Đọc báo dùm bạnLướt web

Lạc bước ‘Thiên đường’

Hallasan – ngọn núi cao nhất của Hàn Quốc với độ cao 1.950m so với mực nước biển, là nơi được UNESCO công nhận là Kỳ quan thiên nhiên thế giới do có thảm động thực vật phong phú, nguồn gốc núi lửa độc đáo. Núi Hallasan hay Halla còn chất chứa một truyền thuyết về sự sống linh thiêng của chúa trời và những linh hồn mà người Hàn Quốc gọi là Yeong.

Truyền thuyết về sự sống linh thiêng của chúa trời

Nhắc đến Jeju chắc chắn nhiều bạn trẻ Việt Nam sẽ nhớ ngay đến những hình ảnh trong bộ phim nổi tiếng “Nàng Dae Jang Geung” hay “Bản tình ca mùa đông” đình đám. Qua những thước phim, đảo Jeju hiện lên long lanh nhưng cũng đầy hoang sơ huyền bí và thú vị.

Núi Hallasan hay Halla chứa một truyền thuyết về sự sống linh thiêng của chúa trời và những linh hồn mà người Hàn Quốc gọi là Yeong. Sau lần phun trào cuối cùng, đã biến miệng núi lửa trên đỉnh thành hồ nước. Từ đây, nước chảy xuống tạo nên những vực thác rất trữ tình. Thường ngày mây phủ đỉnh Halla. Những ngày trời trong, Halla cứ sừng sững như ngọn tháp vươn lên trời. Trên triền núi Halla có nhiều hang động, thác nước, nổi tiếng nhất là thác “Thiên địa”; người Jeju gọi là Cheonjeyeon có nghĩa là nơi bầu trời chạm mặt đất. Dòng thác cao đổ xuống như những dải lụa trắng ngần. Người Jeju xây một hồ lớn để giữ “nước trời” lại. Gần đó là 3 tảng đá cổ, mọi người đến cầu nguyện cho sự bình an thịnh vượng. Tương truyền đây là nơi 7 nàng tiên đã giáng trần, nên có người gọi là thác Tiên Nữ. Thác đổ, chim hót, gió mơn man đẩy những đám sương mù nhè nhẹ bay tạo nên bồng lai tiên cảnh của núi Halla.

Chính nhờ địa chất độc đáo là lớp dung nham bazan mà nơi đây đã hình thành nên một hệ sinh thái đặc biệt, với hàng ngàn loài động thực vật phong phú, trong đó có những loài đang có nguy cơ tuyệt chủng. Theo ước tính hệ sinh thái quanh Halla lên đến hơn 1.800 loại thực vật và 4.000 loài động vật.

Người dân ở đây thường nói “Đảo Jeju là Hallasan và Hallasan là Jeju” vì ngọn núi này có thể được nhìn thấy từ mọi nơi trên đảo. Tuy nhiên, cũng có nhiều người nói vui rằng câu này có nghĩa là: Nếu bạn đến Jeju mà chưa leo núi Hallasan cũng coi như bạn chưa đến Jeju.

“Đại tiệc” sắc màu

Ngọn núi có 6 con đường mòn: Eorimok Trail (6,8 km), Yeongsil Trail (5,8 km) Seongpanak Trail (9,6km), Seokgulam Trail (1,5 km), Gwaneumsa Trail (8,7 km), Donnaeko Trail (7 km), trong đó chỉ có 2 đường dẫn lên đến đỉnh núi. Theo lời một người bạn, tôi đã chọn tuyến Yeongsil, dù không lên được tới đỉnh nhưng đây là tuyến đẹp nhất.

Ngay từ điểm xuất phát của hành trình, tôi đã được đắm mình trong rừng lá phong đỏ cao vút, đầy mê hoặc. Những bậc thang gỗ bắt đầu cho con đường leo núi Hallasan khiến tôi có cảm giác như mình sắp bước vào một không gian huyền bí nào đó. Chặng hành trình đầu tiên cũng là chặng khó đi nhất vì nhiều đoạn đường quanh co, dốc và nhiều đá sỏi… Nhưng nhờ những cảnh sắc mà tôi đã mê mải bước. Những rặng cây, con suối… hòa quyện với nhau tạo nên một bức tranh hoàn mỹ.

