Đọc báo dùm bạnLướt web

Lẩu mắm cá linh bông điên điển miền Tây

Nguyễn Hoàng Thanh | SEO & IM at Viet Fun Travel

Tuy chỉ là một món ăn dân dã, bình dị nhưng lẩu cá linh bông điên điển – món ăn dân dã Miền Tây đã hấp dẫn nhiều du khách ngay từ màu sắc bắt mắt, hương thoảng nhẹ cho đến vị thơm ngon.

Lẩu cá linh bông điên điển – Món ngon mùa nước nổi

Mỗi khi đến mùa nước nổi hàng năm (từ tháng 9 – tháng 11), ở miền Tây lại xuất hiện rất nhiều cá linh; trong đó đầu mùa là thời điểm cá ngon nhất bởi cá chưa quá lớn, xương chưa cứng và bụng cá có mỡ nên ăn rất béo. Cá linh non xuất hiện vào đầu mùa nước nổi, thường tập trung nhiều ở các nơi đầu nguồn như Tân Châu (An Giang), An Phú (An Giang), Thốt Nốt (Cần Thơ), Hồng Ngự (Đồng Tháp)…

Cá linh ngon nhất là vào mùa nước nổi.

Khi đó, người dân nơi đây bắt đầu chuẩn bị công cụ với những con thuyền ba lá, những chiếc lưới cá rồi len lỏi qua các con lạch, dòng sông để kéo lên những mẻ cá linh nặng trịch. Sau đó, người dân sẽ đem cá linh bán cho các khu chợ, thương lái với giá khá cao hoặc giữ lại một ít làm mắm hay chế biến thành các món kho, canh, nấu lẩu, chiên trứng… cho bữa cơm của gia đình.

Không chỉ người dân địa phương mà rất nhiều du khách đã từng thưởng thức loại cá này khi đi du lịch miền Tây đều nhớ mãi hương vị thơm ngon, lạ miệng của loài cá đặc trưng mùa nước nổi miền Tây.

Cá linh nhúng dấm cũng rất ngon miệng.

Cá linh vào đầu mùa hay cuối mùa đều có thể làm ra được nhiều món ăn ngon và hấp dẫn như cá linh kho mắm ruốc, kho khóm, kho mía; canh chua cá linh; cá linh tẩm bột chiên giòn… Ngoài ra, với những con cá linh béo ú, bụng đầy mỡ có thể đem nướng trên bếp than hồng, khi ăn thịt vừa ngọt vừa béo, lại rất mềm và có mùi thơm phức. Tuy nhiên, để chế biến ra món cá linh thì khâu làm cá là vất vả nhất, bởi vì phải cắt đuôi, cắt ruột và cá hơi nhỏ nên rất tốn công và mất nhiều thời gian.

Đặc biệt, khi nhắc đến cá linh, người ta lại nghĩ đến bông điên điển – loại hoa gắn liền với mùa nước nổi có màu vàng tươi, mọc tràn ngập khắp các đầm lầy, mé sông, ruộng nước hay dọc theo các triền đê. Bông điên điển cho hương vị rất đặc biệt, ăn vừa giòn vừa thơm, lại béo béo bùi bùi nên được người dân miền Tây ưa chuộng và chế biến thành nhiều món ăn thơm ngon, bổ dưỡng.

Nhưng lẩu cá linh bông điên điển mới là món ngon nhất.

Và một trong những món ngon miền Tây đặc trưng nhất chính là lẩu cá linh bông điên điển – đặc sản nổi tiếng vào mùa nước nổi. Cá linh chỉ nhỏ cỡ ngón tay út, thân màu trắng sáng, khi cho vào nồi lẩu đem để nguyên con, bỏ ruột; còn bông điên điển nhúng lẩu dùng loại vừa mới hái xuống nên rất tươi ngon. Khi ăn, du khách sẽ cảm nhận được thịt cá linh mềm béo, rất ngọt; bông điên điển giòn ngọt, có vị hơi chát lạ miệng.

Ngoài 2 nguyên liệu chính là cá linh và bông điên điển, món lẩu này còn ăn kèm với nhiều loại rau dân dã khác như bông súng, ngò gai, rau nhút…

Cách nấu món lẩu cá linh bông điên điển

Muốn có một nồi lẩu cá linh bông điên điển thơm ngon, trước tiên phải chọn cá linh thật tươi, béo tròn đem móc bỏ ruột, làm sạch, để cho ráo nước rồi ướp với ớt, tỏi, đường, bột ngọt, tiêu, một ít muối và để thấm gia vị trong khoảng 10 phút. Còn bông điên điển cũng chọn loại còn tươi và chưa bung cánh, như vậy khi ăn sẽ vừa giòn vừa có mùi thơm thoang thoảng, dịu nhẹ.

Ngoài ra, tùy theo từng vùng mà nước lẩu được nấu theo nhiều cách khác nhau như ninh với xương cá, xương heo để lấy vị ngọt hoặc nấu bằng nước dừa tươi để nước lẩu vừa có màu trong, vừa có vị ngọt thanh.

Ngoài xương heo, nước dùng lẩu cá linh bông điên điển nấu bằng nước dừa tươi cũng rất ngon.

Trong thời gian chờ cá ngấm gia vị, cần chuẩn bị nước lẩu bằng cách rửa sạch xương heo rồi trụng sơ với nước sôi, hầm xương bằng lửa lớn trong 1 tiếng và vớt bọt thường xuyên để nước trong, sau đó lọc bỏ xương heo, lấy nước dùng. Còn nếu nấu nước lẩu bằng dừa tươi thì đổ nước dừa vào nồi lẩu để nấu, thêm đường, nước mắm, lá me non để nước hơi chua và nêm nếm cho vừa ăn.

Tiếp theo phi tỏi, cho một chút tóp mỡ và rau ngò gai vào xào thơm rồi đổ vào nồi nước dùng, đun cho sôi thì cho ớt sừng cắt lát vào. Vì cá linh rất mềm và dễ chín, do đó trước khi ăn mới cho cá vào nồi nước lẩu đang sôi; vừa ăn vừa nhúng vào cọng bông súng bẻ khúc, bông điên điển để giữ độ ngọt và giòn của hoa.

Lẩu cá linh bông điên điển ăn kèm với nhiều loại rau khác nhau.

Bên cạnh nồi nước lẩu thơm phức cùng đĩa cá linh tươi rói và bông điên điển vàng tươi là các loại rau khác như rau nhút, rau muống… tùy theo sở thích của từng người. Ngoài ra, món lẩu cá linh bông điên điển ăn kèm với cơm trắng hoặc bún tươi và thêm một chén nước mắm chua ngọt cay chấm cá sẽ giúp cho món ăn thêm phần đậm đà, hấp dẫn hơn.

Món ăn này thu hút nhờ vị chua thanh của nước lẩu, ngọt béo của cá linh và giòn thơm của bông điên điển khiến cho những ai thưởng thức cũng phải tấm tắc khen ngon.

Nếu đã một lần đến với miền Tây trong mùa nước nổi, ngoài món cá lóc nướng trui miền Tây ngon nức tiếng, du khách đừng quên thưởng thức món ăn đặc sản nổi tiếng này để cảm nhận trọn vẹn hương vị quyến rũ, đặc trưng, khó có thể tìm thấy ở nơi khác.

https://www.linkedin.com/pulse/

Bài liên quan

Back to top button