Nhà thờ Saint-Étienne-du-Rouvray: Thế nào là “nghi thức sửa chữa?”
lavie.fr, Julien Auriach, 2016-0830
Ngày 2 tháng 10, nhà thờ Saint-Étienne-du-Rouvray, nơi Linh mục Jacques Hamel bị giết chết ngày 26 tháng 7-2016 sẽ được mở lại cho công chúng và giáo dân. Sẽ có một “nghi thức sửa chữa” trước khi mở lại. Nghi thức này là gì?
Sau cái chết của Linh mục Jacques Hamel, nhà thờ Saint-Étienne-du-Rouvray đóng cửa. Trên trang mạng của địa phận Rouen có loan: “Một nghi thức ăn năn để sửa chữa sẽ được cử hành ở nơi thờ phượng đã bị xúc phạm này”.
“Sau vụ tấn công, nhà thờ đã mất tính thiêng liêng, có nghĩa là nơi thờ phượng không còn được dâng lễ một cách xứng đáng. Thánh Thể đã được lấy đi khỏi Nhà Tạm, cũng như khăn thánh và các thánh tích trên bàn thờ”, giáo sư Arnaud Dumouche giải thích, ông là giáo sư khoa học tôn giáo ở Viện Thánh Giuse Chatelêt (nước Bỉ).
Thế nào là nghi thức sửa chữa?
Mỗi lần “các nơi thờ phượng bị xúc phạm bởi những hành động lăng nhục nặng nề” thì giám mục địa phận phải làm nhanh nhất có thể nghi thức sửa chữa này, để có thể tiếp đón lại các giáo dân. Đây là một nghi thức bắt buộc được ghi vào điều khoản 1211 của Giáo Luật.
Cụ thể là một thánh lễ “xin tha thứ cho tội đã phạm ở đây”, Linh mục José Antonini giải thích, cha là cha xứ của giáo xứ Saint-Louis de Fontainebleau, người đã đồng tế một thánh lễ như vậy ngày 24 tháng 1 vừa qua, sau khi nhà thờ của cha bị cháy. Thánh lễ được giám mục cử hành trước chỉ một vài tín hữu, giám mục mặc áo tím (màu của ăn năn sám hối), ngài tiến lên bàn thờ mà không hôn bàn thờ, “vì bàn thờ đã bị xúc phạm. Đây là một cử chỉ tự chính nó mang nhiều ý nghĩa”.
Cử chỉ quan trọng sau đó là “làm phép nước trong khi hát kinh Kyrie, sau đó rảy nước thánh lên những nơi bị xúc phạm, mang lại cho các nơi này sự tinh tuyền trong phép rửa của nó”. Dâng thánh lễ, thắp đèn nhà thờ và ban phép lành cuối cùng đánh dấu sự phục hồi vĩnh viễn của nhà thờ.
Có nghi thức nào trước đây như vậy ở Pháp không?
Tháng 5-2013, Giám mục Jérôme Beau phu tá địa phận Paris đã phải làm nghi thức này ở Nhà thờ Đức Bà Paris sau vụ ông Dominique Venner dùng súng tự tử ở đây. Ông là sử gia, khảo luận gia cực hữu đã dùng súng bắn một phát chết trước bàn thờ chính của Nhà thờ Chính tòa.
Ngày 10 tháng 1 vừa qua, một người ngoài lề đã làm cháy nhà thờ Fontainebleau. Hai tuần sau đó, cha José đón Giám mục địa phận về để chính thức mở lại nhà thờ. Rất nhiều giáo dân đã có mặt bên cạnh các đại diện thị chính của họ. Cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy cũng đến dự. Cha xứ giáo xứ Saint-Louis giải thích cho báo Parisien: “Không phải chỉ có cộng đoàn công giáo bị xúc phạm mà cả Fontainebleau bị xúc phạm trong căn tính của mình.”
Đâu là tác dụng của hành vi này?
Linh mục Brémond d’Ars, nhà xã hội học của Trung tâm Nghiên cứu các sự kiện tôn giáo của Liên hội cho biết “nghi thức sửa chữa tác động đến những chuyện hơi xưa, trong các thế kỷ đầu tiên của Giáo hội, nó có tác dụng trừ ma.” Nhưng linh mục địa phận Paris nói thêm: “Nhưng cùng một lúc tác dụng cho cả thời đương đại, bởi vì tất cả mọi thế hệ đến cần đến nó.”
Đối với Linh mục Nicolas Dumouche, “thì đây là một việc làm có tính cách tâm lý: một hành vi thánh thiêng, một hành vi chạm đến sự nhạy cảm của giáo dân”, vì nó có thể làm cho giáo dân vượt lên được chấn thương của mình.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch