Đọc báo dùm bạnLướt web

Phương tiện di chuyển của người Việt xưa | Phần 1

Tại miền Bắc, khi đó còn được gọi là Tonkin, người Pháp cũng sử dụng xe ngựa cho các quan chức thuộc địa nhưng số lượng không đáng kể so với miền Nam, còn có tên là Cochinchine.

Trước những loại xe ngựa sang trọng của Pháp, người Việt đã mày mò sáng tạo ra loại xe một ngựa đơn giản và bình dân hơn để đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa. Loại xe một ngựa này còn có một cái tên khác là xe thổ mộ.

image040Xe thổ mộ chuyên chở hàng hóa giữa Sài Gòn

Có rất nhiều cách giải thích về xuất xứ về tên gọi xe thổ mộ tại miền Nam. Có người nói thổ mộ vốn có mái che khum khum giống hình ngôi mộ nên người bình dân gọi là… “thổ mộ”. Giải thích mang tính cách ngôn ngữ học cho rằng “thổ mộ” là chữ đọc trại từ “thảo mã” hay “thụ mã” theo tiếng của người Quảng Đông vốn là số đông người Hoa sinh sống tại miền Nam.

Lại có ý kiến cho rằng “thổ mộ” chính là chữ đọc trại từ Thủ Dầu Một, thuộc tỉnh Bình Dương, nơi được coi là “cái nôi” của của xe thổ mộ. Để dẫn chứng giả thuyết này, người ta dẫn chứng một bài vè cổ về 47 chợ tại miền Nam:

… Khô như bánh tráng là chợ Phan Rang,
Xe thổ mộ dọc ngang là chợ Thủ Dầu Một
Chẳng lo ngập lụt là chợ Bưng Cầu…

Vào những thập niên 40 và 50 là giai đọan phát triển của xe thổ mộ. Tại chợ Thủ Dầu Một có đến 3 bến xe thổ mộ hoạt động nhộn nhịp, có khi lên đến trên 50 chiếc. Không chỉ vậy, Thủ Dầu Một còn có nhiều trại mộc đóng xe thổ mộ có tiếng với thùng xe đẹp, trang nhã, bánh xe bền chắc. Xe sản xuất tại Thủ Dầu Một còn được gọi là xe “Thùng Thủ” để phân biệt với các nơi sản xuất khác và cũng để khẳng định “đẳng cấp” của mình.

image041Xe thổ mộ nhìn từ phía sau

Để làm một chiếc xe thổ mộ đòi hỏi nhiều yêu cầu khắt khe chứ không đơn giản như người ta tưởng. Kích thước về chiều dài, chiều rộng, chiều cao của thùng xe phải cân bằng khi di chuyển trên mọi địa thế. Thùng xe được đặt trên hai thanh nhíp gồm 4 lá thép để giảm độ sóc khi xe chạy trên đường. Nói chung, từng chi tiết của xe phải chính xác để tạo sự an toàn khi chuyển động.

Gỗ làm xe thổ mộ phải là loại tốt như Giáng Hương, Căm Xe, gỗ mít… không bị mối mọt. Quan trọng nhất là cặp bánh xe vì là phần chịu tải chính nên được làm rất cẩn thận, trục ngang của xe bằng ống thép chịu lực cho thùng xe nhưng lại không dùng bạc đạn mà chỉ có ổ trục.

Mỗi bánh xe được ghép từ sáu mảnh gỗ gắn với 12 chiếc căm cắm vào trục bánh xe. Sau đó, một vòng sắt quấn quanh bánh xe để bảo vệ phần gỗ và cuối cùng một lớp nệm cao su được nịt chặt ở vòng ngoài.

image042Xe thổ mộ trên đường phố

Thùng xe được thiết kế thoáng mát, tạo sự thoải mái cho hành khách nhưng có vẻ hơi cao so với mặt đường trong khi chỉ có một miếng sắt để khách lên xuống xe. Đây cũng là điểm yếu của xe thổ mộ nhưng một số người lại thích ngồi vắt vẻo trên xe với hai chân đong đưa để ngắm nhìn đường phố.

Bên trong thùng xe, khách ngồi trên chiếu đâu mặt nhau, guốc dép máng ở hai cọc sắt phía sau hai góc thùng. Nếu vắng thì khách ngồi thòng chân ở phía có bàn đạp lên, xuống. Hai vè bên thùng xe uốn gợn sóng có thể dùng để gác hàng hóa. Và trên cùng là cái mui uốn cong, lợp thiếc, nhô ra tới nửa mình ngựa, khum lại giống như mui chiếc ghe bầu nhưng cũng trông tựa một cái… mả nên nới gọi là thổ mộ (?).

image043Ngựa, xà ích và hành khách

Âm thanh của chiếc thổ mộ với những tiếng kêu “lóc cóc, lọc cọc” phát ra từ móng ngựa được bọc sắt tiếp xúc với mặt đường nhựa cũng trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ người miền Nam. Có nhiều xe còn gắn lục lạc cho ngựa nên khi chạy trên đường tiếng lục lạc hòa lẫn tiếng lọc cọc, cộng với tiếng “họ, họ” điều khiển ngựa của người xà ích tạo thành một bản nhạc đặc thù của xe ngựa Sài Gòn xưa.

Về sau, có dòng xe thổ mộ “văn minh” hơn, được cải tiến từ bánh xe gỗ sang bánh xe bằng cao su bơm hơi với đường kính nhỏ hơn và do đó thùng xe cũng thấp hơn. Loại xe này giúp hành khách lên xuống thoải mái, an toàn. Khi chạy trên đường, lốp xe cao su êm hơn nhưng ngược lại, “tiếng nhạc” thổ mộ vốn có mất dần đi khiến những người “hoài cổ” không tìm lại được cái thú của ngày nào.

image044Dòng xe thổ mộ có bánh xe cao su

Ngựa kéo xe thổ mộ thường là những con ngựa đua đã có tuổi, không còn đủ sức vẫy vùng trên đường đua nhưng vẫn còn có thể di chuyển giữa lòng đường phố nhộn nhịp xe cộ. Bộ yên lưng bằng da có hai quai lồng vào hai càng xe đặt hai bên vai ngựa. Sợi yên lưng còn lồng vào đuôi ngựa để khi xuống dốc có tác dụng kềm ngựa. Lại còn có dây bụng nâng ngực ngựa khi xe chạy. Người xà ích đôi khi xếp khách ngồi dịch lên hoặc lùi xuống là để cho ngựa không bị sức nặng đè vai hoặc bó chặt ngực khó chạy.

XÍCH LÔ

“Xích-lô”, suất xứ từ tiếng Pháp “cyclo”, là một phương tiện giao thông sử dụng sức người, di chuyển trên 3 bánh dùng để chở khách hoặc hàng hóa. Người lái xe cũng vận hành cyclo như một chiếc xe đạp nên còn được gọi là “xích-lô đạp” và sau này được cải tiến với động cơ xe gắn máy để thành “xích-lô máy”.

Cũng áp dụng cách vận hành tương tự như cyclo, còn có xe ba gác với thùng xe đặt ở phía trước để chở đồ đạc cồng kềnh và sau này xe ba gác lại được cải tiến thành xe ba gác máy với động cơ của xe gắn náy.

Ngược lại với cyclo, ở miền Tây, hay còn gọi là Lục Tỉnh, có loại xe đạp kéo thùng chở khách đằng sau được gọi là xe lôi, rất phổ biến ở các tỉnh miền đồng bằng sông Cửu Long. Dần dà người ta lại dùng xe máy để kéo, cũng tương tự như người anh em là chiếc cyclo máy.

image045Xe lôi miền Tây

Chiếc cyclo đầu tiên xuất hiện tại Sài Gòn năm 1938 nhưng mẫu thiết kế lại không do người Việt vẽ kiểu mà lại là “tác phẩm” của một người Pháp. Lịch sử chiếc cyclo lại còn ly kỳ hơn, chiếc cyclo đầu tiên chính thức được nhà cầm quyền bảo hộ cấp phép lưu hành không phải là ở Sài Gòn mà là Phnom Penh, thủ đô của xứ Chùa Tháp trong Đông Dương thuộc Pháp gồm Việt Nam, Cao Miên và Lào.

