Đức Mẹ của Kinh Thánh và Đức Mẹ của lòng sùng kính
Ronald Rolheiser, 2018-06-25
Có nhiều người tin rằng: Người Công giáo La Mã có khuynh hướng sùng bái Đức Mẹ, còn người Tin Lành và phái Phúc âm thì có khuynh hướng bài trừ Đức Mẹ. Cả hai đều không chuẩn lắm.
Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, có hai tuyến lịch sử trong truyền thống Kitô giáo. Chúng ta có Đức Mẹ trong Kinh thánh, và Đức Mẹ của lòng sùng kính, và cả hai đều góp những phần đặc biệt cho hành trình Kitô hữu của chúng ta
Đức Mẹ của lòng sùng kính thì được biết đến nhiều hơn, chủ yếu là trong Công giáo La Mã. Đây là hình ảnh Đức Mẹ trong chuỗi mân côi, Đức Mẹ của các đền thánh nổi tiếng, Đức Mẹ Sầu bi trong các kinh, Đức Mẹ dịu dàng chuyển cầu cho chúng ta đến với Chúa, Đức Mẹ tinh tuyền và trinh khiết, Đức Mẹ hiểu nỗi đau của con người, Đức Mẹ làm kẻ sát nhân phải mềm lòng, và Đức Mẹ mà chúng ta luôn có thể chạy đến kêu cầu.
Và Đức Mẹ này, trên hết là Mẹ của người nghèo. Karl Rahner từng chỉ ra rằng khi nhìn vào mọi lần Đức Mẹ hiện ra mà đã được Giáo hội công nhận, bạn sẽ để ý thấy rằng mẹ luôn hiện ra với người nghèo, một đứa bé, một nông dân, một nhóm trẻ em, một người không có địa vị xã hội. Đức Mẹ không bao giờ hiện ra với một thần học gia đang nghiên cứu, một giáo hoàng, hay một triệu phú. Mẹ luôn là người mà người nghèo hướng về. Lòng sùng kính Đức Mẹ chính là thần nghiệm của người nghèo.
Ví dụ như, chúng ta thấy rất rõ điều này trong tác động của Đức Mẹ Guadalupe lên Châu Mỹ La tinh. Trong toàn châu Mỹ, hầu hết các thổ dân đều là Kitô hữu. Tuy nhiên, ở Bắc Mỹ, nơi hầu hết thổ dân là Kitô hữu, Kitô giáo lại không phải là một tôn giáo bản địa, mà là một tôn giáo du nhập từ nơi khác đến. Còn ở Châu Mỹ La tinh, khắp nơi mà giáo dân sùng kính Đức Mẹ Guadalupe, thì Kitô giáo được xem là một tôn giáo bản địa.
Nhưng lòng sốt sắng và sùng kính cũng có nguy cơ trật đường về mặt thần học và gây nên sự ủy mị không lành mạnh. Đây cũng là vấn đề trong hình ảnh Đức Mẹ của lòng sùng kính. Chúng ta có khuynh hướng nâng Đức Mẹ lên hàng thần thánh (mà thế là sai) và chúng ta quá thường sùng kính Mẹ đến nỗi trong tâm thức của chúng ta, một Đức Mẹ của lòng sùng kính không thể nào là một người khiêm hạ đã hát lên bài Magnificat. Đức Mẹ của lòng sùng kính quá thường bị tôn vinh với sự sốt sắng, đơn giản hóa thái quá, và phi tính dục như thể cần bảo vệ Mẹ khỏi những phức tạp của thân phận con người. Nhưng Đức Mẹ của lòng sùng kính vẫn cho chúng ta đối diện rõ ràng hành trình tâm linh của mình.
Còn Đức Mẹ của Kinh thánh và vai trò mà các Tin Mừng khác nhau đã nói đến về Mẹ, thì bị làm ngơ hơn nhiều.
Trong Tin mừng Nhất lãm, Đức Mẹ được thể hiện như hình mẫu người môn đệ. Nói đơn giản hơn, Mẹ là một con người chuẩn mực ngay từ đầu. Nhưng chúng ta lại không nhận ra như thế ngay lập tức. Nhìn bề ngoài, đôi khi chúng ta lại thấy ngược lại. Ví dụ như, trong nhiều dịp Đức Giêsu nói chuyện với đám đông, có người cắt lời và báo rằng mẹ và người thân của Ngài đang chờ bên ngoài và muốn nói chuyện với Ngài. Và Chúa Giêsu trả lời: “Ai là mẹ Ta và ai là anh chị em của Ta? Là người nghe lời Chúa và tuân giữ.” Khi nói thế, Chúa Giêsu không có thái độ xa cách với mẹ mình, mà ngược lại thì đúng hơn. Trong các Tin mừng, trước chuyện này, các thánh sử đã rất cẩn thận chỉ ra rằng Đức Mẹ là người đầu tiên nghe lời Chúa và tuân giữ. Và như thế, chính Chúa Giêsu nêu bật mẹ mình trên hết là vì đức tin của Mẹ, chứ không phải vì huyết thống. Trong Tin mừng Nhất lãm, Đức Mẹ là hình mẫu cho tinh thần môn đệ. Mẹ là người đầu tiên nghe lời Chúa và tuân giữ.
Tin mừng theo thánh Gioan còn cho Mẹ một vai trò khác. Mẹ không phải là hình mẫu cho tinh thần môn đệ (một vai trò mà thánh Gioan trao cho người môn đệ Chúa thương và Maria Magdalena) nhưng được xem là Evà, mẹ của nhân loại, và là mẹ của mỗi người chúng ta. Thú vị là, thánh Gioan chưa từng nói ra tên của Đức Mẹ, ngài luôn luôn nói là “Mẹ của Chúa Giêsu.” Và với vai trò này, Đức Mẹ làm hai điều:
Thứ nhất, Mẹ là tiếng nói cho sự hữu hạn của con người, như khi Mẹ lên tiếng trong tiệc cưới Cana “họ hết rượu rồi.” Trong Tin mừng theo thánh Gioan, đây không chỉ là cuộc nói chuyện giữa Đức Mẹ và Chúa Giêsu, nhưng còn là cuộc nói chuyện giữa Mẹ Nhân loại và Thiên Chúa. Thứ hai, là Evà, Mẹ toàn thể và Mẹ chúng ta, Đức Mẹ cũng bất lực trong và trước nỗi đau của con người khi Mẹ đứng dưới chân thập giá. Trong biến cố này, Mẹ cho chúng ta thấy mình là Mẹ của toàn thể, nhưng cũng là một gương mẫu về cách đương đầu với sự bất công, cụ thể là đứng trong sự bất công đó mà không nhân đôi hận thù và bạo lực đó nhưng đáp lại bằng yêu thương.
Đức Mẹ đã cho chúng ta một gương mẫu tuyệt vời, một gương mẫu không phải để chúng ta tôn sùng hay làm ngơ, nhưng là để sống.
J.B. Thái Hòa dịch