Antôn Nguyễn Văn TiếngChưa được phân loạiSuy niệm

CN.20.Tn.A. Tin Mừng Không Biên Giới | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN A
(Mt.15,21-28)
****

TIN MỪNG KHÔNG BIÊN GIỚI

21 Ra khỏi đó, Đức Giê-su lui về miền Tia và Xi-đôn, 22 thì này có một người đàn bà Ca-na-an, ở miền ấy đi ra, kêu lên rằng: “Lạy Ngài là con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!” 23 Nhưng Người không đáp lại một lời.

24 Người đáp: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ít-ra-en mà thôi.” 25 Bà ấy đến bái lạy mà thưa Người rằng: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!” 26 Người đáp: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con.” 27 Bà ấy nói: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.” 28 Bấy giờ Đức Giê-su đáp: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy.” Từ giờ đó, con gái bà được khỏi.

_________________

SUY NIỆM

TIN MỪNG KHÔNG BIÊN GIỚI

Sự cản trở duy nhất ở nơi đây, nếu có, là “sự giới hạn” mà Chúa Giê-su đưa ra để từ chối sự giúp đỡ người phụ nữ Canaan. Sự giới hạn, mà theo Ngài cho biết, đó là “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ít-ra-en mà thôi”. (Mt.15, 24).

Chương Trình Cứu Độ của Thiên Chúa tiệm tiến, qua từng giai đoạn lịch sử, từ Cựu Ước đến Tân Ước. Thiên Chúa đã chọn một Dân Riêng của Ngài để chuẩn bị cho Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Và Thiên-Chúa-làm-người quy tụ Dân Riêng của Ngài về một mối, rồi từ đó, Ơn Cứu Độ sẽ tràn lan toàn Thế Giới.

Chúa Giê-su không làm cho cả Thế Giới biết đến Ngài bằng quyền lực mạnh mẽ của Thiên Chúa trong một phút một giây, một ngày một buổi, một sớm một chiều, mà bằng chính từ sự mỏng dòn và yếu đuối của  con người trong chiều dài của lịch sử.

Đó là lúc Tin Mừng lan tràn cả thế giới từ chính những con người được Ngài tuyển chọn, những con người, đầy ơn sủng Thiên Chúa trao ban nhưng cũng đầy lầm lỗi, đã được sai đi. “Bấy giờ anh em sẽ làm chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Samari và cho đến tận cùng trái đất”(Cv.1,8).


Nhưng ngay lúc này, khi người phụ nữ Ca-na-an tha thiết xin ngài ân huệ, thì đó “chưa phải là lúc” Tin Mừng vượt ra khỏi biên giới “con chiên lạc của nhà Ít-ra-en”.

Hình ảnh của Giê-su đưa ra về “con chó con” không phải là cách nói của riêng Ngài, mà là sự suy nghĩ thù ghét, bài dân ngoại đã ăn sâu vào não trạng của người Do Thái, Chúa Giê-su lập lại để thấy “khoảng cách” giữa người Do Thái và “dân ngoại” vẫn còn đó.  Tất nhiên, các môn đệ của Chúa Giê-su cũng không thoát khỏi dòng suy nghĩ đó.

Theo William Barclay, bởi lòng kiêu căng, người Do Thái đã gọi dân ngoại là “những con chó ngoại đạo”, “những con chó vô tín ngưỡng”. Sau này họ gọi những người theo Kitô giáo là “những con chó Kiô hữu”. Một sự diễn tả đầy khinh bỉ! (xem “những bài sưu tầm”).

Có bản dịch Kinh Thánh còn chú thích : Phụ nữ Canaan “đó là một thứ ngoại kiều mà người Do Thái quen gọi bằng một giọng khinh bỉ : “Đồ chó má !”. (Chân dung Chúa Cứu Thế. Ra Khơi và Phan Sinh, Sài Gòn 1971. Imprimatur :  ĐGM. F.X. Trần Thanh Khâm).

Như thế, xem ra khó mà chấp nhận được “người này cũng là con cái của Thiên Chúa” ! Không ai là người Do thái chấp nhận được điều này. Chỉ nói đến người Samari thôi, thì đã đoạn giao rồi, huống chi người Canaan, là loại người mà dân Do Thái khinh bỉ và thù ghét nhất !

Chúa Giê-su không dễ dàng gì uốn nắn người Do Thái yêu thương những kẻ thù của họ.  Đối với những người Samari, Canaan , thì bài học “yêu thương kẻ thù” của Chúa Giê-su, thật là khó nuốt đối với người Do Thái.

Để xóa bỏ được một khoảng cách càng lớn, đòi hỏi một tình yêu càng mạnh.

Phá bỏ hàng rào ngăn cách, không có cách nào khác, ngoài khí cụ Tình Yêu !

Và “Tình Yêu” phải là “Tình Yêu của Chúa Giê-su”: “Yêu thương như Giê-su”. Đó là thứ “Tình yêu không biên giới”.

