Bản tin Phanxicô.vnTin tức

Phụ nữ ở Vatican, từng bước đi nhỏ của Đức Phanxicô

by Phanxico.vn

http://phanxico.vn/wp-content/uploads/2021/09/phu-nu-o-vatican-tung-buoc-di-nho-cua-duc-phanxico-630x420.jpg
Nữ tu Alessandra Smerilli

Ngày thứ năm 26 tháng 8, Đức Phanxicô bổ nhiệm nữ tu Alessandra Smerilli vào vị trí chủ chốt trong Giáo triều la mã đã làm sống lại cuộc tranh luận về vị trí của phụ nữ trong Giáo hội. Với một số người, đây là hoạt động giao tiếp, với một số khác, đây là khuynh hướng cơ bản, nữ tính hóa hệ thống phân cấp của Giáo hội dường như được dùng để khơi dậy sự tiến hóa chậm chạp của tâm thức.

la-croix.com, Wolf Besmond de Senneville, Rôma, 2021-09-02

Tin tức được đưa ra vào cuối tháng 8, việc bổ nhiệm không trôi qua tình cờ. Ngày thứ năm 26 tháng 8, Đức Phanxicô bổ nhiệm nữ tu kinh tế gia Alessandra Smerilli, 46 tuổi, làm Thứ trưởng Bộ Phát triển Con người Toàn diện. Theo ngôn ngữ Vatican, đây là nhân vật số 2 của Bộ, cùng với hồng y Peter Turkson đảm trách các vấn đề trọng tâm của giáo hoàng như các vấn đề di cư, từ thiện, kinh tế hoặc sinh thái học. Sự kiện gây ấn tượng mạnh, vì đó là lần đầu tiên: chưa bao giờ có một phụ nữ làm Thứ trưởng trong Giáo triều la-mã.

Do đó, chúng ta có nên thấy, như một số người lập luận, rằng hệ thống cũ sắp bắt đầu vỡ, phụ nữ sẽ chiếm trọn vị trí trong hệ thống cấp bậc cao nhất của Giáo hội? Hay ngược lại, chỉ đánh bóng thay vì giao tiếp đích thực?

Trên thực tế, sơ Smerilli không phải là phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm ở một vị trí cao ở Vatican. Tháng 2, nữ tu Pháp, Nathalie Becquart, Dòng Xaviê được chọn làm Phó thư ký Thượng Hội đồng Giám mục. Tin tức này được đưa ra sau các cuộc bổ nhiệm khác, bà Francesca Di Giovanni, nhà ngoại giao Ý đầu năm 2020 đảm trách các quan hệ đa phương, Nữ tu Carmen Ros Nortes, bữ giáo dân Gabriella Gambino và Linda Ghisoni, cả hai là thành viên của Bộ Gia đình. Tất cả sáu phụ nữ ở các vị trí có trách nhiệm cao trước đây dành cho các giám mục.

Phân tích các bổ nhiệm này, một số người chỉ trích, như nhà báo và nhà hoạt động nữ quyền Lucetta Scaraffia, bà xem họ là “các vụ làm đẹp”. Bà nói: “Không có bất kỳ sự thay đổi nào trong cách Vatican đánh giá phụ nữ. Bằng chứng là thảm kịch của những vụ lạm dụng trên các nữ tu không bao giờ được xét một cách nghiêm túc, trong khi các lời khai thì rất nhiều. Điều đó có vẻ xa vời, nhưng với tôi, đó là bằng chứng cho thấy Giáo hội không xem trọng lời nói của phụ nữ.”

Ngược với bà Lucetta Scaraffia, người có cái nhìn nghiêm khắc nhất về những bước tiến này, những người khác kêu gọi “xem các vụ bổ nhiệm này ở một bối cảnh rộng hơn”, chẳng hạn nhà báo Bénédicte Lutaud, tác giả quyển sách về phụ nữ và các giáo hoàng (Femmes des papes, nxb. Le Cerf), bà cho rằng: “Đức Giáo hoàng phá bỏ từng rào cản một, từng chút một, nhường chỗ cho phụ nữ trong các lĩnh vực khác, chẳng hạn như phụng vụ hoặc thần học. Một ám chỉ đến các quyết định của giáo hoàng để mở ra sự suy tư về chức phó tế phụ nữ, hoặc thừa tác vụ đọc sách hay giúp lễ mà trước đây chỉ dành cho nam giới. Đương nhiên trên giấy tờ ngài có thể đi xa hơn. Nhưng chúng ta không nên đánh giá thấp sự cự lại mà ngài phải đối diện.” Sự miễn cưỡng, cũng như những phản ứng bên ngoài Vatican.

Một phụ nữ không phải là người Âu châu làm việc trong một Bộ cho biết: “Sau khi sơ Smerilli được bổ nhiệm, bạn không thể tưởng tượng được số lượng tin nhắn tôi nhận được từ các linh mục, họ hỏi tôi để biết giáo hoàng đang làm gì.” Tóm lại: “Đức Phanxicô biết mình bị các chức trách công giáo trên thế giới theo dõi. Những gì ngài làm ở đây gởi cho họ một thông điệp khá rõ ràng.”

Phong trào hướng đến nữ hóa các chức trách trong Giáo hội đi đôi với việc chuyên nghiệp hóa Giáo triều, đã được thực hiện từ nhiều năm, chủ yếu kể từ thời Đức Bênêđictô XVI và được Đức Phanxicô đẩy mạnh kể từ ngày ngài được bầu chọn. Trên thực tế, sáu phụ nữ được Đức Phanxicô bổ nhiệm ở cấp cao đều được chọn vì kỹ năng của họ, mỗi người trong lĩnh vực chuyên ngành của mình, kinh tế, ngoại giao, thần học, gia đình.

Sự nữ tính hóa Giáo triều đi kèm với một phong trào khác: đó là để giáo dân vào các vị trí có trách nhiệm ngày càng tăng. Một nguồn tin của Vatican cho biết: “Sự cản trở đích thực, đó là chận giáo dân vào ban lãnh đạo của một bộ. Trên thực tế, mọi trục của Đức Phanxicô là ngắt bỏ trách nhiệm của người tu sĩ.” Điều này có lợi cho giáo dân, nam giới và phụ nữ. Vì thế, tháng 7 năm 2018, việc bổ nhiệm nhà báo Ý Paolo Ruffini, làm trưởng Bộ trưởng bộ Truyền thông đã đẩy cái chốt đầu tiên.

Một trong các bà nói: “Là một giáo dân nam hay một giáo dân nữ ở Vatican sẽ dễ dàng hơn không? Thành thật mà nói, tôi không biết.” Một bà khác nói: “Giữa một nam giám đốc và một nữ giám đốc, nam giám đốc nặng ký hơn. Một vài giám chức không chấp nhận có sự hiện diện của phụ nữ.”

Trên thực tế, sự nữ tính hóa này của Giáo triều có tác động vượt ngoài các cấp trên hoặc các giám đốc điều hành. Theo tuyên bố của Hiệp hội Phụ nữ Vatican, phụ nữ chiếm 22% số nhân viên của Vatican, hơn 1000 người trong số 4.500 nhân viên phục vụ giáo hoàng. Một nhà quan sát tinh tế thừa nhận: “Có rất nhiều nữ phụ tá hơn các nữ giám đốc hoặc nữ trưởng phòng.”

Dù sao, việc mở cửa cho phụ nữ tuy chậm nhưng chắc. Bà Romilda Ferrauto nói: “Địa vị của chúng tôi rõ ràng là đã được bình thường hóa, trong khi hai mươi năm trước, là phụ nữ là thiệt thòi”, bà Ferrauto là cố vấn của Dịch vụ Báo chí của Tòa Thánh, đồng sáng lập Phụ nữ ở Vatican, tổng biên tập viên phân bộ tiếng Pháp của Đài phát thanh Vatican. Bà nói tiếp: “Tôi nhìn thấy điều này nơi con mắt của những người tôi nói chuyện. Khi tôi bắt đầu vào nghề, khi tôi gặp một giám chức, họ xem tôi như người phụ việc. Khi tôi có hẹn ở một bộ, họ hỏi tôi làm gì ở đây. Họ làm cho tôi cảm thấy tôi không có chỗ ở đây.” Một cảm giác mà theo bà bây giờ không còn.

Với nhiều phụ nữ được hỏi, ở Giáo triều cũng như ở các cấp cao trong thứ trật, họ đều cho biết tác động của giáo hoàng là không thể đảo ngược. Một trong các bà nói: “Đây là những bước rất nhỏ, chúng ta phải kiên nhẫn, nhưng nó đang trên đường đi.” Một phụ nữ khác nói: “Tôi không biết làm sao chúng ta có thể đi lui. Các linh mục và giám mục trẻ cởi mở hơn so với các vị lớn tuổi. Và cuộc khủng hoảng lạm dụng cũng củng cố ý tưởng, rằng hàng giáo sĩ sẽ không tự mình thoát ra được.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài liên quan

Back to top button