Lời ChúaPanô Chúa Nhật

Panô Chúa Nhật 25 Thường Niên C

NguoiAnGiang | Panô Chúa Nhật

cn-xxv-tn-cCHÚA NHẬT XXV MÙA THƯỜNG NIÊN
Lc 16, 1-13

1 Đức Giêsu còn nói với các môn đệ rằng: “Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. 2 Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa! 3 Người quản gia liền nghĩ bụng: “Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. 4 Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!
5 “Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: “Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy? 6Người ấy đáp: “Một trăm thùng dầu ôliu. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi. 7 Rồi anh ta hỏi người khác: “Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy? Người ấy đáp: “Một ngàn giạ lúa. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi.
8 “Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.
9 “Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. 10 Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. 11 Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em? 12 Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em?
13 “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.”



cn25tn-cSỬ DỤNG TIỀN CỦA KHÔN NGOAN VÀ TRÁCH NHIỆM

Lm. Phêrô Lê văn Chính

Phúc âm tuần này đề cập đến chủ đề nhạy cảm và là chủ đề thiết thực đồng thời cũng là chủ đề dễ bị tránh né, đó là việc sử dụng tiền của. Lòng tham mê tiền của là một điều thuộc về bản năng con người, bởi vì tiền của có sức mạnh và sự mê hoặc của nó. Nhờ có tiền của người ta có thể buôn bán trao đổi, sắm sửa và chi dùng mọi nhu cầu. Vào thời Chúa Giêsu, những người do thái cần tiền của để mua bánh và cá, để mua những lễ vật dâng cúng ở đền thờ, để đóng thuế cho chính quyền. Vùng Trung Đông lúc bấy giờ là một vùng phát triển với những nền văn hóa rất lâu đời. Người ta mua bán giao dịch rất sầm uất, những nghề dệt may, mua bán hương liệu, nông sản rất phát triển. Đây cũng là ngã ba của các châu lục là Âu châu và Á châu, nơi có nhiều giao lưu kinh tế thương mại lúc bấy giờ. Ngược dòng lịch sử lên khoảng 800 năm trước Chúa Giáng sinh, chúng ta gặp lại thời của tiên tri Amos. Đây cũng là thời kỳ kinh tế thịnh vượng đối với vương quốc phía Bắc của Israel lúc bấy giờ. Những người giàu có sang trọng sống xa hoa bên cạnh những người nghèo khổ. Thời kỳ kinh tế phát triển phồn vinh đồng thời cũng là lúc người ta gia tăng nhiều nghi lễ lộng lẫy ở đền thờ và bằng an với những nghi lễ phụng tự sa hoa mà thiếu tâm tình tôn giáo chân thực. Chúa đã sai tiên tri Amos đến cảnh tỉnh mọi người, lên án những bất công xã hội và tố cáo những an toàn giả tạo mà người ta đang dựa vào. Không phải đang sống trong thời kỳ sung túc với những lễ hội hoành tráng mà chúng ta bằng lòng cách giả tạo và cứ việc sống bất công với bao nhiêu mưu mô gian dối trong việc buôn bán lừa gạt. Những tai họa vẫn luôn rình rập nếu mọi người không biết sống ngay thẳng, thực hành công bằng bác ái. Trong bài đọc sách tiên tri Amos, một loạt những tố cáo những tội mất công bằng trong buôn bán giao dịch được tiên tri nêu ra như việc tăng giá bán hay làm cân giả với những âm mưu tráo trợn vô nhân đạo như lấy tiền mua người nghèo, lấy đôi dép đổi người túng thiếu. Thiên Chúa rất nhẫn nại nhân từ nhưng luôn ghi nhớ những tội ác bất công mà người ta đã làm.

Bài Tin mừng theo thánh Luca là câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu nói về việc quản lý tiền của. Người dùng dụ ngôn về một người quản lý xấu nhưng khôn ngoan tính toán để hưởng quyền lợi cho mình khi bị đuổi việc. Trong xã hội của người do thái, người quản lý được toàn quyền sử dụng tài sản của chủ với điều kiện phải làm sinh hoa lợi cho chủ. Trong quyền hạn của mình, người quản lý có quyền dùng tài sản của chủ để buôn bán giao dịch một cách hợp pháp, với trọn vẹn tư cách pháp nhân. Vì thế, trong câu chuyện dụ ngôn nói rằng người quản lý này đã sửa văn tự nợ của những con nợ của chủ. Đây là việc làm gian dối nhằm phục vụ cho lợi ích riêng tư của mình, nhưng lại là việc làm trong quyền hạn của người quản lý, tức là việc làm hợp pháp theo luật, bởi vì bao lâu người quản lý còn quyền hạn thì anh còn quyền sử dụng tài sản của chủ. Chúa Giêsu nêu ra câu chuyện này không phải để khuyến khích người tín hữu cũng có quyền làm những việc gian dối, nhưng là để nêu gương của người quản lý khôn ngoan tính toán này để nhắc nhở người tín hữu biết khôn ngoan tính toán trong việc hưởng dùng của cải Thiên Chúa ban để được đón nhận vào sự sống đời đời.

