Chúa Nhật Truyền Giáo : Chỉ Có Một | NVT
CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO
CHỈ CÓ MỘT
Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Đức Giê-su đến gần, nói với các ông : “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế. (Mt.28,16-20). (# Lc.24,44-53. Ga.20,19-23. Cv.1,6-8).
____________
SUY NIỆM
CHỈ CÓ MỘT
“Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi : Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không ai lấy mất”(Lc 10,42).
Đó là câu nói của Chúa Giê-su trả lời cho chị Mát-ta khi chị ấy trách em mình là Maria đã không lo tiếp giúp chị trong việc chuẩn bị bữa tiệc tiếp đãi Chúa và các môn đệ.
“Chỉ có một”, là cách Chúa Giê-su nhấn mạnh trong những bài học quan trọng mà Ngài muốn dạy cho các môn đệ.
“Chỉ có một” cũng là cách thức sau cùng Ngài dạy cho Phê-rô nói riêng, và cho các môn đệ nói chung, khi Ngài giao quyền Giáo Hội cho Phê-rô và Tông Đồ Đoàn gánh vác. Đó là “chỉ có một” câu hỏi duy nhất mà Ngài lập lại ba lần để “trao chìa khóa” Nước Trời cho Phê-rô : “Con có yêu mến Thầy không ?”.(Ga.21,15-18).
Như Thánh sử Gio-an đã ghi lại : “Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần ‘Anh có yêu mến Thầy không ?’ Ông đáp : “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự ; Thầy biết con yêu mến Thầy”. Tất nhiên, Chúa thấu suốt lòng người, “Ngài biết rõ mọi sự”. Nhưng, ở đây, Chúa Giê-su muốn chính miệng ông Phê-rô nói ra điều mà lòng ông đang ấp ủ. Nói một cách khác, Chúa Giê-su muốn ông tuyên xưng Đức Tin của mình. “Yêu” tức là “Tin” vậy, vì không ai có thể yêu một người mà mình hoài nghi ! Đó là niềm Tin Yêu trọn vẹn vào Thiên Chúa.
“Chỉ có một” tình yêu sâu đậm, người ta mới dám dấn thân vì Tình Yêu, dấn thân vì người yêu, chết vì người yêu.
Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình (Ga 15:13).
THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU
Như vậy, “người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình, người đó có một tình yêu cao cả”.
Người Ki-tô Hữu sống trọn cuộc đời mình với “chỉ có một” mục đích là loan báo “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Vì đó chính là “Tin Vui” đích thực. Được Thiên Chúa yêu thương là hạnh phúc đích thực của con người.
Vì, chỉ có một niềm vui đích thực trong cuộc đời này là được Thiên Chúa yêu thương.
Loan báo “Tin Vui”cũng chính là chia sẻ niềm vui cho người khác.
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”. (Lc.2,14).
Có thể nào lấy chia rẽ hận thù để chứng minh tình yêu không ?
Hỏi, tức là đã trả lời rồi !
Chính vì thế, Chúa Giê-su đã ân cần răn dạy các môn đệ “chỉ có một” con đường để loan báo về Ngài :
“Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Người ta cứ dấu này mà biết các con là môn đệ của Thầy, là các con hãy yêu thương nhau”(Ga 13,34-35).
“Cứ dấu này” – Không có nhiều dấu – “chỉ có một” dấu này, là : “Hãy yêu thương nhau”. và yêu thương như thầy yêu thương.
“Yêu thương nhau” là nền tảng để loan báo Tin Vui về Tình Yêu Thiên Chúa.
Những điều đáng lo lắng.
Có rất nhiều lúc chúng ta thật sự đau lòng vì có những chia rẽ trầm trọng trong lòng Giáo Hội. Chúng ta ước ao từ Giám mục, Linh mục, Giáo dân… mọi thành phần Dân Chúa đều yêu mến nhau. Chúng ta cũng biết rằng Giáo hội có những kẻ thù, nhưng kẻ thù đáng sợ nhất không phải là sự chống phá của những kẻ ngoài Giáo hội, mà đáng sợ nhất chính từ ở bên trong Giáo hội.
Nhiều bài báo, nhiều ý kiến đưa lên Internet, nhiều phát biểu đó đây, nhiều hành động, việc làm, không nhằm xây dựng, tôn trọng nhau. Nhiều khi còn có những lời lẽ nặng nề, báng bổ.
“Chỉ có một” Tình Yêu Giê-su.
Mang trong con tim Tình Yêu Giê-su mới có thể rao giảng về Giê-su được. Mang trong tim Tình Yêu Thiên Chúa mới có thể loan báo về Tình Yêu Thiên Chúa được.
Một cộng đoàn tuyên xưng cùng một niềm tin mà không thể yêu thương nhau, thì làm sao có thể yêu thương những kẻ xa lạ ?
Trong một chuyến đi du lịch, tôi nghỉ đêm cùng với một người bạn ở một nhà trọ ven sông. Khi đang đứng ngoài hành lang hóng mát, một chàng trai đặt trước mặt tôi một ba lô, miệng tươi cười nói : – “Chú cho cháu gởi đồ này nhé, phòng cháu kế bên đây. Cháu đi đón em cháu một chút”. – “Sao cậu lại tin tôi thế ?”. – “Lúc trưa, dưới nhà hàng, cháu thấy chú làm dấu Thánh Giá khi ăn cơm. Cháu cũng là người Công Giáo mà !”.
Tôi chợt thẹn với lòng mình. Có khi nào nhân danh Giê-su, về phía người xa lạ, họ đủ tin tưởng để gởi gấm nơi tôi một chuyện lớn lao hơn không ? Hay về phía tôi, một sự ký thác nào đó lớn lao hơn, quý giá hơn, lợi lộc hơn, có làm tôi đổi dạ thay lòng không ?
Tôi chợt nhớ một mẫu chuyện đọc được trên Internet :
Dan Clack kể lại một câu chuyện rất ngắn nhưng cũng rất ấn tượng : Vào một buổi tối trời tuyết lạnh, một em bé khoảng sáu, bảy tuổi đang đứng tần ngần trước một siêu thị sang trọng. Đứa bé đi chân đất, khoác trên người bộ quần áo cũ kỹ, tơi tả, trông như miếng giẻ rách. Có một thiếu phụ đi ngang qua trông thấy cậu bé và đọc được nỗi thèm muốn trong đôi mắt mầu xanh đó. Bà cầm tay đứa trẻ, dẫn vào tiệm và mua cho em đôi giầy mới và bộ quần áo ấm.
Sau đó, họ bước ra phố, và thiếu phụ nói với cậu bé :
– Chúc cháu vui vẻ và một đêm ngủ ngon.
Đứa bé trố mắt nhìn thiếu phụ, rụt rè hỏi :
– Thưa bà, bà có phải là Chúa không ?
Bà cúi xuống mỉm cười với cậu bé, vỗ nhẹ vào vai cậu trả lời :
– Con ơi, không phải đâu, bà chỉ là một trong những đứa con của Ngài thôi !
Cậu bé như khám phá được điều gì mới lạ :
– Cháu đã biết ngay là bà có họ hàng với Chúa mà !
CHỈ CÓ MỘT !
Truyền giáo là đi thu nhân loại về một mối cho Thiên Chúa.
Thu về cho Thiên Chúa chớ không phải thu về cho riêng ta.
“Thu về cho riêng ta” là thu về để nhắm tới những lợi lộc thế gian, danh vọng, tiền của…
Như vậy, bước đi Truyền giáo là những bước chậm chạp, đầy lỗi lầm và đi đến đổ vỡ !
Thu về cho Thiên Chúa là thu về để nhắm tới Vinh Danh Thiên Chúa.
Để nhân loại trở thành một cộng đoàn con cái Chúa. Hiệp nhất nên một trong Yêu Thương, Hạnh phúc.
“Chỉ một Chúa, một đức tin, một phép rửa.
Chỉ có một Thiên Chúa,
Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người
và trong mọi người.” (Ep 4, 5-6).
Lạy Cha chúng con ở trên trời,
Chúng con nguyện danh Cha cả sáng,
Nước Cha trị đến,
Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Amen.
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG
_______________
BÀI ĐỌC THÊM
Chinh phục thế giới bằng tình thương