Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Chiếm hữu được viên ngọc quý | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN A 14
(Mt.13,44-52)
****

CHIẾM HỮU ĐƯỢC VIÊN NGỌC QUÝ

44 Khi ấy, Đức Giê-su kể cho dân chúng dụ ngôn này: “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.

45 “Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. 46 Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.

47 “Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. 48 Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. 49 Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, 50 rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.

51 “Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không?” Họ đáp: “Thưa hiểu.” 52 Người bảo họ: “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ.”
___________

SUY NIỆM

CHIẾM HỮU ĐƯỢC VIÊN NGỌC QUÝ !    
     

Tìm ra viên ngọc quý…

Những gì quý giá thường con người lấy hình ảnh “viên ngọc quý” để diễn tả. Từ sự việc, vật chất đến con người. Thí dụ như Sài Gòn trước 1975 thường gọi là “hòn ngọc viễn đông”. Đặc biệt trong lãnh vực tình yêu, người được yêu luôn được sánh ví như “viên ngọc quý” mà gần như người ta sẵn sàng trả bằng mọi giá khi người ta muốn chiếm hữu. Cái giá phải trả không chỉ là cái giá đắt được tính bằng tiền bạc, mà cả địa vị, danh dự, có khi cả lý tưởng nữa.

Ta thử suy gẫm cái giá phải trả để chiếm hữu hai “viên ngọc quý” mỹ nhân  trong hai chuyện tình sau đây:

1. Chuyện tình hoàng tử Saleem và nô lệ Anarkali

Năm 1615 ở Lahore (Ấn Độ), hoàng tử Saleem – con trai của hoàng đế xứ Mughal – Akbar đem lòng yêu một cô nô lệ xinh đẹp tên là Anarkali. Vẻ đẹp quyến rũ của Anarkali đã mê hoặc và hấp dẫn chàng hoàng tử. Chẳng bao lâu sau, tình yêu của họ nảy nở và trở nên sâu sắc. (hình)

Akbar và vợ vô cùng xấu hổ khi con trai mình dành tình yêu cho một người đầy tớ tầm thường. Nhà vua tìm mọi cách để chia rẽ họ. Vua Akbar nghĩ ra cách đấu võ với con trai mình và sau khi thắng, ông ra lệnh cho hoàng tử chọn, một là cái chết hoặc Anarkali sẽ phải chết.

Hoàng tử Saleem đã chọn cái chết nhưng Anarkali không thể đứng nhìn người yêu chết vì mình. Cô chấp nhận đánh đổi mạng sống của mình chỉ để có được một đêm bên người yêu. Sau đêm đó, Akbar đã cho chôn sống Anarkali trong một ngôi mộ gạch. Ngôi mộ này vẫn còn cho tới tận hôm nay như là minh chứng cho lòng cao thượng, hy sinh cho tình yêu. (INTERNET)

  1. Hoàng tử Edward và Wallis Simpson

Câu chuyện này kể về sự hy sinh của cải và quyền lực cho tình yêu một cách đầy cảm động của hoàng tử Anh Edward và phụ nữ xinh đẹp người Mỹ tên Wallis Simpson. Wallis Simpson đã ly dị chồng và cùng chung sống với hoàng tử Edward. Tuy nhiên, Wallis không thể trở thành nữ hoàng Anh do vẫn mang quốc tịch Mỹ. (hình).

Edward đã trở thành vua của nước Anh vào năm 1936 nhưng ông đã sớm thoái vị ngai vàng để được kết hôn với người phụ nữ mình yêu. Tình yêu của họ càng ngày càng sâu đậm, họ sống hạnh phúc bên nhau. Edward qua đời vào ngày 28 tháng 5 năm 1972 còn Wallis đã sống thêm 14 năm nữa và gần như tách biệt với thế giới. Bà qua đời vào ngày 24 tháng 4 năm 1986. (INTERNET).

Viên ngọc quý đích thực

Câu chuyện “viên ngọc quý đích thực”:

Một hôm, có một người kia gặp một nhà tu hành đi qua làng, ông vội chạy theo kêu lên: “Xin ông cho tôi viên ngọc quý trong cái bị của ông”. Nhà tu hành ngạc nhiên hỏi “Viên ngọc quý nào?”. Ông ta nói: “Đêm qua tôi nằm mơ thấy có ông tiên bảo là nếu tôi được viên ngọc quý của nhà tu hành sẽ đi qua làng hôm nay, tôi sẽ là người giàu có nhất trên đời. Vậy xin ông cho tôi viên ngọc quý đó”. Nhà tu hành tốt bụng móc trong bị ra và nói: “Có phải cái này không? Tôi mới nhặt được ở cánh đồng bên kia bờ suối. Nếu ông muốn thì tôi biếu ông”.
Người ấy sung sướng cầm lấy viên ngọc quý, cám ơn rồi đi ngay về nhà, trong bụng nghĩ thầm: “Từ nay mình sẽ là người giàu có, không phải vất vả gì nữa”. Thế nhưng tối hôm ấy tâm trí ông áy náy, tâm hồn ông bồn chồn, trằn trọc không sao ngủ được. Sáng hôm sau, ông cầm viên ngọc đi tìm nhà tu hành và gặp thấy nhà tu hành ấy đang ngủ ngon lành dưới gốc cây. Ông rón rén đến gần đánh thức dậy và nói: “Thưa ông, tôi xin trả lại ông viên ngọc quý này, xin ông ban cho tôi viên ngọc quý khác, tức là sự phong phú của tâm hồn, đã làm ông có đủ can đảm cho tôi viên ngọc quý này mà không tiếc xót”.

