Quán ven đườngTrà Đá Đường

Đức Giáo Hoàng đóng cửa Thánh kết thúc Năm Thánh Lòng Thương Xót nhưng Ngài tha thiết yêu cầu: Hãy mở tâm hồn hoà giải

Pope shuts Holy Door, but urges: Stay open to reconciliation

Lm. Phêrô Trần Thế Tuyên

image001

Xin ghi lại những gì đã chứng kiến lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật ngày 20.11.2016 trong Thánh Lễ bế mạc năm Thánh Lòng Thương Xót diễn ra tại công trường đền thờ Thánh Phêrô ở Rôma với hy vọng giúp nhau sống sứ điệp Đức Thánh Cha nhắn nhủ: Hãy tiếp tục sống chứng nhân của lòng Chúa Thương xót cho dù Năm Thánh kết thúc.

image004
Hành hương Năm Thánh Lòng Thương Xót

Khái Niệm về Năm Thánh trong Giáo Hội Công Giáo:

Năm Thánh cử hành trong Giáo Hội Công Giáo hiện nay bắt nguồn từ truyền thống Do Thái Giáo trong Cựu Ước, căn cứ từ Sách Lêvi chương 25.8-13. Sách Lêvi dạy rằng: Năm cuối cùng của bảy lần, bảy năm, tức cứ 49 năm thì được gọi là Năm Sabát, tức năm xoá bỏ mọi nợ nần, năm hoàn trả ruộng đất đã cầm cố, năm nô lệ được trả tự do… Gọi là Năm Thánh (tiếng latinh: Jubilaeus; tiếng Anh Jubilee, tiếng Pháp Jubile…) vì đó là năm Sabát, năm Thứ Bảy, cũng như ngày Sabát, ngày Thứ Bảy, ngày thánh, ngày của Chúa vậy.

image006
Đóng cửa Thánh kết thúc Năm Thánh

Tuy nhiên, Năm Thánh chỉ chính thức bắt đầu trong Giáo Hội Công Giáo từ năm 1300 thời Đức Giáo Hoàng Bôniphát thứ VIII và cử hành 25 năm một lần. Ý nghĩa năm Thánh có vẻ linh thánh hơn nhiều: Không còn việc hoàn trả ruộng đất hay tha bỏ nợ nần hay thả tự do cho nô lệ… nhưng là năm hồng ân, năm tha vạ tuyệt thông, năm hoà giải với Chúa và xoá bỏ hận thù tranh chấp. Năm Thánh từ ngày đó mang ý nghĩa là Năm thánh hoá, năm làm cho chúng ta nên thánh… giống như bây giờ.

image010
Đức Giáo Hoàng Phanxicô chủ sự Thánh Lễ kết thúc Năm Thánh

Có hai loại Năm Thánh:

Năm Thánh bình thường: Cử hành cứ 25 năm một lần. Tính cho đến nay, Giáo Hội Công Giáo có 26 Năm Thánh bình thường. Năm Thánh bình thường sau cùng là năm 2000, mừng Chúa Giêsu giáng trần 2000 năm.

Năm Thánh ngoại thường: Do Đức Giáo Hoàng công bố vào những dịp đặc biệt đáng ghi nhớ trong Giáo Hội: Năm 1933, Đức Giáo Hoàng Piô XI tuyên bố năm thánh ngoại thường mừng 1900 năm ơn Cứu độ đến trần gian. Năm 1983, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố Năm Thánh ngoại thường, mừng 1950 ơn cứu độ đến trần gian.

image012
Lên Đền Thánh

Năm 2015, Đức Giáo Hoàng Phanxicô công bố năm Thánh ngoại thường, năm Thánh Lòng Thương Xót Chúa, mừng 50 năm Công Đồng Vatican II kết thúc vào năm 1965, cũng như kêu gọi yêu thương tha thứ trong Giáo Hội và trên toàn thế giới. Chủ đề Năm Thánh Lòng Thương xót dựa trên Phúc Âm Thánh Luca “Hãy thương xót như Cha”. Những dụ ngôn về chiên lạc, đồng bạc mất, con trai hoang đàng, người phụ nữ ngoại tình luôn là chủ đề được dùng mô tả ý nghĩa của Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Ở Rôma có bốn nhà thờ được thiết lập cửa Thánh: Nhà thờ Chánh Toà của Giáo phận Rôma, tức nhà thờ Thánh Gioan Latêranô; nhà thờ Đức Bà Cả, nhà thờ Thánh Phaolô ngoại thành và vương cung thánh đường thánh Phêrô. Trên toàn thế giới, 2700 địa phận đều cử hành Năm Thánh Lòng Thương Xót và có cửa Thánh ở một vài nhà thờ trong địa phận để giáo dân có thể đến cầu nguyện và được hưởng ơn toàn xá, được tha các hình phạt tạm.

