CN 03 PS A : Người Lữ Khách Tuyệt Vời | NVT
SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT III PHỤC SINH A
(Lc.24,13-33)
****
NGƯỜI LỮ KHÁCH TUYỆT VỜI
13 Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số. 14 Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. 15 Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ. 16 Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. 17 Người hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy? ” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.
18 Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.” 19 Đức Giê-su hỏi: “Chuyện gì vậy? ” Họ thưa: “Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. 20 Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. 21 Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. 22 Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, 23 không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. 24 Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy.”
25 Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! 26 Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? 27 Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.
28 Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa. 29 Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. 30 Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. 31 Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. 32 Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao? “
33 Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. 34 Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn.” 35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.
___________________
SUY NIỆM
Có một câu chuyện “nơi trở về” nội dung như sau:
Một cô bé mồ côi cha mẹ, sống cùng bà ngoại trong một căn phòng nhỏ trên gác. Một đêm, căn nhà bỗng cháy và bà ngoại cô bé đã thiệt mạng trong khi cố gắng cứu cháu gái của mình. Ngọn lửa lan nhanh, và cả tầng trệt của căn nhà nhanh chóng chìm vào biển lửa.
Những người hàng xóm gọi điện cho đội cứu hỏa, rồi đứng đó nhìn trong vô vọng, mà không thể xông vào nhà bởi ngọn lửa đã chặn kín mọi lối vào. Cô bé tuyệt vọng kêu khóc cầu cứu bên cửa sổ trên gác. Lúc ấy, trong đám đông lại có tin đồn rằng lực lượng cứu hỏa sẽ đến chậm vài phút vì họ đang bận chữa cháy ở nơi khác.
Đột nhiên, người đàn ông xuất hiện cùng với chiếc thang. Ông dựng chiếc thang tựa vào bức tường của ngôi nhà, rồi nhanh chóng tiến vào bên trong. Và ông trở ra với cô bé ở trên tay mình. Ông trao cô bé cho những người đang dang tay chờ bên dưới rồi mất hút vào màn đêm.
Mọi người điều tra và thấy rằng cô bé chẳng còn người thân nào cả. vài tuần sau, một cuộc họp được tổ chức để quyết định xem ai là người sẽ chăm sóc và nuôi nấng cô bé.
Một cô giáo muốn nhận nuôi cô bé. Cô đưa ra lý do rằng mình có thể bảo đảm cho em một nền giáo dục tốt. Một người nông dân nhận chăm sóc cô bé vì ông cho rằng cô sẽ khỏe mạnh và thoải mái khi được sống ở nông trại. Những người khác cũng đưa ra những lý do thuận lợi để được nhận nuôi cô bé. Cuối cùng, một người dân giàu có nhất thị trấn đứng dậy và nói :
“Tôi có thể mang đến cho cô bé này tất cả những điều kiện thuận lợi mà mọi người vừa đề cập, cộng với tiền bạc và tất cả những gì mà tiền có thể mua được”.
Trong suốt buổi thảo luận, cô bé vẫn im lặng, mắt nhìn xuống sàn nhà.
“Còn ai có ý kiến khác nữa không ?”, người chủ tọa lên tiếng.
Một người đàn ông từ cuối phòng bước lên phía trước. Bước đi của ông chậm chạp và có vẻ đau đớn. Khi đã đến trước mặt mọi người, ông bước thẳng đến chỗ cô bé và đưa đôi bàn tay ra. Mọi người vô cùng kinh ngạc. Bàn tay và cả hai cánh tay của ông đều bị phỏng trầm trọng.
Cô bé òa khóc:
“Đây chính là người đã cứu cháu !”
Rồi cô bé quàng tay quanh cổ người đàn ông, như đang giữ chặt lấy cuộc sống thân thương, như em đã làm trong cái đêm định mệnh ấy. Rồi cô bé gục đầu vào vai người đàn ông và khóc nức nở trong giây lát. Sau đó em ngước nhìn lên và mỉm cười với ông.
“Cuộc họp đến đây kết thúc”. Người chủ tọa tuyên bố.
(Sưu tầm. những hình ảnh chỉ có tính cách minh họa)
+ Dòng đời
Đời như một dòng sông. Mọi dòng sông đều chảy.
Đời như một chuyến đi. Mọi chuyến đi đều không ngừng di chuyển.