Mỗi mùa Hallasan lại mang đến những màu sắc riêng, nên phong cảnh nơi đây đã trở thành nguồn chủ đề bất tận cho các nhiếp ảnh gia. Nếu đến Hallasan vào mùa xuân, du khách sẽ được ngắm cánh đồng hoa đỗ quyên rực rỡ. Sang hè là màu xanh của lá cây tươi tốt. Thu tới, cả cánh rừng chuyển thành màu vàng và đỏ vô cùng lộng lẫy và đẹp mắt. Từ đầu và giữa tháng 11 sẽ có thêm tuyết trắng bao phủ trên những tán cây làm cho phong cảnh lúc này đẹp mê hồn.

Điều đặc biệt, cảnh sắc mỗi lúc lên cao lại thay đổi theo một hướng khác, một màu sắc đặc trưng khác. Mỗi cung đường, người Hàn Quốc chỉ xây dựng một con đường độc đạo nhỏ để lên và xuống, không hề có trạm dừng hay dịch vụ nào đi kèm, có chăng hết mỗi chặng sẽ là một biển báo địa điểm và cột ghi số điện thoại cứu hộ. Mỗi chặng sẽ là một kiểu đường khác nhau, khi thì những bậc thang đá, khi thì là những bậc thang gỗ nhỏ, khi lại là nguyên những viên đá tảng mà buộc bạn phải trèo qua, và cả những đoạn đường thoai thoải nhẹ nhàng uốn lượn.

Ấn tượng nhất là khi lên cao độ trên 1.000m so với mực nước biển bạn chắc chắn sẽ phải sững lại, hít thở và ngắm nhìn xuống triền núi… bởi cả ngọn núi giống như được bao phủ bởi một tấm thảm bao la, trải dài như không có điểm cuối. Khi tôi đến dù đã là những ngày cuối thu nhưng tấm thảm ấy vẫn được dệt đầy tinh tế, hài hòa với những gam màu nóng hòa quyện nhưng lại mướt nhẹ đến nỗi gợi cho người ta cảm giác chỉ muốn đắm mình trong khoảng không êm ái đầy ấm áp. Mọi mệt mỏi dường như cứ thế mà tan biến và háo hức muốn biết tiếp bức tranh ở trên cao nữa sẽ như thế nào. Tạo hóa quả thật đã quá ưu ái ban cho nơi đây những cảnh tượng tuyệt mỹ không ngòi bút nào tả xiết.

Tuy nhiên, cũng phải ấn tượng thêm một điều là cả quãng đường dài ấy ko hề có thùng rác. Gần tới đỉnh ở trạm cao 1.700m so với mực nước biển mới có một trạm dừng cho mọi người mua đồ ăn đơn giản nhưng cũng vẫn hoàn toàn không có chỗ đựng rác. Vì thế, trên đường đi phần lớn tôi gặp là người dân địa phương đủ cả trai gái già trẻ, lớn bé, tất cả đều mang balo đựng đầy đủ vật dụng cần thiết cho bản thân trong suốt hành trình. Và dù là ai thì bạn cũng đều phải tự thu dọn mang rác xuống. Vì vậy mà suốt quãng đường đi gần 6km ấy (mất 6 – 7 tiếng leo 2 chiều), tôi không hề thấy một chút rác thải nào. Ngay khi xuống núi, một khẩu hiệu lớn ngay trước mặt “cảm ơn bạn đã bảo vệ môi trường”, bên cạnh là hướng dẫn phân loại rác, thùng nào để loại rác nào; mọi người lại xếp hàng rồi lấy rác từ balo ra phân loại và cho vào các thùng.

Thu Hà
http://baocongthuong.com.vn/lac-buoc-thien-duong.html

Bài liên quan

Back to top button