Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

CN.31.TN.B. Hai Giới Răn liên kết nên Một | NVT

Chúa Nhật XXXI Thường Niên – Năm B

Hai giới răn liên kết nên một

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, có người trong nhóm luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: “Trong các giới răn điều nào trọng nhất?” Chúa Giêsu đáp:

“Giới răn trọng nhất chính là: Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó”.

Luật sĩ thưa Ngài: “Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất và ngoài Người chẳng có Chúa nào khác nữa. Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh”.

Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu”. Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa. ( Mc 12, 28b-34).

__________

Suy Niệm

Hai giới răn liên kết nên một

Vào thời Chúa Giê-su, các kinh sư Do Thái đã liệt kê tới 630 giới luật trong Cựu Ước. Cả một rừng luật chồng chéo lẫn nhau, luật này cắt nghĩa luật kia, luật kia giải nghĩa luật nọ, dẫn đưa dân chúng đến một thứ đời sống đạo nô lệ hình thức và luật lệ. Các kinh sư thì cứ thường tranh luật nhau xem giới luật nào quan trong hơn giới luật nào, rồi không biết là bao nhiêu chú thích, diễn nghĩa, tạo nên một nền luân lý khắc khe, tỉ mỉ, khô khan và nông cạn. Chưa nói đến cách giải thích tùy tiện, có mục đích thu vén, vụ lợi, giả hình, với những ý đồ đen tối.

“Tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa? Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Ai nói với cha mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy, không phải thờ cha kính mẹ nữa’. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà hủy bỏ lời Thiên Chúa.” (Mt.15,1-6)

“Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ dẫn đường đui mù! Vì các ngươi nói rằng: Ai lấy đền thờ mà thề, thì không có giá trị gì, nhưng ai lấy vàng trong đền thờ mà thề, thì mắc lời thề. Hỡi kẻ ngu ngốc và đui mù, chớ thì vàng hay là đền thờ thánh hoá vàng, cái nào trọng hơn? Các ngươi còn bảo rằng: Ai lấy bàn thờ mà thề, thì không giá trị gì, nhưng ai lấy của lễ để trên bàn thờ mà thề, thì mắc lời thề. Hỡi những kẻ đui mù, chớ thì của lễ hay là bàn thờ thánh hoá của lễ, cái nào trọng hơn?

“Vậy ai lấy bàn thờ mà thề, thì lấy cả bàn thờ và mọi sự để trên bàn thờ mà thề. Kẻ nào lấy đền thờ mà thề, thì lấy cả đền thờ và Ðấng ngự trong đền thờ mà thề. Và kẻ nào lấy trời mà thề, thì lấy ngai toà Thiên Chúa và Ðấng ngự trên ngai toà ấy mà thề”. (Mt.23,13-22)

“Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó”. ( Mc 12, 28b-34).Chúa Giê-su đã tóm tắt tất cả các giới luật đó vào hai điều quan trọng bậc nhất và liên kết chặt chẽ với nhau đến độ bất khả phân ly. Đó là “Kính Chúa và yêu người”.

+ 1. Kính Chúa.

Chúa Giê-su đã trích dẫn lời nguyện đầu tiên của một kinh cầu Do Thái. Đó là kinh Shema Israel : “Nghe đây, hỡi Israel ! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng, hết dạ, hết sức anh em (Đệ nhị luật 6,4-5).

+ 2. Yêu người.

Chúa Giê-su không dừng lại việc chỉ thờ phượng Chúa mà thôi, Ngài liên kết điều điều răn ấy với điều răn phải yêu thương mọi người. “Ngươi phải yêu thương đồng loại như chính mình” (Lê-vi, 19,18).

Thiên Chúa là Cha, mọi người là con cái Thiên Chúa. Con người có bổn phận phải kính thờ Thiên Chúa, đó là cội nguồn “Đạo Hiếu” của con  người. Lê-nin nói :“Tôi không tin một người sống không hiếu thảo với cha mẹ, lại có thể là một cán bộ tốt”.

Không có Thiên Chúa trong lòng, con người không còn điểm tựa của lương tâm, con người khó giữ được những điều thiện hảo để đối xử với anh em đồng loại. Vì thế, thực tế cho thấy, đã xảy ra những tội ác dã man nơi con người mà ngay cả loài cầm thú cũng không so bì kịp.

Làm sao những đứa con sống có hiếu với cha mẹ, vâng lời cha mẹ, lại có thể thù ghét lẫn nhau, đi đến cảnh cốt nhục tương tàn ?

Làm sao một người sống đạo đức hết lòng thờ phượng Chúa, sợ làm những điều không đẹp lòng Chúa, lại có thể sống xa lạ với những người bần cùng, lạnh lùng với những người đói khổ cơ hàn, đối xử bạo tàn với anh em đồng loại ?

Hãy ghi nhớ những lời nhắc nhở của thánh Gio-an :“Nếu ai nói ‘tôi yêu mến Chúa, mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối : Vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga,420).

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

Bài liên quan

Back to top button