Chuyến đi nào cũng mang theo những mơ ước, niềm hy vọng, nỗi khát khao. Không có những điều ấy, sẽ trở thành một chuyến đi vô định. Không còn phương hướng. Không có nẻo trở về.
Sẽ nặng nề biết bao, nếu đời lữ thứ mang nặng trong lòng nỗi sầu cô quạnh. Không còn gì để ước mơ. Không còn gì để hy vọng. Không còn gì để đợi chờ. Không có bến bờ.
Mộng ước càng cao, nỗi đau khổ càng nhiều, nếu mộng ước kia tan tành theo mây khói.
Và, dòng đời cứ trôi… Có biết bao niềm vui và bất hạnh ở phía trước.
Ta gửi niềm tin vào ai để làm lẽ sống đời ta ?
+ Người lữ khách tuyệt vời
Tin Mừng hôm nay là một bức tranh tuyệt đẹp về một chuyến đi vô định, bất chợt tìm về được bến bờ hạnh phúc.
Hai môn đệ trên đường Emmau lê gót chân trĩu nặng, tâm trạng vừa u hoài, vừa sợ hãi. Đường về Em-mau chỉ dài chừng 11 cây số, nhưng gánh sầu trĩu nặng cho đường xa diệu vợi.
Ánh hoàng hôn chìm dần ở chân trời Tây có thể sẽ chôn vùi tất cả hoài bảo của hai con người đã sống tột đỉnh của những tháng ngày hy vọng, nếu không xuất hiện bất chợt một người lữ khách tuyệt vời.
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng có những “chuyến đi buồn bã” trong cuộc đời. Lạc lõng và rã rời thấy đời hết còn ý nghĩa. Chợt đâu có một người lữ khách xuất hiện, là một người bạn tốt, cho ta những lời khuyên hữu ích, những ý lực sống mạnh mẽ, truyền vào trong ta ngọn lửa sức sống để vực dậy một tâm hồn đã tê liệt và một thể xác đã xanh xao. Đó là một niềm vui khôn tả. Là ơn tái sinh của đời ta.
Trong trình thuật của đoạn Tin Mừng hôm nay chỉ nói đến một lần, người lữ khách ấy “giả vờ” “làm như còn phải đi xa hơn nữa”. Sự giả vờ thật “đáng yêu” để tăng thêm niềm hạnh phúc bất ngờ.
Nhưng, thật ra, “người lữ khách tuyệt vời” đó đã “giả vờ” ngay từ phút gặp gỡ đầu tiên. Vì người lữ khách ấy biết rõ hai người bạn đường đang suy nghĩ điều gì, và đang mang tâm trạng thế nào.
Người hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy? ” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.
Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.”
Câu trả lời rõ ràng đến như vậy, mà người lữ khách ấy vẫn tiếp tục giữ vững lập trường “giả vờ” để mở đầu cuộc trò chuyện trên đoạn đường dài : “Chuyện gì vậy ?”.
Có thể nào bạn tìm thấy hứng thú khi bạn sắp kể một câu chuyện mà người đó bảo với bạn “tôi biết rồi” không ?
Câu trách hờn “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.”lại chính là động lực chohai ông trút cạn tâm sự của mình cho một người lữ khách “xa lạ”.
Và, thật không lầm, khi hai môn đệ trên đường Emmau đã trút nỗi lòng của mình cho một người lữ khách “xa lạ”, nhưng thật “tốt bụng”. Người lữ khách ấy đã mở lòng trí cho hai ông bằng những lời vàng ngọc vô cùng quý báu, nhưng lời vàng ngọc ấy, không phải là những lời động viên thường gặp trong những cuộc hành trình mệt mỏi, mà là những lời soi sáng để thấy bến bờ của một chuyến đi. Lời ấy là ánh sáng đưa đến bến bờ hy vọng.
Lời ngọc ngà của người lữ khách xa lạ ấy thật hấp dẫn và quyến rũ đến mức nếu mất đi là thấy trống vắng cõi lòng, nên hai môn đệ đã muốn giữ người lữ khách ấy lâu hơn nữa, lâu như có thể, trong một cuộc hành trình bất chợt nhận được ánh bình minh cuộc đời trong một chiều hoàng hôn ảm đạm.
Khi gần tới làng hai môn đệ muốn đến, người lữ khách xa lạ làm như còn phải đi xa hơn nữa. hai ông đã nài ép người bạn đường rằng:
“Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.”