Nói theo tiếng bình dân, Năm Thánh Lòng Thương Xót được công bố thật đúng lúc và “đúng gu” của toàn thể giáo dân trên thế giới. Như Đức Thánh Cha nhiều lần nhắn nhủ: Thế giới có quá nhiều bất công, hận thù, chiến tranh… gây đau thương chết chóc cho nhân loại… Hãy tỉnh thức, hãy thương xót như Thiên Chúa Cha… hãy sám hối, hãy làm hòa và tha thứ cho nhau… Năm Thánh Lòng Thương Xót chạm thật sâu và mạnh vào tâm hồn của toàn thể nhân loại. Năm Thánh Lòng Thương Xót mang một giải đáp cụ thể cho nhân loại hận thù…. Không có cách nào khác ngoài Misericordes sicut Pater!

Hơn tháng nay, dường như ngày nào cũng có ít là từ 5 đến 10 phái đoàn hành hương Năm Thánh. Khách hành hương đến từ khắp nơi trên thế giới. Ngày từ sáng sớm đã xếp hàng chờ vào Vương Cung Thánh Đường và được bước qua cửa Thánh… Có nhiều người đã quì gối, cúi mọp hôn cửa thánh và đấm ngực kêu xin lòng thương xót của Chúa. Trước khi họ vào Vương Cung Thánh Đường, họ đã đi bộ xa. Vừa đi vừa đọc kinh lần chuỗi lòng thương xót… Thật thánh thiện! Chứng kiến cảnh khách hành hương bộc lộ đức tin cách chân thành và sống động nầy… đôi lần tôi đã phải đấm ngực và thú nhận: “Rất nhiều giáo dân đạo đức hơn con… là linh mục.”

image017
THÁNH LỄ KẾT THÚC NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA 10 giờ sáng ngày 20.11.2016 – Công trường Thánh Phêrô – Rôma

Thánh lễ lúc 10 giờ sáng. Trong giấy cho phép đồng tế ghi: Mang theo áo alba, giây stola màu trắng và có mặt ở công trường, nơi cử hành Thánh Lễ lúc 8:30 sáng. Biết là sẽ rất đông người. Nên tôi đã có mặt lúc 8 giờ. Tuy nhiên các ngã đường vào công trường đã đầy nghẹt người. Ai cũng vui vẻ, nô nức tiến “LÊN ĐỀN THÁNH!” và đúng là “Từ muôn phương ta về đây sánh vai lên đường, đường đưa ta đi lên đền Chúa ta…” Bài hát của Cha Thành Tâm phải chi có ai hát lúc nầy thì hay biết chừng nào… Dù có giấy đồng tế hay giấy gì đi nữa tất cả phải qua hàng rào an ninh: Hàng rào an ninh ngoài đường và hàng rào an ninh có máy rà nơi các lối vào công trường.

image016

Cảnh sát và quân đội Ý có võ trang án ngữ khắp nơi bên ngoài. Đội bảo vệ, an ninh đền thờ… thiện nguyện viên giữ trật tự… đông thật là đông đứng dọc dài theo lối đi. Biết là họ không có vũ khí phòng thân, tuy nhiên cả trăm ngàn khách hành hương đều rắp tôn trọng và nghe lời.

