Thiện Tâm – Thánh Tâm | NVT
SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN A 14
(Mt.5,38-48)
****
THIỆN TÂM – THÁNH TÂM
38 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. 39 Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. 40 Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. 41 Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. 42 Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.
43 “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. 44 còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. 45 Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. 46 Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi ? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao ? 47 Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao ? 48 Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.
___________________
SUY NIỆM
THIỆN TÂM – THÁNH TÂM
Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện. (Mt.5,48).
1. Hãy nên hoàn thiện
Cách sống Thiện theo kiểu phàm nhân
Ta vẫn nghe ông bà xưa dạy phải “Ăn ngay ở lành”, “làm ăn lương thiện”… Những lời dạy rất chung chung, thường theo lương tâm, “Thiện căn ở tại lòng ta”, không có một quy luật văn bản nào rõ ràng, Những luật đời không có luật nào đi sâu vào “tình người”, những tình huống đòi hỏi sự tự nguyện hy sinh vì tha nhân, vì đồng loại. Nhưng, ai cũng có thể nhận ra người này là người hiền lành, người kia là người hung ác, người này là người đạo đức, kẻ nọ là tên bất lương.
Để kết luận một người là sống tốt, ở đời có đức, nói chung, người ta quan sát cách người đó ứng xử hằng ngày trong gia đình, với chòm xóm, với mọi người, với thái độ hiền lành, nhịn nhục, kiểu “một câu nhịn chín câu lành”, không hãm hại ai, biết quan tâm giúp đỡ mọi người.
Tuy nhiên, theo thường tình, người ta dừng lại ở thứ quan hệ “sòng phẳng”. “Bánh ít đi, bánh quy lại”, “có qua có lại mới toại lòng nhau”… “Thương người như thể thương thân”, nhưng người không thương ta, ta khó mà thương lại được…Điều đó cũng nằm trong cái triết lý “bánh ít đi bánh quy lại”, người không có cảm tình với ta, thì ta cũng lạnh lùng lại với họ, cho cân xứng…
Từ đó, ta thấy xuất hiện, cũng rất thường tình, cách quan hệ “ăn miếng trả miếng”.
Người này chưởi người kia một câu, người kia chưởi lại người nọ một câu. Người này đánh người nọ một cái, người nọ đánh lại người kia một cái… Nước này bắn hỏa tiễn vào làng mạc nước kia, nước kia đem bom dội xuống thành phố nước nọ…
Kẻ thù bắn ta một phát, may mắn tránh khỏi, ta bắn hắn một phát, hắn bị trọng thương…Ta bỏ đi, mặc hắn nằm quằn quại với vết thương chờ chết, ta không bắn hắn thêm một phát để kết liễu đời hắn là “nhân từ” lắm rồi. Đó là một “cuộc chơi sòng phẳng”!
Cứ thế, không xa với luật “Mắt đền mắt, răng đền răng”, “Hãy yêu đồng loại và ghét kẻ thù”…
Luật như vậy dễ chấp nhận, “hợp tình hợp lý” với cách sống phàm phu tục tử. Theo sát luật là được rồi, cao cả hơn nữa dưới mắt người đời là dại thôi. Tình yêu quá lớn, đối với phàm nhân, lại là một tình yêu khó hiểu !
“Phải, trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1Cor 1, 22).
2. Hoàn Thiện như Cha trên trời
Cách sống Thiện theo Thánh Ý Chúa
Cái được gọi là “thiện căn” đã bị mờ đi vì sự dữ nhập vào thế gian – con người tội lỗi – nên điều Thiện không còn trọn vẹn theo thánh ý Chúa như thuở ban đầu. “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp” (St.1,31). Thế gian đã trở nên bị giới hạn, và con người cũng bị giới hạn sự sống. “Do một người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian, và do tội lỗi mà có sự chết, và thế là sự chết đã truyền tới mọi người, vì lẽ rằng mọi người đã phạm tội” (Rm.5,12).
Một trong những cái bị giới hạn đáng sợ, đó chính là sự “thiện”. Vì, con người sa lầy trong tội lỗi, mất ơn nghĩa cùng Chúa, tách lìa khỏi Thiên Chúa, con người không còn được thiện hảo theo hình ảnh Thiên Chúa.
Chới với trong vũng lầy tội lỗi, con người không còn nhận ra “hình ảnh Thiên Chúa”, con người bị cắt đứt khỏi nguồn cội, con người “mất gốc”, con người không thể nhận ra “Cha trên trời là Đấng Hoàn Thiện” như thế nào, cũng như con người không thể nhận ra thế nào là Tình Yêu Thiên Chúa, thế nào là “Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót”.
Mãi cho đến khi con người được Chúa Cha ban tặng Người Con Một của mình là Đức Giê-su, con người mới nhận ra được hình ảnh đích thực của Thiên Chúa và hình ảnh đích thực của chính mình.
