Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

CN.VỌNG 02. B. Dọn Lòng Đón Chúa | NVT

NHẬT II MÙA VỌNG B
(Mc.1,1-8)

DỌN LÒNG ĐÓN CHÚA

(1) Khởi đầu Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa: (2) Chiếu theo lời đã chép trong sách ngôn sứ Isaia: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con. (3) Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”

(4) Đúng theo lời đó, Ông Gio-an Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. (5) Mọi người từ khắp miền Giu-đê và thành Giê-ru-sa-lem kéo đến với ông. Họ thú tội và ông làm phép rửa cho họ trong dòng sống Gio-đan.

(6) Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ông rừng. (7) Ông rao giảng rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. (8) Tôi đã làm phép rửa cho anh em nhờ nước; Còn Người, Người làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần.”

__________________

SUY NIỆM

DỌN LÒNG ĐÓN CHÚA

Phàm trước khi đón tiếp ai, bao giờ người ta cũng dành thời gian để chuẩn bị. Khách càng quan trọng, sự chuẩn bị càng phải chu đáo.

Khách thì nhiều hạng người. Có khi khách là những người thân yêu, ta tiếp khách chỉ vì tình yêu, rất vui mừng được gặp lại họ, vì ta nhớ thương họ. Có khi khách chỉ là những người có quan hệ ngoại giao, mua bán, rất vui mừng được tiếp rước họ, chỉ vì ta… cần tiền. Hãy nhìn những cửa hàng mua bán mùa Giáng Sinh, người ta trang hoàng rực rỡ có khi còn lộng lẫy hơn cả ở những Nhà thờ Công Giáo.

Vào một mùa xuân nọ, tôi đến tham quan Làng Hoa Sa Đéc. Trong nắng mai huy hoàng hòa quyện trong gió xuân man mát nhè nhẹ, ngàn hoa muôn màu muôn vẻ tỏa hương bát ngát như đưa hồn người phiêu bồng về cõi thiên thai thanh thoát… Chợt tôi nhìn thấy một người phụ nữ đang âm thầm làm cỏ ở hai bên bờ luống hoa thẳng tắp. Thỉnh thoảng chị dừng lại, gom những đống cỏ nhỏ cho vào thúng. Ở đây, khi bạn đã mua nhiều chậu hoa kiểng, rồi bạn tiếp tục đi ngắm hoa một vòng, và phát hiện một chậu hoa be bé xinh xắn đâu đó, nếu bạn yêu thích và hỏi mua, người ta có thể tặng bạn. Tôi rơi vào trường hợp đó, khi giả vờ khen một chậu hồng nho nhỏ xinh xinh chỉ để câu chuyện giữa chủ và khách thêm vui. Tay cầm chậu hồng với những búp hoa chưa nở, tôi hỏi người phụ nữ : – “Ở đây, những luống hoa dài rực rỡ mênh mông, chút ít cỏ hai bên lề không ai để ý gì đâu, sao phải kỹ quá cho tốn công sức vậy ?”. Người phụ nữ đứng lên, nở một nụ cười thật đẹp cũng giống như vườn hoa của chị, chị trả lời: – “Anh biết không: Trông sạch sẽ, khách mới vào. Sạch cỏ chừng nào, trông hoa càng đẹp chừng đó !”.

Bẵng đi một thời gian, tôi không còn nhớ gì đến câu chuyện đó, cho đến một hôm, một đứa bé đem đến tặng tôi một chậu hoa nhỏ. – “Ồ, chậu hoa đẹp thế, cám ơn con nhé !”. – “Của bố đấy, tại bố không chăm sóc, con mang về cắt tỉa lại, trông nó còn đẹp hơn xưa !”.

“Thiện căn ở tại lòng ta”. Thiên Chúa đã đặt để trong lòng con người những điều tốt đẹp. Chính những điều tốt đẹp, những điều Chân Thiện làm cho tâm hồn con người trong sáng và gần gũi Chúa, kết hợp mật thiết với Chúa. Đó là sự sống còn của con người.

Chính tâm hồn trong sạch mới cảm nhận được tình yêu của Chúa và đáp lại tình yêu của Ngài. Và như thế, với tâm hồn trong sạch con người mới biết khát khao được đón tiếp Chúa, vui mừng được Chúa ngự đến tâm hồn mình.

Tâm hồn nhơ bợn, tội lỗi, sẽ hờ hững với Chúa, trốn lánh Chúa. Không có niềm vui trông đợi Chúa đến trong tâm hồn bất an, sợ hãi !

“Nghe thấy tiếng Đức Chúa là Thiên Chúa đi dạo trong vườn lúc gió thổi trong ngày, con người và vợ mình trốn vào giữa cây cối trong vườn, để khỏi giáp mặt Đức Chúa là Thiên Chúa. Đức Chúa là Thiên Chúa gọi con người và hỏi : “Ngươi ở đâu ?” Con người thưa : “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng nên con lẫn trốn” (St.3,8-10).

“Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”, còn “Tâm hồn trong sạch thì được bình an”. Bình an mới có thể vui mừng đón Chúa.

Chỉ có được bình an khi lòng ta đơn sơ, hiền hòa, phó thác vào Tình Thương của Chúa
.
“Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng”. (Mt 11, 28-30)

Vậy, phải dọn lòng như thế nào ?

