Quán ven đườngTrà Đá Đường

BỐN ● Những ngày thanh bình năm xưa.

Dom. Nguyễn Toàn Đông

Những năm ấy, mới ba bốn tuổi, tôi chưa được đi học nhưng thường mới sớm mai là nghe hát trên đài phát thanh : “Người ơi! Nước Nam của người Việt Nam. Vì đâu, oán tranh để lòng nát tan. Đây Bến Hải, là nơi ngăn cách đôi tình…” (Nguyễn Hiền). Dù đã hơn sáu mươi năm, nay vẫn nghe văng vẳng những âm thanh xưa khi nhắc lại bài này mà từ hồi ấy đã cảm thấy là lạ.

Thời cuộc bắt đầu thay đổi mạnh từ năm 1954. Hằng ngày, câu chuyện giữa người lớn là những danh từ lạ lẫm với đám trẻ con chúng tôi: “Người Pháp đã đầu hàng ở Điện Biên Phủ; Hiệp Định Genève; Vĩ tuyến 17 và hàng triệu người Bắc đang di cư vào Nam”. Những biến cố vui buồn này đã đem lại cho miền Nam một quảng thời gian đặc biệt nhất trong lịch sử cận đại Việt Nam: Sáu năm thanh bình (1954-1960) mà có lẽ đến nay người dân nước tôi chưa tìm lại được những ngày yên hàn như vậy.

Những kỷ niệm ngày xưa ấy rất bình thường nhưng bàng bạc trong ký ức tôi sự nuối tiếc vì tình thế biến chuyển sau đó đã gây bao nỗi buồn triền miên.

Đất nước đã thanh bình (1954). “Người quân tử ăn chẳng cầu no. Đêm năm canh, ngon giấc ngáy o o. Thời thái bình, cửa thường bỏ ngỏ” (Nguyễn Công Trứ). Còn nhớ, cha mẹ tôi hay nói bây giờ yên ổn nhiều rồi vì bắt đầu có xe chạy lên Sài Gòn cả ban đêm. Đường lộ từ miệt dưới lên tới Sài Gòn khá xa nên xe chạy ban đêm có nhiều cái lợi. Trong thanh vắng, nghe tiếng xe hơi vọng lại từ xa; rồi từ từ rõ tiếng trên đường lộ. Đó là những âm thanh rì rầm đêm khuya nhưng vui tai, dễ chịu. Đó là những âm thanh được mong đợi không biết từ bao đời. Bây giờ, giữa đêm hôm vắng lặng, ai có việc thì cứ đi. Kể cả đi chơi cũng được. Cái cảm giác êm ả đêm cũng như ngày đã trở thành những ký ức khó quên của người dân thời đó. Đất nước vừa ra khỏi chiến tranh. Đã có chính quyền quốc gia sau hằng trăm năm “nằm gai nếm mật” để giành lại. Còn mong ước gì nữa khi không còn bóng dáng… những tay da trắng mắt xanh!

Đường lộ ở quê dù có xe hơi chạy nhưng còn thô sơ. Chiều rộng đường vừa đủ cho hai xe chạy ngược chiều. Thời đó, đường liên tỉnh chưa được tráng nhựa; chỉ trải đá. Cục đá to bằng nắm tay nên xe cũng không chạy lẹ được. Có ông lục lộ chăm sóc con đường. Một mình với chiếc xe đạp và cái cuốc, công việc của ông hằng ngày là cứ đi dài theo lề lộ quan sát. Chổ nào mấy cục đá tróc lên thì lấp lại. Chiều ngang lề lộ chừng hơn một mét; có trồng cỏ. Ông lục lộ lo chăm sóc không để cỏ bò ra lộ hay bị chết khô. Cạnh lề cỏ, ông cuốc một đường mương nhỏ cho nước thoát ra phía ngoài khi có mưa. Bên lề con lộ, tùy khoảng cách, có trồng trụ xi măng để cho biết cây số bao nhiêu trên đường hay còn bao nhiêu cây số nữa sẽ đến một nơi nào đó. Người dân gọi trụ xi-măng đó là “cây số ngàn” (Borne kilométrique). Thời đó, đã có lác đác xe hơi riêng. Vùng miền Tây thường thấy nhất là xe “Bờ-rô đơ-xăng-troa” (Peugeot 203) và xe Trắc-xông (Traction). Gọi là xe rùa nắp vì hình dáng xe thời đó giống con rùa. Trong cách nói thường ngày, để diển tả cái gì đó quá mức bình thường thì người ta nói “cái đó…dẫu (dữ) xe hơi!”.