Ông Phi-líp-phê nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.” Ðức Giêsu trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha. (Ga.14,8-9).
Và, nhờ đó, con người mới có thể sống “hoàn thiện” như Cha trên trời, theo gương Chúa Giê-su, để được trở về nhà Cha, lại được nhận là con của Chúa.
“Anh em hãy học với Thầy vì Thầy có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 12,29).
Do đó, Thiện Tâm đúng nghĩa phải là cái tâm thiện như Thánh Tâm Chúa Giê-su. Đó mới là “nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng Hoàn Thiện
3. Từ Thiện Tâm kiểu con người đến Thánh Tâm Chúa Giê-su, con đường rất chông gai…
Ta vẫn thường nghe bài hát: “Thánh Tâm Chúa Giê-su, nguồn êm ái dịu dàng…”. Tình nào bằng Tình Yêu Giê-su. “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. (Mc 13, 34).
Từ Tình Yêu của Thiện Tâm con người, đến Tình Yêu của Thánh Tâm Giê-su là khoảng cách thật rất xa… Mịt mù xa…
Có thể đưa ra một thí dụ cụ thể nơi đây.
Đối với một số người có gương mặt hay hình thù dị dạng, ta e ngại đến gần, thậm chí có khi ghê tởm. Thật là khó để tỏ ra một cử chỉ yêu thương họ một cách chân thành.
Thế nhưng, vào cuối buổi triều yết chung, Thứ Tư, ngày 6 Tháng 11 năm 2013, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã âu yếm ôm hôn Vinicio Riva, 53 tuổi, người Ý, có gương mặt mọc đầy khối u vì bệnh u sợi thần kinh.
Sau khi được Giáo hoàng chúc phước, Riva đã có đủ dũng khí để xuất hiện trên mặt báo với gương mặt dị dạng của mình. Ông nói rằng cái ôm của Giáo hoàng giống như “thiên đàng” đồng thời cho biết thêm: “Ngài (tức Giáo hoàng) thậm chí còn không ngập ngừng suy nghĩ về việc có ôm tôi hay không. Căn bệnh của tôi không có khả năng lây nhiễm, nhưng ông không biết điều đó. Và ông đơn giản đã làm điều đó: vuốt ve tôi khắp trên gương mặt và khi ông làm thế, tôi chỉ cảm thấy tình yêu…Tôi cảm thấy như con tim rời khỏi thể xác mình. Ông hoàn toàn im lặng, nhưng đôi khi bạn có thể nói nhiều hơn khi chẳng nói gì.” (Nguồn: AFP).
Nhận định về việc này, một người Tin Lành đã viết trong một bài báo nhân dịp Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô được tạp chí TIME xướng tên là “Nhân vật của năm 2013” vào Thứ Tư, ngày 11 tháng 12 năm 2013, trong đó có đoạn:
Tôi đã đến Vatican và Vatican không kêu lên: “hãy quan tâm đến người nghèo.” Về truyền thống, Giáo hoàng ngồi trên một cái ngôi vàng theo nghĩa đen. Tuy nhiên, vị Giáo hoàng này đã ôm những người mà thế giới này thẳng thừng né tránh.
Điều đó phản ánh một lối sống khiêm nhường, chủ động loại bỏ những cái hào nhoáng, và hòa đồng với những người bị gạt ra ngoài lề xã hội. Liệu chúng ta có nhận lấy tư thế khiêm nhường này không? Làm thế nào để chúng ta được biết đến vì trong thái độ khiêm nhường và tử tế, chúng ta đã hòa mình với những người bị gạt bỏ? (Ed Stetzer – Christianitytoday.com).
“Ôm hôn” một người dị dạng đã là khó, ôm hôn kẻ thù còn khó vạn lần hơn ! Hay nói một cách khác, khó tha thứ, khó yêu thương kẻ thù biết bao !
Ta dừng lại một vài giây phút để ngẫm nghĩ câu chuyện vui này:
Một anh nhà nghèo đang sống khổ sở, một hôm được một Tiên Ông hiện ra và bảo rằng: “Ta sẽ cho con một điều ước, con muốn gì thì tức khắc được như ý, nhưng con nên nhớ rằng, ngay khi đó, ai là kẻ thù số một của con sẽ được gắp đôi điều con vừa có được”.
Anh nhà nghèo liền nghĩ ngay đến việc mình sẽ đổi đời: Một cuộc sống giàu sang đang sắp ở trong tầm tay. Ước gì ư ? – Một kho tàng châu báu. Một dinh thự nguy nga đầy kẻ hầu người hạ. Một khu vườn tuyệt vời như Vườn Thượng Uyển bậc vua chúa, đầy hương thơm hoa trái, rộn ràng với tiếng chim đua hót và tiếng suối reo… Anh chìm đắm trong hạnh phúc tương lai, nhưng chợt anh thức tỉnh và mất hứng khi nghĩ đến kẻ thù số một của anh sẽ có gắp đôi điều anh đang có ! Thật, không thể nào chịu nổi được hình ảnh kẻ thù bổng dưng hạnh phúc chính nhờ anh, lại hạnh phúc gắp đôi anh !
