Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Có tiếng người hô trong hoang địa | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG NĂM A-16
(Mt.3,1-12)
****

CÓ TIẾNG NGƯỜI HÔ TRONG HOANG ĐỊA

  000001qvong02muavong

1 Hồi ấy, ông Gio-an Tẩy Giả đến rao giảng trong hoang địa miền Giu-đê rằng: 2 “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” 3 Ông chính là người đã được ngôn sứ I-sa-ia nói tới: Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để người đi.
4 Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắc lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn. 5 Bấy giờ, người ta từ Giê-ru-sa-lem và khắp miền Giu-dê, cùng khắp vùng ven sông Gio-đan kéo đến với ông. 6 Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan. 7 Thấy nhiều người thuộc phái Pha-ri-sêu và phái Xa-đốc đến chịu phép rửa, ông nói với họ rằng: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? 8 Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối. 9 Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: “Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham.” Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Áp-ra-ham. 10 Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa. 11 Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa. 12 Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi.”

_____________________

SUY NIỆM

CÓ TIẾNG NGƯỜI HÔ TRONG HOANG ĐỊA

  1. Có tiếng người hô…

+ Câu chuyện “Cái chết của Tào Tháo”   

“Tào Tháo lập đền Kiến -Thỉ” nhưng thiếu gỗ lớn để làm cái rường đền vĩ đại. Cận thần mách có cây lê cao 10 trượng ở cạnh đầm Dược Long. Tào Tháo sai người đi đốn nhưng gỗ cứng quá, búa chặt không vào. Tào Tháo không tin có chuyện lạ như vậy, đích thân đốc xuất quân sĩ ra sức đốn nhưng cũng vô hiệu. Khi ấy có mấy vị bô lão trong làng ra mà can rằng: “Cây cổ thụ này đã vài trăm năm nay có thần nhân dựa trên ấy, không nên đốn đâu”. Tháo cả giận mà rằng: “Bình sinh ta đi khắp trong thiên hạ đã dư 40 năm. Từ thiên tử cho đến thứ dân ai lại không sợ ta. Bây giờ thần nào lại dám cải ta kia?” Nói rồi liền rút gươm báu đeo bên lưng bước lại mà chặt; gươm chặt vào thì nghe kêu rang rảng, nhựa cây đỏ như máu văng ra đầy mình Tào Tháo. Tháo cả kinh, quăng gươm, lên ngựa mà về. Đêm ấy lòng băn khoăn nằm không yên, ngồi nơi giữa đền dựa ghế mà ngủ, xảy thấy một người mặc áo đen, bỏ tóc xõa, chống gươm đi thẳng đến trước mặt Tào Tháo mà nạt rằng: “Ta là thần cây lê đây,mi lập đền Kiến Thỉ, ý mi muốn soán nghịch mi lại đến mà đốn cây thần mộc của ta, nay ta biết mi hết số rồi cho nên ta đến mà giết mi.” Tháo cả kinh kêu lớn rằng: “ Võ sĩ đâu?” Người ấy giơ gươm lên mà chém. Tào Tháo la lên một tiếng liền giật mình tỉnh dậy thì cảm thấy nhức đầu lắm, chịu không nổi, chữa chạy thế nào cũng không bớt.

Có người giới thiệu Hoa Đà là vị thần y thời bấy giờ, Tào Tháo cho người rước về. Hoa Đà sau khi chẩn mạch và xem bệnh tâu rằng: “ Đại vương nhức đầu đây là bởi chứng phong mà ra, gốc nó ở trong óc, uống thuốc không lành được, phải uống thang “ma-phế” cho mê đi rồi mổ xương sọ đặng lấy nước phong trong óc ra thì mới lành đặng”. Tào Tháo đa nghi cho rằng Hoa Đà muốn giết mình nên không nghe và bắt giam vị thần y rồi sau đó kiếm cách ám hại trong ngục thất.

Tào Tháo từ ngày giết Hoa Đà rồi thì bệnh thế càng ngày càng nặng. Mộtt đêm Tháo ngủ đến canh ba, vùng phát xây xẩm bèn thức dậy nằm dựa ghế. Xảy nghe có tiếng như xé lụa, Tháo thất kinh thức dậy bước ra xem thì thấy Phục hoàng hậu, Đổng quí phi, hai vị hoàng tử và một bọn Đổng Thừa, hết thảy là mười mấy người ngày trước bị Tháo mưu hại, đầy mình vấy máu đứng lơ lửng giữa thinh không, kêu văng vẳng mà bảo thường mạng.Tháo rút gươm chém khống, bỗng nghe một tiếng rầm thì sập gốc đền phía Tây nam. Tháo cả kinh té nhào xuống đất. Quân hầu đỡ vào cung khác mà dưỡng bệnh.

Đêm sau lại nghe tiếng đàn ông, đàn bà khóc lóc om sòm. Tháo cho đòi quần thần vào mà rằng: “Ta vào trận mạc đã bốn mươi năm nay không hề tin chuyện quái dị, ngày nay sao lại như vầy?”

Quần thần tâu rằng: “Xin Đại vương hãy khiến thầy pháp lập đàn mà cầu khẩn thánh thần và ếm tà trấn quỉ”.Tháo nghe nói thì than rằng: “Mắc tội với Trời thì còn cầu nơi nào cho đặng. Phần số ta đã mãn, có phép chi mà cứu nổi! Qua ngày sau thì mắt mù từ ấy bệnh trở nên trầm trọng chẳng được mấy hôm thì chết.

Tiếng ai hô ?

Với Tào Tháo, trong tâm khảm của ông, có thể là tiếng “mười mấy người ngày trước bị Tào Tháo mưu hại”.

Tiếng hô với mục đích gì? – “tiếng kêu văng vẳng mà bảo Tào Tháo thường mạng”.

Thái độ của Tào Tháo ra sao? – Hoàn toàn tuyệt vọng, không còn mong gì được cứu. “Mắc tội với Trời thì còn cầu nơi nào cho đặng. Phần số ta đã mãn, có phép chi mà cứu nổi!

+ Câu chuyện đời thường…

Tiếng ai hô ?

Với mọi người – với chúng ta – ai không hơn một lần nghe tiếng lương tâm, tiếng lòng, tiếng nói Chân lý từ cõi thẳm sâu của lòng ta vang vọng…

Tiếng hô với mục đích gì?Gọi con người trở về nẻo thiện lương, về đúng nhân vị, nhân phẩm của đời người. Thiện căn ở tại lòng ta” (ND).

Thái độ của con người – của chúng ta – ra sao? – Vâng, rất khác nhau. Hãy nhìn vào xã hội hôm nay, đổi đổi thay thay khó lường. Trắng-đen, vàng-thau, thật-giả thật khó tường. Đời ngày càng biến hóa chóng mặt như “mây chó”, “Thiên thượng phù vân như bạch y, tu du hốt biến vi thương cẩu”(Trên trời có đám mây nổi trông như cái áo trắng, phút chốc bỗng biến thành con chó xanh. Đỗ Phủ). “Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương” (CONK). Mấy ai còn giữ vững được lòng thành trong dòng chảy của cuộc đời, giữa một xã hội đầy biến động và nghịch lí. Đạo đức suy đồi, tiền của lên ngôi, tội ác lan tràn, hận thù chia rẻ, khủng bố, chiến tranh cấu xé…

000001avong02gioan

  1. Có tiếng người hô trong hoang địa

Tiếng hai hô?

Tiếng hô của Gio-an. Rất rõ ràng trong Tin Mừng hôm nay. “Hồi ấy, ông Gio-an Tẩy Giả đến rao giảng trong hoang địa miền Giu-đê” (Mt.3,1).

Tiếng hô với mục đích gì?Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để người đi”. (Mt.3,3).

Thái độ của chúng ta với niềm tin

Giống như người đời…

Giống như người đời, chúng ta nhiều khi vẫn chưa có một con đường cho Chúa. Đời ta vẫn sống cuốn theo chiều gió, buông thả theo những ý muốn riêng ta, với những cuộc vui chóng qua và những ước  mơ ảo ảnh. Lẫn quẫn, loanh quanh không đâu là đầu không đâu là kết, nên không tìm ra được cho mình được một con đường thật sự cho cuộc sống.

Giống như người đời, cứ vui là được, cứ có lợi trước mắt là bước vào. Vòng tăm tối cứ quay cuồng, làm sao Chúa đến với ta. Quanh co trong muôn thứ hưởng thụ và lợi lộc cuộc đời làm sao lòng ngay dạ thẳng.

Khác với người đời…

Khác với người đời, chúng ta có niềm tin vào Chúa. Niềm tin có thể yếu ớt, xanh xao, nhưng chúng ta tin vào Ơn Cứu Rỗi của Chúa dành cho ta, vì Chúa luôn yêu thương ta.

Khác với người đời, chúng ta không hề tuyệt vọng. Không như Tào Tháo khi đã hồi tâm nhìn lại mình, nhưng không còn dám tin vào sự tha thứ từ Trời cao nữa. Mắc tội với Trời thì còn cầu nơi nào cho đặng. Phần số ta đã mãn, có phép chi mà cứu nổi!“. Chúng ta, những người có niềm tin luôn sống trông niềm hy vọng được Ơn Cứu Rỗi. “Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng,  và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người”.(Mt.12,20-21).

Khác với người đời, lòng ta là hoang địa tĩnh lặng. Ta biết lắng nghe tiếng Chúa trong cõi tĩnh lặng tâm hồn. “Ta dạy ta tìm nơi vắng vẻ. Người khôn người đến chốn lao xao” (NK). Ta biết xa rời chốn phồn hoa đô hội với muôn thứ tiếng ồn ào thế tục, để nghe trong thế giới tĩnh lặng lời thiêng liêng của con tim muốn nói. Lời thiêng liêng của Chúa mà lòng ta tha thiết muốn lắng nghe. Đó là những giây phút nhiệm mầu nguyện cầu được gặp gỡ Chúa. Có tiếng gọi tình thương của Thiên Chúa vang vọng ở lòng ta.

Khác với người đời, chúng ta có niềm vui vô cùng lớn lao. Niềm vui cả thể, không gì sánh ví. Là tất cả ý nghĩa của đời ta.  “Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta. (Lc.1,78). Nên, trong cơn khốn cùng, trong lúc quằn quại với vết thương cuộc đời, trong mọi cơn gian truân cùng khổ, ta vẫn tin ngày vui trọn vẹn đến, ngày Chúa đến viếng thăm chúng ta.

Tin Mừng cả thể dành cho loài người được Chúa yêu thương.

Lạy Chúa,

Xin viếng thăm hồn con…
dù con bất xứng. Amen.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

Bài liên quan

Back to top button