Khán đài hành lễ vẫn ở chỗ cũ tức trước mặt tiền Vương Cung Thánh Đường, nơi có những hàng cột to cao làm phong chắn phía sau, trên nền tiền đường rộng mênh mông… Mặt tiền Vương Cung Thánh Đường làm phong cho bàn thờ và nơi hành lễ được trang trí bằng ba tranh thêu lớn: Chính giữa là huy hiệu Năm Thánh Lòng Thương Xót với hàng chữ Misericordes Sicut Pater;  Hai bên là hai bức tranh thêu lớn khác: Một bức bên trái, nếu chúng ta đứng đối diện Vương Cung Thánh Đường là hình tổng lãnh thiên thần Micae đạp đầu quỉ Satan, nói lên sự chiến thắng của Chúa là vua vũ trụ (hôm nay cũng là lễ Chúa Kitô Vua, kết thúc năm Phụng Vụ); Bên phải chúng ta là bức tranh thêu hình Thánh Giuse bồng Chúa Giêsu với hàng chữ tiếng latinh: TU ERIS SUPER DOMUM MEAM, tạm dịch: Ngài là Đấng cai quản gia nghiệp con! Bức tranh nói lên niềm tín thác Giáo Hội vào Thánh cả Giuse là dưỡng phụ của Chúa Giêsu. Ngài bảo vệ Giáo Hội như đã bảo vệ Chúa.

image018
Bên trái là khu vực dành cho Hồng Y, Giám Mục đồng tế.

Hai bên lễ đài là những hàng ghế ưu tiên dành cho Hồng y Giám Mục và những linh mục có trách nhiệm trao Mình Thánh Chúa. Tôi thấy có khoảng 500 Hồng Y, Giám Mục và chừng 400 linh mục cho chịu lễ. Có 16 Hồng Y vừa mới đội mũ hôm qua ngày 19.11 cũng có mặt trong Thánh Lễ, các Ngài được xếp ngồi bên trái của Đức Thánh Cha. Số linh mục đồng tế quá đông, tôi ước chừng phải tới 3000, nên chúng tôi được xếp ngồi dưới chân tượng thánh Phêrô, nơi công trường. Trước mặt tiền Vương Cung Thánh Đường, nếu đứng đối diện, chúng ta thấy có tượng 2 thánh tông đồ, cột trụ của Giáo Hội: Thánh Phaolô bên phải, còn thánh Phêrô bên trái. Tôi đoán phải có tới 3000 linh mục đồng tế, được xếp chung quanh tượng đài Thánh Phêrô, tức bên phía tay trái, nếu chúng ta đứng đối diện với đền thờ.

image021
Ước chừng có tới 3000 linh mục đồng tế được qui tụ chung quanh tượng đài Thánh Phêrô.

Cùng phía bên phải trên nền tiền đường, người ta cũng xếp chừng 1000 ghế dành riêng cho các chính khách cũng như những khách danh dự của Toà Thánh. Tôi quan sát thấy cũng không dưới 800 bậc vị vọng đủ sắc áo, màu da. Khách hành hương dự lễ rất đônjg, tôi dự đoán không dưới 100 ngàn người. Người ta đứng chật ních công trường và còn bên trên bức tường hàng cột bao chung quanh công trường. Điều ai cũng nể phục là rất trật tự, nghiêm trang và rất thánh thiện.

30 phút trước 10 giờ chuông ở tháp cao bên trái nằm bên dưới đồng hồ đổ báo hiệu giờ chuẩn bị lễ bắt đầu. Tất cả đều được yêu cầu nghiêm trang lần chuỗi năm chục, Năm sự Mừng… Xướng ngôn viên xướng kinh bằng tiếng Ý, nhưng suy gẫm ở đầu mỗi chục cũng có tiếng Anh pha trộn. Người xướng “Kính mừng Maria” bằng tiếng Ý, nhưng đám đông thưa “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời” bằng nhiều thứ ngôn ngữ… Nghe là lạ, nhưng xem chừng người ta hiểu nhau như trong ngày lễ Ngũ Tuần, các Tồng Đồ nói bằng tiếng Aram, vậy mà người Do Thái, Hy Lạp hay Ai Cập đều hiểu… và đối đáp ăn khớp với nhau.

image027
Cả 100 ngàn người từ muôn phương về đây….