Sau này, khi vào Chủng viện, tôi được gặp lại những hình ảnh quen thuộc này vào giờ học tiếng Pháp trong quyển Cours de Langue et de Civilisation françaises. Đó là những con đường dành cho xe hơi ở vùng quê bên Pháp. Những hình ảnh rất gần gũi với quê tôi ngày xưa. Hình bóng một hai người đạp xe trên một quảng đường vắng giống ở VN mà tôi vẫn còn nhớ rõ.

Trong làng, chỉ một hai người làm việc cho Pháp thì thấy họ chạy chiếc mô-bi-lết (mobilette). Ai cũng phải nhìn! Ngưởi dân thường không phải ai cũng có xe đạp. Và không phải tất cả mọi người đều biết đi xe đạp. Ngày ấy, người ta còn gọi xe đạp là “chiếc xe máy đạp”. Các ông bà lớn tuổi có khi còn lấy làm lạ nói rằng chỉ có hai bánh mà nó chạy được; thiệt là hay. Thời buổi mà đi đâu người ta cũng thường đi bộ thì có xe máy đạp để đi là không phải dễ.

ooo

Nơi thôn dã, ai cũng từng nghe tiếng chày giã gạo. Tiếng chày khuya cắc cùm là những âm thanh quen thuộc, êm đềm của làng quê xưa. Những đêm có trăng, bà con trong xóm hay xay lúa, giã gạo. Vất vã, nhưng mát mẻ lại có dịp nói đủ thứ chuyện “năm Thìn bão lụt”… Nhưng đáng nhớ nhất là thời gian nửa tháng Chạp về sau. Tôi nhớ những sớm mai, trời chưa sáng mặt, còn co ro trên giường thi đã nghe tiếng giã gạo đây đó. Mà rộn ràng nhất là chiều tối. Trời bắt đầu chạng vạng thì đầu thôn cuối xóm cắc cùm tiếng chày mãi tới khuya. “Trong đêm trăng, tiếng chày khua, ta hát vang trong đêm trường mênh mang. Ai đang say, chày buông rơi, nghe tiếng vơi tiếng đầy. Ai đang đi, trên đường đê, tai lắng nghe muôn câu hò đê mê. Vô đây em, dù trời khuya, anh sẽ đưa em về. (Hoàng Thi Thơ).

Thời xưa, để lấy gạo, phải xay lúa trước rồi mới giã gạo. Sau đó, phải sàng để lấy gạo trắng. Còn lại trấu, cám và tấm để dùng riêng. Xay lúa và giã gạo là hai việc nặng nhọc cần có nhiều người mới làm được. Thường khi nói đến cái cối xay lúa, người ta nghĩ là bằng đá. Có lẽ vùng quê tôi khó tìm được đá và quá nặng (?) nên người ta chế lại bằng đất. Cũng có hai thớt cối chồng lên nhau. Để giữ cho thớt trên vẫn quay tròn khi thớt dưới đứng yên, người thợ cối đẽo một cái mộng, gắn ở giữa mặt thớt dưới. Đất dùng làm cối phải là đất “thịt”, tức là không lẫn lộn với cát. Trước khi phơi khô, đất được nhồi thật dẻ vào hai cái “giỏ” hình trụ không có đáy, được đan bằng tre. Khi thành hình, đó là hai thớt cối đất. Phơi đi phơi lại nhiều lần đến khi không còn vết nức, ông thợ mới khắc những đường rảnh hình rẽ quạt từ tâm ra ngoài rìa trên cả hai mặt cối. Các đường rảnh vừa đủ sâu để hột lúa sau khi được xay sẽ đùa nhau rớt ra ngoài. Thớt trên có hình dáng khá giống với cối xay bột. Tức là mặt trên trũng xuống để đổ lúa vào. Hai bên cũng có hai tay quay đã khoan lỗ để máng vào cái “giàn xoay” (âm giọng miền Nam nói là cái “giàn xây”). Giàn xoay dùng để đẩy cho có “trớn” vì bộ cối lớn bằng hai khạp da bò chồng lên nhau.

