Đọc báo dùm bạnLướt web

Tác dụng kỳ diệu của âm nhạc đối với sức khỏe con người

zknight | 12-05-2018 – 19:54 PM

Âm nhạc là một cách vượt qua lý trí của chúng ta, để liên lạc với cuộc sống tâm hồn mà mọi người thường giữ kín.

Nếu bạn đang tìm kiếm một cách dễ dàng nhất để cải thiện tâm trạng: Hãy nghe nhạc.

Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra âm nhạc có thể phục hồi cảm xúc và giúp chống lại trầm cảm. Nó có tác dụng cải thiện lưu lượng máu, tương tự như những gì thuốc statin làm được. Âm nhạc cũng làm giảm nồng độ các hooc-môn gây stress như cortisol, thậm chí có cả tác dụng giảm đau.

Có một nghiên cứu đã khảo sát hơn 2.000 trường hợp bệnh nhân được cho nghe nhạc trước khi phẫu thuật. Kết quả là họ đều giảm được lo âu, căng thẳng và có kết quả hậu phẫu tốt hơn.

Nhưng rốt cuộc, làm thế nào mà âm nhạc có thể tạo ra những điều kỳ diệu như vậy?

Tác dụng kì diệu của âm nhạc đối với sức khỏe con người

Kim Innes, giáo sư dịch tễ học tại Trường Y tế công cộng, Đại học West Virginia cho biết: Dường như âm nhạc có khả năng “kích hoạt chọn lọc” các hệ thống thần kinh và cấu trúc não liên quan đến tâm trạng tích cực, cảm xúc, sự chú ý và trí nhớ.

Giáo sư Innes cũng là đồng tác giả một nghiên cứu năm 2016, chỉ ra nghe nhạc có thể cải thiện tâm trạng, hạnh phúc và stress ở người lớn tuổi bị suy giảm nhận thức. Trong nghiên cứu của mình, bà đã so sánh lợi ích của âm nhạc với thiền.

Theo đó, cả hai phương pháp đều mang lại những cải thiện đáng kể về tâm trạng và chất lượng giấc ngủ cho người tham gia. “Cả thiền và nghe nhạc đều là những công cụ mạnh mẽ có khả năng cải thiện sức khỏe tổng thể và hạnh phúc”, giáo sư Innes nói.

Đây là một tin tuyệt vời, bởi nghe nhạc là thực tế và dễ dàng hơn nhiều so với việc ngồi thiền.

Thế tuy nhiên, một số chuyên gia cũng phát hiện nghe nhạc có thể gây ra những tác dụng không mong muốn, chẳng hạn như gây xao lãng và lo âu.

Sự yên lặng có thể tốt hơn nghe một thứ gì đó“, phó giáo sư Joanne Loewy, giám đốc Trung tâm Âm nhạc và Y khoa Louis Armstrong tại bệnh biện Đại học Mount Sinai Beth Israel, New York, cho biết. “Bạn chỉ cần bật các thể loại âm nhạc rùng rợn từ những bộ phim như Halloween hay The Shining, nếu cần ví dụ về cách âm nhạc có thể đốt lên một ngọn lửa lo lắng, thay vì dập tắt chúng”.

Nghe nhạc là cách thực tế và dễ dàng hơn nhiều để cải thiện sức khỏe so với ngồi thiền

Một nghiên cứu của Phần Lan năm 2015 phát hiện âm nhạc có thể tăng cường những cảm xúc tiêu cực — như giận dữ, hung hăng hoặc buồn bã – cũng giống như cách nó có thể chống lại những cảm xúc này.

Tại sao lại vậy? Daniel Levitin, một giáo sư tâm lý học và khoa học thần kinh tại Đại học McGill, Canada giải thích: Nhịp điệu và các đặc điểm khác của bài hát chúng ta chọn có thể ảnh hưởng đến nhịp tim và hoạt động của mạng thần kinh bên trong não của chúng ta.

Theo giáo sư Levitin, các bài hát có nhịp chậm, tiết tấu đều và các nốt ngân dài có xu hướng làm dịu bạn xuống. Trong khi đó, âm nhạc có nhịp nhanh và hỗn loạn có xu hướng gây ra tác dụng ngược lại. Nhưng điều này cũng phụ thuộc vào từng người.

Giáo sư Levitin nói rằng ông đã phỏng vấn những người nói rằng nhạc AC/DC (một nhóm hard rock) giúp họ thư giãn. “Đây là những người thường nghe nhạc metal Thụy Điển, vì vậy, với họ nhạc AC/DC là nhẹ nhàng“, ông nói. “Không có một bài nhạc nào tác động tương tự cho tất cả mọi người“.

Cũng không có một “trung tâm âm nhạc” nào trong não, giáo sư Levitin nói. “Một điều mọi người thấy ngạc nhiên là âm nhạc kích hoạt gần như tất cả các vùng não mà chúng ta đã biết từ trước đến nay“. Điều này gợi ý về sức mạnh của âm nhạc lớn cỡ nào.

Nếu bạn đang muốn sử dụng âm nhạc để giảm căng thẳng, tăng cường tuần hoàn hoặc thay đổi tâm trạng và cảm xúc của mình, Levitin gợi ý rằng bạn nên chọn sẵn cho mình một playlist các bài hát khiến bạn cảm thấy tốt hơn. Và đó phải là playlist mà bạn tự trải nghiệm để rút ra được, không có một danh sách có sẵn nào dành cho tất cả mọi người.

Để tránh xao lãng, bạn nên nghe nhạc khi thực sự rảnh rỗi. Không nên vừa nghe nhạc vừa làm việc. “Chúng ta chỉ tự đánh lừa chính mình rằng bộ não có thể làm hai việc cùng một lúc”, giáo sư Levitin nói.

Chỉ có một trường hợp, đó là nghe nhạc sôi động trong khi tập luyện có thể giúp bạn có động lực hơn. Còn vừa nghe nhạc nhẹ trong khi lướt Facebook hay đọc báo sẽ không giúp bạn thư giãn.

Có hẳn một lĩnh vực dùng âm nhạc để chữa bệnh gọi là trị liệu âm nhạc

Để đào sâu các lợi ích của âm nhạc đối với sức khỏe, bạn có thể tìm hiểu một lĩnh vực gọi là trị liệu âm nhạc. Alan Turry, giám đốc điều hành Trung tâm trị liệu âm nhạc Nordoff-Robbins tại Đại học New York cho biết:

“Trị liệu âm nhạc bắt đầu từ ý tưởng, chúng tôi sẽ sử dụng âm nhạc như một nhà trị liệu cộng tác với một người đang đi tìm sự hoàn thiện bản thân, mong muốn được lạc quan hơn hoặc muốn khám phá những gì còn ẩn giấu bên trong bản thân mà chính họ cũng không biết”.

Liệu pháp âm nhạc có thể được xây dựng trên nhiều hình thức. Một trong số đó là “dẫn đường bằng hình ảnh trong âm nhạc“, Turry nói, khi nhà trị liệu giúp một người khám phá ra những điểm mạnh hoặc thách thức của họ bằng cách cùng nghe nhạc mà bệnh nhân chọn.

Một cảm giác hòa hợp [giữa nhà trị liệu và bệnh nhân] có thể sinh ra từ âm nhạc”, ông nói. “Chia sẻ âm nhạc giúp bệnh nhân cảm thấy như được nhà trị liệu chạm đến và giúp đỡ”.

Các hình thức trị liệu âm nhạc khác có thể yêu cầu bệnh nhân hát hoặc chơi nhạc cụ nếu họ thoải mái. “Cách mỗi người trong số chúng ta tạo ra âm nhạc có thể tiết lộ một cái gì đó về bản thân mình để nhà trị liệu có thể biết và giải quyết”, Turry nói.

Chẳng hạn như ai đó có thể chơi trống, với chỉ một nhịp độ hoặc một cường độ. Điều đó có thể tiết lộ anh ta là người khó thích nghi và linh hoạt được trong các lĩnh vực cuộc sống khác nhau. Âm nhạc là một cách vượt qua lý trí của chúng ta, để liên lạc với cuộc sống tâm hồn mà mọi người thường giữ kín“, Turry nói.

“Nếu mọi người gặp chuyện gì đó, sẽ có một cách nào đó mà âm nhạc có thể giúp họ“.

Tham khảo Time

zknight

Bài liên quan

Back to top button