Chuỗi 50 kinh kết thúc 7 phút trước 10 giờ. Ngay sau đó tất cả nghe tiếng Đức Giáo Hoàng bên trong đền thờ, nơi cửa thánh, làm phép và đóng cửa năm Thánh cũng như tuyên bố Năm Thánh Lòng Thương Xót kết thúc. Từ bên trong Đức Thánh Cha cầu nguyện: Cám ơn Chúa cho một Năm Thánh Lòng Thương Xót thật thánh thiện và kết quả tốt. Cám ơn Chúa vì đã có rất nhiều người hy sinh quảng bá Lòng Thương Xót Chúa qua việc thực thi bác ái và tha thứ… và Đức Giáo Hoàng cũng xin là: Dù Năm Thánh Lòng Thương xót kết thúc… nhưng xin mọi người tiếp tục mở lòng đón nhận sự hoà giải.

Đúng 10 giờ sáng, Đức Giáo Hoàng và đoàn giúp lễ từ trong Vương Cung Thánh Đường tiến ra và bắt đầu thánh lễ. Đức Giáo Hoàng chủ sự thánh lễ rất gọn nhẹ và trôi chảy nhịp nhàng… Vì ngồi đối diện với tiền đường ngay trước chiếc đồng hồ khổng lồ trên mặt tiền… nên tôi có dịp canh đồng hồ… Bài giàng của Đức Giáo Hoàng chỉ dài 10 phút… sau đó tất cả được mời giữ im lặng 5 phút để suy niệm. Thánh lễ tiếp tục và kết thúc đúng 11:30 phút sáng. Thánh lễ đại trào với 600 Hồng Y, Giám Mục, 3000 linh mục và 100 ngàn người tham dự… cũng chỉ vỏn vẹn trong 90 phút dài.

Đặc biệt ở phần cuối lễ Đức Giáo Hoàng phát 10 bằng khen cho 10 người có công thể hiện lòng thương xót Chúa cho người khác. Đức Hồng ý Luis Antonio Tagle của Phi luật Tân, được bằng khen đầu tiên… sau đó là linh mục, nữ tu, giáo dân và có cả một người đàn bà đang ngồi xe lăn. Đức Giáo Hoàng xuống tận nơi trao bằng khen thưởng.

Thánh lễ kết thúc, nhưng tất cả chúng tôi bị giữ lại nơi mình đang đứng … hơn 1 tiếng đồng hồ. Lý do: Đức Giáo Hoàng chào hỏi Hồng Y Giám Mục, một số linh mục, sau đó Ngài lên xe đánh hai vòng trong công trường… Ngài tươi cười ban phép lành… Cả trăm ngàn người hoan hô chúc mừng … Đức Thánh Cha tươi cười và thân thiện với tất cả mọi người… Đúng là VỊ CHA CHUNG NHÂN LÀNH.

Ngày sau Thánh Lễ, tôi quan sát thấy có nhiều nữ tu và nam tu với những tu phục hơi lạ mà tôi chưa hề biết. Tôi nghĩ chắc cũng có nhiều người không biết như tôi. Tôi xin giới thiệu họ, có ý muốn nói rằng: Có nhiều người từ khắp nơi, đang đồng hành đức tin với chúng ta. Chúng ta còn giữ vững đức tin là do Chúa với những lới cầu nguyện của nhiều người mà chúng ta không hề quen biết kể cả những tu sĩ đang âm thầm hy sinh phục vụ cho Chúa và Giáo qua đời sống thánh hiền. Rất đáng khâm phục.

image025
Quí Soeur dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm truyền giáo phân tán đi nhiều nước.
image031
Linh mục dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên tội – có nhà Mẹ ở Rôma
image033
Quí Soeur dòng Nữ Tì Chúa Cứu Thế ở Mỹ.

Lòng thương xót là nhu yếu phẩm cho toàn thể nhân loại.

Không ai nghe chúng ta hay sẽ đến học giáo lý nhập đạo nếu chúng ta không có lòng thương xót.

Lời nhắn nhủ của Đức Giáo Hoàng làm chúng ta phải xét mình, kể cả hàng Giám Mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân: Chúng ta ĐÓNG hay MỞ lòng thương xót với người khác?

Xin Chúa giàu lòng thương xót chúc lành cho chúng ta, cho những ai có lòng thương xót. Amen.

            Lm. Phêrô Trần Thế Tuyên

Các bạn có thể xem video clip tại đây

Bài liên quan

Back to top button