Chắc hẳn, đây sẽ là bữa ăn ngon nhất kể từ sau “những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay”. Có thể sẽ là một đêm thức trắng để hàn huyên tâm sự với người lữ khách tốt bụng đã đồng hành với hai ông xuyên suốt cuộc hành trình và chiều chuộng hai ông đến mức ở lại đồng bàn đêm nay.
Trong bữa ăn đêm nay chắc hẳn hai ông sẽ tìm lại được tiếng cười từ những bờ môi đã héo úa. Tìm lại được những lời nói vui tươi thay cho những lời than vắn thở dài. Tìm lại được những tia hy vọng trong đêm tối dày đặc của tâm hồn…
Hai ông chờ đợi người lữ khách xa lạ cho hai ông những lời mà giờ đây không còn ai dám nói tới.
Nhưng, những gì mà người lữ khách xa lạ mang đến cho hai ông hơn cả sự chờ đợi !
Thật bất ngờ, bổng dưng đời rực sáng !
Vì, người lữ khách ấy chính là Chúa Giê-su.
Vâng, Người lữ khách ấy chính là Ngài ! – “Người lữ khách tuyệt vời !”
Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất.
Qua những năm tháng thầy trò chung sống, kết thúc ở bữa Tiệc Ly, là đỉnh cao của Tình Yêu và Sự Sống. Là máu thịt của Thiên Chúa ban tặng để con người được sống và sống dồi dào.
Bữa Tiệc Ly trở nên bất tử, vì ở đó, Bí tích Thánh Thể – Bí tích Tình Yêu – được Chúa Giêsu thiết lập, Chén Cứu Độ, Chén Giao Ước Mới.
“Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: ‘Đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy. Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói : ‘chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em”. (Lc.22,19-20).
Tất cả sẽ chẳng có nghĩa lý gì nếu Chúa Giê-su không sống lại.
Và, khi nhận ra Chúa Giê-su, tất cả đã bừng lên sức sống mới.
Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao? Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó.
Ngay lúc ấy, không chần chờ, không nghỉ ngơi, chuyến trở về trong đêm tối, nhưng lòng hai môn đệ đã bừng sáng lên rồi. Không gian xa và bầu trời đen không còn là những cản trở cho họ, vì nội lực của họ có một sức sống mới. Sức sống của niềm tin vào Chúa Phục Sinh.
“Người lữ khách tuyệt vời” đã chuyển hướng cuộc đời họ. Lèo lái cuộc đời họ. Đưa họ trở về trung tâm Tình Yêu Thiên Chúa, nơi mà họ vừa muốn rời bỏ.
Ai có thể bảo vệ ta bằng chính người đã chết vì ta ?
Cuộc sống hôm nay …
Trong dòng đời có biết bao nhiêu sự việc và con người “hứa hẹn” bảo vệ và che chở đời ta. Thí dụ câu chuyện “Nơi trở về” kể trên, có cô giáo, có người nông phu, có nhiều người, có người giàu có… nhưng cô bé khôn ngoan đã chọn “người đã cứu mình”.
Rồi trong cuộc đời ta vẫn còn đó tiếp nối những chuyến đi.
Sẽ có lúc lòng ta ngổn ngang tâm sự, rối tựa tơ vò… Sẽ có những đoạn đường nặng trịch bước chân đi như đoạn đường Emmau.
Ta có may mắn được đồng hành với người lữ khách tốt lành hết lòng giúp đỡ ta ? Ta có biết khôn ngoan gửi gắm đời ta vào người hy sinh tất cả vì ta ?
Cho dù thế nào đi nữa… Ta hãy vững tin, có một người lữ khách tuyệt vời luôn đồng hành với ta từng bước trong cuộc đời : Chúa Giêsu.
Ta có nhận ra Ngài, luôn đặt trọn niềm tin vào Ngài, và loan báo về Ngài không ?
Lạy Chúa,
Biết bao lần con chao đảo niềm tin
Lê bước chân đi trên đường đời,
Lòng chất nặng nỗi sầu,
như đường về Emmau cô quạnh.
Cho con xin giây phút đỡ nâng
Phút đồng hành cùng người lữ khách tuyệt vời…
Cho con biết chọn trong cuộc đời
Người đã hy sinh mạng sống vì con. Amen.
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG