Những bức thư từ Kyiv: Linh mục dòng Đa Minh kể về cuộc chiến ở Ukraine
by Phanxicovn
cath.ch, Bernard Hallet, 2022-03-23
Linh mục Jaroslav Krawiec dòng Đa Minh, bề trên tu viện Mẹ Thiên Chúa ở trung tâm thành phố Kyiv. Kể từ ngày 26 tháng 2, linh mục gởi về trang Công giáo Thụy Sĩ “sổ tay từ Ukraine”. Hôm nay là sổ tay thứ 14, ngày thứ 27 của chiến ở Ukraine.
Vào ngày 27 của cuộc chiến ở Ukraine, các cuộc bắn phá vẫn tiếp tục vào các thành phố lớn của đất nước. Quân đội Ukraine đang cố gắng đẩy lùi các lực lượng Nga, tổng thống Zelensky xin châu Âu chi viện để có đủ phương tiện chống lại Nga. Chế độ của Vladimir Putin đang tăng cường đàn áp trên đất nước Ukraine.
Anh chị em thân mến,
Hôm qua tôi đi bộ một đoạn dài vòng thành phố Kyiv. Tốt cho sức khỏe của tôi, và để tôi khỏi bị cám dỗ đi xe buýt hoặc tàu điện ngầm, các phương tiện mà tôi thường bị cám dỗ dùng. Thật ra giao thông công cộng không còn. Ở cổng tu viện có một trạm dừng xe buýt và xe trolleybus. Họ có lời xin lỗi dễ thương: “Chúng tôi xin lỗi vì sự cố bất tiện tạm thời này”… “Sự cố bất tiện tạm thời”… Làm sao trong chiến tranh lại xin lỗi như thế này! Tôi nghĩ lời xin lỗi này phải từ quân đội Nga và bất cứ ai đã khơi lên tất cả những thứ địa ngục này!
Đầu tiên tôi đến Podil, khu phố cổ ở bờ tây dòng sông Dniepr. Thời Trung cổ, ở đây có một tu viện dòng Đa Minh, bây giờ hoàn toàn biến mất, và sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, nơi này hiện nay là trụ sở của nhà xuất bản “Kairos” và Viện Thánh Tôma của chúng tôi.
Tại một nơi có tên là Zhitnii Rynok (Chợ lúa mạch đen) là dãy chợ không hoạt động trong thời kỳ chiến tranh, bên trong vẫn giữ phong cách đặc trưng thời xô viết, tôi thấy một cửa hàng còn mở và đầy thức ăn Ý. Tôi hy vọng một ngày nào đó nó sẽ hữu ích cho tôi.
Tôi dừng lại ở tòa nhà cũ của cảng Kyiv để nhìn dòng sông Dniepr. Đây là nơi theo truyền thuyết, Thánh Hyacinthe đã chân khô đi qua sông khi trốn khỏi thành phố. Ngài cầm trên tay Mình Thánh Chúa và hình Đức Mẹ.
“Chúng tôi xin lỗi vì sự cố bất tiện tạm thời này”… trên màn hình điện tử của xe buýt gần tu viện | © Jaroslav Krawiec
“Mọi thứ đều qua, trừ Chúa và tình yêu”
Ở quảng trường, trước tòa nhà, có tượng các em bé nhỏ đang chơi đùa. Những ngày này, hình ảnh này thật cảm động. Tôi nhìn chúng khi đi qua các con đường trong thành phố. Rõ ràng là có ít trẻ em hơn trên đường phố vì có lẽ đa số các em đã rời thành phố với cha mẹ. Thỉnh thoảng mới thấy trẻ em. Tôi đi ngang qua một cô gái tuổi teen đang đi dạo với cha của em, em nắm tay ông. Theo tôi, dường như các em vừa đến tuổi trưởng thành đã biết những gì đang xảy ra, hẳn các em bị chấn động mạnh với chiến tranh. Có khi còn hơn cả những em không hiểu chuyện gì đang xảy ra.
“Chiến tranh cướp đi những năm tháng đẹp nhất của tuổi trẻ cách tàn bạo nhất”.
Chiến tranh cướp đi những năm tháng đẹp nhất của tuổi trẻ cách tàn khốc nhất. Rõ ràng, bàn tay người cha là điều mà cô gái trẻ này đang cần. Tôi nghĩ cô ấy thật may mắn khi có người cha rất gần với cô. Một cô gái khác đi xe tay ga ở quảng trường, nơi có bức tượng của Gregory Skovoroda, một nhà tư tưởng lớn của Ukraine. Lời của ông đã được Đức Gioan-Phaolô II trích dẫn tại Kyiv năm 2001: “Mọi thứ đều qua, nhưng tình yêu vẫn còn sau tất cả những gì đã mất. Mọi thứ đều qua, trừ Chúa và tình yêu”.
Rõ ràng là bây giờ ít có trẻ em trên các đường phố Kyiv vì đa số các em đã rời thành phố với cha mẹ | © Keystone / EPA / Sergey Dolzhenko
Tiếp tục đi, tôi quan sát các cha mẹ nhưng thường là các bà mẹ. Họ quá buồn, họ ngơ ngác, họ không còn tập trung như thử đầu óc họ để nơi khác. Và điều đó có lẽ đúng. Có thể trong suy nghĩ của họ, họ đang cùng chồng bảo vệ Ukraine. Hoặc có thể họ đang đấu tranh với những suy nghĩ về tương lai, với những nỗi sợ hãi và lo lắng.
Tôi bị một phụ nữ tội nghiệp đẩy xe chở đầy hai chai nước và những thứ khác đụng phải. Cô nắm tay dắt đứa con hai tuổi bước đi. Những lúc như thế này, tôi muốn giúp đỡ nhưng lại cảm thấy mình bất lực. Tôi nhìn họ khi họ đi qua, làm cho người lính đứng bên kia đường chú ý. Lịch sự nhưng quả quyết, anh xin tôi đến gần, kiểm tra giấy tờ và đề nghị tôi đi con đường khác.
Tôi leo dốc, gần như hết hơi từ Podil đến Vladimiro Kalva. Đây là công viên xinh đẹp mang tên tượng đài Thánh Volodymyr, người đã đưa kitô giáo đến cho Kievan Rus. Nhà vua ngự trên bệ cao, tay cầm thánh giá và nhìn ra xa, ở bờ phía Tây dòng sông. Ở đâu đó ngoài kia, trận chiến đang diễn ra trong thành phố. Từ hôm qua thỉnh thoảng người ta đã nghe thấy từ trung tâm thành phố Kyiv. Ở đây, trong công viên, một cặp vợ chồng trẻ đang chạy bộ; một vài người già đang thanh thản đi. Tôi muốn thưởng thức cảnh bình an của dòng sông từ cây cầu kính mới, nhưng không được phép vào đó.
Người lính và sôcôla
Một người lính xin tôi một điếu thuốc. Thật không may, tôi không hút thuốc. Trước chiến tranh, khi gặp những người mặc đồng phục ở Ukraine không phải lúc nào cũng dễ chịu, nhất là khi bị cảnh sát giao thông chặn lại. Bây giờ, giống như mọi người, tôi nhìn những người này với cặp mắt kính phục. Họ thực sự bảo vệ chúng tôi. Người dân cho họ thức ăn thức uống. Nhiều người trong số họ lịch sự từ chối vì lý do an ninh, đặc biệt là những người lính.
Cha Tôma nói với tôi, cha đã tặng hộp sôcôla cho anh lính ở một trong những trạm kiểm soát, người kiểm tra giấy tờ và xe của cha. Rất đơn giản, chỉ vậy thôi. Cha nhìn thấy đôi mắt của anh ngấn lệ. Cử chỉ này chắc hẳn đã chạm đến trái tim cha. Thật không may, tôi không có thuốc lá ngày hôm qua. Lẽ ra tôi đã mua và mang đến cho anh, nhưng tất cả các cửa hàng trong khu vực đều đóng cửa. Có lẽ tôi nên giữ một bao thuốc bên mình, đề phòng ai đó xin tôi.
Nhà thờ Thánh Sophia ở Kyiv hiện là viện bảo tàng | © Wikimedia / CC BY-SA 4.0
Tôi đi dạo ở Nhà thờ Thánh Saint Sophia. Đây là nhà thờ quan trọng nhất ở Kyiv. Bây giờ nhà thờ là viện bảo tàng, nhưng di sản tinh thần là điểm quy chiếu cho tất cả nhà thờ byzantin. Vài ngày trước, Cha Peter, người tiền nhiệm của chúng tôi ở Kyiv, được mời dự buổi cầu nguyện đại kết cho hòa bình cử hành tại nhà thờ này. Sự hiện diện của cha dòng Đa Minh mặc áo trắng và đội mũ đen là biểu hiện tượng trưng cho sự hiện diện của dòng Đa Minh ở thủ đô Ukraine kể từ thời Thánh Hyacinthe. Tu sĩ dòng Đa Minh gọi Kyiv là nhà, và các giám mục đầu tiên phục vụ từ bờ sông Dniepr là tu sĩ của Dòng chúng tôi.
Hôm qua, khi nhìn những mái vòm vàng và tháp chuông của Nhà thờ Thánh Sophia, tôi nghĩ những nhà thờ này thật uy nghi và quá đẹp, cũng bất lực trước những quả bom và tên lửa của Nga như chúng tôi, như người dân Kyiv trong chiến tranh. Cách đó không xa, phía trên cửa hông tôi thường đi để vào nhà thờ, tôi nhìn thấy bức tượng Tổnh lãnh Thiên thần Micae bằng vàng, với chiếc khiên và thanh kiếm trên tay. Bức tượng lấp lánh trong tia nắng cuối cùng của hoàng hôn. Tôi nghĩ, có lẽ chúng tôi không hoàn toàn bất lực. Tổng lãnh Thiên thần là thánh bổn mạng thành phố Kyiv và cũng là thánh bảo trợ cho hạt Đaminh Ukraine của chúng tôi.
Một lá thư của cha cựu bề trên tổng quyền Timothy Radcliffe
Tối hôm qua, tôi nhận bức thư cảm động của cha Timothy Radcliffe, cha là cựu bề trên tổng quyền của chúng tôi. Trước đó vài ngày cha gởi e-mail bày tỏ lòng tương trợ của cha và cầu nguyện cho chúng tôi. Cha viết cho tôi, cha rất tiếc đã không ở Ukraine cùng với chúng tôi. Cha hỏi tôi liệu cha có thể làm gì đó cho chúng tôi không. Tôi mạnh dạn trả lời, cha có thể làm được và đề nghị cha viết một thư cho gia đình Đa Minh ở Ukraine. Khi cha Timothy là bề trên tổng quyền, một số anh em chúng tôi ở Ukraine là học sinh đã được đào tạo ở Krakow. Những lá thư của cha luôn tràn đầy ánh sáng và hy vọng từ Chúa. Ngày hôm nay, chúng tôi cần hai điều này. Cha Timothy đã đóng góp rất nhiều trong việc tái thiết sứ mệnh của Dòng Đa Minh tại các nước thuộc Liên Xô cũ. Thư của cha đến vào ngày hôm sau. Cha nói đúng; trong chiến tranh, mọi khoảnh khắc đều quan trọng.
Vì chúng ta đang cùng nhau xây dựng những điều tốt đẹp, vì nhiều người trong số các bạn đang theo dõi thư của tôi, liên tục ủng hộ chúng tôi và Ukraine đau khổ một cách quãng đại theo nhiều cách, tôi muốn kết thúc thư bằng câu nói: “Đôi khi bạn có thể tự hỏi mình đang làm điều gì tốt. Làm sao những hành động nhỏ này có thể chống lại sức công phá của tên lửa, xe tăng và máy bay? Nhưng Chúa của mùa màng sẽ thấy, không một hành động tốt nào sẽ hoài đi. Cũng giống như tất cả những mảnh bánh vụn của bữa ăn cho năm ngàn người, không có hành động tử tế nào sẽ bị lãng phí. Ngài sẽ làm nảy sinh hoa trái mà chúng ta sẽ không bao giờ hình dung được.”
Với lời chào thân thiết và lời cầu nguyện,
Jarosław Krawiec OP,
Kyiv, ngày 22 tháng 3 năm 2022, 7 giờ tối
Marta An Nguyễn dịch