CN.01.MV.C. Trông Đợi | NVT
Suy niệm Chúa Nhật I Mùa Vọng năm C
SUY NIỆM CHÚA NHẬT
CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG C
(Lc.21,25-28.34-36)
TRÔNG ĐỢI
25 Khi ấy Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. 26 Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. 27 Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. 28 Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.”
34 “Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em,35 vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. 36 Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.”
_____________
SUY NIỆM
TRÔNG ĐỢI
Mùa Vọng là mùa trông đợi. Đợi gần – là trông đợi lễ Giáng Sinh. Đợi xa – là trông đợi Chúa Ki-tô lại đến trong quang vinh ngày thế mạc.
“Mùa vọng có hai đặc tính: vừa là mùa chuẩn bị mừng lễ trọng Giáng Sinh, trong lễ này, kính nhớ việc con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với loài người; vừa là mùa mà qua việc kính nhớ này, các tín hữu hướng lòng trông đợi Chúa Ki-tô đến lần thứ hai trong ngày tận thế. Vì hai lý do này, Mùa Vọng được coi như mùa sốt sắng và hân hoan mong đợi” (Những quy luật tổng quát về Năm Phụng Vụ và Niên Lịch. V.39).
1. Con người trông đợi Chúa đến.
Cuộc đời cho ta được gì? Những cuộc vui ảo ảnh thoáng qua. Những nghịch cảnh, khổ đau chồng chất. Nụ cười như những bông qua sớm nở chiều tàn. Nước mắt như đại dương chứa đầy những đau thương cứ mãi mênh mông vô bờ bến.
“Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. (ND)
“Những điều đau đớn lòng” ấy tràn ngập trong nhân sinh làm sao tìm được nơi đâu sự an bình?
Trước Thượng đế hiền từ tôi sẽ đặt,
Trái tim đau khô héo thuở trần gian.
Tôi sẽ nói:”Này đây là nước mắt
Ngọc đau buồn, nguyên khối vẫn chưa tan”.(HC).
Kiếp người hóa ra chỉ còn là “một khối đau buồn” đọa đày và vô nghĩa sao?
Sự khôn ngoan cuối cùng của con người là kêu cứu Thiên Chúa. Bởi chỉ có Thiên Chúa mới có thể giải thoát con người khỏi gông cùm tội lỗi: khổ đau và cái chết.
“Trời cao hãy đổ sương xuống, mây hãy đổ mưa, mưa đức công chính” (x Is 45,8).
Và Thiên Chúa đã hứa ban cho con người Đấng Cứu Thế.
“Thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuel” (Is 7,14b).
Con người trông đợi Chúa đến.
Và tin vui cả thể đã thật sự đến với nhân loại. Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người.
Nhưng sứ thần bảo họ: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Ðấng Cứu Ðộ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Ðavít, Người là Ðấng Kitô Ðức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”. Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng:Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương. (Lc.2,10-14).
2. Thiên Chúa trông đợi con người
Tại Nhà thờ Chánh toà Thánh Phaolô ở Luân Đôn thủ đô Anh quốc có treo một bức họa rất nổi tiếng. Bức họa “Ánh sáng thế gian”.
Trên bức họa có hình Chúa Giêsu đứng ngoài một cánh cửa với cây lá trường xuân che phủ kín mặt tường quanh cửa, trên cánh cửa không có ổ khóa, cũng không có quả nắm ở ngoài. Nhìn bức họa, chúng ta có thể hiểu ngay là Chúa đứng ngoài cửa, Ngài gõ cửa và đứng chờ cho tới khi có ai ra mở cửa cho Chúa vào, ngoài ra không còn cách nào khác có thể đẩy cửa bước vào. Bức họa đó mang tên là: Ánh Sáng Thế Gian.
Những ai có dịp đến Luân đôn đều ghé qua và có thể cảm thấy bầu khí nặng nề, ẩm thấp ở trong nhà thờ hoà nhịp với cảnh thương mại sầm uất, náo nhiệt giữa thành phố đông nghẹt người đi lại ấy. Dĩ nhiên trong bầu khí dày đặc bụi bặm đó với thời gian, bức họa ngày càng trở nên dơ bẩn. Cha sở nhà thờ Chánh tòa có gọi thợ đến để sửa lại bức họa qúy giá ấy. Việc trước tiên phải làm là tháo gỡ những khung gỗ quanh bức họa. Bất ngờ họ đã khám phá ra một điều mà từ trước tới giờ chưa ai nhận thấy: dưới bức họa ấy, người họa sĩ đã ghi thêm hàng chữ: “Lạy Chúa, xin thứ lỗi cho con, vì con đã bắt Chúa phải đứng chờ quá lâu”. Quả thực, từ bao năm qua, khung gỗ đã che mất hàng chữ đó, vì thế, ý nghĩa cũng như giá trị tinh thần của bức họa cũng không tránh khỏi sự mất mát lớn.