Viên ngọc quý nào mãi mãi cho riêng ta ?

Viên ngọc quý nào thật sự có giá trị mãi mãi cho đời ta ?

Hòa lẫn trong dòng đời bao chuyện thật hư, vàng thau lẫn lộn.

Trí tuệ giới hạn của con người cũng không phải lúc nào cũng phân định được đâu là chân giá trị đâu là thứ chỉ có giá trị nhất thời.

Ta suy gẫm thêm về hai mẩu chuyện nhỏ này:

Một người kia đi băng qua sa mạc và anh gặp một trận bão cát. Anh phải ẩn núp ở dưới một gốc cây đơn độc hiếm hoi mấy ngày liên tục giữa sa mạc và bầu nước của anh dần khô cạn. Anh phát hiện gần nơi anh ở có vật gì lộ lên sau bão cát, anh bươi cát lên và phát hiện một túi vàng bạc châu báu, anh cũng phát hiện gần đó lộ lên vài khúc xương trắng của con người. Có ai đó chắc cũng đã gặp nạn như anh. Họ đã chết vì thiếu nước khi không thể tiếp tục hành trình. Vàng bạc châu báu quý giá đã không thể giúp gì cho họ. Điều ấy sắp lập lại cho anh nơi đây hôm nay.

Lại có một người nọ vượt qua đại dương, anh gặp giông bão sóng to gió lớn, thuyền anh chìm, sóng đưa anh ra xa và anh ngụp lặn chờ chết. Chợt anh vớ được một tấm ván mục nát đầy rong rêu, anh bám chặt vào nó. Anh vững tin phó mặc mình trôi giạt theo từng đợt sóng chờ đợi ai đó vớt được mình. May mắn cho anh, những ngọn gió ân huệ đã đưa đẩy anh vào bờ vào một buổi sáng đầy nắng ấm. Tấm ván mục nát rong rêu không chút giá trị đã góp phần giúp anh thoát nạn.  

Những giá trị vật chất của cuộc đời không có gì vĩnh cửu. Nên cái được “gọi là” hay “xem như” một thứ “viên ngọc quý” nếu chỉ dừng lại mức độ giá trị mà thế gian đề cao hay thậm chí “tôn thờ”, nó không đem lại cho đời người niềm vui sống đích thực càng không đem lại cho thế giới này một mái ấm đại gia đình nhân loại yêu thương hạnh phúc dài lâu.

Chiếm hữu được viên ngọc quý

Thế giới đang đi về đâu ?

Bom đạn hủy diệt biết bao nhiêu “viên ngọc quý” mà nhân loại tìm tòi, khám phá, hay gầy dựng…

Con người tiến đến được nển văn minh ngày nay phải mất hàng vạn năm, nhưng con người muốn trở về thời “đồ đá” chỉ mất vài giờ !

“Tôi không biết Chiến tranh Thế giới thứ 3 sẽ xảy ra khi nào nhưng tôi biết rằng Chiến tranh Thế giới thứ 4, người ta sẽ dùng đá và gậy để ném nhau!” (Albert Einstein).

Rõ ràng, con người được tất cả thế gian, mà “cái tâm” không có, thì nguy hiễm đến thế nào !

“Cái Tâm” ấy, trước tiên  lớn lên từ cái “nhân tâm” tốt lành:

“Chữ tâm kia mới bằng 3 chứ tài” (ND),

Cho đến “tâm linh” cao cả là con đường chiếm hữu “viên ngọc quý đích thực” mang ý nghĩa hoàn hảo của đời người.

“Một giọt thánh thiện đáng giá hơn một đại dương tài năng.” (Charles Gounod – 1818-1893).)

Điều ấy đã được Chúa Giê-su kết luận:

“Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào có ích gì?” (Mt 16, 26).

“Không mất linh hồn” chính là chiếm hữu được viên ngọc quý vậy !

Lạy Chúa,

Nơi Chúa, con tín thác.
Đức tin là “viên ngọc quý” cho đời con.

Cho con sức mạnh để chiếm hữu và gìn giữ.
Hôm nay, ngày mai và đời đời.
Vì Chúa là nguồn vui của đời con. Amen. 

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG
_________________
Nếu bạn muốn xem thêm bài suy niệm 2011, mời bạn vào địa chỉ:
http://thegioiriengtu.com/dung-chan/495-chua-nhat-17-thuong-nien-a-su-lua-chon-khon-ngoan

 

 

 

Bài liên quan

Back to top button