Suy nghĩ về tiền của đã là đề tài được suy nghĩ rất sớm trong lịch sử Giáo hội, và cũng là đề tài nhạy cảm. Câu chuyện của bài Tin mừng hôm nay mời gọi mỗi người sử dụng tiền của cách khôn ngoan sáng suốt và đầy trách nhiệm. Người tín hữu là những người quản lý, họ được Thiên Chúa trao toàn quyền sử dụng tài sản của chủ. Họ là những người được trao nhiều quyền hạn và tài sản trong đời sống hiện tại, họ phải biết hưởng dùng tiền của trong cuộc đời này  để mưu ích cho đời sống mai sau của mình. Trong quyền hạn là người quản lý, mỗi người có đầy đủ tự do và trách nhiệm tiêu dùng cũng như mua bán trao đổi theo sự tính toán của mình. Câu chuyện dụ ngôn đã được đúc kết bằng lời khuyên cụ thể của Chúa Giêsu: “Phần thầy, thầy bảo các con, hãy dùng tiền của gian dối để mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền của, họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời”.  Kết luận được khép góc ở việc dùng tiền của vật chất một cách khôn ngoan,  giúp đỡ những người túng thiếu không may mắn hơn mình. Không phải người quản lý chỉ biết dùng tiền của cách ích kỷ cho những nhu cầu riêng của mình, nhưng còn biết nhìn xa thấy trước tương lai của mình khi không còn ở địa vị quản lý đầy quyền hạn nữa thì sẽ có những người đã được mình giúp đỡ sẽ nhớ ơn và giúp đỡ lại. Tiền của được gọi là gian dối một cách chung để cho thấy mặt xấu của nó, dầu vậy tiền của có sức mạnh mà người quản lý được mời gọi dùng cách khôn ngoan thận trọng và đầy trách nhiệm. Chúa Giêsu còn giải thích thêm về ý nghĩa của việc sử dụng tiền của. Người sử dụng tiền của như người quản lý trước mặt Thiên Chúa. Khi thi hành công việc của mình, tức khi sử dụng quyền hạn quản lý để chi tiêu mọi việc, ông được đánh giá mức độ ngay thẳng khôn ngoan và trung tín để rồi khi bước vào đời sống mai sau, ông sẽ được trao trách nhiệm lớn hơn tùy thuộc vào công trạng và tài đức khi ông đã dùng tài sản Thiên Chúa ban trong đời sống trần thế khi biết khôn ngoan giúp đỡ những người nghèo khó túng thiếu và khi sống đời sống công bằng bác ái với mọi người.

Một điểm khác mà Chúa Giêsu muốn cảnh giác là việc tôn thờ tiền của. Hoặc con người tôn thờ Thiên Chúa hoặc con người sẽ tôn thờ tiền của. Tiền của được đặt ở một vị thế cao cạnh tranh với Thiên Chúa trong tương quan của con người với nó.  Lẽ ra con người được kêu gọi sống trong tư thế của một con người tôn thờ Thiên Chúa để rồi là người quản lý tiền của Thiên Chúa ban để sống một đời sống xứng đáng, thì một cách mâu thuẫn, con người có thể đảo lộn trật tự và làm cho mình trở nên nô lệ cho tiền của và thay thế vị trí của Thiên Chúa bằng tiền của. Thánh Phaolô là gương mẫu của một người quản lý khôn ngoan. Trong bức thư gửi cho người môn đệ là Timôthêô, người kêu gọi mọi người hãy biết cầu nguyện trong mọi hoàn cảnh, cầu nguyện với nhiều tâm tình thờ lạy và cảm tạ, xin ơn tha thiết, đồng thời cũng biết cầu nguyện cho các vua chúa, cho những người lãnh đạo đất nước để đất nước được bình an và nhờ đó mà mọi người được sống yên ổn. Bởi vì điều quan trọng là làm sao sống cuộc đời trần thế để rồi nhận biết Thiên Chúa và nhờ đó mà được ơn cứu độ nhờ Đức Giêsu Kitô. Đây là điểm chính yếu của cuộc đời mỗi người vì Thiên Chúa ban cho nhân loại Đức Giêsu Kitô là Đấng Trung gian duy nhất để nhờ đó mà loài người chúng ta được ơn cứu độ.

Bài liên quan

Back to top button