Một người kia kể lại giấc mơ khủng khiếp như sau: Tôi thấy mình đứng trước một biệt thự nguy nga. Bước vào trong, tôi thấy hai hành lang với hai hàng chữ: Bên phải dành cho người Công giáo, bên trái dành cho kẻ ngoại đạo. Theo bảng chỉ dẫn, tôi đi theo hành lang bên phải dành cho người Công giáo.

Đi được một lúc, tôi thấy mình đứng trước một ngã rẽ khác. Lần này tôi đọc thấy bảng chỉ dẫn như sau: Bên phải dành cho kẻ có đức tin vững mạnh, bên trái dành cho kẻ có đức tin yếu kém. Và tôi lại đi bên phải.

Đến một ngã rẽ khác, tôi lại thấy một bảng chỉ dẫn: Bên phải dành cho những người có lòng bác ái, bên trái dành cho những người ích kỷ. Tôi lại chạy qua bên phải mà đi.

Cuối cùng tôi gặp một bảng chỉ dẫn: Bên phải dành cho những ai có đời sống thánh thiện, bên trái dành cho những kẻ tội lỗi. Một lần nữa tôi cứ chọn bên phải mà đi. Nhưng tôi đang hân hoan rảo bước, thì bỗng một cảnh tượng hãi hùng khủng khiếp hiện ra ở cuối hành lang ấy: cảnh hỏa ngục với muôn vàn hình khổ không lời nào tả xiết. Tôi hoảng hốt kêu rú lên và giật mình thức giấc.

Sau một phút tôi hoàn hồn và tự hỏi: “Phải chăng đời sống đạo của tôi cũng chỉ là một giấc mơ hãi hùng?”.

Câu chuyện kể trên, trong một phản xạ tự nhiên, có thể ta nghĩ về người Pha-ri-siêu. Nhưng rồi, bình tâm lại, ta nghĩ về chính mình !

Theo câu chuyện, ta tự hỏi chính mình khi đứng trước từng ngả rẽ cuộc đời :

Công Giáo và kẻ ngoại đạo: – Tôi thật sự là người Công Giáo chưa ?

Đức Tin vững mạnh và Đức Tin yếu kém: – Tôi thật sự có Đức Tin vững mạnh chưa ?

Người bác ái và người ích kỷ: – Tôi thật sự bác ái chưa ?

Thánh thiện và Tội lỗi: – Tôi thật sự thánh thiện chưa ?

Coi chừng, cuối cùng, ta chờ đợi gặp Chúa, không phải vì cậy trông vào lòng Chúa xót thương, mà tự hào chắc chắn Chúa phải thương yêu ta vì ta có quá nhiều công trận trước mặt Chúa.

Kiêu căng làm sụp đổ tất cả những điều Chân Thiện trong lòng ta.

Ngôn sứ Isaia viết: “Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Đức Chúa, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta. Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hóa thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu” (Is 40,3-4).

Trong một lớp Giáo lý Rước Lễ Lần Đầu, khi được hỏi : “Trong đạo Công Giáo, lễ nào là lớn nhất”, các em đều trả lời “Lễ Noel”. Thật khó mà trả lời là lễ Phục Sinh, nếu các em chưa học căn bản Giáo lý, vì sự tưng bừng nhộn nhịp của lễ Giáng Sinh đã trở thành nét văn hóa chung của cả nhân loại.

Đúng là chúng ta làm tất cả mọi sự như có thể vì Sáng Danh Chúa, nên những hình thức bên ngoài cũng rất cần thiết, nhưng chính tâm tình trong lòng mới là điều Chúa chờ đợi nơi chúng ta: “Đón Chúa để thờ lạy Ngài”.

– Như bà Ê-li-sa-bét vui mừng vì được Đức Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm, bà đã hân hoan tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa.

“Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này ? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng”. (Lc.1,43-44).

– Như các mục đồng được loan tin vui tìm về Hang Đá thờ lạy tôn vinh Chúa.

“Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ” (Lc.2,20).

– Như Ba Vua ở phương Đông tìm đến Chúa Giê-su để thờ lạy Ngài
.
“Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người” (Mt.2,11)
.

Nếu đón Chúa chỉ vì một cuộc vui, sự phô trương, những lợi lộc trần thế, hay xem Ngài chỉ như một bậc vĩ nhân… thì việc đón Chúa của chúng ta chỉ là những việc làm bề ngoài trống rỗng, tầm thường.

Charles Lamb là một văn sĩ nổi tiếng của nước Anh vào thế kỷ thứ 18. Buổi tối nọ, năm sáu văn sĩ khác tụ họp ở nhà ông để thảo luận về các đề tài văn chương. Bỗng nhiên, có người đặt vấn đề: Chúng ta sẽ làm gì nếu được gặp gỡ các danh nhân thế giới trong các thời đại đã qua. Có người gợi ý:

– Nếu giờ đây Dante bước vào phòng này?

– Giả như đêm nay có Shakespeare cùng tham gia thảo luận với chúng ta?

Charles Lamb hô to: – Tôi sẽ hân hoan giơ tay đón tiếp các vị như các hoàng đế của tư tưởng.

Cuối cùng một người nói:

– Còn nếu bây giờ Đức Kitô bước vào phòng này?

Charles Lamb nghiêm nét mặt nói:

– Dĩ nhiên tất cả chúng ta đều quỳ xuống.

Lạy Chúa,
xin soi sáng tâm hồn con,
để con biết dọn lòng mình,
đón chờ Chúa đến,
để tôn thờ Ngài,
trong Tin Yêu và Hy vọng. Amen.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG.

Bài liên quan

Back to top button