Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Lễ Chúa Giê-su Chịu Phép Rửa | Trời Mở Ra | NVT

                                      SUY NIỆM TIN MỪNG                                  
CHÚA NHẬT LỄ CHÚA CHỊU PHÉP RỬA C
(Lc.3,15- 16.21-22)
****

TRỜI MỞ RA

15 Hồi đó, dân đang trông ngóng, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi: biết đâu ông Gio-an lại chẳng là Đấng Mê-si-a! 16 Ông Gio-an trả lời mọi người rằng: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa.

21 Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giê-su cũng chịu phép rửa, và đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, 22 và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con.
_________

SUY NIỆM

TRỜI MỞ RA     

1. Là mạc khải mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi

“…đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, 22 và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con.” (Lc.16,22)

Ngôi Nhứt (Ngôi Cha) : “ Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là con của Cha”
Ngôi Hai (Ngôi Con) : “Người đang cầu nguyện”
Ngôi Ba (Thánh Thần) : “và Thánh Thần ngự xuống trên Người”

“ Trời mở ra” là mạc khải mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, trung tâm niềm tin của người Công Giáo.

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là mạc khải đầu tiên Thiên Chúa thi ân cho con người để con người nhận biết đâu là nguồn cội tình yêu, cũng là nguồn cội kiếp sống của chính mình.

Để trả lời câu hỏi căn bản và là một ưu tư khắc khoải của kiếp nhân sinh: “Con người từ đâu mà có?”.         

Thiên Chúa không phải là một vị thần xa lạ và con người không phải là một thứ hình hài trưởng thành từ một thứ vật chất vô tri ngẫu nhiên mà có.

Thiên Chúa vì yêu thương mà tạo dựng con người, và Thiên Chúa luôn quan tâm con người đến từng đường tơ kẻ tóc.

Thế nên:

Nhận ra cội nguồn đích thực của mình, con người luôn cố gắng vươn lên để xứng đáng với địa vị làm con cái Thiên Chúa, xứng đáng với tình yêu Thiên chúa dành cho mình.

Vươn cao hơn bản năng thấp hèn nhờ lý trí khôn ngoan múc nguồn từ sự khôn ngoan Thiên Chúa.

Nhận ra cội nguồn đích thực của mình, con người biết mình sống để làm gì và biết mình rồi sẽ về đâu.

2. Là mạc khải Mầu Nhiệm Nhập Thể

“Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người.´(Lc.5,16).

Bình minh nhân loại đã đến khi Mẹ Maria trả lời “xin vâng” sau khi sứ thần loan báo tin mừng Con Thiên Chúa sẽ nhập thể trong cung lòng trinh nữ.

Nhưng ánh sáng buổi rạng đông của nhân loại chỉ thật sự rực rỡ chói lọi khi Đấng Cứu Thế xuất hiện trang trọng cùng lúc với hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa.

“Trời mở ra” để chính thức bắt đầu thời kỳ “Trời mới Đất mới” cho nhân loại, thời kỳ ánh sáng Tình Yêu Thiên Chúa chiếu tỏa khắp nơi trên hoàn vũ.

Đấng Cứu Thế đã tự nguyện xếp hàng vào hàng ngũ con người tội lỗi mặc dù Ngài là Đấng Thánh, và điều ấy, cũng có nghĩa là Ngài khởi đầu Chương Trình Cứu Độ của Thiên Chúa, vì Ngài đã tự nguyện nhận mọi tội lỗi thay cho nhân loại để chết thay cho nhân loại theo thánh ý Chúa Cha.

Tội lỗi con người không thể tẩy xóa bằng những nghi thức phàm nhân hời hợt và nông cạn mà phải bằng giá máu Đấng Cứu Thế, vì tội lỗi tày trời chỉ có thể tha thứ nhờ tình yêu bao la.

Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa. (Lc.3,16).

Chính vì thế, máu Đấng Cứu Thế là tình yêu tha thứ của Thiên Chúa Ba Ngôi dành cho nhân loại. Là sự khôi phục hình ảnh vẹn tuyền của con người từ buổi ban đầu tạo dựng.

Nên hình ảnh “hạnh phúc” của Đấng Cứu Thế hôm nay, cũng chính là hình ảnh hạnh phúc của con người, vì con người sẽ được Thiên Chúa gọi là con yêu dấu khi trở nên trong sạch vẹn tuyền nhờ Phép Rửa của chính Đấng Cứu Thế. Hay nói một cách khác, con người được tái sinh nhờ Đấng Cứu Thế.

Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con. (Lc.3,22).

3. Vinh danh Thiên Chúa, Bình an nhân loại.

“Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con.” (Lc.21,22).

“Trời mở ra”, ta nhận ra được “vinh quang Thiên Chúa” trên trời và  “bình an dưới thế” cho loài người được Chúa yêu thương.

Vinh quang của Thiên Chúa Ba Ngôi, và Tình Thương của Thiên Chúa ban tặng cho nhân loại Đấng Cứu Thế đến ở cùng nhân loại và cứu độ nhân loại.

Đấng Cứu Thế – Đức Ki-tô – đã gánh lấy tội trần gian, đã chết và đã sống lại, đó chính là Mầu Nhiệm Phục Sinh. Nhờ Mầu Nhiệm Phục Sinh, chúng ta được trở về với Chúa, được ơn tha thứ và chung hưởng cuộc sống vinh quang và vĩnh cửu của Thiên Chúa.

“Trời mở ra”, ta được sáng mắt và nhận ra sự hiện hữu nhỏ bé của ta trong bao la tình Chúa, và trong tình Chúa bao la, ta thấy mình thật quan trọng, vì được Chúa yêu thương và trở nên con cái của Ngài.

Thật bình an làm sao khi ta được Thiên Chúa yêu thương, và chỉ cần có thế là đủ và là tất cả.

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”. (Lc.2,14).

Lạy Chúa,

Tình Chúa quá bao la,
Đời mịt mờ sương khói
Con khó nhận ra
Biển cả tình Ngài.

Xin ngự vào lòng con
Cho ánh sáng chiếu soi vào cõi lòng u tối
Cho con thấy trời mở ra trong phút giây sám hối
Để thấy Thập Giá Ngài vì tội lỗi đời con.

Trong phút giây huyền diệu đến sững sờ
Con ngỡ ngàng nghe lời Ngài dịu ngọt…
Con bước tới nguyện thầm kinh mơ ước…
Hồn tinh khôi bên Thập Giá nhiệm mầu. Amen.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

 

Bài liên quan

Back to top button