Ngẫm nghĩ một lúc, anh thưa với Tiên Ông: “Thưa Ngài, xin cho con được mù một con mắt !”. Lòng anh tràn ngập niềm vui khi nghĩ đến kẻ thù từ nay cả đời sẽ chìm trong tăm tối, và thầm cảm phục sự chọn lựa khôn ngoan của mình. Dù mình mất đi một con mắt, nhưng vẫn còn ánh sáng, còn hắn thì tiêu luôn hai con mắt, thật đáng đời hắn. Anh cũng thấy tiếc cái hạnh phúc mình sắp đánh mất, nhưng đổi lại, anh cảm thấy hả giận vô cùng !
Vị Tiên Ông nhìn anh buồn bã, rồi chậm rải nói: “Rất tiếc, Ta là Thần Thiện, ta không thể thực hiện điều Ác”.
Nói xong, Tiên Ông biến mất !
Ôi, trên đời này, người thông minh, có học vị cao, tài cao hiểu rộng thì nhiều, mà người hiền lành, giàu tình người, giàu lòng nhân hậu thì rất hiếm !
Tôi mơ một Giáo Hội làm mẹ và làm mục tử. Các thừa tác viên của Giáo Hội phải nhân hậu, biết thương xót, chịu trách nhiệm đối với dân và đồng hành với họ như người Samaria nhân hậu, người chịu rửa ráy, lau chùi và nâng người hàng xóm dậy. (ĐGH Phan-xi-cô trả lời phỏng vấn của Cha Sparado).
“Tôi mơ”… Niềm ước mơ ấy cũng chính là mong muốn của Chúa Giê-su nơi chúng ta – mọi người Ki-tô hữu. “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”. (Mt.5,48).
Thiện tâm của con người – dù con người cố gắng vươn lên cao bao nhiêu, vẫn không thoát được giới hạn thấp hèn của kiếp nhân sinh, nếu không có Ơn Thánh Linh và nguồn sức mạnh vô biên của Chúa Phục Sinh thông ban và biến đổi lòng người.
Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đic-tô đã khẳng định:
“Một đời sống thánh thiện chủ yếu không phải là kết quả cố gắng riêng và hoạt động của chúng ta nhưng chính Thiên Chúa, Đấng Chí Thánh (Is 6,3) làm cho chúng ta nên thánh, chính hoạt động của Chúa Thánh Linh, Đấng gọi chúng ta từ nội tâm, chính sự sống của Chúa Kitô Phục Sinh được thông ban cho chúng ta, biến đổi chúng ta” (ĐGH Bê-nê-đic-tô XVI).
“Chính nhờ Người (Chúa Giê-su Ki-tô), với Người, và trong Người”, mà con người mới có thể hoàn thiện như Cha chúng ta trên trời là Đấng hoàn thiện, điều đó chúng ta đã được Chúa Cha mạc khải:
“Ðây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người !” (Mt.17,5).
Con đường hoàn thiện, con đường Giê-su, đầy thử thách, nhưng ta vẫn vững tin tiến bước, vì Chúa Giê-su, Đấng thấu suốt lòng ta, sẽ thêm sức mạnh cho ta đi đến bến bờ mơ ước, nếu ta không rời xa tình Ngài.
“Ai ở trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được”. (Ga.15,5).
LỜI NGUYỆN
Ta đang rất bình yên
Có bốn bức tường vây bọc
Ta đang rất độc lập
Là hòn đảo giữa đại dương…
Ta chẳng cần biết ai trên mọi nẻo đường
Ai gục ngã, ai người đói lả…
Ai bạn, ai thù, mặc ai…tất cả
Mặc tình đời ai ghét, ai thương…
Chợt cảm nhận sự trống vắng lòng ta…
Đây cuộc sống hay là cõi chết ?
Mà lạnh ngắt như đời đã hết
Mà rợn người như bãi tha ma…
Con quỳ xuống giữa rừng người cằn cỗi
Yêu thương tàn, nẩy mầm hạt đau thương
Kinh sám hối đón chờ Ơn Cứu Rỗi
Kinh Tình Yêu vang vọng bến Thiên Đường.
Amen.
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG
(Bài viết năm 2014)
_____________________
Bạn có thể đọc thêm bài viết năm 2011 tại Địa Chỉ:
http://thegioiriengtu.com/dung-chan/416-chua-nhat-7-thuong-nien-a-hay-yeu-ke-thu