Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Suy niệm Tam Nhật Vượt Qua 2020 | Lm Antôn Nguyễn Văn Tiếng

Thứ Năm Tuần Thánh: Thánh Lễ Tiệc Ly

[Thứ Năm Chúa Giê-su thiết lập Bí Tích Thánh Thể, chức Tư Tế và Điều răn về Tình Bác Ái Huynh Đệ.
Trong thời gian dịch bệnh Covid-19, Thứ Năm Tuần Thánh năm nay 2020 không cử hành việc rửa chân, không rước kiệu Thánh Thể, Mình Thánh Chúa được cất giữ tại Nhà Tạm.]

Sự giảm đi những hình thức bề ngoài có thể đem lại một không khí vắng lặng buồn tẻ, nhưng cho chúng ta những suy nghĩ sâu xa trong nội tâm, từ những hình ảnh xót xa của đời thường trong thời dịch bệnh Covid-19 hoành hành.

Từ đó, chúng ta hồi tâm nhìn lại sự mong manh của cuộc sống. Đâu là những giá trị vĩnh cửu của đời người. Thế nào là thể hiện cách sống yêu thương với đồng loại. Sự hy sinh, xả thân phục vụ. Sự chia sẻ, sự đùm bọc lẫn nhau.

Chúng ta cảm nhận sự sâu xa hơn về Ý nghĩa ngày Thứ Năm Tuần Thánh, về Bí Tích Thánh Thể, chức Tư Tế và Điều răn về Tình Bác Ái Huynh Đệ.

Thứ Sáu Tuần Thánh: Mầu nhiệm Thập Giá

[Chỉ một mình chủ tế hôn kính Thánh Giá.

Trong phần Lời Nguyện Chung, sau lời nguyện số X, nên thêm lời nguyện sau đây:

XI. Cho những nạn nhân của đại dịch hiện nay

Anh chị em thân mến, ta hãy cầu cho thế giới đang trong cơn đại dịch, và cho tất cả chúng ta biết kết hợp với mầu nhiệm Thánh Giá để đón nhận gian nan thử thách trong niềm tin yêu tín thác vào Chúa.

Thinh lặng cầu nguyện. Rồi linh mục đọc:

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đầy quyền năng và giàu lòng thương xót, xin đoái nhìn đến nỗi thống khổ của gia đình nhân loại trong cơn đại dịch, xin cứu chuộc những người đã qua đời, chữa lành các bệnh nhân, an ủi những gia đình đang đau khổ, nâng đỡ các bác sĩ, nhân viên y tế và những anh chị em thiện nguyện. Xin thương nghe lời Hội Thánh Chúa đang tha thiết khẩn cầu, cho cơn dịch bệnh mau chấm dứt, và cho chúng con cảm nhận được sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa để biết luôn chân thành liên kết với nhau. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen]

Xin cho tất cả chúng ta biết kết hợp với mầu nhiệm Thánh Giá để đón nhận gian nan thử thách trong niềm tin yêu tín thác vào Chúa.

Trong cơn đại dịch, biết bao cảnh sinh ly tử biệt. Trăm ngàn hoàn cảnh trái ngang, thiếu thốn, đau khổ… Liệu con người có còn vững niềm tin vào Thiên Chúa hay không.

Ta nhớ lại chuyện ông Gióp trong Cựu Ước, ông đã trả lời với vợ ông khi ông gặp cơn hoạn nạn:

“Trong tất cả những chuyện ấy (những tai ương đến với ông), ông Gióp không hề phạm tội cũng không buông lời trách móc phạm đến Thiên Chúa. Ông ngồi giữa đống tro, lấy mảnh sành mà gãi. Bấy giờ, vợ ông bảo: “Ông còn kiên vững trong đường lối vẹn toàn của ông nữa hay thôi? Hãy nguyền rủa Thiên Chúa và chết đi cho rồi! “ Nhưng ông Gióp đáp lại: “Cả bà cũng nói như một mụ điên. Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ, lại không biết đón nhận sao?” Trong tất cả những chuyện ấy, ông Gióp không để cho môi miệng thốt ra lời tội lỗi.”

Đỉnh cao của sự tín thác vào Thiên Chúa chính là Gương Chúa Giê-su trên Thập Giá. Trong nỗi thương đau tột cùng, hướng về Chúa Cha, Đức Giê-su đã nguyện cầu thống thiết: “Lạy Cha, lạy Cha, sao Cha bỏ con?” (Mc 15,34; Mt 27,46).

