Café To GoQuán ven đường

Khoa học trong Kinh Thánh

Michael Nguyen

https://www.theguardian.com/science/2023/may/26/its-new-territory-why-is-betelgeuse-is-glowing-so-brightly-and-behaving-so-strangely

Trong một đoạn Kinh Thánh,  Đức Kitô nói “…Mặt Trời sẽ mất sáng!”. Hơn hai ngàn năm trước, con người chưa có khái niệm “Mặt trời mất sáng”!!! Gần đây khi tìm hiểu về cuộc đời những ngôi sao, giới khoa học vũ trụ [KHVT] mới biết những ngôi sao, gồm cả Mặt Trời của chúng ta, được sinh ra thế nào, lớn lên trưởng thành, chiếu sáng và tỏa năng lượng cho cả hệ mặt trời của nó, và rồi…

Với đời người thì “Trăm Năm Trong Cõi Người Ta”.
Và với mặt trời thì “Tỉ năm một cõi… mặt trời “.

Rồi những mặt trời cũng… mất sáng, như Đức Kitô đã công bố hơn 2K năm trước.

Chúng ta thử bàn về một ngôi sao [Mặt trời] đang được giới KHVT xôn xao để ý về ngày “mất sáng” của nó cận kề: Ngôi sao Betelgeuse cách chúng ta cỡ 640 năm ánh sáng [NAS], nó to hơn Mặt Trời của chúng ta cả chục lần. Hiện tại nó có độ sáng thứ 10 trên bầu trời đêm. Nó đang phình ra, co vào rất bất thường như một bệnh nhân trong cơn hấp hối. Xin hiểu là do khoảng cách 640 NAS, nên khi ta thấy Betelgeuse đang hấp hối, điều ấy có nghĩa là nó đã hấp hối 640 năm trước. Từ ngày KHVT “đeo” được những chiếc kính phi thường như Hubble, Webbs… Họ đã nhìn được những thiên hà ở tận bờ vũ trụ, cách xa ta cả tỉ NAS. Khi nhìn được khoảng cách xa như thế, họ đang ngắm cuộc đời của chúng nhiều tỉ năm trước để suy ra thiên hà và Thái Dương Hệ của chúng ta đã…mở mắt chào đời ra sao.

Betelgeuse được tiên liệu sắp đi vào… cuối trời thênh thang! Khoảng cách 640 NAS này đối với Địa Cầu thì xa lắm lắm, nhưng với vũ trụ bao la thì chỉ là… con tép riu! Những kẻ “mê ngắm sao” đang thấy những hiện tượng lạ nơi Betelgeuse: Nó đang thay đổi độ sáng quá đỗi bất thường.  Qua viễn vọng kính, giới khoa học thấy nó cứ phình ra, co vào liên tục. Hiện tượng này báo hiệu một ngôi sao sắp giống …băng hà!. Ngôi sao, hành tinh, con người… đều có sinh ra, lớn lên và chết, cũng na ná nhau. Kỳ công của Tạo Hóa quả thực nhiệm mầu!

Có một điều vô cùng kỳ thú, đó là trước khi một ngôi sao băng hà, nó nổ tung ra thành Siêu Tân Tinh [SuperNova], tỏa sáng khủng khiếp gấp trăm nghìn lần bản thân nó. Điều ấy có nghĩa là nếu Betelgeuse thực sự đang hấp hối và sắp băng hà thì vào giờ hấp hối của nó, chúng ta sẽ nhìn thấy nó sáng hơn cả trăng rằm dù nó ở cách xa ta 640 NAS [Mặt Trời chỉ cách ta có 8 phút ánh sáng!]. Tôi làm tính nhẩm và thấy nó xa hơn Măt Trời cỡ 40 triệu lần!!! Với khoảng cách ấy mà tỏa sáng hơn trăng rằm Trung Thu thì quả là khủng khủng khiếp khiếp!! Giới mê ngắm sao rất hồi hộp chờ đợi cơ may rất hiếm có này xẩy ra trong đời mình để được chiêm ngắm hiện tượng hiếm có trong đời người. Nói đến đây, tôi thấy tội nghiệp ông Halley, có thể nói suốt đời dày công nghiên cứu sao chổi Halley, và ông đã tiên liệu đúng chu kỳ tái xuất hiện của nó là 76 năm, nhưng ông không được ngắm nó từ Địa Cầu, ông chỉ được ngắm nó khi đã về bên kia thế giới. Người đời đã lấy tên ông [Halley] để đặt cho sao chổi này như một tưởng nhớ nhà khoa học suốt đời si mê nàng…Halley.

Hiện tượng SuperNova dù rất hiếm hoi đối với con người trên Địa Cầu, nhưng trong vũ trụ bao la thì hằng hà sa số và rất quen thuộc với giới mê ngắm sao qua siêu viễn vọng kính. Những SuperNova xẩy ra ở xa chúng ta quá, hằng triệu hoặc tỉ NAS chẳng hạn, sự lấp lánh của chúng chỉ như con đom đóm lập lòe trong đêm, chẳng ai buồn để ý. Nhưng với Betelgeuse thì khác, nó chỉ cách xa ta có 640 NAS thôi, một khoảng cách được so sánh trong vũ trụ như hai… láng giềng, cách nhau… cái giậu mồng tơi xanh dờn ((=:

Qua những dữ liệu mà khoa học chứng kiến và thu thập từ viễn vọng kính thì một ngôi sao được sinh ra từ những đám “bụi không gian” [Nebula]. Qua nhiều triệu năm, có khi cả tỉ năm, nó trở thành sao. Nó phát sáng, rủ rê, dụ dỗ một số hành tinh “nhẹ dạ” chạy theo nó, tạo thành một thái dương hệ như Solar System của chúng ta. Nhiều tỉ năm sau, ngôi sao hết xí quách, phình to ra, trở thành SuperNova [Siêu Tân Tinh], tỏa sáng như mô tả, và tạm biệt vũ trụ để về với… Chúa. Nó vỡ tan ra thành… tro bụi như thuở ban sơ và hát… Dies Irae Dies Illa…

Trở lại với Kinh Thánh, có lẽ chúng ta sẽ đặt câu hỏi: Mặt Trời mất sáng phải chăng Đức Kitô đã giảng về một “vì sao hấp hối” như Betelgeuse hôm nay, một sự kết thúc của một thái dương hệ như Solar System của chúng ta? Đức Kitô giảng một cách khoa học về ngày tận thế? Thời ấy, người Do Thái có khái niệm về ngày tận thế, nhưng cái khái niệm ấy chỉ gói gọn trong ý nghĩa tôn giáo, trong khi điều Đức Kitô giảng ở đây [Mặt trời, tức ngôi sao, mất sáng] là một vấn đề rất khoa học mà những nhà vũ trụ học hôm nay đang miệt mài nghiên cứu. Kinh Thánh đã từng hé lộ những hiện tượng rất có tính khoa học mấy nghìn năm trước để hôm nay con người từng bước lần theo để nhận ra.

Bao nhiêu năm qua, giới khoa học đã nghiệm ra nhiều điều lý thú đầy tính khoa học ẩn chứa trong Kinh Thánh. Vì thế nhiều người dù không tin, không xem Kinh Thánh là Thánh thiêng, thì họ cũng thừa nhận Kinh Thánh là một tác phẩm văn chương, khoa học, và nhân bản vĩ đại nhất xưa nay, vì điều thực tế nhất là Kinh Thánh có số độc giả đông nhất, số người xem, nghiền ngẫm đông nhất để bồi dưỡng cho trí tuệ và tâm linh của mình.

Trời đất này sẽ qua đi với không biết bao nhiêu tác phẩm văn chương, nghệ thuật, triết lý, từng gây ấn tượng qua nhiều thập kỷ, và rồi chúng cũng qua đi. Tuy nhiên có một tác phẩm vẫn trường tồn bền vững với thời gian, vẫn là nguồn cảm hứng cho hàng tỉ người trên địa cầu. Ước mong khoa học luôn tìm ra những bảo vật ẩn chứa trong kho tàng Kinh Thánh để phục vụ con người.

Michael Nguyen.

Bài liên quan

Back to top button