Bản tin Phanxicô.vnTin tức

Trói buộc và tháo cởi | Cha Ronald Rolheiser

by Phanxicovn

Ronald Rolheiser, 2021-11-01

http://phanxico.vn/wp-content/uploads/2021/11/troi-buoc-va-thao-coi-635x420.jpg

Nói với ai đó bằng cả tấm lòng rằng “Tôi yêu bạn” cũng đồng nghĩa với nói rằng, “Bạn sẽ không bao giờ chết”. Triết gia Gabriel Marcel của thế kỷ 20 đã viết những dòng này và chúng đồng hưởng với những dòng được viết cách đây 500 năm, những lời của chân phước Magdalen Panattieri, Dòng Ba Đa Minh, viết cho một người bạn, “Tôi sẽ không thể hạnh phúc trên thiên đàng nếu bạn không cùng ở đó”. Hơn nữa, cả Marcel và Panattieri đều đồng vọng lại những lời của Chúa Giêsu cách đây hai ngàn năm: “Điều gì anh trói buộc dưới đất thì trên trời cũng trói buộc, điều gì anh tháo cởi dưới đất thì trên trời cũng tháo cởi”.

“Trói buộc và tháo cởi” nghĩa là gì? Một trong nhiều ý nghĩa của chúng là, chúng ta, một kitô hữu, một thành phần trong nhiệm thể Chúa Kitô, như Chúa Giêsu khi Ngài bước đi trên trần gian, chúng ta có sức mạnh để phân phát lòng thương xót và sự tha thứ của Thiên Chúa và trở thành sợi dây cứu vớt kết nối những người khác với gia đình của Chúa. Nếu ai đó kết nối với chúng ta là họ kết nối với Chúa Kitô và cộng đoàn cứu rỗi.

Trong những bài viết trước đây, tôi từng dùng ví dụ này để minh họa. Cứ tưởng tượng bạn có một đứa con, một người vợ, người chồng, hoặc một người bạn không chịu đi lễ và thờ ơ hoặc thù địch với tôn giáo, một người có vẻ tách lìa hoàn toàn với cộng đoàn đức tin. Tuy nhiên, miễn là bạn yêu thương người ấy và người ấy không từ chối tình yêu của bạn, thì người ấy sẽ không bị hư mất. Miễn là giữa hai người có mối dây yêu thương, thì người ấy được liên kết với nhiệm thể Chúa Kitô và với cộng đoàn cứu rỗi, và đây chính là điều mà Gabriel Marcel ngụ ý khi nói rằng, nói với ai đó bằng cả tấm lòng rằng “Tôi yêu bạn” cũng đồng nghĩa với nói rằng, “Bạn sẽ không bao giờ chết”.

Gần như mọi lúc tôi viết về chủ đề này, tôi đều bị chất vấn về tính chính thống của nó (dù tôi chưa hề bị chất vấn chuyện này bởi một thần học gia chuyên nghiệp hay một giám mục). Và lời chất vấn luôn là một trong hai hướng này. Một nhóm thì phản đối thế này: Làm sao cha nói như vậy được? Chỉ có Chúa Kitô mới có quyền làm thế! Mỉa mai thay, chính câu sau đã tự trả lời cho câu trước rồi. Đúng thế, chỉ có Chúa Kitô mới có quyền làm thế, nhưng chúng ta là nhiệm thể Chúa Kitô. Và chính Chúa Kitô đang làm việc đó, chứ không phải chúng ta. Nhóm thứ hai thì phản đối rằng họ thấy khái niệm này khó tin: Làm sao có thể như thế được? Nếu đúng là thế thì quá tốt, tốt đến mức không tin nổi! Nhưng chẳng phải sự nhập thế cũng như vậy sao? Một  việc quá tốt đẹp, tốt đến mức không tin nổi. Sự nhập thể cho chúng ta sức mạnh đó và từ đó, như chân phước Magdalen Panattieri nói, chúng ta có sức mạnh để nói với Chúa, rằng thiên đàng của chúng ta cần có những người chúng ta yêu thương.

Có lẽ còn có một chất vấn nghiêm túc hơn nữa, là thế này: Chính xác thì năng quyền này được ban cho ai? Chẳng phải nó được ban cho thánh Phêrô, Đại diện Chúa Kitô, và mở rộng ra với giáo hội thể chế với năng quyền theo bí tích, chứ không phải cho mọi kitô hữu chân thành sao?

Chúng ta xem qua phúc âm thánh Matthêu, chương 16, chúng ta thấy năng quyền này được trao riêng cho thánh Phêrô mà thôi. Bối cảnh là thế này: thánh Phêrô vừa có lời tuyên xưng đức tin mạnh mẽ, nói rằng Chúa Giêsu là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Đáp lại, Chúa Giêsu bảo ông, “Anh là Phêrô nghĩa là tảng đá và trên đá này Thầy sẽ xây hội thánh của Thầy. Và cửa địa ngục sẽ không thắng nổi. Thầy ban cho anh chìa khóa thiên đàng. Điều gì anh trói buộc dưới đất thì trên trời cũng trói buộc, điều gì anh tháo cởi dưới đất thì trên trời cũng tháo cởi”.

Vậy là chuyện tháo cởi và ràng buộc chỉ dành riêng cho Phêrô thôi sao? Không, đúng hơn là qua Phêrô, điều này được ban cho toàn hội thánh và cho tất cả những ai cùng tuyên xưng một đức tin như Phêrô. Nó được trao cho tất cả những ai tuyên xưng rằng Chúa Giêsu là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống bởi vì chính sự tuyên xưng đức tin và tình yêu đã khiến cho “tảng đá” trở nên không một thế lực nào kể cả địa ngục có thể thắng nổi. Khi chúng ta cùng tuyên xưng một đức tin như Phêrô, chúng ta cũng trở thành tảng đá, với năng quyền tháo cởi và ràng buộc.

Khi tuyên xưng đức tin, chúng ta trở nên thành phần trong Nhiệm thể Chúa Kitô và từ đó, như khi Chúa Giêsu sống trên địa cầu, khi người khác chạm đến chúng ta là chạm đến Chúa Kitô.  Hơn nữa, chính Chúa Giêsu đã bảo đảm với chúng ta rằng “bất kỳ ai tin vào Ta sẽ làm được những việc mà chính Ta làm, và sẽ còn làm những việc lớn lao hơn nữa”. (Gioan 14, 12)

Tình yêu chính là sức mạnh tối hậu trong đời. Thiên Chúa là tình yêu, và đến tận cùng sẽ chỉ còn lại tình yêu. Nội ở mức độ con người thuần túy, chưa kể đến đức tin, chúng ta đã cảm nhận được sức mạnh của tình yêu như một sự đến tận cùng có thể đương cự tất cả. Tình yêu là đá tảng. Chắc chắn đây cũng là trường hợp trong sự nhập thể. Tình yêu là đá tảng mà Chúa Giêsu xây hội thánh của Ngài trên đó. Do đó, khi chúng ta yêu thương ai đó và người ấy đáp lại, thì tư cách thành phần nhiệm thể Chúa Kitô cho chúng ta năng quyền để nói rằng thiên đàng của tôi sẽ bao gồm người thân yêu này.

J.B. Thái Hòa dịch

Bài liên quan

Back to top button