Tình yêu không biên giới

Tin Mừng không biên giới cũng có nghĩa là Tình Yêu không biên giới. Vì Tin Mừng là Tin Vui loan báo Chúa yêu thương.

Có nhiều thứ ranh giới. Thấy rõ nhất là những ranh giới địa lý. Những biên giới giữa các quốc gia.

Nhưng đáng sợ nhất là ranh giới trong tâm hồn. Ranh  giới trong tim. Người ta gạt ra khỏi con tim mình hình ảnh của kẻ thù. Đầu mối của mọi tranh chấp biên giới là sự hẹp hòi của con tim. Người ta  tạo ra những kẻ thù từ  tham vọng và ích kỷ.

Người ta không thể mở rộng lòng ra để tha thứ và đón tiếp kẻ thù, dù kẻ thù có khi chỉ là sản phẩm  của  hoài nghi hay tưởng tượng. Người ta loại trừ kẻ thù có khi chỉ vì kẻ thù tốt hơn ta !

Người ta đối xử với nhau như trước tòa án, phải có kẻ thắng người thua, kẻ khóc người cười, kẻ chết người sống.

Người ta kết án nhau tựa như bản thân mình chưa từng lầm lỗi,mạnh mẽ lên án người khác như thể mình là người hoàn toàn công chính. (bạn đọc yêu thích văn học, xin xem bài đọc thêm: truyện ngắn “Quan chánh án” của nhà văn Ấn Độ R. Tagore, Giải Nobel văn học 1913).

“Tên đầy tớ độc ác kia, Ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin Ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?”(Mt.18,23-34).

Người phụ nữ Canaan đau khổ vì đứa con gái bị quỷ ám, có khác gì nỗi đau khổ của  bà góa thành Na-im đang khóc đi sau chiếc quan tài của con trai mình không ? (Lc.7,11-17).

Cuộc sống mỗi người có thể khác nhau nhưng  có chung những đau khổ kiếp người, ai cũng cần được cứu giúp. Chúa luôn “chạnh lòng thương” trước những đau khổ của con người.

Tình yêu của Chúa Giê-su không có biên giới. Tin Mừng của Chúa Giê-su không có biên giới. Ngài đem đến cho mọi người tin yêu Ngài sự sống và hạnh phúc.

Người phụ nữ Canaan không thể kiên nhẫn như vậy nếu chị ấy không có một lòng tin mạnh mẽ vào Chúa Giê-su. Lòng tin mạnh mẽ cũng chính là tình yêu lớn lao vào Chúa Giê-su giúp chị vượt qua ranh giới định kiến mà người Do Thái đối xử với chị và với dân tộc chị.

Chúa Giê-su chỉ cần có thế. Ai có một niềm tin yêu vững vàng vào Ngài, đó chính là lúc Tin Mừng đã đến với họ. Đó cũng chính là lúc Ơn Cứu Độ đến với họ.

Chúa Giê-su  là quan án bao dung, nên không có loại trừ.
Tình yêu Ngài bao la, nên không có giới hạn.
Tấm lòng Ngài nhân từ nên không thể lạnh lùng.
Không có một biên giới nào trong Thế Giới Giê-su.

Trong cuốn tự thuật của Mahatma Gandhi, vị thánh của người Ấn Độ giáo, ông kể lại rằng trong thời gian còn là học sinh, ông đã đọc Phúc Âm và nhìn thấy trong những lời giảng dạy của Chúa Giêsu câu trả lời cho vấn nạn lớn lao của người dân Ấn Độ phải giải quyết với chế độ đẳng cấp. Đang khi suy nghĩ một cách nghiêm chỉnh về đức tin Kitô giáo, một buổi sáng Chúa nhật, Gandhi bước vào nhà thờ với ý định sẽ bàn thảo với mục sư về tư tưởng của mình. Tuy nhiên, vừa bước vào trong nhà thờ, người dẫn chỗ ngồi đã từ khước không tìm chỗ và đề nghị ông nên bước ra ngoài đi đến nhà thờ dành riêng cho giai cấp của ông. Gandhi đã bỏ nhà thờ và không bao giờ trở lại nữa. Sau này ông nói: “Nếu những người Kitô hữu cũng có những đẳng cấp khác nhau, thì tốt hơn tôi nên ở lại với Ấn Độ giáo”. Vì sự kỳ thị và phân biệt mà người đàn bà Canaan và ông Gandhi đã bị loại trừ. (x. những bài sưu tầm).

Thế giới còn nhiều người chưa nhận biết Chúa Giê-su. Ngược lại, nhiều người đã đón nhận Chúa Giê-su vẫn đang bao bọc xung quanh mình ranh giới riêng tư với những cánh cửa vẫn đang khép kín.

“Hạnh phúc thay ở trong Nhà Chúa”, còn ở ngoài ai chết mặc ai… Đó là thứ ranh giới vô hình thật đáng sợ.

Lạy Chúa Giê-su,

Xin mở rộng lòng con,
giàu có yêu thương,
hy sinh và tha thứ,C
như Thánh Tâm Chúa. Amen.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

Bài liên quan

Back to top button