Đức Phanxicô đến Đại sứ quán Nga: “Ngài đến nhà Ca-in”
by Phanxicovn
cath.ch, Bernard Hallet, 2022-02-25
Đức Phanxicô đi một mình đến Đại sứ quán Nga tại Vatican. Một cử chỉ mạnh mẽ | © Flickr / CC BY-NC-ND 2.0
“Đó là hành vi duy nhất trong lịch sử triều giáo hoàng. Tôi quá kinh ngạc!”, một nguồn tin ngoại giao nói với trang Công giáo Thụy Sĩ ngày 25 tháng 2 – 2022. Giáo hoàng đã một mình đến đại sứ quán Liên bang Nga tại Tòa thánh, làm một hành vi “thật mạnh” ngay ngày hôm sau Nga xâm Lăng vào Ukraina. Một chuyến thăm sẽ đánh dấu một mốc quan trọng trong lịch sử Tòa thánh.
“Đây là tín hiệu khá mạnh và chưa từng có trong lịch sử!”, nguồn tin ngoại giao, nhà phân tích chức vị của giáo hoàng nói với trang Công giáo Thụy Sĩ. Sáng thứ sáu 25 tháng 2, ngài đến Đại sứ quán Liên bang Nga đường Via della Conciliazione, Rôma, cách Vatican vài trăm mét. Một chuyến viếng thăm Đức Phanxicô thực hiện một ngày sau khi Nga xâm lược Ukraine, và sau khi Văn phòng Báo chí của Tòa Thánh thông báo hủy chuyến đi của ngài đến Florence ngày chúa nhật 27 tháng 2 do bị đau đầu gối.
Trường hợp một nguyên thủ quốc gia đến một đại sứ quán có thể xảy ra, nhưng chỉ trong những dịp rất hiếm hoi. “Ví dụ khánh thành tòa đại sứ, ký vào sổ tay chia buồn khi có thảm họa lớn hoặc khi một nguyên thủ quốc gia thân thiện qua đời”.
Nhà ngoại giao nói, chúng ta có thể chờ ngài đến đại sứ quán Ukraina, nhưng như thế chỉ để thể hiện tình cảm và lòng trắc ẩn. “Giáo hoàng không đến nhà Aben, ngài đến nhà Ca-in”.
Một cử chỉ của lòng khiêm nhường
Trong trường hợp này, ngài muốn nhấn mạnh đến mức độ nghiêm trọng của tình huống, nhưng đây là hành vi của lòng khiêm nhường hơn là phản kháng. “Trong trường hợp phản kháng, nhà ngoại giao Nga lẽ ra sẽ được mời đến Dinh Tông Tòa, điều này vẫn thường xảy ra. Như thế sẽ tạo áp lực cho đại sứ ”.
Đức Phanxicô rời Đại sứ quán Nga, đường Via della Conciliazione, Rôma sáng ngày 25 tháng 2 | Tweeter
Hai người đã nói gì với nhau? “Khó nói, chúng ta có thể tưởng tượng ngài xin chấm dứt các hành vi thù địch. Thật ra điều này không là vấn đề, vì trong trường hợp này, cử chỉ của ngài là hùng hồn: ngài đích thân đến, mở tay ra với kẻ xâm lược và cho thấy, không phải tất cả đều đã mất”. Một điểm kỳ lạ đáng chú ý khác: ngài có thể cùng đi với hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin, với hồng y ngoại trưởng Paul Richard Gallagher. Nhưng ngài đi một mình.
Hai người đã quen biết nhau
Ông Alexander Avdeev, Đại sứ Nga tại Tòa thánh, là nhà ngoại giao lão luyện, ông bắt đầu sự nghiệp năm 1968 | Wikimedia chung CC-BY-SA-2.0
Nhà ngoại giao cho biết, Đức Phanxicô và đại sứ Avdeev đã biết nhau, yếu tố này có một vai trò quan trọng. Ông Avdẹev không phải là người mới ở trong nghề: ông đã ở trong ngành ngoại giao từ thời Xô Viết. “Ông là nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm mà giáo hoàng biết rõ. Từ năm 2013, hai người đã gặp nhau một lần, hai lần, có khi ba lần một năm”. Ông nhậm chức ở Rôma một tháng trước khi Đức Phanxicô được bầu.
Đức Phanxicô trong cương vị nguyên thủ quốc gia nên hành động này của ngài rất chính trị. Ngài biết ngài không chỉ là giám mục của giáo phận Rôma mà còn là nguyên thủ quốc gia và ngài dùng cương vị đặc biệt này để cố gắng bảo vệ hòa bình bằng mọi giá. Trong buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư 23 tháng 2, ngài đã xin giáo dân ăn chay cầu nguyện cho hòa bình ngày 2 tháng 3 sắp tới, nhân Giáo hội bước vào Mùa Chay. Hai ngày sau, ngài đến Đại sứ quán Liên bang Nga, một ngày sau khi quân đội Nga xâm lược Ukraina.
“Chúng ta thấy đây là dấu ấn của Đức Phanxicô, ‘giáo hoàng của những chuyện ngạc nhiên’, người đã đi đến các vùng ngoại vi bỏ qua nghi thức, nhưng không bao giờ quên biểu tượng.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch