xa hơn ơn trời biển mà Thiên Chúa đã cho mỗi người chúng ta được chào đời từ hư không. Sự sống của Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ của chúng ta cũng từ Thiên Chúa mà có.

Thắp hương trước bàn thờ Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ, nghe như hương hồn người thân đang lẩn khuất đâu đây để về phù hộ độ trì cho ta, cho con cháu, ta càng nghe trào dâng tình yêu Thiên Chúa đang dõi theo ta từng bước để gìn giữ cho ta cuộc sống bình an, tránh những cạm bẫy làm hồn ta băng hoại xa rời sự sống đời đời mà Ngài đã dành sẵn cho ta. Cuộc sống đời đời, khát vọng trường sinh – điều mà mọi người khao khát – không ai có thể trao ban, trừ Thiên Chúa.

Nên, Đạo Hiếu của người Công Giáo không dừng lại ở giới hạn trần gian, ở những gì thuộc về thân phận con người, ở Tổ tiên, Ông Bà Cha Mẹ – những người đã sống và đã chết – mà vươn lên cao hơn, xa hơn, để về đến tận nguồn đích thực:Nguồn sống từ Thiên Chúa”.

Trên nấc thang thờ phượng, Thiên Chúa luôn là tuyệt đỉnh. Với sự sống con người, Thiên Chúa luôn là đầu nguồn. Mọi lời khấn vái hộ phù, Thiên Chúa luôn là Đấng ban phát.

“Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an” (1Cor.13,11).

2. Thiên Chúa cứu sống con người.

Đối với người yêu nhạc, có lẽ bài Cát Bụi của TCS ai cũng biết.

Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai vươn hình hài lớn dậy
Ôi cát bụi tuyệt vời
Mặt trời soi một kiếp rong chơi

Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi
Ôi cát bụi mệt nhoài
Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi …

Bài nhạc có ca từ nói lên thân phận “buồn tênh” của kiếp người phù hoa ảo ảnh, mang âm hưởng Thánh Kinh của thuở con người được tạo dựng từ cát bụi rồi sa ngã. Kiếp người, từ đó, trong ánh mắt phàm nhân, có đó rồi mất đi, chẳng để lại gì, chẳng mang ý nghĩa gì. “Vết mực nào xóa bỏ không hay”.

Nhưng, với đôi mắt Đức Tin, trong ánh sáng Tin Mừng, tác phẩm từ cát bụi của Thiên Chúa được Ngài thổi vào sinh khí để có “hồn”, có hơi thở và nhịp tim đó, không phải là thứ sản phẩm mua vui, tồn tại hay không chẳng cần biết, nhưng tác phẩm đó đã được Thiên Chúa xem là những đứa con yêu quý, vì Ngài tạo dựng theo hình ảnh của Ngài, từ Tình Yêu vô bờ bến của Ngài. Cho dẫu là thân phận cát bụi tầm thường, khi được Thiên Chúa yêu, nó trở nên vô vàn cao quý.

Chính vì thế, Đức Ki-tô – con Thiên Chúa – đã xuống thế làm người, chịu chết trên Thập Tự, để cứu sống con người. Thiên Chúa không muốn con người phải chết.

Cái giá phải trả để cứu sống con người là quá lớn, là Tình Yêu tuyệt đối, không còn có thể hơn thế nữa.

“Như Môsê đã treo con rắn lên ở sa mạc thế nào, thì Con Người cũng sẽ phải treo lên như vậy, để tất cả những ai tin ở Người, sẽ không bị huỷ diệt, nhưng được sống đời đời. Vì Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Ngài giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ”.(Ga.3,15-17).

Thập Giá là biểu tượng của một tình yêu “chỉ có một”, mà sự hy sinh đã lên đến tuyệt đỉnh không gì có thể so sánh. Như nỗi đau đớn của một người cha trần thế mất con, con người gẫm suy để phần nào cảm nhận được Tình Yêu Thiên Chúa khi Chúa Cha đau đớn nhìn Con mình hiến tế trên Thập Giá vì sự sống nhân loại.

Có câu chuyện nhỏ như sau:

Khi một người cha nhận được giấy báo tin là đứa con trai của ông, một cậu bé thông minh xuất sắc, đã bị chết trong một tai nạn đường sắt, ông liền quay sang vị linh mục và kêu lên tuyệt vọng:
– Xin Cha nói cho tôi biết, thế thì Thiên Chúa ở đâu khi con trai tôi bị chết ?”

Khi người cha này nói đến đây, một luồng ánh sáng soi dẫn vị linh mục, và ngài nói:

– Này anh bạn, Thiên Chúa ở ngay tại chỗ Người đang ở, khi Con Một của Người chịu chết!”.

3. Thiên Chúa thông ban sức sống mới cho con người.

Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. (Mt.28,19-20).

Con người đã trải qua một đoạn đời lận đận vì lỗi lầm xa rời Thiên Chúa. Thiên Chúa đã xóa bỏ tất cả nhờ dòng máu Cứu Độ của Đức Ki-tô, con người giờ đây được nhận lãnh Sức Sống Mới nhờ Chúa Thánh Thần.

Con người tiến về bến bờ hạnh phúc vĩnh cửu nhờ sức mạnh từ những thiêng ân của Thần Khí Chúa. Niềm hạnh phúc không chỉ là chuyện riêng tư, mà còn là cộng đoàn nhân loại.

Có câu chuyện như sau:

Năm 1838, ngay trong đêm mà những người nô lệ ở Jamaica được giải phóng, người ta đã làm một cỗ quan tài bằng gỗ gụ và đào một cái huyệt.

Trong cỗ quan tài này, người ta tập trung đủ mọi loại di vật và những thứ tàn dư khác nhau trong thời kỳ nô lệ đầy đau khổ trước đây của họ.

Những chiếc roi, những dụng cụ bằng sắt để tra tấn, những cây sắt nung, những bộ quần áo tồi tàn, những chiếc mũ to lớn, những mẩu vụn của thời lao dịch, những sợi giây xích – tất cả đều được đặt trong cỗ quan tài và dùng đinh vít siết chặt nắp lại.

Khi tiếng kiểng gõ báo hiệu nửa đêm, họ thả cỗ quan tài xuống huyệt, rồi sau đó toàn bộ đám đông hàng ngàn người cùng nhau ca ngợi cuộc giải phóng họ khỏi kiếp nô lệ, bằng cách hát Bài Thánh Ca “Ca ngợi Thiên Chúa”.

Con người được giải phóng khỏi tội lỗi và bước vào đời sống mới, tràn đầy yêu thương, hy vọng và bình an.

Tất cả là Hồng Ân Thiên Chúa. Tất cả là nhờ Tình Yêu Thiên Chúa. Tất cả quay về cội nguồn Thiên Chúa. Miền Đất Hứa Vĩnh Cửu, Vương Quốc Tình Yêu Vĩnh Hằng mà Chúa Ba Ngôi dành con người biết tôn vinh Thiên Chúa: “Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần”.

Lạy Chúa,

Dù là thân hèn mọn,
xin cho con được cất cao lời ca:

“Sáng danh Đức Chúa Cha,
và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần,
như đã có trước vô cùng
và bây giờ, và hằng có,
và đời đời chẳng cùng. Amen.”

Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng

Bài liên quan

Check Also
Close
Back to top button