Đức Giáo hoàng đến Đại sứ quán Nga tại Tòa Thánh
Tri Khoan chuyển ngữ
25/02/22
Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Đại sứ quán Nga tại Tòa thánh vào sáng ngày 25 tháng Hai năm 2022, Văn phòng Báo chí của Tòa thánh xác nhận với I.MEDIA.
Ngài muốn “thể hiện sự đau đớn của ngài về cuộc chiến tranh.”
Hơn 24 giờ sau khi cuộc tấn công của Nga vào Ukraine bắt đầu, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đi vài trăm mét, dọc theo đường della Conciliazione – đại lộ chính từ Vatican dẫn đến Quảng trường Thánh Phêrô – để trao đổi với đại sứ Nga tại Tòa Thánh.
Kể từ năm 2013, Đại sứ Nga tại Tòa thánh là ông Aleksandr Avdeyev.
Cuộc gặp với nhà ngoại giao, một cựu thứ trưởng ngoại giao Nga, kéo dài hơn nửa giờ đồng hồ. Ở giai đoạn này, không biết liệu Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã lên kế hoạch đến thăm đại sứ quán Ukraine tại Tòa Thánh hay không.
Chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô là một minh chứng cho quyết tâm của vị Giáo hoàng người Argentina trong việc kéo lại hòa bình ở Đông Âu. Thông thường, các đại sứ được công nhận tại Tòa thánh sẽ đến Vatican.
Chuyến đi này mang tính biểu tượng hơn bao giờ hết khi Văn phòng Báo chí Tòa thánh ra thông báo cùng ngày rằng Đức Thánh Cha Phanxicô không thể đến Florence vào Chủ nhật do bị đau đầu gối dữ dội.
Lặp đi lặp lại lời kêu gọi
Từ đầu năm mới, vị đứng đầu Giáo hội Công giáo đã nhiều lần đưa ra lời kêu gọi về một giải pháp hòa bình cho những căng thẳng ở khu vực này.
Vào ngày 26 tháng Một, Đức Giám mục của Roma đã chủ sự Ngày Cầu nguyện cho Hòa bình ở Ukraine. Ngài cảnh báo: “Vũ khí không phải là cách thức.”
Ngày 9 tháng Hai, ngài nói: “Chúng ta hãy tiếp tục cầu xin Thiên Chúa của hòa bình để những căng thẳng và mối đe dọa chiến tranh sẽ được khắc phục thông qua đối sự thoại nghiêm túc và đàm phán”, và đàm phán “Normandy Format” cũng có thể góp phần vào việc này. Chúng ta đừng quên: chiến tranh là sự điên rồ!”
Ngày 13 tháng Hai, ngài nói, “Tôi dâng mọi nỗ lực vì hòa bình cho sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria và lương tâm của các nhà lãnh đạo chính trị. Chúng ta hãy cầu nguyện trong thinh lặng”.
Ngài đã chọn Thứ Tư Lễ Tro là một ngày ăn chay cho ý cầu nguyện này.
Đức Thượng phụ Kirill
Quan hệ ngoại giao giữa Tòa thánh và Liên Xô được thiết lập vào năm 1990, một thời gian ngắn trước khi khối Liên Xô tan rã.
Tuần trước, đại sứ Avdeyev nói rằng một cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo hoàng Phanxicô và Đức Thượng phụ Kirill có thể diễn ra vào mùa hè năm nay.
Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng phụ Giáo hội Chính thống Nga đã có một cuộc gặp gỡ trực tiếp tại Cuba vào năm 2016.
Những nỗ lực của Vatican
Hôm thứ Năm, Đức Hồng Y Pietro Parolin, quốc vụ khanh của Giáo hoàng, đã đưa ra một thông điệp bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, kêu gọi hòa bình và thúc giục các tín hữu không đánh mất hy vọng. Độc giả có thể đọc thông điệp ở đây.
Đức Hồng y lặp lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha chọn Thứ Tư Lễ Tro, ngày 2 tháng Ba sắp tới là một ngày ăn chay và cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine.
Ngoài ra, khoảng 60 giám mục Công giáo đã tập trung tại Florence, bao gồm các nhà lãnh đạo của các Giám mục thuộc Ủy ban Hội đồng Giám mục của Liên minh Châu Âu (COMECE), đã hoãn các cuộc thảo luận buổi chiều được lên lịch cho hội nghị thượng đỉnh về Địa Trung Hải, và thực hiện giờ Chầu Thánh Thể để cầu nguyện cho hòa bình.
[Nguồn: aleteia]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/2/2022]