Hàng chữ trên đây nói lên tinh thần đau xót của họa sĩ vì đã để cho Chúa Giêsu đứng chờ quá lâu trước khi ông quyết định mở cửa tâm hồn đón nhận Ngài bước vào trong đời sống của ông. (Internet).
Thiên Chúa đã đến thế gian, Đấng Cứu Thế đã vào đời, đồng hành với con người, và đã chết vì con người, chết vì yêu thương trên Thập Giá để cứu chuộc nhân loại.
Nhưng Thiên Chúa vẫn còn xa lạ với rất nhiều tâm hồn, Ngài thật sự chưa “giáng sinh” trong từng trái tim của mỗi con người.
Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương. (Lc.2,10-14). Nhưng Thiên Chúa vẫn chưa được “vinh danh” và bình an vẫn chưa thật sự đến với con người, vì con người vẫn khép kín cánh cửa tâm hồn đối với Thiên Chúa.
Cánh cửa tâm hồn con người khép lại trước sự đợi chờ của Thiên Chúa. Cánh cửa của con tim biết yêu thương và chân thiện.
Con người muốn mở những cánh cửa kho tàng ra để tiếp rước Chúa bằng sự giàu có, vinh quang thế gian, bằng những cuộc vui kéo dài, bằng những lễ hội đình đám, bằng sự trang hoàng hoành tráng, rực rỡ…
Nhưng Thiên Chúa lại muốn con người mở cánh cửa tâm hồn.
Ngài từ chối đi qua những cánh cửa sang trọng khác, Ngài chỉ trông đợi con người mở cánh cửa tâm hồn – Cánh cửa đi vào cung thánh lòng ta, đi vào nội tâm sâu kín của ta.
Cánh cửa đi vào một tâm hồn biết “đón nhận Chúa”, lắng nghe Lời Chúa, biết thiết tha yêu mến Chúa, yêu thương đồng loại, một tâm hồn đơn sơ, khiêm nhường, chân thật. Cánh cửa để vào một tâm hồn biết hoàn toàn tín thác vào Chúa. Một tâm hồn không ngừng cố gắng vươn lên vì hết lòng yêu mến Thiên Chúa.
Gặp gỡ Chúa
Đợi chờ thì phải có gặp gỡ. Sự đợi chờ phải liên tục và luôn sẵn sàng mới gặp gỡ được. Ngồi đợi chờ mà ta lại say ngủ làm sao gặp được người ta trông đợi.
Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. (Ga.1,11).
Sự gặp gỡ phải là giây phút vui mừng. Trông đợi một điều không vui, ta trông đợi làm gì? Nhưng làm sao ta vui được khi ta không nhận ra được đâu là niềm vui đích thực của đời ta.
Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. (Ga.1,10).
Làm sao ta nhận ra được đâu là niềm vui đích thực của đời ta, khi đời ta không đi trong Ánh Sáng Tin Mừng. Ánh sáng Tin Mừng soi sáng cho ta biết Chúa chính là nguồn vui đích thực, là cội nguồn hạnh phúc đời ta.
Tới gặp Thiên Chúa, nguồn vui của lòng con. (Tv.43).
Chúa là “nguồn vui của lòng con”, và Ngài đồng hành với con suốt cả cuộc đời, cho đến tận thế, có Ngài ta còn lo gì? Bên cạnh Ngài ta còn sợ chi?
“Thầy ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20b).
Và ta chờ đợi ngày Chúa đến, với lòng an bình, khi ta biết luôn mở cửa lòng ta, đón nhận Ngài hiện hiện hiện trong cung thánh lòng ta mọi lúc, mọi nơi, suốt đời ta.
“Lạy Chúa, xin thứ lỗi cho con, vì con đã bắt Chúa phải đứng chờ quá lâu”.
Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.” (Lc.21,36).
Lạy Chúa,
Không phải con đánh thức Ngài,
Trong thuyền đời con giữa cuồng phong bão tố,
Nhưng xin Ngài đánh thức con,
Trong những cơn mê ngủ giữa đời.
Trước cảnh biển gào sóng thét
Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc
Xin cho con được hồn nhiên cất tiếng hát
Mừng đón ngày Ngài đến trong vinh quang
Và đó là niềm hy vọng trần gian,
Như ánh chớp xé tan màn đêm tuyệt vọng cuộc đời.
Và đó là Mùa Vọng,
Con đợi trông bằng trọn trái tim yêu. Amen.
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG