Quán ven đườngTrà Đá Đường

“Sau Nầy Con Sẽ Hiểu” | Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Con Người sẽ phải bị nộp vào tay người đời”.

Kính thưa Anh Chị em,

Các môn đệ chới với trước tuyên bố của Chúa Giêsu, Thầy mình, “Con Người sẽ phải bị nộp vào tay người đời”. Các ông không hiểu, lời đó còn bị che khuất. Tại sao lại bị che khuất và tại sao họ không dám hỏi điều họ không hiểu? Họ không hỏi hay không muốn hỏi vì sự thật quá phủ phàng? Hay phải chăng họ đang lóng ngóng một con đường vinh thân không có bóng dáng thập giá? Những chi tiết này thật hấp dẫn; vì một cách nào đó, Chúa Giêsu muốn nói với họ, “Sau này con sẽ hiểu”.

Thật ra, Chúa Giêsu không cảm thấy bị xúc phạm bởi sự chậm hiểu của các môn đệ, nhưng ít nhiều, Ngài đã thấm thía, đã nếm trước nỗi đau của chén đắng thập giá khi có người trong họ xin cho được ngồi bên hữu, bên tả Thầy; cũng như, rồi đây họ sẽ bỏ Thầy mà chạy tán loạn. Ngài biết họ không hiểu ngay lập tức điều Ngài nói nhưng dù thế nào đi nữa, Ngài vẫn phải nói cho họ; bởi Ngài biết, rồi đây, sẽ đến lúc họ hiểu. “Sau này con sẽ hiểu”, môn đệ sẽ hiểu, Thầy họ phải chết, phải thất bại ê chề; nhưng một khi Thánh Thần ngự xuống, Ngài sẽ dẫn họ vào mọi lẽ thật; chính Thánh Thần, thầy dạy, sẽ giúp họ hiểu hết mọi chiều kích phục sinh ẩn tàng đàng sau mầu nhiệm thập giá nghiệt ngã ấy.

Điều này cũng đúng với chúng ta. Khi đối diện với thực tế khổ đau trong cuộc sống mình hoặc cuộc sống của những người mình yêu thương; thoạt tiên, chúng ta cũng không hiểu hết, thậm chí đôi lúc không muốn hiểu. Chúng ta chưa hiểu, không hiểu, không muốn hiểu… có thể vì lòng chúng ta chưa đầy Chúa; con tim của chúng ta không cùng nhịp với con tim của Chúa; ước mong của chúng ta quá thế tục, nặng mùi đất, khác xa ước mong của Chúa, hương mùi trời; ân sủng của Thánh Thần chưa hoạt động trong chúng ta. Phải đợi đến lúc mà “Sau này con sẽ hiểu” khi chúng ta sống đầy tràn với Thiên Chúa, ‘ý của Chúa là ý của con’, gắn bó với ân điển của Thánh Thần. Nếu mỗi ngày chúng ta quy hướng về Thiên Chúa như sách Giảng Viên hôm nay mời gọi, “Trong ngày thanh xuân, ngươi hãy nhớ đến Đấng Tạo Thành”, vì “Tuổi trẻ và khoái lạc đều là hư không”; “Con người sắp đi về nhà vĩnh cửu, và kẻ than khóc rảo quanh mọi phố phường”, chúng ta mới có thể hiểu. Nghĩa là đau khổ và sự chết, điều không ai tránh khỏi, không ai hiểu nếu không sống với Thiên Chúa, Đấng Tạo Thành; thế nhưng, “Sau này con sẽ hiểu” một khi con người ý thức rằng, Thiên Chúa đang ở với mình.

Vậy “Sau này con sẽ hiểu” là lúc nào? Đó là lúc mà quà tặng Thánh Thần được ban xuống, một quà tặng vốn sẽ mở ra tâm trí chúng ta để hiểu những bí ẩn. Vì thế, ai không để Chúa Thánh Thần tự do hoạt động trong cuộc sống mình, đau khổ sẽ dẫn người ấy từ hoang mang này đến hoang mang khác và không sớm thì muộn, sẽ đi đến tuyệt vọng; ngược lại, ai để cho Thánh Thần khai mở lòng trí, người ấy sẽ bắt đầu hiểu được cách thức Thiên Chúa hoạt động qua những khổ đau trong đời mình như Người đã hành động qua những đau khổ của Con Một, hầu mang lại ơn cứu độ cho thế giới. Dường như cả thế gian này chỉ có một mình Mẹ Maria hiểu được điều đó.

Chúng ta chiêm ngắm Mẹ Maria, hỏi có ai đau khổ bằng Mẹ; thế nhưng, Mẹ không phải đợi đến “Sau này con sẽ hiểu”, vì Mẹ được Chúa ở cùng, Mẹ chọn Chúa làm nơi trú ẩn; Mẹ sống trong ân sủng Thiên Chúa, vì thế, Mẹ đã vượt qua tất cả. Thánh Vịnh đáp ca hôm nay đã diễn tả tâm tình đó, “Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ, Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn”. Khi Con được hạ xuống khỏi thập giá, Mẹ ẵm lấy, vòng tay Mẹ ôm chặt xác thánh vào trái tim vô nhiễm nguyên tội của mình. Dẫu đây là khoảnh khắc đau buồn nhất, nhưng cũng là khoảnh khắc Mẹ hiệp cùng Con mang ơn cứu độ cho ngàn thế giới. Ôm chặt Con, Mẹ vẫn biết đó không phải là kết thúc; Mẹ đầy Chúa, Mẹ đã mở lòng ra cho Chúa, nên Mẹ có thể hiểu được điều này. Mẹ cảm thấy nhẹ tênh vì sự đau khổ trên trần gian của Con nay đã qua, sự nhẹ nhõm của Mẹ bắt đầu chuyển thành niềm hy vọng và mong đợi khi Mẹ nghĩ đến ngày phục sinh của Con, vì chắc chắn Mẹ đã được nghe, ít là một lần, rằng, “Con Người sẽ phải bị nộp vào tay người đời, người ta sẽ giết Người nhưng ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”. Mẹ không cần phải đợi đến “Sau này con sẽ hiểu”; lễ Ngũ Tuần có đến, Chúa Thánh Thần sẽ cho Mẹ hiểu cách tròn đầy hơn, viên mãn hơn. Vì thế, chúng ta không ngạc nhiên, Mẹ đã kiên vững dưới chân thánh giá.

Anh Chị em,

Đức Phanxicô nói, “Chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ ban ơn, không phải để cất khỏi chúng ta sự sợ hãi, sợ thánh giá vốn không thể tránh khỏi; nhưng chúng ta cầu xin ơn không phải sợ hãi, cũng không chạy trốn thánh giá. Mẹ Maria đã có mặt ở đó, Mẹ biết cách thức làm sao để có thể đứng sát thập giá”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con được đầy Chúa như Mẹ, cho con mở rộng lòng với Thánh Thần, để con cũng có thể hiểu được ý nghĩa ‘thánh giá đời con’ từng ngày, từng biến cố; nhờ đó, con hiểu, con đang hứng lấy ơn cứu độ nhờ công nghiệp của Chúa Con; không cần phải đợi đến “Sau này con sẽ hiểu”, Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Bài liên quan

Check Also
Close
Back to top button