image046Cyclo Phnom Penh năm 1938

Xích lô xuất hiện vào khoảng năm 1938 tại Phnom Penh. Chiếc đầu tiên do một người Pháp, dân miền Charente tên là Coupeaud, một người đam mê thể thao vẽ kiểu. Phải vất vả lắm Coupeaud mới vận động Bộ Công chánh công nhận sáng chế và cấp phép lưu hành, sau khi đã tham khảo ý kiến của hai nhà vô địch Tour de France là Georges Speicher và Le Grèves.

Để “tiếp thị” chiếc xe chở khách chạy bằng 3 bánh và người lái ngồi phía sau xe, Coupeaud đã tổ chức một cuộc hành trình “giới thiệu sản phẩm” dài gần 200km từ Phnom Penh đến Sài Gòn do hai người thay phiên nhau đạp xe trong thời gian 17 giờ 23 phút!

Và cyclo đã chinh phục Sài Gòn xưa với 40 chiếc vào năm 1939, nhưng chỉ một năm sau, năm 1940, Sài Gòn đã có khoảng 200 chiếc cyclo chạy trên đường phố.

image047Cyclo Saigon 1950

Nhìn khái quát, cyclo là sự kết hợp và gắn nối của các ống sắt đủ loại, đủ kích cỡ, từ thanh bảo vệ hành khách ở phía trước đến phần ngồi của người điều khiển phía sau. Hai phần này được nối với nhau bằng một trục nằm dưới gầm xe, phía dưới chỗ ngồi của khách, có tác dụng giúp người lái xe có thể quẹo phải, trái hay đi thẳng về phía trước.

Phần yên xe của người điều khiển cũng là một kết cấu đơn giản với thắng tay nằm ngay phía dưới qua hình thức một chiếc vòng sắt hoặc một thanh ngang để người lái có thể kéo lên mỗi khi muốn giảm tốc độ hoặc dừng xe.

image048Thắng tay nằm ở ngay dưới chỗ ngồi của người điều khiến

Lái cyclo không phải dễ như mọi người tưởng. Yên xe rất cao nên những người “thiếu thước tấc” rất khó “leo” lên, đó là chưa kể khi leo được lên yên chưa chắc đã đạp được hết vòng nếu chân quá ngắn.

Phần sau của xe được nối với thùng xe bằng một trục thẳng đứng nên khi cua ngặt sẽ khiến xe mất thăng bằng, dễ bị lật. Tuy nhiên, tôi đã có lần được chứng kiến “cao thủ” cyclo biểu diễn chạy xe bằng… 2 bánh. Có nghĩa là nghiêng hẳn một bên xe, và dĩ nhiên là trên xe không có khách.

image049Cyclo trước Tòa Đô Chánh (Hình do R. Cauchetier chụp năm 1955)

Khi khách bước lên hoặc xuống xe, người điều khiển phải kềm phần sau vì nếu khách thuộc loại “nặng ký” sẽ khiến đuôi xe chống ngược. Lại nữa, người lái cyclo phải là tay giỏi… “thương lượng” vì khách trước khi lên xe bao giờ cũng kỳ kèo mặc cả. Tùy hoàn cảnh, người lái xe có thể chấp nhận cái giá mà khách trả hay xách xe không kiếm mối khác!

Chân dung người đạp xích lô cũng muôn hình vạn trạng. Đó có thể là người trên đầu đội chiếc nón lá, quần ống thấp ống cao, lep kẹp đôi dép lộ rõ mười ngón chân cáu bẩn. Buổi trưa nắng gắt bác cyclo tìm một chỗ dưới gốc cây, đánh một giấc ngay trên xe để lấy sức tiếp tục rong ruổi trên đường phố kiếm cơm.

image050Giấc ngủ trưa của người đạp cyclo

Sưu tầm từ Internet

Trang trước 1 2 3

Bài liên quan

Back to top button