Hột lúa sau khi xay thì mới vừa nứt võ. Cần phải giã lại thì hột gạo mới trắng. Cối giã gạo là một khối gổ vuông cạnh, hình chữ bát. Mỗi cạnh phía trên cũng non một mét cho đủ nặng. Phải có ít là hai người mới giã được vì ngưởi cầm chày đứng cách xa cối chừng một bước trong thế đứng chân trước chân sau. Vì vậy, người kia ngồi, vừa vun tém không cho gạo văng ra ngoài vừa trộn cho đều. Để mẽ gạo mau “chín”, có thể hai hoặc ba người cầm chày cùng giã. Gọi là chày đôi hay chày ba. Văng vẳng nghe tiếng chày nhặt, khoan người ta biết được đó là chày đơn, đôi hay ba. “…Này anh em ơi! Giã cho thật đều, giã cho thật nhanh. Giã cho khéo kẻo trăng phai rồi… Tiếng chày khua vang mãi trong đêm dài” (Lam Phương).

Sang đầu thập niên 60, bắt đầu có nhà máy chà lúa. Những âm thanh mộc mạc nhưng đầy tình tự thôn xóm thưa thớt dần đi… Ngày lại ngày, tiếng cắc cùm càng im ắng đến ngày nào không rõ đã để lại những đêm khuya trống không, vắng lặng.

ooo

Thôn quê ngày xưa thường là những làng mạc xa thành thị. Là nơi sinh sống của những gia đình đa phần làm ruộng. Có khi nhiều đời cùng chung sống quây quần với nhau. Đất rộng người thưa nên có khoảng cách địa lý tự nhiên giữa thôn quê với thị thành. Nhất là khi phương tiện giao thông còn ít ỏi. Lớn lên, tôi đã cảm nhận chuyện này nơi làng quê tôi. Đó là những nông dân tay lấm chân bùn. Những người sống bằng nghề công hay tư chức không nhiều. Cộng với một số người Hoa sống bằng nghề buôn bán chunh quanh ngôi chợ làng. Có lẽ vì thế, cuộc sống bà con  hiền hòa, đầy tình làng nghĩa xóm đến độ không cần phải suy tính nghĩ ngợi gì thêm như xã hội công nghiệp đầy biến động hôm nay. Chỉ là một không khí nhà quê. Tôi là một người nhà quê. Suốt thời gian đến 10 tuổi mới vô Chủng viện trên Vĩnh Long, tôi không thấy có gì khác lạ hay  thay đổi nơi làng quê.

(Người) “Nhà quê” là một danh từ bình thường. Đó là người sống ở nông thôn. Nếu dùng như một tính từ thì có nghĩa: Mộc mạc, chân tình. Nhưng khi người Pháp đưa vào trong tự điển (td: Larousse) danh từ “Le nhaque” có nghĩa là người “cù lần” vì không rành lối sống văn minh của người thành thị. Về sau, người ta quen với nghĩa thứ hai hơn. Làm như vậy “quê”… quá là làm trật rơ (jeu) hết trơn.

Chén cơm, cái áo của người dân quê là từ thữa ruộng sau nhà với hai mùa mưa nắng. Cuộc sống nông thôn cứ nương theo sự thay đổi của thời tiết.“Tháng giêng là tháng ăn chơi. Tháng hai trồng đậu. Tháng ba trồng cà. Tháng tư cày vỡ ruộng ra…”. Từ tháng 5 tới tháng 11 âm lịch là thời gian có mưa. Đó là thời gian chính thức cho nhà nông “làm việc”. Cày phơi đất chuẩn bị. Rồi gieo mạ. Nhổ mạ. Cấy lúa. Chăm sóc chờ lúa chín. Thời bấy giờ chưa có lúa Thần Nông. Mỗi năm làm một mùa theo thời tiết gọi là lúa mùa.

Một lần nghỉ hè kia, tôi theo cha tôi đi gieo mạ. Một tuần lễ trước, cha tôi lo ngâm giống. Lúa giống là lúa tốt nhất năm trước được ví lại cho mùa gieo mạ năm sau. Trên đồng, một vuông đất nhỏ được dọn sạch từ nửa tháng trước làm “nền mạ”. Sớm mai hôm đó, hai cha con bơi xuồng ra ruộng đem theo thúng và bao lúa giống. Khi sớt lúa giống vào thúng, phải nhẹ tay cho mầm lúa nguyên vẹn. Tôi nhìn theo cha tôi vì muốn biết gieo mạ ra sao. Giải giống lên nền mạ phải khéo tay vì đây sẽ là những cây lúa non. Và tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy cha tôi không giải mạ liền. Cha tôi quỳ xuống trong tư thế nửa quỳ nửa ngồi với thúng lúa giống vừa bưng vừa để trên hai đầu gối. Người làm dấu Thánh giá rồi im lặng một lát. Tôi đã ở trong Chủng viện được vài năm. Mỗi ngày, từ khi thức dậy cho đến khi đi ngủ, đọc kinh hơn mười lần!. Tôi mới biết mình chưa hiểu “lòng đạo” là gì. Nhìn thấy cha tôi quỳ cầu nguyện giữa đồng trong bộ đồ phèn làm ruộng, tôi mới có chút suy nghĩ… Cuộc sống vô tư ở Chủng viện khởi đi từ lúc 10 tuổi không thấy được thế nào là trên đồng cạn, dưới đồng sâu… Nắng mưa dãi dầu là một chuyện. Còn cái khoắc khoải lo âu không biết hột lúa giống hôm nay gieo xuống sẽ trúng thất thế nào. Mới biết, sau bao nhiêu năm cấy cày, có những ngày gặt lúa đầy tiếng cười thì cũng có những ngày vò võ vì thất bát. Sau nạn đói năm Ất Dậu (1945), người ta gọi hạt gạo là hạt ngọc (âm giọng người Bắc). Vì không đủ gạo ăn, số người chết vì đói chiếm 10% dân số. Ước lượng khoảng hai triệu người.

Sau mùa gặt, còn nhiều công việc khác nhau mới đem được hột lúa vô bồ… Và “đạp lúa” là một việc hơi công phu, kéo dài hàng tuần lễ. Đạp lúa cũng có nhiều chuyện thú vị với nhà nông. Để chất một bã lúa, người ta bắt đầu từ rún. Tức là những bó lúa đầu tiên được xem là tâm của nguyên bã lúa. Từ đó, chất xoay tròn ra. Tất cả đều phải chất ngược, tức là bông lúa quay lên trời, gốc rạ quay xuống đất. Tùy theo có bao nhiêu trâu (hay bò) đạp mà người ta sẽ chất bã lúa lớn nhỏ cở nào. Thường thi dùng ba hay bốn con trâu là vừa. Các con vật cứ đi vòng tròn theo chiều kim đồng hồ trên mặt bã lúa. Cách gọi theo nhà nông là đi theo “vọng ví” (Có lẽ viết đúng là “vòng ví”, nghĩa là đi theo vòng tròn siết lại). Nếu cho đi ngược chiều kim đồng hồ thì gọi là “vọng thá” (Có lẽ viết đúng là “vòng thả”(?), nghĩa là đi theo vòng tròn mở ra). Đây là cách làm thô sơ nhất vẫn còn áp dụng. Nhờ những cặp móng cứng cáp với sức nặng của chúng, những con vật sẽ đạp lên những bông lúa cho rớt hột ra. Phải mất một buổi làm mới xong một bã lúa. Thời gian khá lâu đã trở thành cơ hội có thể vừa làm việc vừa chơi đùa cho quên cơn mệt nhọc. Thường bà con lối xóm hay tụ lại phụ sự chủ nhà. Công việc xoay vòng từ nhà này tới nhà kia. Để đỡ vất vã, người ta hay đạp lúa vào buổi chiều kéo dài tới tối. Nhờ vậy, đây cũng là cơ hội trai gái trong xóm có dịp gặp nhau. Ai nấy vừa làm việc vừa trò chuyện!!!. Lâu lâu dừng tay uống trà với đường thẻ; người lớn thì ăn trầu xỉa thuốc. Nếu là buổi cuối cùng, chắc chủ nhà sẽ nấu cháo xé phai một con gà với một hai lít rượu. Trong xóm lại vang tiếng cười với mùi thơm phơn phớt của rơm rạ còn tươi nguyên.

