Lướt webThường thức gia đình

7 lợi ích tuyệt vời từ quả dứa (khóm) nhiều người không biết

LĐO

Không chỉ là loại quả thơm ngon, dứa còn mang đến nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Ảnh đồ họa: Minh Anh.

Dứa (Khóm) là loại quả nhiệt đới quen thuộc và nhiều chất dinh dưỡng. Ngoài hương vị thơm ngon, dứa còn mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe.

Giàu chất dinh dưỡng

Dứa là loại quả có hàm lượng calo thấp nhưng rất giàu các chất dinh dưỡng khác. Một số chất dinh dưỡng có trong dứa bao gồm chất xơ, mangan, vitamin B9, magie, kali, chất béo, vitamin C.

Đặc biệt, vitamin C có trong dứa rất cần thiết có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể phát triển toàn diện và khỏe mạnh.

Nhiều chất chống oxy hóa

Không chỉ giàu chất dinh dưỡng, dứa còn chứa nhiều chất chống oxy hóa, được gọi là flavonoid và axit phenolic. Các chất này mang lại nhiều tác dụng lâu dài đối với cơ thể người, bao gồm làm giảm nguy cơ mắc bệnh về hệ miễn dịch và chứng viêm mãn tính.

Hỗ trợ tiêu hóa

Trong dứa có chứa một nhóm các enzyme tiêu hóa được gọi là bromelain. Chúng có chức năng phá vỡ các phân tử protein thành các khối xây dựng như axit amin và peptide. Những phân tử protein bị phá vỡ sau đó có thể dễ dàng hấp thu vào ruột non.

Điều này đặc biệt hữu ích với những người bị suy tuyến tụy – tình trạng tuyến tụy không thể tạo ra đủ các enzyme tiêu hóa mà cơ thể cần.

Giảm nguy cơ ung thư

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bên cạnh việc chống oxy hóa và giảm viêm, dứa còn có tác dụng giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh ung thư. Những enzyme tiêu hóa bromelain có trong dứa có thể ngăn ngừa sự phát triển các tế bào ung thư, bao gồm ung thư da, ống mật và dạ dày.

Tăng cường khả năng miễn dịch

Không chỉ là một loại quả, dứa còn được biết đến như một phần của y học cổ truyền trong nhiều thế kỷ. Các loại vitamin, khoáng chất và enzyme có trong dứa giúp tăng khả năng miễn dịch và chống viêm.

Giảm các triệu chứng của bệnh viêm khớp

Viêm khớp là căn bệnh phổ biến, nhất là ở người cao tuổi. Do có đặc tính chống viêm, dứa có khả năng giảm đau do chứng viêm ở các khớp. Một số nghiên cứu đã cho thấy chất bromelain có trong dứa rất hiệu quả trong việc điều trị các bệnh thoái hóa khớp.

Tăng khả năng phục hồi sau phẫu thuật

Chất bromelain có liên quan đến khả năng giảm sưng, bầm tím và đau nhức xảy ra sau khi phẫu thuật. Ngoài ra, đặc tính chống viêm của bromelain cũng giúp giảm viêm mô sau quá trình tập thể dục nặng.

Minh Anh (theo Healthline)

Những trường hợp “đặc biệt” không nên ăn dứa

Hạ Mây (T/H)

Dứa rất giàu vitamin, khoáng chất, dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, nhưng nó sẽ là loại thực phẩm gây nguy hiểm đối với sức khỏe nếu bạn dùng không đúng cách.

Ăn dứa không đúng cách sẽ dẫn đến dị ứng với biểu hiện sưng lưỡi, rát lưỡi, gây tiêu chảy, buồn nôn, khó thở… Không nên ăn dứa tươi vào lúc đói vì các acid hữu cơ của dứa và bromelin tác động mạnh vào niêm mạc dạ dày, ruột, gây nôn nao, khó chịu…

Người bị bệnh dạ dày

Người bị bệnh dạ dày không nên ăn nhiều dứa, chỉ nên ăn một miếng rất nhỏ bởi dứa có chứa nhiều axit hữu cơ và một số enzyme làm tăng viêm loét niêm mạc dạ dày, đường ruột, dễ gây nôn nao, khó chịu.

Những người có tiền sử viêm mũi họng

Quả dứa có một loại glucoside có tính chất kích ứng niêm mạc mạnh nên khi ăn nhiều dứa thường thấy rát miệng lưỡi, cổ họng tê rát, ngứa ngáy.

Nên những người có tiền sử viêm mũi họng, viêm thanh quản, hen phế quản không nên ăn nhiều để tránh nguy cơ bệnh tái phát và nặng hơn…

Người đái tháo đường, huyết áp cao

Người bị đái tháo đường không nên ăn nhiều dứa vì loại quả này chứa hàm lượng đường cao. Nếu người đái tháo đường muốn ăn dứa phải hỏi ý kiến bác sĩ điều trị.

Dứa sẽ gây nguy hiểm đối với sức khỏe nếu bạn dùng không đúng cách. Ảnh: Hạ Mây

Người có tiền sử tăng huyết áp khi dùng nhiều dứa dễ gây hiện tượng nóng bừng mặt, đau đầu choáng váng… dễ có nguy cơ cơn tăng huyết áp.

Phụ nữ mang thai

Ăn quá nhiều dứa có thể làm tăng kích thích co thắt tử cung, dẫn đến sảy thai. Đặc biệt đối với phụ nữ mang thai 3 tháng đầu.

Chuyên gia cũng lưu ý mọi người chỉ nên chọn mua dứa khi có ý định sử dụng ngay. Trong trường hợp chưa cần dùng đến, nên để dứa ở nơi mát, tránh ánh nắng và không để quá 2 đến 3 ngày.

Ngoài ra, những người bệnh chảy máu hoặc có nguy cơ chảy máu (chảy máu cam, sốt xuất huyết, vết thương lớn, phụ nữ băng huyết…) cũng không nên ăn dứa.

Hạ Mây (T/H)

Bài liên quan

Back to top button