Thập Giá – Tột đỉnh đau khổ mà Đức Giê-su Ki-tô Con Thiên Chúa phải chịu,  mở rộng trước mắt chúng ta chân trời bao la Tình Yêu Của Thiên Chúa

Suy niệm từ Thánh Giá, Chiara Lubich đã nói những nói những lời đẹp như một bài thơ hạnh phúc cho nhân loại:

“Ðể chúng con được hiệp nhất, Chúa đã chịu xa cách Chúa Cha.
Ðể chúng con được khôn ngoan, Chúa đã trở nên “dốt nát”.
Ðể chúng con được trở nên vô tội, Chúa đã trở thành người “tội lỗi”.
Ðể chúng con Hy Vọng, Chúa đã hầu như tuyệt vọng.
Ðể Thiên Chúa ở trong chúng con, Chúa đã cảm nghiệm tình trạng bị xa cách Thiên Chúa.
Ðể chúng con chiếm hữu Thiên Ðàng, Chúa đã cảm nghiệm Hỏa ngục.
Ðể chúng con được vui sống trên mặt đất này giữa hàng trăm anh chị em, Chúa đã chịu cảnh bị gạt bỏ khỏi trời đất, khỏi loài người và thiên nhiên.

Chúa là Thiên Chúa, là Thiên Chúa của con, là Thiên Chúa của tình yêu thương vô bến bờ của “chúng con” (C. Lubich, Perché fosse mostro il cielo, in: Città Nuova, 1975,3, p.35).

Vì, cuối cùng, Đức Ki-tô đã dẫn con người qua Đường Thánh Giá đến chân trời hạnh phúc khi phó thác tất cả vào Chúa Cha. “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).

Thứ Bảy Tuần Thánh: Exsultet – Tin Mừng Phục Sinh

[Phần “Khai mạc trọng thể giờ Canh Thức hoặc nghi thức thắp sáng”

– Không làm phép rửa.
– Sau khi thắp Nến Phục Sinh, hát “Exsultet” ngay để công bố “Tin Mừng Phục Sinh”.

Trong phần “Phụng vụ Thanh Tẩy”: Chỉ giữ lại việc “lập lại lời hứa khi nhận bí tích Thánh Tẩy”.]

Tin Mừng Phục Sinh là trung tâm điểm của Niềm Tin Kitô Giáo.

Và, “Con tim đã vui trở lại” là khi con tim đó “nhận ra Tình Yêu Cứu Độ của Thiên Chúa.” từ nguồn suối tình yêu tinh tuyền của Thiên Chúa, con người mới tìm thấy được một thế giới màu xanh sự sống, thế giới đó có sự hài hòa trật tự trong vạn vậtsự hòa hợp giữa những con tim đã được đổi mới cùng hòa nhịp yêu thương trong Tình Yêu Thiên chúa.

Làm sao có thể một thế giới màu xanh nếu thế giới không có Hòa Bình. Làm sao thế giới có Hòa Bình nếu thế giới ấy chứa toàn những con người mang trái tim chai đá.

Ta sẽ ban cho chúng một trái tim và đặt thần khí mới vào lòng chúng. Ta sẽ lấy khỏi mình chúng trái tim chai đá và ban cho chúng một trái tim bằng thịt. (Ezekien11,19)

Những trái tim chai cứng chỉ biết lên án tất cả những gì nằm ngoài luật lệ. Nhưng Chúa sẽ làm mềm những trái tim ấy. Sự dịu hiền của Thiên Chúa có thể lấy đi trái tim chai đá, và thay thế những con tim khô cứng ấy bằng những trái tim biết yêu thương. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta. (Thánh lễ tại nhà nguyện Marta, 02.05.2017).

Hai môn đệ trên đường Emmau cũng như chúng ta ngày nay, với nhiều nghi ngờ, với nhiều tội lỗi, thường khi chúng ta muốn rời xa con đường Thập giá. Chúng ta cần được Chúa Giêsu đồng hành nâng đỡ, để Ngài có thể sưởi ấm tâm hồn chúng ta. (Thánh lễ tại nhà nguyện Marta, 02.05.2017).

Trong tình cảnh đại dịch thế giới ngày nay, lòng người cần mở rộng hơn. cần thay thế những con tim chai đá trước tha nhân bằng những trái tim biết yêu thương đồng loại. Tình yêu sẽ xoa dịu vết thương nhân trần, đem con người đến gần nhau hơn trong sự đồng hành nâng đỡ và sưởi ấm những tâm hồn đã lạnh cóng vì những hoàn cảnh đau thương và làm sống lại niềm hy vọng đã vùi chôn trong nấm mồ đau thương của thân phận cát bụi của con người.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng

Bài liên quan

Check Also
Close
Back to top button