Quanh đi quẩn lại, nhịp sống quanh năm như vần xoay vào càng cuối năm càng có nhiều thú vui. Những chuyện hay dở đều có đủ. Dân đá gà chuẩn bị vô nước, chuốt cựa cho gà. Nhà nào nấu rượu thì chuẩn bị nếp, gạo nhiều gấp đôi ba ngày thường. Người thích đánh bài lo chuốt thẻ, sắm chiếu mới chuẩn bị..v..v.

Bà con tấp nập đi chợ đêm dưới ánh đèn măng-xông (manchon) sáng rực. Đây đó, những đống dưa hấu to nhỏ được xếp hạng nhất, nhì, ba; những gian hàng bánh mức. Hồi đó, nhiều nhứt là mức bí và thèo lèo cứt chuột. Ban đêm, được chạy chơi giữa những gian hàng bán Tết vuông vứt chừng hai mét mà cảm thấy thật khoái chí. Ban ngày, từ xóm này qua xóm nọ, bà con tuần tự tát mương ăn Tết. Hồi xưa, cá tôm còn nhiều. Gia đinh ở quê thường cất nhà có vườn cây ăn trái chung quanh. Sau một ngày lăng xăng chặn ao tát nước, cả nhà sẽ có đầy tôm cá. Trẻ con được một ngày tự do nướng những con tôm càng ăn không thỏa thích. Chỉ có chạy chơi suốt ngày.

Đâu rồi nồi bánh tét cuối năm là những kỷ niệm còn mãi. Đi tới đi lui mà không làm gì hết dưới ánh đèn tù mù trong đêm tối mịch, đám trẻ chúng tôi được ngồi quanh những gian bếp  ngoài sân để nhìn ánh lửa phì phò. Sau này, mỗi khi có dịp ngồi quanh ngọn lửa trại với các bạn, tôi lại luôn nhớ về quãng thời gian ngắn ngũi này. Đó là những ngày ngây ngô nhưng quá là hồn nhiên không bao giờ tìm lại được. Tu regretteras le temps où tu étais un enfant. (Donna Donna).

Năm 1955, chính quyền Quốc gia không thi hành tổng tuyển cử (vì không ký vào Hiệp Định Genève). Cuộc trưng cầu dân ý năm đó mở đầu nền Đệ nhất Cộng Hòa. Hà Nội quyết lòng chiếm miền Nam bằng võ lực nên cho ra đời Mặt trận Giải phóng Miền Nam vào năm 1960. Một mật khu được chọn, sau này gọi là Cục R, làm căn cứ địa trong địa giới quận Đức Lập (Tây Ninh).

Thế là chấm dứt một quãng ngắn ngũi sáu năm đất nước được vui hưởng những ngày thanh bình yên ổn. Đây dó, lác đác tiếng súng cắc…bùm. Sau một đêm, có những tờ truyền đơn trong xóm… Không còn tiếng cười dưới ánh trăng nữa mà là những tiếng quạ kêu đêm buồn thảm…

Bách Tùng Cao Nguyên 30/8/2018
Ng. Toàn Đông

 

Bài liên quan

Back to top button